Thứ năm, 28/03/2024,


60 năm Hội nhà văn Việt Nam: Ấn tượng về một đội ngũ (02/04/2017) 

    Trong lịch sử của văn học Việt Nam kể từ khi có chữ viết thì Hội Nhà văn Việt Nam đương thời cũng chỉ mới có 60 năm xây dựng và phát triển (1957-2017).Văn chương đương đại Việt Nam nảy nở từ đời sống gian nan của dân tộc, là con đẻ của nhân dân; khi lớn dần lên, nền văn chương ấy lại trở thành người bạn đồng hành đầy tin cậy của những người sinh dưỡng ra mình.


                                                            

 


    Khi nói đến thành tựu văn học của nhân dân Việt Nam trong sáu mươi năm qua là nói đến một khái niệm rộng lớn hơn thành tựu 60 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dù không thể phủ nhận, từ khi các nhà văn Việt Nam được tập hợp đưới mái nhà chung của Hội Nhà văn Việt Nam thì đã có thêm nhiều cơ hội để đóng góp cho thành tựu chung rộng lớn của nền văn học nước nhà. Khi đánh giá một giai đoạn văn học, trước tiên chúng ta nhìn vào danh mục các tác phẩm và đội ngũ tác giả mà giai đoạn văn học đó đóng góp trước hết cho dân tộc, đất nước và cuối cùng là cho nhân loại. Trong sáu mươi năm qua, các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã tập hợp được một đội ngũ các tác giả hùng hậu, sáng tạo ra một khối lượng tác phẩm đồ sộ phản ánh được hầu như tất cả các khía cạnh đời sống chiến đấu, lao động, dựng xây và đấu tranh cho phẩm giá con người của nhân dân ta trong một giai đoạn lịch sử bi tráng nhất. Để đo đếm được những giá trị đó là rất khó khăn, nhưng chỉ nhìn qua một con số thống kê: Đã có 53 hội viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 129 hội viên được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm, cụm tác phẩm, các công trình nghiên cứu văn học có giá trị nghệ thuật đặc biệt xuất sắc hoặc giá trị nghệ thuật cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn học, văn hóa Việt Nam trong một chặng đường 60 năm thì cũng dễ dàng để chúng ta đi đến một kết luận không phải quá khiêm nhường - Hội Nhà văn Việt Nam đã thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình, là nơi tập hợp, dẫn dắt và hỗ trợ sáng tạo cho đội ngũ những người cầm bút Việt Nam nguyện đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, đất nước trong sự nghiệp cách mạng vì một Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, phồn vinh, công bằng dân chủ và văn minh.

   Thành tựu này đương nhiên, có ngọn nguồn trực tiếp là đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam. Đường lối ấy, chính sách ấy đã được Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức triển khai, thực hiện thích hợp, được đông đảo người sáng tác tán thành, ủng hộ.

    Từ chỗ chỉ mới có vài chục hội viên sáng lập đến nay Hội đã có hơn một ngàn hội viên, có mặt khắp các vùng miền, có đại diện của mọi tầng lớp xã hội, mọi dân tộc tôn giáo... Với đội ngũ này làm nòng cốt, Hội Nhà văn lan tỏa những ảnh hưởng của mình tới toàn xã hội để mọi người yêu văn chương đều được khuyến khích, định hướng sáng tạo, để quần chúng bạn đọc được hưởng thụ một nền văn học lành mạnh, trong trẻo, giàu tính nhân văn nhưng luôn dồi dào sức chiến đấu, luôn sát cánh cùng nhân dân chống lại mọi cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính để cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.

     Trong thời đại ngày nay, sáng tạo được coi là một phẩm chất cao nhất của trí tuệ con người, mọi người, dù ở bất kỳ đâu cũng đều được khuyến khích sáng tạo. Trong lĩnh vực văn học, rất nhiều người dù chưa phải là hội viên Hội Nhà văn nhưng đã có những tác phẩm xuất sắc, được xã hội thừa nhận, nhưng danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là một giá trị được đông đảo những người cầm bút hướng tới. Được biết, Ban Tổ chức - Công tác hội viên của Hội mỗi năm đều tiếp nhận hàng vài trăm đơn xin gia nhập Hội của các tác giả trong cả nước - Hội vẫn có sức mời gọi, sức hấp dẫn to lớn, điều đó nói lên rất nhiều về sự thành công của một tổ chức.

     Nếu cần nói tới một đặc điểm của nền văn học cách mạng ở nước ta từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì đó trước hết là một nền văn học được tổ chức, được định hướng phát triển mà điểm khởi đầu là Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Nhà văn nhà thơ Việt Nam từ đó được hình dung như một kiểu nhà văn kế thừa được truyền thống yêu nước thương nhà, nguyện sống và viết để đóng góp chút công sức, tài năng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước - quốc gia, hướng tới những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc và xác lập giá trị của mình trong nhân loại.

     Khi đất nước lâm nguy bởi thù trong giặc ngoài, họ là anh bộ đội, chị thanh niên xung phong, người công nhân mở đường thông tuyến hay một giáo viên, một bác sĩ, một xã viên giỏi giang…, lại cũng là một tay súng thực thụ, một cán bộ tuyên văn… ở hậu phương hoặc chiến trường.

     Trước và trong khi thực hiện công việc - sứ mệnh của một nhà văn - một thư ký trung thành của thời đại, họ luôn tự xác định mà trau dồi trang viết của mình theo hướng là phải có ích cho cuộc chiến đấu giải phóng của Tổ quốc và nhân dân đang tiến hành.

    Tôi sống cùng với đất nước của tôi, cùng đổ mồ hôi cùng sôi nước mắt và không hề tiếc cả sinh mệnh của mình… Hàng nghìn nhà văn nhà thơ Việt Nam đã nghĩ và hành xử như thế, nên nhiều người trong số họ đã được nhân dân và Tổ quốc tôn vinh, sự tích cuộc đời của họ thường có sức vẫy gọi nhiều văn nghệ sĩ và lớp lớp thanh niên cảm phục, noi theo. Họ là Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, là Nguyễn Mỹ, là Bùi Nguyên Khiết, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Thu Bồn…

    Khi giặc ngoại xâm đã bị đẩy lùi, cả nước bước vào thời kỳ tập trung lao động xây dựng và phát triển mới, thì các thế hệ nhà văn trong đội ngũ này lại bàn thảo với nhau để cùng chuyển hóa, tiếp tục thâm nhập thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đang lao động (và chiến đấu) ở mọi lĩnh vực, mọi miền quê - địa bàn... và lắng nghe chính ý thức công dân - trách nhiệm người cầm bút của mình để tập trung viết các tác phẩm mới, phản ánh trung thực cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng của đất nước mà nổi bật lên từ đó, là số phận của con người trong bối cảnh đang phải gắng gỏi lao động sản xuất cho đúng hơn, giỏi giang hơn… khi mà xung quanh mình đã xuất hiện những khó khăn mới, tệ nạn mới, nguy cơ mới.

    Lâu nay, đọc một truyện ngắn hoặc một tập tiểu thuyết, một số bài thơ hay cả một tập trường ca, người ta đều biết thêm được bao nhiêu chuyện, quen biết thêm bao nhiêu người, và cũng hiểu ra thật nhiều điều. Không phải mọi cuốn sách đều đã viết hết về một đời, cuộc đời rộng lớn hơn trang sách. Nhưng các mảng sống thực của người này người kia, cái buồn thương hay bâng khuâng nhung nhớ của một anh lính hay cô gái nọ, dòng sông bãi biển của quê tôi hay cánh rừng ngút ngát ở Tây Bắc hoặc Tây Nguyên của anh, một khi đã được nhà văn nhà thơ dựng lại từ sự chiêm nghiệm và tài năng nghệ thuật riêng của họ, thì đều làm cho suy tư của người đọc trở nên khoáng hoạt và sâu sắc hơn, sự yêu ghét hay bồi hồi trong họ cũng sôi động, dạt dào hơn.

    Hiện thực trong thơ văn ta bây giờ quả có phong phú và bề bộn hơn trước rất rất nhiều. Nó nhiều, và phát triển đến mức gần như cuộc sống có gì thì đều được nhà văn nhà thơ viết ra cả. Trong giai đoạn này, Hội Nhà văn Việt Nam, với tư cách là một tổ chức có chức năng tập hợp đội ngũ và định hướng sáng tạo đã lên tiếng khuyến khích, mạnh dạn trao giải thưởng cho những tác phẩm có cách tiếp cận mới, cách viết sáng tạo như Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đát lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Đường tới thành phố (Trường ca - Hữu Thỉnh), Dấu chân qua Trảng cỏ (Thơ Thanh Thảo), Sự mất ngủ của lửa (Thơ Nguyễn Quang Thiều),… thì thực sự đã có tác dụng như một cú hích khiến văn học Việt Nam mạnh dạn chuyển hướng. Khi tính chân thực trong sáng tác qua sự chưng cất của nhà văn được đề cao, như là một phẩm tính tốt đẹp thì như tự nhiên, tính chiến đấu của từng tác phẩm của cả một thời kỳ sáng tác mới của hàng trăm tác giả cũng được bừng bừng thể hiện. Dòng thơ văn ra trận hơn 30, 40, 50 năm trước đã đầy hào khí, có lúc ngỡ đã làm tròn phận sự mà ngủ yên, thì dăm mười năm gần đây lại bùng lên sôi nổi lạ thường mà cũng thật bình thường. Ngày chưa có đổi mới, văn xuôi ta cũng chưa viết về chiến tranh như bây giờ. Ngày ấy viết theo lối sử thi mang nhiều ý vị tụng ca, ngày nay đã thêm ý hướng phân tích mổ xẻ đi tìm căn nguyên của chiến tranh. Cắt nghĩa chiến thắng tất yếu vẻ vang và không né tránh những thất bại tạm thời, nhưng đau thương mất mát và cả phần yếu đuối lẽ thường của con người, thậm chí mạnh dạn mổ xẻ cả nhưng sai lầm trong cuộc chiến. Đó là trường hợp Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Huế mùa mai đỏ của Xuân Thiều, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Chung, Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy, Mưa đỏ của Chu Lai, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Minh sư của Thái Bá Lợi, Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà…

    Cuộc đời hiện có trắng đen xấu tốt cao thượng và đê tiện… đan cài chồng chéo đến mức không phải ai cũng nhận ngay ra được. Phát huy lối viết tôn trọng sự thật mà mô tả trung thực cuộc đời đang biến động phức tạp của ngày hôm nay, nhằm góp phần làm cho cuộc sống thanh sạch tử tế và hoàn thiện hoàn mỹ hơn, nên nhà văn ta đã không ngại sáng tác mà như phanh phui tâm địa xấu xa của một “bộ phận không nhỏ” đang tác oai tác quái. Đấy là mảnh đất tốt cho một số tác phẩm văn xuôi dường như hoàn toàn mới ở ta được ra đời - tôi xin gọi, đó là dòng văn xuôi đối thoại chính trị, một dòng văn xuôi có tính chiến đấu rất rõ, rất cao. Đó là các trường hợp của Nguyễn Danh Lam với Cuộc đời ngoài cửa, Nguyễn Bắc Sơn với Lửa đắng, Vĩnh Quyền với Mảnh vỡ của những mảnh vỡ, Kiều Vượng với Bão không có gió, Trần Nhã Thụy với Hát…

     Trong những năm gần đây, đề tài lịch sử cũng đã được các nhà văn quan tâm. Phải chăng, khi cuộc sống hiện tại đang ngổn ngang, ẩn chứa nhiều điều chưa thể cắt nghĩa thì nhà văn có xu hướng muốn đi tìm câu trả lời từ kinh nghiệm quá khứ của cha ông. Một đội ngũ những nhà văn viết về đề tài lịch sử, viết về nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ đã xuất hiện và gặt hái rất nhiều thành công. Đó là trường hợp của Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Nguyễn Quang Thân với Hội Thề, Nguyễn Quang với Thông gieo ngàn hống, Bùi Việt Sĩ với Chim ưng và chàng đan sọt, Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết trường thiên Bão táp triều Trần… Mảng tác phẩm này trong những năm vừa qua đã đưa tới cho nền văn học “những tiếng nói khác”, mỗi cuốn sách ra đời đều tạo nên những cuộc thảo luận, tranh luận sôi nối. Chứng tỏ, với nhà văn, quá khứ chưa hẳn chỉ là những chuyện đã qua, những giá trị đã được xác định mà ở đó luôn ẩn chứa những điều cần được chiêm nghiệm để soi rọi vào chính cuộc sống hôm nay.

    Từ thực tiễn sáng tác và nghiên cứu lý luận 60 năm qua, có thể ghi nhận là văn chương Việt Nam đã phát triển từ chặng đầu, là chỉ nghĩ và viết theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa rồi sang chặng thứ hai, khoảng 30 năm đổi mới gần đây hơn là vừa du nhập vừa tự cải biến để thực hành sáng tác với rất nhiều phương pháp - thủ pháp nghệ thuật mới. Sự phát triển về thi pháp thể loại này, như ta biết, đã góp phần quan trọng, trực tiếp tạo ra tính hiện thực và tính chiến đấu của văn chương - văn học ở ta lên tầm vóc cao rộng và sâu sắc hơn.

     Thành tựu và dấu ấn trên đây của văn chương Việt Nam 60 năm qua đã khẳng định rằng trên con đường phấn đấu cho lý tưởng độc lập - tự do hạnh phúc một quốc gia có lãnh thổ vẹn toàn, văn chương không chỉ là tấm gương về sự trung dũng và nhân ái, văn chương ta còn là một sự tổng kết lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật, và đặc biệt, bằng vào việc dựng lại hiện thực phức tạp hiện nay như thế, văn chương đã mặc nhiên trở thành người dự báo tỉnh táo sáng suốt. Đó là một nền văn chương văn học dẫu còn phải cố gắng nhiều nhưng đang được chăm sóc, chờ mong và tin cậy. (*)

____________________________________

(*) Do khuôn khổ bài báo có hạn, trong bài viết này tôi chưa có điều kiện nói tới những ấn tượng, thành tựu của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, lý luận và dịch thuật văn học. Xin được trở lại vào một dịp thích hợp.

                                                                          Nguyên An- Nguồn Văn nghệ 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: