Thứ hai, 11/11/2024,


Dòng suối trong xanh (Truyện ngắn Phùng Phương Quý) (05/01/2017) 

    Đám cưới nhà Hạo bên bản Mạ không biết tan vào lúc mấy giờ đêm. Anh Đức chỉ nhớ, khi chuệnh choạng bước thấp bước cao về đến cổng thì sao mai đã nằm chếch đỉnh núi sau nhà, tức là gần sáng rồi. Chị Mương hình như vẫn thức chờ chồng. Cánh cửa gỗ mở he hé, chờ. Ánh đèn ngủ xanh dịu hắt ra tận ngoài sân.
- Bố thằng Đạo hôm nay “kin đáy lẩu” (uống nhiều rượu) à?
Anh Đức khẽ rùng mình, khi nghe tiếng cười trầm đục của vợ. Giọng cười ấm và mềm, thể hiện nội tâm bà vợ đang vui vẻ. Hôm nay nó đòi “nộp thuế” thì khổ thân rồi. Suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, lại từ chiều đến khuya, không biết bao nhiêu chén rượu đổ vào mồm. Thằng Hạo là bạn làm ăn, đám cưới con nó cũng như con mình. Đã nhận làm chân tiếp khách, bắt tay, chúc rượu, mình cũng thuộc diện cứng cựa mới trụ được đến cuối đám. Nhưng bây giờ mà mẹ Mương đòi “nộp thuế”, chắc là mình chết. Anh cởi áo, vứt luôn xuống nền nhà, giả vờ lè nhè:
- Kin đảy soong lít ( uống hai lít) đấy! Say rồi! Đi ngủ đây!
- Chưa ngủ được đâu! Mình bàn chuyện này đã!
Phạ ơi!Vợ với con! Bàn chuyện gì tao biết thừa rồi! Bây giờ mà bàn chuyện ấy, đang lúc say rượu, cảm phong mã thượng chết đứ đừ. Mẹ Mương mày biết không? 
Nhưng bà vợ không kéo chồng nằm vật xuống giường như mọi khi, mà vỗ vỗ lên thành giường, ra hiệu ngồi xuống:
- Xóm ta đang vận động góp tiền đổ bê tông đoạn đường ra lớp mẫu giáo. Mình bàn với chồng, ủng hộ hai mươi triệu nhé?
Anh Đức giật mình, tỉnh cả rượu. Điên à! Cả xóm có mười lăm nhà, đã phân ra mỗi nhà góp bốn triệu. Có sáu mươi triệu tiền làm đường, nhà này gánh hai chục triệu, thế là góp cho cả xóm à? Không được! Quá lắm nhà mình góp gấp đôi, tám triệu là được rồi. Nhưng mẹ thằng Đạo nói, đã hứa với trưởng xóm, chỉ chờ chồng về bàn qua. Nhà vừa bán con trâu đực được bốn mươi triệu. Đang tính thay chiếc xe máy khác để tiện đi chơi, ngoại giao cho đẹp mặt cả hai vợ chồng. Chẳng gì cũng mang tiếng là nhà giàu nhất xóm, mà cưỡi con Win Thái mười năm rồi. Bây giờ mẹ nó thích oai, đem đi mất nửa tiền, tan vỡ mơ ước của anh. Nhà còn đàn bò mười hai con, đàn dê mười lăm con, ba “hát’ rừng bồ đề, nhưng chẳng lẽ mua có một chiếc xe mà lại bán bò, bán dê. Con trâu đực, vì tợn quá hay húc người nên anh mới phải bán, chứ sức nó kéo gỗ, trâu cả vùng này còn thua. 
- Ủng hộ cũng vừa phải thôi, chả ai khen đâu! Tao còn định thay chiếc xe kia kìa! Làm gì cũng phải bàn với chồng chứ!
- Thì đang bàn đây mà!
- Thế thì ủng hộ tám triệu thôi!
- Nhưng mình nộp tiền cho trưởng xóm rồi!
Anh Đức tức phát điên lên. Máu trong người sôi sùng sục. Vợ lại bồi thêm một câu:
- Bố thằng Đức phải biết thương người nghèo chứ! Ngày mới lên đây, bố nó cũng nói mình “trên răng dưới dép” là gì!
A! Nó khinh mình quá rồi! Người ta bảo ở rể như chó chui gầm chạn là thế này đây. Hừ! Tao trên răng dưới cát tút, nhưng có tao mẹ con mày mới được như ngày nay đấy. Đã thế tao đ…thèm ở đây nữa! Tao về quê cho sướng. Trong cơn nóng giận do uống rượu, anh lôi chiếc xe Win cũ ra, đạp phành phạch một hồi, phóng ra đường. Chị vợ lật mình vào trong, ngáp dài. Giận mình lại kin lẩu nữa chứ gì! Uống tới lúc ngã xuống suối như năm ngoái ấy. 
Họ làm vợ chồng đã được mười bốn năm. Lúc thằng Hồi mới bốn tháng tuổi. Sao nó giận mình được? Từ lúc làm vợ chồng với nhau, lúc nào mình không thương chiều nó. Đàn ông Kinh hay tự ái quá. Ở rể nhà vợ Tày có gì là không tốt? Quá tốt ấy chứ! Cái ngày đầu tiên nó xuất hiện ở bản Mạ, có khác gì thằng trộm gà. Đến xin chặt nứa thuê cho nhà bố Hinh trong xóm, nó có mỗi bộ quần áo dính trên người, nhìn mà thương. Hồi ấy, buồn vì thằng người yêu trốn về xuôi mất, bỏ lại Mương với cái bụng chửa bốn tháng. Bố mua chiếc xe Min-khờ về chở hàng, đang có chửa mà Mương đòi tập đi. Đêm tối tập chạy xe xuống dốc suối Bạc, nhiều đá trên đường quá nên ngã xe, không có Đức đi qua phát hiện thì Mương chết rồi. Tưởng người dưới xuôi lên, không rõ lai lịch, quê quán thì gian dối. Ai ngờ nó chở Mương lên trạm y tế xã cấp cứu, còn chạy xe về nhà trả cho bố và báo tin mình bị tai nạn.
- Thằng Đức thật thà đấy! Phải đứa xấu nó lấy xe chạy mất hút con kỳ nhông rồi.
Sau này bố Mương khen thế.
Cái trận trai bản uống rượu, nhảy múa với đám thanh niên thị trấn, do tranh cãi hay giành giật gái không biết, mà xảy ra đánh nhau to. Không hiểu sao Đức cũng ở trong đám ấy, khi đứng ra khuyên can hai phe thì bị một nhóm vừa trai bản vừa trai thị trấn xúm vào nện cho một trận, chạy mất dép. Đang giã gạo dưới sàn nhà, Mương thấy có bóng người chạy từ đường vào núp trong vườn. Bên ngoài, ánh đèn pin soi, tiếng chửi bới loạn xạ. Ba, bốn thằng tay cầm gậy xộc thẳng vào chỗ Mương, hỏi:
- Mương! Có thấy thằng nào chạy vào đây không?
Mương dừng chày giã, hỏi lại:
- Lại đánh nhau à?
- Đi tìm đánh thằng lắm chuyện thôi!
Mương lắc đầu, rồi tiếp tục vung chày. Bọn kia tần ngần đứng một lát rồi kéo nhau đi.
- Mẹ nó chứ! Rõ ràng tao thấy nó chạy lối này!
Lúc sau, Mương chiếu đèn vào bụi lá dong, khẽ bảo:
- Ai đấy? Ra đây xem nào!
Đức hiện ra, tơi tả dưới ánh đèn, tóc rối bù, trán chảy máu. Chiếc áo phông cũ rách toang, hở bộ ngực gầy trơ xương. 
- Ô! Anh Đức! Cũng đi đánh nhau à?
- Không! Chỉ uống rượu thôi! Chúng nó đánh nhau, mình tới can lại bị đánh.
Mương đổ rượu ngô ra bát, rửa vết thương cho Đức. Rượu thấm vào da thịt rách, đau rát. Đức xuýt xoa, rên rỉ. Mương nhẹ tay vuốt lại mái tóc cho anh, nói như ra lệnh:
- Lên nhà ngủ với bố! Ra đường gặp chúng nó bây giờ là chết!
Bố Mương thương hại, lấy cho Đức chiếc áo chàm cũ. Hôm sau còn mời:
- Cháu thích kin khẩu lam không? 
Đức đang đói, gật đầu liều. Nhưng khi chẻ ống cơm lam ra ăn với thịt gà rang mới thấy ngon quá, bèn xin một ống cơm nữa. Bố Mương bảo, nhà đang phát rừng trồng bồ đề, cần người làm lắm. Nếu Đức không bận việc gì, ở đây giúp ông vài ngày. Đức nhận lời. 
Những buổi đi nương từ sáng sớm, Đức lẽo đẽo theo sau bố Mương như con nghé chạy theo trâu mẹ. Ông dạy cho Đức cách mài dao thế nào cho sắc, cách chặt cây thế nào cho đỡ tốn sức mà lại được nhiều. Thường, ông mang theo bọc gạo nếp. Buổi trưa nghỉ việc, chặt hai ống nứa tươi, bỏ gạo đổ nước vào gác lên đống củi lửa, một lúc là có “khẩu lam” thơm ngon. 
Chiếc điếu cầy rít lên tanh tách, ông Mương lim dim mắt nhả khói, rồi đưa điếu cho Đức. Giọng ông buồn bã:
- Con Mương có chửa cháu ạ!
Đức giật mình, chằm chằm nhìn ông chủ, chuẩn bị tư thế đón nhận một đợt búa rìu oan uổng.
- Có thằng thanh niên lên buôn cá khô. Miệng nó như tép nhảy, ngọt như đường phèn. Nó bảo sẽ cưới con Mương, đưa về xuôi cho ngồi bán hàng, không phải làm gì cả. Đến lúc con Mương có chửa, chẳng thấy mặt mũi thằng cá khô đâu. Bốn tháng rồi! Không chồng mà chửa, xấu hổ quá!
- Thằng khốn nạn! Nhà nó ở đâu hả bác?
- Có biết đâu! Nó lên đây làm ăn thì tin nó thôi! Như cháu ấy! Bác có biết nhà cháu ở đâu!
Đức cảm thấy tự ái. Thằng cá khô kia làm xấu mặt cả đám trai Kinh. Rồi một ý định vừa quân tử, vừa điên khùng lóe lên trong đầu Đức:
- Vậy thì bác làm đám cưới cho em Mương đi!
- Ai lấy nó mà cưới?
- Nếu bác tin cháu, thì cứ nhận cháu làm rể hờ. Đám cưới xong, em Mương mẹ tròn con vuông, cháu lại đi chỗ khác cho em nó lấy chồng.
Bố Mương cúi xuống thổi lửa châm thuốc, bụi bay vào mắt cay xè, đỏ hoe. Ông nói ngèn ngẹn:
- Nó đẻ xong, cháu bỏ đi? Thế thì cũng như không, tiếng xấu vẫn hoàn tiếng xấu. Bác nói thật, con Mương vừa đẹp vừa chăm làm, chẳng qua lỡ dại với thằng kia thôi. Hay cháu thương bác, lấy nó làm vợ. Người Kinh chúng mày chẳng hay nói. “Lấy đĩ về làm vợ, chứ ai lấy vợ về làm đĩ” là gì.
Mưa dầm thấm lâu. Bố Mương ngày nào cũng thủ thỉ tâm sự chuyện nhà, chuyện đời. Mương hình như có ý chăm sóc Đức nhiều hơn. Đức ngẫm nghĩ, phận mình cũng chẳng danh giá gì. Bố mẹ mất cả rồi, còn ba anh chị em thì ai cũng có gia đình riêng, chỉ mình Đức là độc thân, ở với chị cả. Anh rể, em vợ cứ có chén rượu vào là to tiếng cãi nhau. Trận cuối cùng, hai bên xô xát, Đức giận quá phang cho anh rể một cán cuốc, ngã bất tỉnh. Thế là bắt đầu hành trình lang thang vô gia cư. Đức theo một thằng bạn lên Lào Cai làm thuê, rồi số phận đun đẩy anh rơi vào nhà cô Mương. 

 


     Đức đồng ý làm rể nhà Mương, với thỏa thuận xin ở rể. Bố Mương mừng lắm. Ngươì Tày ta còn muốn bắt rể nữa đấy. Ông mổ bò, mổ dê cưới chồng cho con gái. Mương sinh con trai, khai sinh theo họ bố Đức, là Lê Minh Hồi. Hai năm sau sinh thêm thằng Lê Minh Đạo. Bố vợ làm cho ngôi nhà gỗ lợp lá cọ. Tặng cặp trâu nái làm của hồi môn, lại cho mượn một hát-a đất rừng trồng mỡ và bồ đề. Đức thoắt như hóa thành người khác. Nhanh nhẹn, dẻo dai, giỏi giang. Cả trên rừng ngoài nương ban ngày lẫn trên giường với vợ ban đêm. Cô Mương cười như “cô Chín thượng ngàn”, nụ cười thường trực trên môi từ mờ đất đến tối khuya. Cặp trâu được chăm tốt đã thành đàn trâu năm con. Đức bàn với vợ bán đi một con mua đàn lợn giống. Đầu năm, cuối năm, bán lợn mua được ba con bò. Rủng rỉnh tiền giắt cạp quần, Mương rủ chồng về thăm quê nội thằng Đạo. Ông bà không còn, nhưng còn chị gái, còn chú út đấy. “Về cho làng xóm biết bố thằng Đạo bây giờ đã khác rồi!”. Từ bản về quê gần hai trăm cây sô, anh Đức thuê một chuyến xe tải. Ai cũng cười là thằng rồ hoa mướp. Tiền xe khách cả đi cả về hết chưa đầy hai trăm, tự nhiên thuê xe tải mất hơn triệu bạc. Nhưng Đức tính chán ra rồi. Xe tải chở bốn tấn ngô hạt mua trong bản, anh chịu khó ngồi thùng xe giữ hàng, để ba mẹ con ngồi trước ca bin. Về quê, chơi đúng ba ngày, người ta tranh nhau mua ngô núi. Giá bán gấp đôi giá mua. Trả tiền xe rồi còn lãi được gần hai triệu đồng. Cô Mương mừng muốn múa lên, ngay đêm ấy về đến nhà là tuyên bố “thưởng” cho bố thằng Đạo. Nhưng anh Đức tránh khéo. “Tao đang say xe! Yêu mẹ mày bây giờ để cảm chết à!”. Cô Mương cười, khàn giọng. “Thì muốn thưởng cho bố nó thôi mà! Chẳng lẽ lại thưởng bằng tiền!”.
Thỉnh thoảng, Đức lại chở một xe ngô hoặc đỗ tương về quê bán, khi quay lên lại mua mấy tấn xi măng về bản bán lẻ. Thành ra lúc đi, lúc về đều có tiền. Cuối năm, giáp Tết, hai vợ chồng thu gom lá dong, cây giang chở vài xe về quê nội. Làm ăn gặp may, chẳng mấy năm mà giàu có. Họ xây nhà gạch kiên cố đầu tiên trong bản, mua ti vi màu, tủ lạnh sớm nhất bản. Bố vợ mất, Đức được thừa hưởng chiếc xe Min-khờ, thời gian sau anh mua chiếc Win 100 của Thái mới tinh, làm bọn thanh niên bản nhìn lác mắt.
Giờ nhà mình giàu nhất bản rồi, ủng hộ hai mươi triệu làm đường bê tông mà bố nó cũng bàn ngang, tự ái bỏ đi. Chồng đi ba ngày không thấy về, cô Mương lo quá. Điện thoại gọi nó cứ kêu ò í e không liên lạc được. Bò kêu, lợn réo, nương ngô sắp phải tra hạt giống. Hai thằng con đỡ việc được, nhưng lại đi học trường nội trú mãi ngoài huyện. Bố Đức ơi là bố Đức. Có thế mà cũng giận vợ. Đàn bà gặp đâu nói đấy, chấp làm gì chứ! Hỏi mấy chỗ bạn quen, họ nói không gặp Đức. Chắc về quê rồi. 
    Cô Mương về tới quê chồng, gặp anh Đức đang ngồi uống bia tại nhà chú út. Chiếc chiếu rách trải quăn queo dưới đất, lỏng chỏng đĩa sung muối với tương ớt, can bia năm lít sắp cạn. Đức ngồi, mặt buồn thiu, thấy vợ xách túi bước vào thì nhổm dậy, hỏi:
- Về đây làm gì?
Cô Mương sà ngay xuống bên chồng, cười tít mắt:
- Thấy chồng về quê mấy hôm rồi chưa ngược, sốt ruột quá! Nhân tiện mang mấy tạ măng tươi về bán, mang biếu chị cả với chú út yến gạo nếp nương.
- Thế măng đâu?
- Mình gửi chị cả đang bán ngoài chợ! Còn bia không cho tôi xin cốc chú út! Phạ ơi! Khát chết đi được!
Anh Đức định ngăn vợ, xong lại thôi, rồi gằn giọng hỏi:
- Bò, lợn thế nào?
- Khổ lắm! Bố nó đi có mấy ngày mà bò đói, lợn đói. Ngô sắp tỉa rồi mà chưa mượn được người làm. Thôi bố nó chơi thế đủ rồi, về giúp mình với! 
Đức dốc ngược can bia, chạm cốc với em trai:
- Uống xong chỗ này thôi, mai tao còn ngược sớm!
Chú út băn khoăn:
- Vội thế? Để chị Mương chơi ít ngày đã, còn thu tiền bán măng nữa chứ!
- Thôi thôi! Tiền bán măng chia cho chú với chị cả. Tao phải về!
Đêm. Mương choàng tay ôm ngực chồng, giọng trầm đục.
- Nhớ vợ không? Về đi, mình làm khẩu lam cho mà ăn với thịt gà rang. Cứ uống nhiều bia, bụng to ra không làm gì được đâu.
Anh Đức lơ mơ thấy tiếng con suối Bạc chảy róc rách. Dòng nước suối trong vắt soi bóng khuôn mặt tròn của vợ, cười toe toét.


_______________
Nhà văn : Phùng Phương Quý (Phú Thọ)
ĐT: 0972067419
Email: phuongquypt@gmail.com


 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: