Thứ ba, 23/04/2024,


Trần Xuân Trường bên "Ô cửa đựng mùa Xuân" (Đỗ Trọng Khơi) (23/11/2016) 

 
Bìa sách "Ô cửa đựng mùa Xuân" do NXB Hội Nhà văn ấn hành



            Con người ta sinh ra, sống với nhau trên cõi đời này khi đã có điều tương hợp về cảnh tình và nghề nghiệp thì tiếng gọi tình thân yêu bí ẩn một ngày nào đó sẽ vang lên và tất nhiên, họ sẽ nghe thấy, tìm thấy dấu vết con đường đó để đến với nhau. Câu "ngưu tầm ngưu" là ở lẽ ấy. Hơn thế, ở thời buổi "cái vô hạn trong lòng bàn tay" này, chỉ cần có con chuột vi tính kết nối với mạng internet là lập tức ta có quanh mình cả một thế giới nhân quần ríu rít. Thực vô cùng tiện ích, đặc biệt với những người bị hỏng mất đôi chân, cuộc sống vĩnh viễn phải gắn với chiếc xe lăn, ngôi nhà riêng nhỏ bé như Trần Xuân Trường và tôi. Tôi biết tới cây thơ lục bát Trần Xuân Trường, quê Ninh Bình qua mạng Facebook, với những bài thơ anh giới thiệu lên đó. Hơn năm sau chúng tôi mới gặp mặt nhau. Biết người, hiểu gia cảnh vợ con của nhau, thêm hiểu thơ Trường đúng như tính tình con người anh vậy. Hiền hòa, từ tốn và tinh tế. Nghĩa là thơ ấy sinh ra từ máu thịt! Nét tính cách này, có lẽ, có cả ở vợ Trường - một cô giáo trường làng, nhỏ nhẹ, xinh xắn và cô đã truyền cảm hứng đời sống sang cho người chồng thi sỹ của mình.


            Tôi chưa được đọc một bài thơ Trần Xuân Trường viết với thể nào khác ngoài thơ lục bát. Thuần lục bát và đó là thứ lục bát chiết tự ra từ tình, từ cảnh thôn làng. Rất quen thuộc với người Việt Nam, với ca dao, với thơ Nguyễn Bính. Thì kia, trong thơ lục bát Trần Xuân Trường vẫn cánh đồng, dòng sông, khói lam chiều, mái nhà tranh, ngôi từ đường, ngôi chùa làng rêu phong, tiếng chuông nhà thờ vv…Đủ cả. Như vẫn nguyên đấy cái không gian thơ thời ca dao, thời Nguyễn Bính, mừng là cảnh ấy, tình ấy đã đi vào thơ Trần Xuân Trường với những nét hình ngôn ngữ khác. Thật quý!
Ta hãy đọc cặp lục bát này:

Tiếng gà thoát khỏi đáy nơm
Bát cơm vụ gặt mẹ đơm bỗng đầy

(Lúa ơi)
Và,
Mượn em một mảnh chiếu hoa
Ta ngồi thức với tiếng gà trên sông

(Về với sông Ân)
Đây nữa,
Quen rồi cá lác rau răm
Thịt xôi đôi lúc có nhằm nhò chi

(Ông từ)


            Câu thơ "Tiếng gà thoát khỏi đáy nơm/ Bát cơm vụ gặt mẹ đơm bỗng đầy" gây ám ảnh, day dứt, khắc khoải với hình chữ "đáy nơm" và "bỗng đầy". Câu thơ ẩn chứa sức ám thị về chiếc bóng nghèo khó một thời. Vượt qua cảnh tháng ba ngày tám, vào vụ gặt con người có bát cơm đầy, con gà có thêm được hạt rơi hạt vãi mà ăn, tiếng gáy nhờ thế mới có sức vang xa? Câu thơ dựng hình ảnh "nghệ thuật thị giác" như trong hội họa vậy. Thi trung hữu họa mà. Thật ám ảnh!
Tập "Ô cửa đựng mùa xuân" với 30 bài thơ, hầu như bài nào trong tập cũng có câu hay. Cái hay trong thơ Trường thêm quý ở vẻ tươi tắn, nồng hậu. Lẽ thường con người khi chịu nhiều thiệt thòi, bệnh tật thì thơ văn được viết ra dễ mang nỗi buồn của hoàn cảnh đó. Ở Trần Xuân Trường thì không. Thơ anh luôn mở trước bạn đọc một "ô cửa đựng mùa xuân" trìu mến, mơ mộng và khát vọng. Nỗi khắc khoải, ưu tư nếu xuất hiện trong thơ Trường thì song song đó là một bầu không gian mai hậu, ấm nồng đồng hiện theo. Cảm xúc thơ lập tức có được nơi cân bằng, an trú.


Qua thềm vấp tiếng ầu ơ
Tự nhiên nhìn thấy giấc mơ thật dài…

(Cuối thu)


  
          "Trôi về đâu nữa Ân giang"?! Câu hỏi hướng tới một điểm vô cùng của không gian, thời gian. Một ám ảnh mà cổ nhân ngàn xưa cũng từng gặp và chắc ngàn sau những hồn thi nhân còn tiếp nối. Xao xuyến và nhiều khắc khoải biết chừng nào!
Trần Xuân Trường ơi, hãy giữ mãi lấy nét tươi sáng mà nồng hậu, giản dị, gợi mở mà gây được sự bất ngờ, tinh tế như thơ Trường đang có nhé. Đây là một thành công! Nếu cần gợi thêm điều gì thì tôi nghĩ thơ Trường cần dày thêm niềm xao xuyến, khắc khoải không ngừng cuộn chảy cho một sự kiếm tìm, một dâng hiến như dòng Ân giang ngoài ô cửa phía bên nhà kia. Có khung trời chồi lộc mùa xuân thêm niềm khắc khoải, ưu tư của dòng sông cuộc đời, thơ Trần Xuân Trường sẽ cho nhiều hứa hẹn đi xa.




Đêm 19/12/2015
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: