Chủ nhật, 22/12/2024,


Năm Đinh Dậu nói chuyện gà trong văn hóa Đông Tây (29/01/2017) 

 

Hình tượng gà, đặc biệt là gà trống khá quen thuộc trong văn hóa phương Đông và phương Tây.

 



Hình ảnh gà trống xuất hiện trên tấm khiên của các chiến binh cổ đại.


Hình tượng gà, đặc biệt là gà trống khá quen thuộc trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhân năm mới Đinh Dậu, cùng bàn chuyện gà trong một số nền văn hóa trên thế giới.


Gà xuất hiện lần đầu tại Ai Cập?


Việc những con gà xuất hiện lần đầu tiên như thế nào và ở đâu, đến nay vẫn chưa thống nhất. Có sách ghi rằng gà xuất hiện lần đầu tại Ai Cập, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên. Một số ngôi đền ở Ai Cập thậm chí vẫn còn treo trứng gà như một biểu tượng cho nguồn sản sinh dồi dào.
Trong khi những bộ xương hóa thạch đầu tiên của gà lại được tìm thấy ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, có niên đại khoảng 5.400 năm trước Công nguyên. Song, tổ tiên hoang dã của loại gà lại được cho là sống ở những vùng đồng bằng khô và lạnh. Tổ tiên hoang dã của gà là một loại gà rừng lông đỏ có tên là Gallus, theo thuyết tiến hóa cao cấp của Charles Darwin.
Một số nhà sử học tuyên bố tìm thấy bức họa đầu tiên về gà trên một món đồ gốm Korinthos có niên đại thế kỷ 7 trước Công nguyên.


Hy Lạp: Gà trống to hơn cả... sư tử?


Ở Hy Lạp, một trong những cái nôi của văn minh cổ đại, biết đến gà trống sau khi tiếp xúc với Ba Tư (hiện chưa rõ thời gian cụ thể), họ gọi gà trống là “chim Ba Tư” và coi là vật thiêng, có tầm vóc, ý nghĩa to lớn. Người Hy Lạp không dùng gà để hiến tế và xem trọng gà trống ở đức tính dũng cảm, bởi vậy mà gà cũng tượng trưng cho các vị thần như: Ares, Heracles và Athena trong thần thoại Hy Lạp nổi tiếng. Đặc biệt, người Hy Lạp quan niệm sư tử cũng phải “cúi đầu sợ hãi” trước gà trống.
Ở điểm này, Hy Lạp khá tương đồng với một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản. Bởi, chú gà ở đây cũng được xem là con vật linh thiêng, gắn liền với các câu chuyện thần thoại từ thuở sơ khai. Truyện thần thoại Nhật Bản kể rằng, Nữ thần Mặt trời Amaterasu tức giận trước hành động ngang ngược của em trai mình là Thần Bão tố Susanto, nên Amaterasu bỏ vào trong hang động, lấp kín cửa hang, nhân loại chìm trong màn đêm tối tăm. Các vị thần khác thấy vậy, hiến một kế sách: Chọn những chú gà trống khỏe nhất, giọng gáy vang xa nhất để gọi Nữ thần Mặt trời Amaterasu ra khỏi hang.


La Mã: Xem bói bằng… gà


Có một điều thú vị rằng, người La Mã tin rằng bất cứ một loài chim nào, bao gồm cả cú, quạ và gà sẽ báo điềm tốt nếu bỗng nhiên xuất hiện từ phía tay trái của họ. Ngoài ra, họ còn đọc các điềm báo về những lĩnh vực như quân sự, chính trị… trước khi thực hiện qua việc ăn của gà. Những con gà được chọn, nhốt vào trong lồng. Sau đó, thầy bói sẽ để một vài hạt đậu hoặc thức ăn xung quanh, nếu những con gà bị cám dỗ và nhặt thức ăn, đó là điềm tốt; Nếu chúng không ăn hoặc chạy đi, đó là điềm dữ.
Năm 249 trước Công nguyên, một vị tướng La Mã là Publius Claudius Pulcher thử… bói gà trước trận chiến Drepana, chống lại quân Carthage trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất. Những chú gà đã không ăn đồ ăn, báo điềm xấu, ông giận dữ cho ném toàn bộ những con gà thiêng xuống biển và nói: “Nếu chúng bay không ăn, thì uống đi”. Trong trận chiến năm đó, Pulcher bại trận và thiệt hại tới 93 tàu chiến. Trở về Rome, ông bị tuyên phạt nghịch đạo và chịu cực hình rất nặng.


Âu Mỹ: Quỷ dữ cũng phải sợ gà trống


Trong nhiều truyện cổ tích Trung Âu, người ta tin quỷ dữ sẽ chạy trốn khi nghe tiếng gáy đầu tiên của gà trống. Ở Pháp, con gà trống Gaulois là biểu tượng của nước Pháp, thuật ngữ “Gà mái đẻ trứng vàng” dùng để chỉ các vật có giá trị ở các quốc gia này.
Gà hiện diện nhiều trong Kinh Thánh và là một hình tượng quan trọng đối với Ki-tô giáo. Trong Phúc âm Matthew, Jesu ví sự chăm sóc của mình dành cho các môn đồ ở Jerusalem giống như một con gà mái chăm sóc cho lũ con.
Trong Kinh Tân Ước, Jesu đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Peter: “Thày bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thày ba lần”. Cũng từ đó, gà trở thành biểu tượng nhắc nhở con người về sự cảnh giác và phản bội. Vào thế kỷ thứ 9, Giáo hoàng Nicholas I ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các gác chuông nhà thờ để nhắc nhở mọi người về điều này.


Trung Quốc: Gà là đại cát


Ở một nền văn hóa phương Đông lâu đời như Trung Quốc, gà là một trong 12 con giáp . Vào đời nhà Hán, dân gian có tục treo gà trống để đón xuân vào đúng ngày lập xuân. Người ta còn dùng vải vụn tết thành hình gà để làm đồ trang sức cho phụ nữ và trẻ em, với ý nghĩa xuân mới cát tường.
Ngoài ra, dân tộc Hán và một số dân tộc khác thời xưa thường có tục uống rượu máu gà để… ăn thề kết nghĩa. Họ giết một con gà trống, lấy máu nhỏ vào ly rượu của mỗi người rồi cùng nhau uống, cùng thề trọn đời sống tình nghĩa, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.
Người Trung Quốc xưa rất thịnh hành tục chọi gà, nhất là ở các vùng người Hán sinh sống và người thiểu số ở vùng Vân Nam. Hình tượng gà còn đi vào văn thơ Trung Quốc xưa. Đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị có bài Thần kê (Con gà ban mai), Đỗ Phủ có bài Phọc kê hành (Trói gà)…
Trong tiếng Hán, Đại kê (gà trống) gần âm với chữ Đại cát. Nếu gia chủ được tặng một bức tranh vẽ gà trong ngày đầu xuân, được hiểu là lời chúc “Đại cát, đại lợi”. Thành ngữ, tục ngữ Trung Quốc có hàng trăm câu đề cập tới hình tượng gà.


Mai Lâm

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: