Trong suốt gần 35 năm đứng trên bục giảng, theo nghiệp "chèo đò đưa khách qua sông" với biết bao niềm vui, hạnh phúc và cả những nỗi buồn day dứt, cô giáo Nguyễn Thị Lý, ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Đặc biệt, phương pháp "kể chuyện lịch sử bằng thơ" của cô đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi.
TỪ NHỮNG TRĂN TRỞ...
Cuối năm 1998, khi đó cô Nguyễn Thị Lý đang là giáo viên giảng dạy môn Văn của Trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Hôm đó trong giờ lên lớp phân tích tác phẩm văn học "Hoàng Lê nhất thống chí", để giúp các em, nhất là đối với học sinh lớp 9 (năm học cuối cấp) củng cố thêm kiến thức môn Lịch sử, bằng hình thức trắc nghiệm, cô giáo Lý nêu câu hỏi: "Em biết gì về nhân vật Lê Chiêu Thống?" Lập tức trong lớp có nhiều cánh tay giơ cao, tinh thần học tập của các em học sinh đã động viên khích lệ cô giáo Lý phấn chấn hẳn lên. Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Thị Lý vô cùng ngạc nhiên bởi câu trả lời gọn lỏn của một nam học sinh:
- Dạ thưa cô, Lê Chiêu Thống chính là một dũng sĩ diệt Mỹ ngoan cường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta ạ!
Tiếp theo đó, các câu trả lới của các em cũng tương tự, có em nói Lê Chiêu thống là chiến sĩ yêu nước, có em bảo: Lê Chiêu Thống là một nhà doanh nghiệp giỏi...Lúc này Nguyễn Thị Lý nghĩ ngay đến đứa cháu họ của mình đang ngồi ở phía cuối lớp và hi vọng nó sẽ trả lời được câu hỏi này. Nhưng lại một bất ngờ nữa khiến cô giáo Lý vô cùng thất vọng, đứa cháu gái vốn thông minh sáng dạ vậy mà giờ đây cũng không trả lời được. Hôm đó trở về nhà, cô Lý thấy thật buồn...
Một thông tin khác của ngành giáo dục-đào tạo cũng không khỏi làm cô và nhiều đồng nghiệp, nhất là các thầy giáo, cô giáo giảng dạy môn Lịch sử phải chạnh lòng. Trong một kỳ thi vào đại học gần đây, kết quả thi môn Lịch sử của nhiều học sinh đạt rất thấp; cụ thể, thí sinh có điểm thi dưới trung bình chiếm tỷ lệ cao, trong đó hơn 60% có điểm thi dưới 1 điểm! Rồi một người bạn thân lại phàn nàn với cô Lý rằng: "Mình có một đứa cháu rất "sợ" học môn Lịch sử, nhưng lại thích xem phim dã sử của Trung Quốc. Cháu thuộc vanh vách các nhân vật trong phim, nhưng khi hỏi về Trần Hưng Đạo, vị tướng đời Trần của dân tộc ta thì cháu lại không biết".
Từ thực tế việc dạy và học ở trường, ở lớp, trong đó có môn Lịch sử, đến những chuyện ngoài xã hội, khiến cô Lý trăn trở: Lâu nay chúng ta chưa đặt đúng vị trí, vai trò của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở các cấp học phổ thông, mà thường tập trung nhiều vào các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Văn, Tiếng Việt..., khiến học sinh có xu hướng coi nhẹ môn học Lịch sử. Mặt khác, trong ngành giáo dục còn tồn tại quan niệm “quy kết” việc không muốn học môn Lịch sử là do nguyên nhân từ phía học sinh. Hơn nữa, việc dạy và học môn Lịch sử ở nước ta vẫn nặng về hình thức đọc, chép, học thuộc, chưa phát huy được hệ thống bảo tàng, với những “bộ sử” bằng hiện vật hết sức phong phú và mang tính cảm thụ trực tiếp, rất phù hợp với tuổi trẻ. Đối với đội ngũ giáo viên cũng còn nhiều hạn chế về phương pháp truyền thụ. Bên cạnh đó, học sinh không phải không thích học sử, mà các em còn bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc xác định nghề nghiệp tương lai, bởi sinh viên học chuyên ngành Lịch sử, sau khi tốt nghiệp ra trường khó xin việc hơn một số chuyên ngành khác. Đó cũng là một nguyên nhân cản trở các em yêu thích và đến với môn học này.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý giới thiệu đồ dùng học tập "Kể chuyện lịch sử bằng thơ.
SAY MÊ “KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ BẰNG THƠ”
Là một giáo viên dạy môn Văn đã có gần 35 năm trong nghề, theo quy luật và tuổi tác thì không lâu nữa, cô giáo Nguyễn Thị Lý sẽ từ biệt mái trường, chia tay bạn bè đồng nghiệp, từ giã phấn trắng, bảng đen... Song dường như sự tâm huyết của cô càng trở nên cháy bỏng trong những năm cuối còn đứng trên bục giảng. Và cô đã ấp ủ, quyết tâm thực hiện bằng được đề tài: "Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua kể chuyện bằng thơ".
Để thực hiện ý tưởng trên, cô Lý tiến hành bốn bước cơ bản, đó là: Sưu tầm, tìm hiểu nghiên cứu tài liệu; biên soạn mạch kể; sáng tác lời thơ theo lối kể chuyện và hoàn thành tác phẩm đưa vào sử dụng với tiêu đề: "Non nước Việt Nam". Nội dung "kể chuyện lịch sử bằng thơ" của cô Lý được viết theo lối trường thiên, thể tự do, có diễn giải, nhằm ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước và xây dựng nền văn hiến của dân tộc, được cấu trúc 96 khổ thơ, chia thành 5 chương với 24 tiểu đoạn và trường đoạn.
Chương một với tiêu đề: Cội nguồn, giới thiệu chung và nêu cảm nhận ban đầu về quê hương đất nước. Chương hai: Thời đại Hùng Vương, thuở khai thiên lập địa và các vua Hùng mở nước. Chương ba: Thời kỳ tiền Thăng Long, với các sự kiện lịch sử tiêu biểu như An Dương Vương xây thành Cổ Loa, lập nước Âu Lạc, khởi nghĩa Hai Bà Trưng... Chương bốn: Thời kỳ Thăng Long-Hà Nội. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất, nên tác giả đã dành một phần khá lớn (60 khổ, 240 câu thơ) trong tác phẩm để nêu bật công cuộc định đô, sáng lập vương triều Lý và kiến tạo kinh thành Thăng Long của Lý Công Uẩn. Công cuộc kiến tạo kinh đô, đánh giặc ngoại xâm, xây nền văn hiến của các vương triều: Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX); sau này là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, truyền thống anh hùng của Thủ đô-Hà Nội. Chương năm: Mốc son lịch sử Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...
Khi tác phẩm hoàn thành, lúc đầu cô Lý chỉ đưa ra "kể" cho học sinh, thì thấy các em rất thích thú, chăm chú lắng nghe và nhận diện lịch sử một cách nhanh nhạy và trân trọng. Chẳng hạn, khi đọc câu thơ: "Miền đất Phong Châu trùng điệp núi đồi/ Xóm núi Thậm Thình nhịp chày giã gạo..." là các em biết nói về thời Vua Hùng dựng nước; hay: "Mới lên ba đã nặng nghĩa nước non/ Câu nói đầu tiên đã đòi đi đánh giặc..." là nói về Thánh Gióng, biểu tượng cho sức mạnh và ý chí quật cường của dân tộc. Và cứ thế, lớp nọ truyền sang lớp kia, sức lan tỏa của tác phẩm ngày càng rộng khắp. Hầu hết các em học sinh ở các lớp khác đã tự tìm đến để được nghe, được học “lịch sử bằng thơ” của cô Lý. Nhiều giáo viên trong trường cũng muốn xin bài giảng bằng thơ của cô để làm tài liệu giảng dạy.
Để nhân rộng hiệu quả sử dụng, cô Nguyễn Thị Lý và một nhóm các thầy giáo, cô giáo TrườngTHCS Mai Đình giảng dạy các bộ môn có liên quan như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ… đã cùng sưu tầm hình ảnh, tư liệu, dàn dựng, thiết kế thành một bộ đồ dùng học tập hoàn chỉnh, trong đó có những thước phim lịch sử lồng hình ảnh vào lời kể, thay cho lời thuyết minh. Ngoài ra, các thầy giáo, cô giáo còn thu thập, biên soạn, in ấn tài liệu để sử dụng trong các giờ dạy môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ và các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa, nhằm giáo dục truyền thống, bổ trợ kiến thức và bồi dưỡng tình cảm cho học sinh.
“Tác phẩm” kể chuyện lịch sử bằng thơ của cô Nguyễn Thị Lý ra đời đầu năm 2010, với mục đích như một món quà để kính dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và phục vụ cho chính bản thân mình, cho con cháu, người thân trong gia đình, sau đó cô muốn gửi lại bạn bè đồng nghiệp cùng các em học sinh thân yêu trước khi nghỉ hưu. Nhưng cũng là chuyện tình cờ, nhân có cuộc thi sáng kiến cải tiến đồ dùng học tập, Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường nhất trí đề nghị sản phẩm của cô được gửi đi tham gia hội thi và đã giành giải nhất toàn huyện, được Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn tuyên dương sáng kiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sau đó được lựa chọn tham gia hội thi ngành giáo dục-đào tạo Hà Nội và đạt giải B cấp thành phố.
Tính lan tỏa của đề tài không chỉ dừng ở phạm vi nhà trường và huyện Sóc Sơn. Năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đưa sáng kiến kinh nghiệm và đồ dùng dạy học “Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua phương pháp kể chuyện bằng thơ” của cô giáo Nguyễn Thị Lý đi tham gia triển lãm tại Hà Nội và Cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức và đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Chị Vân Anh, Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) trực tiếp đặt vấn đề “xin” hiện vật đề tài “Kể chuyện lịch sử bằng thơ” của cô Lý để nghiên cứu, áp dụng cho toàn ngành giáo dục trên địa bàn quận. Tạp chí Giáo dục Thủ đô cử phóng viên về nhà cô Lý tìm hiểu để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã quay và phát phóng sự về đề tài “Kể chuyện lịch sử bằng thơ” của cô Lý để góp phần phổ biến, nhân rộng. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô giáo Nguyễn Thị Lý là thường xuyên có các giáo viên trẻ mới ra trường đến nhà để được nghe cô tư vấn, truyền thụ kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử theo phương pháp kể chuyện bằng thơ. Hàng trăm em học sinh cũng đã tìm đến và mong được cô tặng đồ dùng học tập “Kể chuyện lịch sử bằng thơ” phục vụ việc học môn Lịch sử.
Mấy năm qua, dù đã nghỉ hưu, nhưng không nghỉ việc, cô Nguyễn Thị Lý vẫn hăng hái tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, như: Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, Chi hội trưởng Hội Cựu giáo chức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ-thể thao “Sao Chiều” của tổ dân phố 11, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức thị trấn Sóc Sơn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa báo Quân đppọ nhân dân... Song dù ở cương vị nào, làm công tác gì, thì “Kể chuyện lịch sử bằng thơ” vẫn là đề tài tâm huyết, gắn bó với cô giáo Nguyễn Thị Lý trong suốt nhiều năm qua.
Bài và ảnh: Ngô Văn Học
Cô giáo Nguyễn Thị Lý giới thiệu đồ dùng học tập "Kể chuyện lịch sử bằng thơ.