Thứ bảy, 20/04/2024,


Đi tìm “chất lính” trong thơ Nguyễn Minh Cường (22/12/2016) 

 

    Đọc thơ Nguyễn Minh Cường có cảm giác như được đến nhiều vùng đất mà ở đó lúc nào cũng có người ngồi sẵn để chờ đón, để kể một câu chuyện bình dị. Chiều 19/12 tại Hà Nội, Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi ra mắt giới thiệu tập thơ “Mắt đàn ông” của Nguyễn Minh Cường.

 


   Đúng như thế hệ 8x khoác trên mình áo lính, thơ của Nguyễn Minh Cường dễ đem đến cho độc giả một cái nhìn về Tổ quốc, chiến tranh của người được sinh ra và lớn lên ở thời bình. Nguyễn Minh Cường không vay mượn cảm xúc từ quá khứ đau thương của những phận người đi qua chiến tranh để mang vào thơ. Thơ anh vì thế không quá bi lụy, đau đớn tột cùng, khắc khoải đến đắng chát… mà dường như là những gì mắt đã thấy, tai đã nghe, tay đã chạm nhưng bị “mắc lại” bởi thời gian và cảm xúc để thành thơ:

“Đêm hanh hao như một tiếng ho khan
Mẹ tôi giật mình tỉnh giấc
Ngước lên bàn thơ nghi ngút khói nhang
Nơi có những chàng trai khuôn mặt trẻ mang
Người truyền thần đã vẽ theo trí nhớ già nua của mẹ
Hàng răng đen lại lập bập trên bờ môi khô nẻ
Những nhịp đau tháng năm,…”


  Viết về “người đi kẻ ở”, Nguyễn Minh Cường lại kể câu chuyện về “kẻ ở” và gọi họ là “Người mộng du” để thấy “người đi” như thế nào. “Người mộng du” gợi cho người đọc liên tưởng đến sự mờ ảo chứ không phải trần trụi, khốc liệt với hiện thực phải đối diện. Ảo mà đau. Ảo mà xót xa… biết hoặc không biết mình đang ảo mà không muốn/không thể thoát ra. Và cái đau của người mộng du là cái đau triền miên, hết ngày này qua tháng khác, tự mình đau và tự mình xoa dịu để khi chết đi rồi dường như vẫn chưa thoát khỏi kiếp người mộng du:


“Ngày nào tiễn anh đi
Em dõi theo hôn anh nồng nàn bằng ánh mắt
Để hằng đên lại hôn anh bằng ký ức
Bên song khuya
Môi run run đón gió dậy thì…”


Nhà thơ quân đội Nguyễn Minh Cường và tập thơ mới ra mắt khán giả "mắt đàn ông"

    Bên cạnh những câu chuyện về phận người với ký ức chiến tranh, Nguyễn Minh Cường còn dành nhiều trang viết về biển đảo Tổ quốc. Những bài thơ trong phần “Vĩnh hằng” như: Đi giữa vùng biên, Một đêm đau biển, Trường Sa nghĩ, Đêm Trường Sa, Đảo tiên nữ, Xuân Đảo… thấy một Nguyễn Minh Cường vừa thiết tha, vừa gắn bó, vừa đau đáu. Nhưng ngay cả đau đáu này cũng không chảy tràn, chỉ vừa đủ như người kiệm lời đứng trước những gì thiêng liêng, chạm vào sâu thẳm mà buột miệng thốt lên. Sự kiệm lời ấy được tác giả sử dụng thơ 3 -5 chữ làm cô đọng chữ và cảm xúc. Trong “Một đêm đau biển” tác giả Nguyễn Minh Cường viết:
“Người như chết/ Mà nỗi niềm ủ bão/ Mà miên man triền cát/ Những tinh sầu/ Mắt trân một biển đêm/ Hoang mồ lớn/ Đớn đau này/ Khôn chứa đủ lòng sâu…”.
   Còn trong “Đêm Trường Sa” lại là những hình ảnh: “Chùa Trường Sa ngân vang hồi chuông/ Thỉnh sâu lòng biển/ Theo sóng lan bốn bề/ Sư ông bình thản ngồi trước Phật bàn/ Với mảnh đá san hô trắng/ Viết chữ QUỐC màu xanh dương”.
Có lẽ phần chứa đựng nhiều cảm xúc, tâm sự hơn cả là hình ảnh Nguyễn Minh Cường trước Quê hương, trước Chuyện gã quê ở phố… Ở đó, Tháng Giêng như người con gái với dáng, với hình mềm mại, đầy màu sắc, vừa thân thuộc như lại vừa là lạ đủ để 11 tháng qua đi người ta bỗng nhớ và ngóng trông; “Tháng Giêng nhoài xuân trên những tán cây/ Hoa trắng vàng xao xác nở/ Trên bến/ Con ông say xuân/ Ngã cái vo ve vào nỗi nớ/thủa xuân thì xưa… Vẫn là người mà không người cũ/ Vẫn lời ấy mà không lời xưa/ Không gặp thì nhớ/ Mà gặp rồi lại buồn cười cho sự nhớ…”.
    Nguyễn Minh Cường không cầu kỳ kiếm tìm đề tài cho thơ, vì thế cái thân quen của đời thường đi vào thơ anh rất đỗi tự nhiên. Nhưng sự thân quen ấy khi trở thành thơ và đến với độc giả không phải là mô tả hay tường thuật lại trong nhàm chán mà đưa ra điểm nhìn khác từ chiêm nghiệm cá nhân đầy nhẹ nhàng như một giãi bày sẻ chia. Và điều nhẹ nhàng, bình dị và thân quen ấy nhiều khi làm ta ngỡ ngàng để quay ra tự hỏi, tự chất vấn lòng bởi những băn khoăn của ranh giới giữa phủ định và khẳng định “Nhiều khi/ Ngõ vào có cái cổng cong cong nửa thân tre bánh tẻ/ Bỗng đung đưa như được vịn tay người/ Một tàu cau rơi khô một trưa hè/ Vài giọt nắng xòe hoa trên giàn bầu cũ/ Thế là nhớ ra/ Con vẫn chưa về…”. Cái nhiều khi vô tình như thế không mới, nhất là trong cuộc sống hối hả ngược xuôi này. Nó như một lời hứa mà mỗi người luôn canh cánh trong lòng tự trấn an đến một ngày gần đây sẽ thực hiện lời hứa. Nhưng tất cả cứ lặng lẽ trôi đi để đến khi nhìn lại mới giật mình mắc nợ biết bao lời hứa, biết bao lần vô tình của cái sự “nhiều khi”. Nguyễn Minh Cường không đưa ra những cảnh báo cho những lần “nhiều khi” ấy, nhưng anh lại nghiệm ra một điều sâu sắc: “Mấy lần nhiều khi/ Gom một đời người”.
    Từ hình ảnh người mặc áo lính, người với quê hương thì với “Phác thảo một đoạn đời” là hình ảnh người của đô thị với bon chen được Nguyễn Minh Cường viết: Tôi phác thảo tôi/ Trên giá vẽ đời/ Nghệch ngoạc nét chì than/nghệch ngoạc/ Nét chì vết nhăn/ Nhằng nhịt lo toan thành thị/ Nét chì khóe môi/nụ cười bạc thếch… Nét chì vẽ nồng ngực/ Không một con tim/ Cuối cùng tôi phác thảo mắt mình/ Chẳng có gì trong nó cả/ Hôm qua trong triển lãm nghẽn người hỏi giá/ Ai cũng tưởng họa sĩ phác thảo mình/nên mới đòi mua”. Bài thơ không dài, nhưng giàu thi ảnh, giàu liên tưởng và phần kết mở ra nhiều ẩn dụ liên tưởng. Phải chăng những người ở thành thị đang có những khuôn mặt “đồng dạng”, đang có suy nghĩ “đồng dạng”? Hay tất cả chỉ là sự ngộ nhận?... Có thật con người ta vì lo toan, vì thiếu một trái tim, thiếu một đôi mắt thì tất thảy sẽ giống nhau không? Có thể lắm chứ. Nên nếu ai cứ chăm chút và tô vẽ khuôn mặt của mình bằng phấn son, bằng lụa là mà không nhận ra mình đã mất con tim và đôi mắt để thấu hiểu cuộc sống thì mọi người cũng chỉ giống nhau mà thôi.
    Tập thơ được lấy tên “Mắt đàn ông” nhưng tác giả lại chọn những trang cuối để in bài cùng tên với tập thơ. Và đôi mắt này “thấy hoa Quỳnh nở bên ô cửa tưởng”, “thấy mây ở trên cao”, “thấy trong đám đông cuống quýt/ chạy trốn thời gian kia/ Một cuộc đời riêng/ Của những linh hồn”, vừa là đôi mắt thực để nhìn, vừa là đôi mắt thấy được những khao khát ở bên trong con người muốn vượt thoát những tầm thường, vội vã của cuộc sống.
Đọc thơ Nguyễn Minh Cường có cảm giác như được đến nhiều vùng đất mà ở đó lúc nào cũng có người ngồi sẵn ở đấy để chờ đón, để kể một câu chuyện bình dị. Thơ anh như một vườn hoa mà mùi hương đủ để người ta muốn hít căng lồng ngực vào mỗi buổi sáng chứ không rực rỡ nhiều màu sắc để mời gọi, không quyến rũ đến ngất ngây và không gai nhọn khiến người ta phải cảnh giác hay dò xét.


Hiền Nguyễn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: