Thứ sáu, 29/03/2024,


Cát Phượng - 20 năm dấu ấn cuộc đời (02/03/2009) 

    

Bước ra sân khấu đầy lửa nghề, diễn xuất đầy duyên và sống với nhân vật hết mình, đó là những gì khán giả dễ nhận thấy ở Cát Phượng trên sàn diễn kịch. 20 năm một chặng đường không hề ngắn đối với một diễn viên, nhất là nữ. Cát Phượng quyết định tổ chức live show trong năm nay như để đánh dấu chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật đầy gian  nan nhưng cũng quá đỗi tự hào của cô.

 

Gập ghềnh con đường đến sàn kịch

 

Với cá tính xốc nổi, từ những ngày còn bé, Phượng đã là “một đứa con trai ngổ ngáo nhất” xóm. Sở dĩ phải trang bị cho mình cá tính đó là “để Phượng không bị người ta ăn hiếp khi phải sớm vào đời mưu sinh kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Cá tính đó cũng theo Phượng rời Bạc Liêu lên TPHCM theo cha lập nghiệp từ năm 1990.

 

Nhà trọ nơi Phượng và cha tá túc nằm ở con hẻm nhỏ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5 - TPHCM) mà đối diện là ký túc xá Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh TPHCM). Phượng vẫn thường trố mắt  ngắm nhìn những anh chị sinh viên vào ra ký túc xá, họ đẹp như tài tử. Phượng lân la làm quen và người bạn đầu tiên Phượng kết thân chính là Việt Trinh, sau đó đến Lê Tuấn Anh, Hoàng Phúc... Họ đã hướng Phượng đến với lớp ôn tập năng khiếu, chuẩn bị thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2.

 

Ngày Phượng báo tin cho cha biết cô sẽ thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh TPHCM để học làm diễn viên, cha Phượng ngớ người nhưng rồi mỉm cười mãn nguyện: “Trước sau gì con cũng làm cái nghề dính dáng đến nghiệp của cha”. Cát Phượng kể: “Ông đã trút hết số tiền cuối cùng là 70.000 đồng để con gái làm hồ sơ dự thi”. Gia đình nghèo khó, nghề ký giả kịch trường của ông chẳng để lại gì cho các con ngoài những bài báo cũ, úa màu theo thời gian.

 

Vài tháng sau, cha Phượng không sống ở TPHCM mà về lại Bạc Liêu chăm lo cho mẹ và các em. Phượng xin vào sống ở ký túc xá của trường. Và biệt danh “Cát Bụi” mà bạn bè đặt cho Cát Phượng bắt đầu từ đó. “Vì Phượng sống bụi đời lắm, lăn lóc làm đủ công việc để vừa có tiền đóng học phí vừa tự nuôi bản thân, không làm phiền cha mẹ. Có những tháng thất nghiệp, kiếm vài ngàn đồng ăn bánh mì cũng không có. Để tiếp tục việc học, nhiều lần Phượng phải đi bán máu.

 

Ngày nay mỗi lần đi ngang Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, Phượng không sao quên được những lần xếp hàng chờ bán máu nuôi thân. Lăn lóc để được sống với nghề, mấy ai biết cá tính gai góc Phượng cố tạo ra chỉ để bảo vệ mình trước những lời ong bướm, những lời hăm dọa, kể cả những lời đường mật cạm bẫy giăng mắc sau sự hào nhoáng của tấm màn nhung và ánh đèn sân khấu” - Cát Phượng tâm sự. 

 

Những vai diễn để đời

 

Nghệ sĩ Minh Nhí nói: “Cuộc đời Phượng đầy lận đận nhưng trên bước đường nghệ thuật, cô là người có số đỏ. Xem thử có cô đào nào bên kịch được 3 năm liền đoạt Giải Mai Vàng như Phượng?”.

 

Ba yếu tố khiến người xem yêu thích những vai diễn của Cát Phượng: Bước ra sân khấu đầy lửa nghề, diễn xuất đầy duyên và sống với nhân vật hết mình. Phượng vẫn thường nói: “Tôi thường để nhân vật ám ảnh mình. Người ta chỉ có thể sống với vai diễn trong hơn 2 giờ trên sàn diễn còn tôi thì cứ để nhân vật ngấm vào mình mọi lúc, để đến khi lên sân khấu tôi không còn là tôi nữa”.

 

           

                            Cát Phượng trong vở Số đỏ

 

Từ những trăn trở về các vai diễn, cộng với vốn sống đầy trải nghiệm, cứ 3 năm Phượng lại có một vai diễn nổi đình, nổi đám. Đầu tiên là Thị Mầu trong vở Thị Mầu lên chùa (Kịch Sài Gòn). Cô Mầu của Phượng vẫn có bề ngoài lẳng lơ, trắc nết, nhưng che giấu bên trong là nỗi khao khát được yêu, được sống đúng với tình yêu của mình. Chất lẳng pha với lối diễn nội tâm đã tạo cho Thị Mầu của Phượng có một sức sống riêng. Ba năm sau, Cẩm trong vở Tám người đàn bà (Sân khấu IDECAF) đã làm cho nhiều nghệ sĩ kinh ngạc trước sức diễn của Phượng. Vở kịch lôi cuốn đông đảo người xem thời đó. Ba năm sau nữa, Phượng lại gây ấn tượng với khán giả qua 3 vai diễn: Loan (Phận làm gái), Thị Nở (Chí Phèo), rồi Tám Bính (Bỉ vỏ) trên sàn diễn Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Hình như sàn diễn Phú Nhuận mới thật sự là mảnh đất màu mỡ để Phượng thỏa sức gieo trồng nghệ thuật với đủ dạng tính cách nhân vật. Ngay cả với những vở kịch thuộc dạng giải trí đơn thuần, Phượng cũng tạo được sự chú ý bởi nét diễn tươi tắn, hết mình với số phận nhân vật. Nhìn lại để tiếp tục bước đi, Cát Phượng sẽ còn gây nhiều bất ngờ cho khán giả ở chặng đường phía trước.

 

Ba đêm live show Cát Phượng

 

Ba đêm diễn dự kiến sẽ được tổ chức tại TPHCM: Sân khấu 126 (ngày 26-2), sân khấu Trống Đồng (5-3) và Nhà hát Bến Thành (10-3). Chương trình do hai đạo diễn Nhật Trung và Quốc Thuận thực hiện. Sáu tiểu phẩm hài hoàn toàn mới được hai tác giả Vương Huyền Cơ và Ngọc Tưởng sáng tác, được xâu chuỗi thành một câu chuyện kịch đan xen giữa cuộc đời và vai diễn của Cát Phượng. Một chương trình không có khách mời, không có ca sĩ, không có MC. Các ca sĩ: Phương Thanh, Cẩm Ly sẽ diễn kịch với Hoài Linh, Tấn Beo, Hoàng Sơn, Hữu Nghĩa, Cát Phượng... trong một không gian hồi ức của 20 năm đã qua. Cát Phượng cho biết sẽ trích 10% doanh thu để tặng trẻ em nghèo.

 

Theo Người lao động

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: