Chủ nhật, 22/12/2024,


Xin đừng khóc nữa mẹ ơi! (29/06/2008) 

  Chàng trai Đất Tổ và những

    trang viết đẫm nước mắt

                     

        

1.

Nguyễn Ngọc Sơn sinh ngày 9 tháng 2 năm 1979 tại Phú Thọ. Anh là con lớn trong một gia đình có hai anh em trai: Nguyễn Ngọc Sơn và Đào Thanh Lam. Giải thích về việc hai anh em ruột lại mang họ khác nhau, ông Đào Ngọc Minh, bố của Sơn cho biết: Ông vốn gốc họ Nguyễn, nhưng từ nhỏ đã đi làm con nuôi cho gia đình họ Đào. Khi mới sinh con trai đầu lòng, vợ chồng ông quyết định cho Sơn mang họ Nguyễn để nhớ về nguồn cội. Trung tá Đào Ngọc Minh hiện là Trợ lý Vật tư của Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng - Phú Thọ. Đấy cũng là nơi bà Đỗ Thị Loan, vợ ông, từng làm công nhân viên, nay đã nghỉ chế độ. Đồng lương của ông bà không đủ chi phí cho gia đình, nên họ phải làm thêm bằng nghề nấu rượu và nuôi lợn.

Nguyễn Ngọc Sơn cũng là một người mang trọng bệnh như Nguyễn Hồng Công (tác giả của cuốn tự truyện 'Khát vọng sống để yêu'), nhưng trước khi phải chạy thận nhân tạo để lọc máu, bằng nghị lực phi thường, Sơn đã kịp có trong tay 2 bằng đại học...

Năm 1995 khi đang học dở lớp 10 thì Sơn bị viêm cầu thận mãn tính, dù đã tích cực chữa trị nhưng đến năm 1996 thì Sơn đã bị thể thận hư. Đang là một thanh niên khỏe mạnh, Sơn bỗng bị giảm cân, người phù nề, da xanh tái và yếu tới mức không thể tự đi xe đạp tới trường học được.

Khi Sơn mới bị bệnh, nhiều người đã khuyên nên từ bỏ con đường học tập để tập trung vào chữa trị, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ được học hành tới cùng. Bởi thế sau khi học xong lớp 10 ở Trường Phổ thông trung học Hùng Vương và bảo lưu kết quả một năm để ở nhà chữa bệnh, Sơn đã tiếp tục đến trường...

 Hằng ngày trên chiếc xe đạp cà tàng, bố mẹ Sơn thay nhau đưa đón con trai. Thương con, nên suốt mấy năm dù vất vả và khó khăn về kinh tế nhưng bố mẹ Sơn không phàn nàn một lời nào cả. Thương bố mẹ vất vả và không để phụ công lao của bố mẹ, Sơn đã quyết vượt lên bệnh tật. Vừa đi học, vừa phải mang thuốc đi để uống. Hồi đầu do bạn mới, lớp mới cứ mỗi giờ uống thuốc Sơn lại phải mang cả cặp đựng những chai thuốc bên trong xuống nhà vệ sinh để uống. Việc đó cứ diễn ra trong khoảng kỳ một của năm lớp 11 thì các bạn biết, động viên nên Sơn không phải xuống nhà vệ sinh mỗi lần uống thuốc nữa.

Vượt lên chính mình, hai năm cuối cấp Sơn đã học rất tốt và còn đạt giải học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh. Hết lớp 12 mọi người và cả bố mẹ nữa bảo Sơn không nên thi đại học vì sức khỏe càng ngày càng giảm sút. Sơn đã van xin bố mẹ hãy yên tâm và cho anh tiếp tục được thực hiện ý nguyện của mình. Và thật bất ngờ Sơn đã thi đỗ cả hai Trường Đại học: Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Thái Nguyên, với số điểm cao. Sơn đã chọn học Sư phạm Hà Nội. Ngày Sơn về trường nhập học, hành trang của anh không chỉ là quần áo, sách vở mà còn có cả những bọc thuốc Nam.

Suốt bốn năm (1999  - 2003) học ở K49 Đại học Sư phạm Hà Nội, Sơn không hề hé lộ cho ai biết về bệnh tình của mình, mặc dù nhiều lúc anh đã phải vật vã trong những cơn đau. Mỗi lần sắc thuốc là Sơn phải đợi khi màn đêm buông xuống, vì sợ mọi người biết. Sở dĩ Sơn giấu bệnh của mình, vì anh không muốn mọi người nhìn mình với ánh mắt thương hại.

Thật kỳ diệu, dù bệnh tình như thế nhưng Sơn vẫn học tốt và còn trở thành một cán sự lớp năng nổ được thầy yêu, bạn mến. Hơn thế, với suy nghĩ đã để bố mẹ vất vả khổ cực quá rồi, từ năm thứ hai Sơn đã cố gắng không xin tiền nhà, bằng cách tự đi làm thêm để nuôi mình bằng nghề 'gia sư' cho người nước ngoài. Sơn đã dạy lịch sử và văn hoá Việt Nam cho người Hàn Quốc, đã đem tất cả sự nhiệt tình và tình yêu quê hương sứ sở truyền đạt cho học trò. Vì vậy dù ngôn ngữ bất đồng nhưng càng ngày những học trò ấy càng thấy yêu mến đất nước Việt Nam hơn và thế là Sơn cũng có nhiều người tìm đến học hơn.

 Những lúc rảnh rỗi Sơn còn viết báo, viết truyện và một số bài đã được đăng. ý chí và nghị lực của Sơn đã trở thành tấm gương cho nhiều em nhỏ ở khu phố noi theo. Học xong Sư phạm, với suy nghĩ kiến thức của nhân loại là mênh mông, với lòng kính yêu vô hạn với Đảng và Bác, với niềm đam mê từ nhỏ được trở thành một giảng viên, một tuyên truyền viên về Đảng, Sơn đã tiếp tục thi và học văn bằng hai. Những năm 2003 - 2005, anh là sinh viên K23B của Ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong lúc bệnh tình của Sơn mỗi ngày một nặng, anh vẫn vừa đi làm vừa đi học, vẫn cố gắng hết mình để đạt được thành tích cao trong học tập. Và kết quả là Sơn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Sau hơn hai năm học tập văn bằng hai, thành quả của Sơn là một Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích sinh viên nghiên cứu khoa học, một Bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi và trình độ Cao cấp lý luận chính trị.

 

2.

Hai bằng đại học chính quy, trong đó có một bằng loại giỏi, lại là đảng viên trẻ, một tương lai rực rỡ đang mở ra trước mắt Nguyễn Ngọc Sơn... Nhưng sau bao tháng ngày, giờ đây bệnh tình trong người Sơn bắt đầu tác oai, tác quái và khiến anh gục ngã. Sơn đã mất tất cả, khi chỉ ít ngày nữa là “công thành danh toại”.

Nghe bác sỹ thông báo anh suy thận giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính từng ngày, hai tai Sơn đã ù đi và tinh thần hoàn toàn sụp đổ. Nhìn người mẹ tội nghiệp khóc thống thiết và van xin từng bác sỹ hãy cứu lấy con trai mình, mà tim Sơn quặn thắt từng cơn. Đau khổ và tuyệt vọng. Thương mình thì ít mà thương bố mẹ thì nhiều, Sơn đã có những phút giây tiêu cực, tuyệt vọng. Nhưng càng nhìn mẹ, nhìn bố Sơn đã tỉnh táo mà nhận ra rằng: tìm đến cái chết cho bản thân thì quá giản đơn, chỉ có giết chết người thân bằng nỗi đau thể xác và tâm hồn  mới là việc khó và là một việc làm tàn ác.

Sơn đã đứng dậy, mỉm cười mà sống, với lời hứa không chỉ sống cho mình, mà còn sống cho bố mẹ và cho cuộc đời. Cuộc đời này đã cho Sơn quá nhiều và giờ đây anh phải trả nghĩa. Dù ngày mai Sơn ra đi, thì hôm nay anh vẫn phải cống hiến. Thật hạnh phúc khi xung quanh Sơn còn bao nhiêu người tốt. Cảm phục bởi nghị lực và trình độ của Sơn, Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng đã nhận Sơn vào làm giáo viên thỉnh giảng, để cho anh thực hiện được ước mơ.

Giờ đây, tuy mỗi tháng chỉ được mấy trăm ngàn đồng thù lao (một số tiền nhỏ, chưa đủ chi phí cho Sơn đi xe máy tới Việt Trì chạy thận nhân tạo để lọc máu), nhưng anh đã đem tất cả tình yêu và khát vọng vào cuộc sống truyền đạt cho các em với tâm niệm mỗi giờ giảng sẽ như một bài thơ.

Tranh thủ những lúc ở nhà hay những lúc cơn đau chưa tới Sơn lại dạy cho các em học sinh và các em thiếu nhi cách kể chuyện lịch sử. Cùng với khả năng đọc và ngâm thơ rất hay, Sơn còn có một năng khiếu kể chuyện lịch sử tuyệt vời. Riêng về khả năng kể chuyện, từ hồi còn là sinh viên nhờ nó mà Sơn đã nổi tiếng cả ở hai trường. Những lúc nghe anh kể chuyện, hội trường cả nghìn người đã lặng đi trong xúc động. Với khả năng đó giờ đây Sơn lại tiếp tục kể cho các em nghe về các anh hùng, liệt sĩ, những con người đã cống hiến cả tuổi trẻ và cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân, để góp phần cùng mọi người làm cho những  con người đó sống mãi, để cho lý tưởng cộng sản sống mãi.

Hiện nay, trên con đường cả đi và về gần 80 cây số, với ba buổi một tuần (thứ ba, thứ năm và thứ bảy); bất kể nắng hay mưa, bất kể đau đớn và tủi hờn, Sơn vẫn một mình đi xe máy tới bệnh viện. Anh luôn nở nụ cười vì mình đã sống như một người con ngoan của bố mẹ, một người anh mẫu mực của bao em nhỏ.

Không phụ lòng của Sơn, khi biết hoàn cảnh và số phận của anh các em đã cố gắng học tốt hơn. Nhiều người nói: Từ khi có Sơn thì gần 3.000 học viên của trường ngoan hẳn, em nào cũng cảm phục Sơn, coi anh là một tấm gương sáng về nghị lực và vượt khó để nói theo.

 

3.

Ngoài giảng dạy, Sơn vẫn tiếp tục viết văn, viết báo. Anh coi đó không chỉ là một thú vui, đam mê mà còn là phương tiện để  tâm sự và gửi gắm lòng mình. Bài viết 'Phải biết trung thực và luôn khiêm tốn' đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân, ngày 9-6-2007 đã gây tiếng vang và tạo dư âm trong bạn bè của Sơn. Đặc biệt, sau khi xuất hiện trong chương trình 'Cô Tấm ngày nay' của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng ngày 9-9-2007, Sơn đã nhận được hàng trăm lá thư của bạn nghe đài gần xa. Không thể kể hết được tấm lòng của bạn đọc, bạn nghe đài đối với Ngọc Sơn, bởi với họ, anh là một người con thật tuyệt vời, đã biết sống và biết hy sinh chính bản thân mình vì cuộc đời. Một con người có đầy nghị lực và lòng dũng cảm đối mặt với những khó khăn và thử thách của số phận nghiệt ngã. Anh đã chiến thắng và đã vượt qua được những thử thách đó.

Cũng kể từ cái ngày định mệnh phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Ngọc Sơn đã viết những trang nhật ký đầu tiên của đời mình. Trong nhật ký đó là cả quãng đời 7 năm sinh viên tươi đẹp của anh, là tình yêu của anh với bố mẹ, người thân; là tình yêu tha thiết của Sơn với quê hương; là tâm niệm và niềm tin của một người đảng viên trẻ vào Đảng; là những ngày còn lại của một đời người và tình yêu đối với các thế hệ học trò của anh hôm nay; là mối tình trong sáng, khát vọng sống và cống hiến cho cuộc đời cho tới phút cuối cùng...

Tôi tìm lên Phú Thọ vào một buổi chiều cuối Thu. Do đã điện thoại và hẹn trước với Sơn, nên gia đình anh tiếp đón tôi như người thân đi xa về. Nhà của Sơn rất gần Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng. Thượng tá Nguyễn Quang Diện, Phó chính ủy của nhà trường thay mặt lãnh đạo nhà Trường cho biết: Cả 4 người trong gia đình Nguyễn Ngọc Sơn (bố, mẹ, Sơn và em trai) đều là Đảng viên. Đặc biệt, Sơn còn là một giáo viên trẻ, dạy giỏi. Nhà trường rất tiếc vì anh không đủ sức khoẻ để vào biên chế chính thức và phục vụ Quân đội lâu dài.

Buổi tối, Sơn lấy xe máy đưa tôi đi dạo một vòng quanh 'Thị xã bị lãng quên' (chữ của Nguyễn Ngọc Sơn dùng để gọi thị xã Phú Thọ) vắng lặng và buồn tẻ. Sợ đêm khó ngủ, chúng tôi đã không dám uống cà phê hay trà đặc, mà rủ nhau đi ăn chè thập cẩm Phú Thọ, rồi uống nước hoa quả. Sơn đã say sưa nói về khát vọng và mơ ước của mình. Anh nói về những dự định công việc và cống hiến, khi mà căn bệnh quái ác không cho phép anh làm việc như một người bình thường.

Bản thảo cuốn nhật ký 'Xin đừng khóc nữa mẹ ơi' mà bạn đọc đang có trên tay, được Nguyễn Ngọc Sơn hoàn thành từ cuối năm 2007, vốn được anh viết liền mạch và mang một tên chung cho cả nội dung (chỉ cách đoạn và xuống hàng theo ngày tháng). Tôi đã đọc kĩ, góp ý cho Sơn và giúp anh chia tác phẩm ra nhiều phần nhỏ, mỗi phần đặt một tên riêng.

Chúng tôi đã thường xuyên trao đổi với nhau qua e-mail: son_dantoc@yahoo.com, và điện thoại theo số máy 094.5522268, để Sơn sửa chữa, bổ sung thêm cho tác phẩm. Dĩ nhiên, dù đã cố gắng hết mức, nhưng chắc chắn cuốn sách vẫn không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của bạn đọc gần xa.

Dường như sống trên cõi đời này, người ta thường dễ nhận ra những nỗi buồn, hơn là niềm vui. Với riêng Nguyễn Ngọc Sơn và gia đình anh, hành trình từ nước mắt tới nụ cười là cả một chặng đường dài. Và cánh cửa của niềm hạnh phúc ấy đã và đang hé mở trước mắt họ.

Theo Nguyễn Ngọc Sơn thì cuốn sách này chỉ là tác phẩm đầu tay của anh. Có nghĩa là, nhất định anh sẽ còn viết những cuốn sách khác, để tri ân cùng bạn đọc. Xin chúc Nguyễn Ngọc Sơn có thêm sức khỏe, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách của số phận, viết tiếp câu chuyện cổ tích mới về cuộc đời anh và những người thân yêu.

 

                                           Hà Nội - Phú Thọ, Xuân 2008.

                                                Đặng Vương Hưng

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: