Thứ sáu, 19/04/2024,


Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng (11/1) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). (10/02/2017) 

  Với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng Đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng (11/1) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

  Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam sẽ không phân biệt Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ nữa mà được tổ chức thành Sân thơ Văn Miếu và Sân thơ Thái Học.

  Tại Sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ có xuất hiện các tên tuổi nhà thơ từ thời chống Mỹ, hậu chiến và thế hệ trẻ cộng thêm chương trình giao lưu với hai tác giả đoạt giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam là nhà văn Chu Lai và Lê Minh Khuê.

Ngày Thơ Việt Nam 2017 sẽ có nhiều đổi mới tròng hình thức thể hiện. Ảnh minh hoạ.

Ngày Thơ Việt Nam 2017 sẽ có nhiều đổi mới tròng hình thức thể hiện. Ảnh minh hoạ.


Sân Thái Học tập trung tôn vinh các gương mặt thơ nổi bật trong năm qua, trong đó có các tác giả đoạt giải cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Thị Thùy Linh), các tác giả thơ là tân hội viên (Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh), tác giả-tác phẩm xuất bản được đánh giá tốt (Nguyễn Minh Cường).

Ngoài ra, tại sân thơ này còn có trình diễn sắp đặt những câu thơ hay in trên gốm với sự trình bày, giao lưu của họa sĩ Lê Thiết Cương. Sân thơ Thái Học cũng dành thời lượng đáng kể cho các tiết mục đọc thơ với phần đệm đàn của nghệ sĩ guitar, biểu diễn văn nghệ. Tổng đạo diễn sân Văn Miếu là nhà thơ Trần Đăng Khoa, ý tưởng là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, còn Sân Thái Học là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ý tưởng là nhà thơ Hữu Việt. Nối tiếp giữa các sân thơ là “con đường thi nhân” tôn vinh tác giả-tác phẩm thi ca nổi bật của nước nhà được trang trí, tạo điểm nhấn độc đáo với sự đầu tư, nâng cấp hơn những năm trước.

 

Toàn cảnh buổi họp báo thông tin về Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 sáng 8/2 tại Hà Nội. Ảnh: H.M.

Toàn cảnh buổi họp báo thông tin về Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 sáng 8/2 tại Hà Nội. Ảnh: H.M.

 

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Con đường thi nhân xuất phát từ ý tưởng nhìn lại 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam từ khi chính thức được thành lập năm 1957. Trên con đường thi nhân sẽ có sự xuất hiện của hàng trăm nhà thơ của các thế hệ bên cạnh những câu thơ hay nhất của chính tác giả. Người xem sẽ được đi dưới một bầu trời của những câu thơ hay về con người, đất nước, khát vọng, niềm hi vọng…”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ thêm rằng, Ngày Thơ năm nay hướng tới kỉ niệm 60 năm thành lập Hội, 15 năm Ngày Thơ Việt Nam nên tinh thần chung sẽ hướng đến chủ đề mang tính lịch sử của Hội, sự đồng hành của thơ ca trong các vấn đề trọng đại của đề đất nước. Bởi thế, sẽ không còn sự phân biệt “thơ già”, “thơ trẻ” mà tất cả đại diện các thế hệ cùng hòa mình vào hai sân thơ. Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của Hội trong 60 năm hình thành, phát triển. Trong không gian này, dự kiến sẽ trưng bày nhiều hình ảnh quý...


Thơ thiếu nhí sẽ không có sân thơ riêng như năm ngoái. Ảnh: TL.

 

  Ngoài ra, ở lần tổ chức thứ 15 thơ thiếu nhi không xuất hiện trên sân khấu, nhạc thiếu nhi không xuất hiện trên thi đàn mà thay vào đó là một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi sẽ được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”.

“BTC sẽ dành riêng ba kiốt cho không gian thơ đặc biệt này, bên cạnh kiốt thơ của các tỉnh, thành phố. Sân thơ trăm miền sẽ là nơi để văn nghệ sỹ các tỉnh, thành phố và câu lạc bộ thơ giao lưu, trình diễn những tác phẩm thơ đặc sắc nhất”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Cùng với đó, chương trình giao lưu thơ mọi miền tham dự Ngày Thơ Việt Nam năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giới thiệu nghệ thuật làm gốm, các sản phẩm Gốm Hương Canh; tỉnh Hòa Bình quảng bá nét đặc sắc của văn hóa Mo Mường cùng với dàn cồng chiêng của người Mường. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh còn tổ chức cho tất cả các văn nghệ sỹ về Hà Nội tham dự, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam.

Tại các địa phương, Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, Ngày thơ sẽ được tổ chức trang trọng tại An toàn khu Định Hóa - nơi 70 năm trước đây Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu.” Đặc biệt, tại Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ kết nạp 6 nhà thơ trẻ, điều chưa có tiền lệ trong những năm qua.

 

Sân thơ trẻ cũng sẽ được gộp chung thành sân thơ Văn Miếu và Thái Học. Ảnh minh hoạ.

Sân thơ trẻ cũng sẽ được gộp chung thành sân thơ Văn Miếu và Thái Học. Ảnh minh hoạ.

 

   Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bật mí thêm, những ngày qua, nhiều nhà thơ trên thế giới đã liên hệ với tôi hỏi về việc Hội có tổ chức Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương như trước hay không thì chúng tôi trả lời rằng, sự kiện ấy sẽ được tổ chức vào năm 2018 đồng thời đổi thành “Liên hoan Thơ quốc tế” nhằm mở rộng hơn về đối tượng.


Hà Tùng Long

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: