Thứ năm, 28/03/2024,


Đại tá về hưu chống tệ nạn bằng… thơ (03/03/2009) 

 

     Sống giữa nhân dân, trong dòng đời tấp nập bề bộn những tệ nạn, ông Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu dựa vào vốn hiểu biết và năng khiếu của mình để làm những vần thơ chống các tệ nạn. Lúc này, ai đó hỏi han tình hình, ông trả lời tỉnh bơ: "Ờ cũng đỡ, cũng đỡ".

 

     Gọi điện đến hẹn ông, ông sắp xếp lịch cẩn thận. Vì dù đã nghỉ hưu, nhưng ngày nào ông cũng tất bật với thơ của phường, của Câu lạc bộ (CLB) Xứ Đoài, rồi CLB thơ phường Thanh Xuân Bắc… Khi Xuân đã tràn trên phố xá bằng sự lây rây của những cơn mưa lâm thâm, thì cũng là lúc tôi hẹn được ông.

 

     "Phải dẹp tệ nạn bằng thơ!"

 

     Một ông già nhỏ nhắn, ngồi sau xe, chỉ đường cho tôi vòng vèo đi vào "căn nhà thơ" của ông ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Nơi mà đầu xuân 2009, ông vừa "sản xuất" ra những vần thơ đẹp đẽ, bình dị, như chính con người và cuộc sống của ông vậy

 

     "Phải dẹp tệ nạn bằng thơ" - Đó là lời khẳng định của "nhà thơ phường" Trần Đậu, một người hơn mười năm chiến đấu với các tệ nạn diễn ra ở phố phường, gần khu vực ông sinh sống.

 

     Trước đây, ở khu vực phường Thanh Xuân Bắc, đoạn đường Nguyễn Trãi tiếp giáp với Hà Đông, có rất nhiều "gái vẫy". Khi thơ của ông Trần Đậu vang lên trên đài phát thanh phường, thì cán bộ Công an phường, bà con nhân dân quyết tâm đẩy lùi tệ nạn này.

 

     Thơ có đoạn: "Pháp lệnh phòng chống mại dâm/ Triển khai rộng khắp nhân dân toàn phường/ Mong sao khắp mọi nẻo đường/ Không còn ô nhiễm môi trường "mại dâm"/ Bà con toàn thể nhân dân/ Làm cho trong sạch người thân của mình/ Chẳng nên gây sự  bất bình: Con mình xinh đẹp, "thân hình mại dâm/ Cuộc đời chót lỡ đôi chân/ Rửa cho hết bụi phong trần bấy lâu…".

 

     Khi tôi hỏi ông: "Vậy tệ nạn này ở đây thế nào rồi ạ?". Ông cười dịu, khiêm tốn: "Thì tôi cũng chỉ hỗ trợ cho công tác tuyên truyền của địa phương thôi. Các anh Công an phường đã dẹp hết rồi".

 

     Chúng ta từng biết đến làng Hoàng Dương (làng Chùa) xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội mà cả làng đều biết làm thơ để đẩy lùi tệ nạn. Các câu lạc bộ, hội thơ nhỏ thì nhiều. Các cụ, các ông chỉ làm cho vui. Nhưng cách dùng thơ để đẩy lùi tệ nạn của ông Trần Đậu quả là một sáng tạo.

 

     Khi mà hiện nay, người ta nghiêng nhiều về đọc nghị quyết, các tin tức khô khan trên phương tiện truyền thông của xã, phường để cổ động, phát động một chương trình nào đó thì việc dùng thơ làm cổ động, bài trừ tệ nạn, theo ông, sẽ dễ đi vào lòng người, vì thế hiệu quả sẽ cao.

 

     Tâm sự với tôi, một người cũng có "máu me" thơ, nên dễ cởi mở, hợp gu, ông nói rằng, mình là bộ đội Cụ Hồ, được rèn giũa nhiều năm trong chiến tranh gian khổ, nên bây giờ thấy những tệ nạn như mại dâm, cờ bạc, ma túy... du nhập vào lớp trẻ, ông đau lòng lắm. "Vì lý do tôi không thể ngừng cầm bút viết thơ. Giúp được bà con cái gì thì giúp, cũng là cách sống cho thanh thản khi tuổi già".

 

     Trong việc làm thơ, "nhà thơ phường" Trần Đậu cũng có nhiều kỷ niệm vui. Đó là sau Tết Nguyên đán mấy ngày, khi đi tập thể dục buổi sáng. Ông được các bà bán rau ngoài chợ chạy ra bắt tay. Ông hơi ngạc nhiên, vì họ đã quen ông từ lâu, nhưng cử chỉ này lạ lùng quá. Hỏi, họ cười mà rằng: "Thơ bác về đốt pháo, đọc đúng đêm 30 Tết hay tuyệt. Cả phường mình năm vừa rồi không có tiếng pháo. Cảm ơn bác nhiều lắm!".

 

Trước đó, dù đã bước vào thời gian toàn dân phải thực hiện Nghị định 32/CP của Chính phủ về việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy ở khắp các tuyến đường, ông Trần Đậu cũng có thơ cổ động nhân dân khi thấy có người bỏ mũ không đội. Đài truyền thanh phường cứ đọc đi đọc lại, những câu thơ xoáy vào mỗi người dân, để họ tham gia một cách đầy đủ.

 

     Ông Đại tá về hưu đã viết thế này: "Bao nhiêu cái chết sờ sờ/ Tại sao lại cứ làm ngơ coi thường/ Đành rằng tai nạn khó lường/ Nhưng nhiều người bị chấn thương ở đầu/ Hỏi rằng chết tại vì đâu/ Phải chăng ta để cái đầu trơ ra/ Vỡ sọ chết là do ta/ Đang vui bỗng hóa thành ma về trời/ Vì ta vì cả mọi người/ Đội mũ bảo hiểm ta thời nhắc nhau…".

 

     Việc làm của ông có kết quả ngay, đó là ngay sau buổi phát thanh, có một thanh niên phi xe máy đến nhà, bắt tay ông Trần Đậu: "Thơ bác đọc hay quá, cháu hứa sẽ chấp hành nghiêm chỉnh luật đội mũ bảo hiểm, để bảo đảm tính mạng".

 

     "Hồn tôi nhuộm mây trắng Xứ Đoài"

 

     Ông Đại tá về hưu Trần Đậu sinh năm 1940 tại thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Một ngôi làng văn hóa, được mệnh là "làng họa sĩ", vì cho đến nay, làng có hàng chục họa sĩ nổi tiếng. Trần Đậu nói rằng, dù có sống ở đâu, thì lòng ông cũng thấm đẫm vùng văn hóa Xứ Đoài.

 

     Những họa sĩ quê ông gửi tình yêu và lòng đam mê vào phông tranh, thì ông làm điều đó bằng bút và giấy, bằng tình yêu quê hương, đất nước và tâm trạng của một người làm thơ phường, nhưng không đơn giản chỉ để vui, mà ông gửi gắm giá trị nhân văn ở đó.

 

     Nhìn vẻ bề ngoài phong độ của ông, nhiều người nghĩ, hẳn ông là một nhà giáo hoặc một nhà thơ có cỡ. Nhưng ông chỉ nhận mình là người của dân, sống vì tình vì nghĩa, cho thỏa một đời.

 

     Trở lại quá khứ, tâm trạng của người con Xứ Đoài miên man theo những trận đánh. Ở đó có đồng đội, lẽ sống và sự cống hiến. Trần Đậu có điều hạnh phúc là năm 19 tuổi đã được kết nạp Đảng do hoạt động tích cực công tác địa phương.

 

     Sau đó, năm 1960 chàng thanh niên tình nguyện tòng quân nhập ngũ, đóng ở Tây Bắc. Từ năm 1963 đến 1973, Trần Đậu là Phó ban Tuyên huấn Sư đoàn 316. Suốt thời gian đó, ông chuyển sang hoạt động ở chiến trường B (Lào) là Sầm Nưa - Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng… Lúc nào, trong  hành trang của ông cũng có cây bút và những trang giấy để làm thơ, viết báo và ghi nhật ký.

 

     Mùa xuân năm 1975, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời khắc lịch sử anh hùng đó, ông chứng kiến giây phút thiêng liêng của dân tộc trong niềm vui giải phóng, non sông thu về một mối. Ông đã được chụp lại ảnh mình để nhớ mãi một thời trước Dinh Độc lập.

 

     Sau đó, ông cùng Sư đoàn 316 về Bắc, bảo bệ biên giới cho đến năm 1980 về công tác tại Học viện Quân y. Ở đây, ông làm Phó phòng Chính trị, sau đó là Phó Chính trị hệ dài hạn (đào tạo bác sĩ quân y) cho đến khi nghỉ hưu, năm 1992. Ông được phân một căn hộ trong khu tập thể B7 Thanh Xuân Bắc. Đây cũng là nơi sản xuất thơ của ông; cũng là nơi đã ra đời những vần thơ Xuân mới mỗi khi con én quệt cánh qua thành phố.

Khi tôi hỏi về tình yêu với nơi mình sinh ra, ông liền đọc một bài thơ nói về tìm cảm đó: "Điểm sáng Cổ Đô sáng ngời ngời/ Sáng vùng đất cổ sáng quê tôi/ Đường sáng xuyên dài trong lịch sử/ Sáng rọi trong tim mỗi con người…", đủ thấy lòng tự hào trong ông lúc nào cũng dạt dào.

 

     "Giá có nhiều người làm thơ cổ động cho… phường!"

 

     Là người xác định rõ tư tưởng về viết, với mục đích rõ ràng là viết để làm gì, ông luôn đạt được kết quả tốt. "Tôi hướng đến tính chiến đấu nhiều hơn. Những xấu xa, khiếm khuyết, tệ nạn phải được dọn sạch sẽ trong lòng dân, có vậy mới sống tốt, sống bình yên". Tâm nguyện của ông khi về hưu là làm được điều gì đó tốt cho đời lúc về già.

 

     Thơ là thứ dễ được chấp nhận nhất. Ông ước có nhiều người tìm được lợi thế này của thơ, để dùng thơ làm vũ khí chiến đấu với các tệ nạn xã hội. Như vậy xã hội sẽ càng văn minh hơn. "Mỗi xã, hay mỗi phường có một người thì tốt quá. Dân sẽ mừng lắm!" - ông nói.

 

     Ai từng biết một bài thơ, một bài báo nhỏ của ông ra đời mà một con đường ở phường từ bừa bộn trở nên sạch sẽ, sẽ hiểu được tính tích cực của… nhà thơ phường.

 

     Ngoài làm thơ bài trừ tệ nạn, Đại tá về hưu Trần Đậu còn làm thơ cổ động ủng hộ người nghèo, kêu gọi xây dựng nếp sống văn hóa, hiến máu nhân đạo, sinh đẻ kế hoạch…Ông cũng tham gia viết báo, tiểu phẩm vui để dùng trong khi sinh hoạt thơ của câu lạc bộ, hội nghị ở phường.

 

     Có lần, trong một hội nghị phường, ông Trần Đậu được mời lên phát biểu, ông có đọc một bài thơ bài trừ tệ nạn. Cả hội trường vỗ tay rào rào. Lúc mãn cuộc, nhiều người xin ông cho phô tô lại bài thơ để về răn dạy con cháu.

 

     Mới đây, có mấy người ở Huế gọi điện đến xin thơ của ông để dạy con sau khi xem chương trình phát sóng nói về ông trên kênh truyền hình VTV1. Ông sẵn sàng cho. Nhiều người còn được ông gọi điện đọc cho chép qua điện thoại di động.

 

     Về hưu, sống giản dị và vẫn luôn bận bịu với việc làm thơ. Lại chăm chỉ hoạt động ở cả CLB thơ Xứ Đoài và CLB thơ phường… Ông Đại tá được gọi là người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Vì thế, hàng xóm, cán bộ phường và bà con luôn luôn quý mến. Lại nữa, cách sống giản dị, luôn lạc quan, và bất cứ điều gì ông cũng có thể biến thành thơ cười, ảnh hưởng tích cực đến họ.

     Tôi hiểu là, ông đã giành được tình cảm trọn vẹn của dân. Chào ông ra về, người đại tá về hưu già bắt tay, nói: "Cậu về nhá, chúc cậu thành công. Viết gì thì viết, còn mình sẽ vẫn chiến đấu, vì lợi ích của dân"

Phú Xuyên

(Nguồn: cand.com.vn)

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: