Thứ sáu, 29/03/2024,


Câu chuyện cha tôi kể đã găm trong lòng tôi suốt cả cuộc đời (Nguyễn Trọng Liên) (28/11/2016) 

Khi ấy tôi đang học lớp 5. Tôi đi học khá sớm so với tuổi. Có lẽ bấy giờ tôi chỉ 10 tuổi thôi. Đó là dịp Tết nguyên đán. Bố tôi bỏ vào trong cái túi rết bằng dù hoa mà chú tôi may tặng tôi để đựng sách vở, một chiếc bánh chưng, nửa nắm "chà lam" và một bi đông nước (chiếc bi đông mà bố tôi đem về từ hồi tham gia chiến dịch Điện Biên)... Tôi hỏi bố mình:
- Bố ơi, bố định đi đâu bây giờ?
- Bố cho cả con đi!
Tôi mừng thấp thỏm nhưng không hiểu rằng bố sẽ đưa mình đi đâu...
- Bây giờ đang ngày Tết mà bố ?
- Đi chơi xa. Lên Vạn Hà coi đánh "cờ người" con ạ. Trên ấy năm nay họ tổ chức mà bố muốn được tham gia.
Tôi chẳng hiểu "cờ người" là quái gì cả nên muốn bố tôi giải thích. Vừa ngoắc túi rết vào ghi đông chiếc xe SUPEGLOR, bố tôi vừa nói để tôi hiểu. Cờ thường ngày bố tôi hay chơi với một số người trong làng thì tôi đã rõ, và chính tôi đã biết đánh cờ từ trước đó mấy năm.
Bố tôi lai tôi đi theo con đê dọc hai dòng sông Mã và sông Chu, với quãng đường dài chừng 15 cây số. Hai bố con nói đủ thứ chuyện. Nào chuyện thời trẻ bố tôi đã đi những đâu, rồi chuyện mẹ kế tôi đã vất vả đêm ngày để nuôi chúng tôi ăn học thế nào, chuyện bài tổ tôm trong làng, chuyện chơi cờ Tướng, chuyện bố tôi được hội làng mời đánh trống chầu trong những dịp làng có hát tuồng...Nhưng trong số những chuyện bố tôi kể, có một câu chuyện ngắn thôi, rất ngắn mà tôi mang theo trong suốt cuộc đời. Câu chuyện ấy sau này tôi đã kể cho các con tôi nghe, cho vợ tôi nghe, cho các cháu của tôi nghe...
" Con biết không? Lớn lên rồi con sẽ hiểu!
  Trong đời một con người khi trưởng thành có thể có ba nỗi đau. Nỗi đau đó luôn ám ảnh ta, dai dẳng, triền miên, như không thể gỡ ra được. Con có biết là gì không?
   Thứ nhất là cái nhà mình ở bị tách tường. Chuyện ngôi nhà mình bị tách tường long móng luôn đập vào mắt mình hằng ngày, mỗi giờ, khi làm việc và thậm chí trong cả bữa ăn. Hình ảnh rạn vỡ ấy luôn ám ảnh mình trong giấc ngủ, khiến mình chán nản, lo âu, phiền muộn.
Thứ hai nhà có cái giếng đục. Con biết đấy, Nấu cơm bằng nước đục, nấu nước uống cũng bằng nước đục, tắm giặt hàng ngày bằng nước đục.        Buồn lắm. Mọi sinh hoạt mỗi ngày liên quan đến nước mà mỗi khi thò gầu xuống giếng múc nước lên, thấy một màu vàng khè...Rồi cái gì cũng bị bám thứ màu vàng ấy: Quần áo, tay chân, nước uống, thậm chí hạt cơm cũng vàng nhạt. Con biết không?
Và điều thứ ba, tai hại hơn tất cả là nhà có đứa con hư...!"
   Bố tôi nói đến đây , không giải thích thêm cho điều thứ ba rồi dừng câu chuyện, cũng là lúc bố con tôi đến nơi định đến.
    Bên bãi cỏ gần bờ con sông Chu trong xanh, trận cờ người đang diễn ra. Tôi nghe rất rõ tiếng hát vận của một người đàn bà trông rất đẹp mặc áo dài có màu xanh đỏ. Câu hát như một lời "lệnh" để các quân cờ người theo đó mà di chuyển trên bàn cờ đúng ý của người đánh cờ ngồi trong chiếc chòi cao trên kia. Lại còn tiếng trống, nghe cứ như giục binh ra trận ...
   Bố tôi đăng kí tham gia, và sau đó đã thắng hai ván liền. Có điều mỗi ván "cờ người" diễn ra quá mất thời gian. Tôi đứng bên chiếc xe đạp trông xe cho bố. Mỏi chân tôi lại ngồi bệt xuống cỏ. Thỉnh thoảng bố tôi lại đưa mắt nhìn tôi như chừng hỏi "con đã đói chưa? Con lấy "chà lam" mà ăn".
   Biết bố mình thắng cờ, tôi thấy vui lắm và ngầm tự hào về bố .
    Đã quá nửa chiều mà chừng như bố tôi còn chưa muốn về. Nhưng rồi hai bố con cũng phải về thôi, vì ở nhà mẹ kế tôi chắc đang chờ bố về để làm cỗ "Tiễn Ông Vải" chiều mùng Ba. Chắc hai em gái nhỏ của tôi cũng đang nhắc bố và anh. Rồi tối nay làng lại có hát tuồng nữa chứ. Tôi hứa chiều nay đưa các em tôi đi chơi xem trò "Đu Xuân" dưới bãi mà chưa thể. Mai phải đưa các em tôi đi chơi...
    Chuyện đi với bố xem đánh "cờ người" rồi cũng qua đi, nhưng câu chuyện bố tôi nói về ba điều "đau" gặp phải trong cuộc sống thường nhật cứ mãi trong tôi cho đến tận bây giờ, khi các con tôi đã trưởng thành...
    Bố ơi! Con cảm ơn bố thật nhiều!

                                                                        Tác giả :  Nguyễn Trọng Liên

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: