Tôi thích cái title bài viết của một nhà báo thế hệ đàn anh, viết về phim 'Số đỏ' và về diễn viên Trần Quốc Trọng khi đó: 'Xuân tóc đỏ đã 'khai tử' Trần Quốc Trọng'. Dường như sau gần 20 năm, kể từ khi bộ phim 'Số đỏ' ra đời, cái 'vía' của gã 'Xuân tóc đỏ' vẫn cứ bám riết lấy Trần Quốc Trọng - đạo diễn đang 'ăn khách' hiện nay của phim truyền hình. Nói chuyện với anh, thấy rõ là đang tiếp xúc với một đạo diễn thật chỉn chu, kiệm lời (đặc biệt là về công việc), nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó sự hài hước, trào lộng trong câu chuyện kiểu biết nhiều, nhưng lại làm ra vẻ ngô nghê ẩn chứa sự ngạo nghễ...
Vừa gặp mặt, vẻ đầy cảnh giác, anh 'phủ đầu': 'Không biết gì về 'Bí thư tỉnh ủy' (tên bộ phim mới VFC đang chuẩn bị bấm máy - PV) đâu nhé'. 'Thì ta nói chuyện về 'Ngõ lỗ thủng' vậy!', tôi đáp.
* 'Ngõ lỗ thủng' - bộ phim truyền hình nhiều tập đang chiếu trên VTV1 các tối trong tuần do anh đạo diễn là dựa theo hai cuốn tiểu thuyết 'Ngõ lỗ thủng' và 'Tiễn biệt những ngày buồn' của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Có vẻ anh rất thích làm phim theo tiểu thuyết có tiếng?
- Thích thì thích thật, nhưng nhiều khi có thích cũng không được làm theo ý mình ấy chứ! Cũng là cái 'duyên' nó đưa đẩy cả thôi. Thực ra, làm phim theo tiểu thuyết có cái lợi là bản thân câu chuyện đã có một 'đời sống' văn học vững chắc rồi. Nhưng áp lực lại rất lớn, phải làm sao đưa đến cho khán giả một cách thể hiện khác: Sinh động hơn, đồng thời không làm méo mó và quan trọng hơn là không được làm sai lệch tinh thần của tác giả. Tôi thích cái áp lực ấy, nó kích thích sự sáng tạo cũng như mong muốn thể hiện không chỉ của riêng tôi mà của cả đoàn làm phim.
* Vậy mà, trước khi công chiếu 'Mùa lá rụng trong vườn', anh đã từng phát biểu: 'Tôi sẵn sàng nghe... chửi bốn tháng liền' (thời gian phát sóng hết bộ phim trên Văn nghệ chủ nhật - PV). Nghe có vẻ hơi thiếu tự tin....
- Ngược lại là đằng khác, tôi tin vào những cố gắng của chúng tôi. Phát biểu như vậy là vì tôi biết phần lớn khán giả thường có những quan niệm chưa đúng khi so sánh tiểu thuyết với phim. Như trên đã nói, xin đừng hiểu phim là sự 'diễn giải bằng hình ảnh' của tiểu thuyết, vì như vậy sẽ chẳng bao giờ có đất sống cho điện ảnh ở một tác phẩm văn học.
'Ngõ lỗ thủng' và 'Mùa lá rụng trong vườn' (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ma Văn Kháng - PV) là hai trong số hàng chục bộ phim truyền hình nhiều tập: 'Đường đời', 'Hương đất', 'Gió mùa thổi mãi', 'Một lần đi bụi', v.v.... mà đạo diễn Trần Quốc Trọng đã làm.
Bộ phim truyền hình dự định kéo dài 50 tập kể về đời sống của nông dân nói chung và của ông Kim Ngọc (nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, 'cha đẻ' của chủ trương khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp đã vấp phải nhiều sự phản đối, thậm chí là 'quy chụp'của các cán bộ đương thời) trong những năm 1960 của thế kỷ trước cũng được VFC tin tưởng giao cho anh làm đạo diễn.
Nói như nhà văn Thuỳ Linh, người biên tập kịch bản: 'Vừa khó, vừa khô, vừa khổ' sẽ là những thách thức cho êkíp làm phim. Nguyên là diễn viên điện ảnh khoá II - lớp diễn viên được đào tạo bài bản đầu tiên ở VN (không kể khoá I gồm các diễn viên nổi tiếng: Trà Giang, Lân Bích, Tuệ Minh... được chuyên gia Liên Xô sang dạy theo giáo trình của họ), sau một vài vai diễn chưa thật sự nổi bật, anh đã 'nhảy' sang làm trợ lý, rồi phó đạo diễn và đạo diễn. Nhưng thật bất ngờ, cái vai 'Xuân tóc đỏ' rất thành công và là vai 'để đời' ấy, anh đã 'nhập' khi đang làm phó đạo diễn cho phim 'Số đỏ'.
* Anh có vẻ là người rất tham công, tiếc việc! Bằng chứng là khi đã làm đạo diễn rồi, vẫn thấy anh xuất hiện trong rất nhiều phim...
- Việc được làm 'Xuân tóc đỏ' thực ra đến với tôi như định mệnh. Khi làm phim 'Số đỏ', cụ Hứa Văn Định (biên kịch cho bộ phim, đã mất - PV) và đạo diễn Hà Văn Trọng đã rất khó khăn khi tuyển diễn viên cho vai này.
Lúc ấy, trong bụng tôi rất 'thèm' nhưng vẫn chưa dám nói ra. Đến lúc cuối, thấy cả hai người cùng băn khoăn quá, tôi bèn liều: 'Cháu đóng có khi còn hay hơn....'. Cụ Định lúc ấy mới quay lại, nhìn tôi chăm chú: 'Ờ nhỉ, ta quên mất, chú mày còn là diễn viên cơ đấy!'. Thế là thử vai. Thế là được diễn. Nói thực, khi đạo diễn và biên kịch đồng ý 'cho' tôi vai ấy rồi, tôi còn chưa tin ở tai mình...
Còn việc vào một số vai khác, đôi khi là mình thích và được lựa chọn, đôi khi cũng là chẳng tìm được người ưng ý thì mình làm cho xong. Bạn có tin rằng, rất nhiều diễn viên trẻ hiện nay còn thiếu nhiều kiến thức đời sống thực tế, đặc biệt là đời sống ở nông thôn? Có những nữ diễn viên tôi phải hướng dẫn cho cách cầm cái dần, cái sàng... rồi hướng dẫn làm như một nông dân thực thụ.
Trách các em cũng chỉ một phần.... Hồi chúng tôi đi học làm diễn viên, không học kỳ nào không phải xuống cơ sở: Làm muối, làm ruộng, làm than, đi cả khu gang thép nữa... Có lẽ chăng, đó là lý do để có được những tên tuổi: Phương Thanh, Như Quỳnh, Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần, Bùi Bài Bình, Hữu Mười, Vũ Đình Thân... như ngày nay.
Đạo diễn Trần Quốc Trọng đang chỉ đạo
một cảnh trong phim 'Ngõ lỗ thủng'.
* Nếu theo dõi 'Ngõ lỗ thủng', phần demo cuối bộ phim, người xem hẳn còn thấy cái cảnh anh hướng dẫn cho một nữ diễn viên trẻ cái cách đi đứng và điệu bộ khó chịu của một người đang mang thai nữa kia!
Tôi rất thích cách anh nhập vai tiến sĩ Thái sợ vợ trong 'Ngõ lỗ thủng' - dường như cái sợ xuất hiện trong từng tế bào thần kinh mỗi khi biết mình 'mắc lỗi' với vợ, nhưng vẫn kín đáo ra vẻ 'ta đây'. Đời thường, anh có là người sợ... chị nhà?
- Trong gia đình tôi, không có khái niệm ai sợ ai. Thực chất cái 'sợ' ở đây chính là sự tôn trọng và nhường nhịn nhau.
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi một đạo diễn - diễn viên vào vai 'ngọt' đến thế. Quốc Trọng là một trong số ít người đi được bằng cả 'hai chân' một cách cân bằng và vững chãi. Anh bảo, được thế là do anh cũng có cái may mắn được sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp, họ luôn tạo điều kiện, tạo cơ hội cho anh để thể hiện mình.
Bên cạnh đó, có thể nói, cái thú đọc sách và đọc nhiều cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công ấy. Khi được vai 'Xuân tóc đỏ', hàng tháng liền ngày nào anh cũng vào Thư viện Quốc gia, tìm đọc tất cả những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng để thấm được tinh thần trào lộng của tác giả.
* Anh thích tác giả nào nhất?
- Tôi mê Erich Maria Remarque vì giọng văn vô cùng giản dị nhưng đầy hình ảnh của ông. Tôi ngưỡng mộ Hermann Hesse vì ông cho tôi sự chiêm nghiệm tâm lý hết sức thú vị. Tôi yêu văn của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Trung Trung Đỉnh, Bình Phương, Phạm Ngọc Tiến...
* Anh không quan tâm đến một nữ tác giả nào sao?
- Có chứ. Thuỳ Linh, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài... là những tác giả mà tôi luôn tìm đọc mỗi khi họ có tác phẩm mới.
* Quan điểm của anh về công việc, nghề nghiệp?
- Cực kỳ đơn giản. 'Cáo chết để da, người chết để tiếng'. Với bất cứ công việc gì, chung cũng như riêng phải cố làm hết trách nhiệm để sau này nhìn lại thấy không xấu hổ. Bên cạnh đó, tôi nghĩ nếu ta chỉ coi 'nghề' như theo nghĩa chung chung của một nghề nào đó thì rồi ai cũng vậy thôi, vẫn sống, vẫn tồn tại. Nhưng khi anh coi đó là 'nghiệp' thì nhất định trước sau cũng được đền đáp.
* Anh có nghĩ mình đã được đền đáp?
- Đền đáp ở đây tôi không có ý nói đến danh lợi. Khi một bộ phim có khán giả có nghĩa là nó đã chuyển tải được thông điệp của cuộc sống. Làm được những phim như vậy, chính là ta đã nhận được sự đền đáp của công việc, của cuộc đời.
* Xin hỏi anh những điều đã được công bố về 'Bí thư tỉnh uỷ': Lý do anh chọn diễn viên Dũng Nhi đóng vai chính?
- Không phải riêng tôi chọn Dũng Nhi mà cả êkíp làm phim đều thống nhất chọn anh ấy. Lý do đầu tiên là do Dũng Nhi có ngoại hình 'gần' với ông Kim Ngọc nhất. Thứ nữa, anh ấy là một trong số ít nam diễn viên còn rất say với nghề.
* Nhưng có vẻ như cái 'tạng' của Dũng Nhi không hợp lắm với vai diễn này. Anh ấy luôn vào những vai đạo mạo, có chiều sâu nội tâm... Ông Kim Ngọc lại là người 'thông minh phát tiết ra ngoài', quyết đoán, hành động...
- Tôi tin vào khả năng biến hoá của Dũng Nhi. Trong 'Ngõ lỗ thủng', chúng ta đã chả thấy anh ấy biến thành một Khoái với đầy đủ những tính cách tiềm ẩn của không ít mẫu người hiện nay là gì: Tham vọng, chụp giật nhưng nắm bắt nhanh thời cuộc, cơ hội. Chuyển cái cơ hội ấy làm lợi riêng cho mình...
* Anh có 'âm mưu' về một phim truyện nhựa kéo được khán giả đến với mình như không ít bộ phim truyền hình anh đã làm?
- Đã là 'âm mưu' thì không thể tiết lộ. Thông cảm nhé!
* Xin cảm ơn anh! Chúc 'Bí thư tỉnh uỷ' thành công!
Kim Anh thực hiện
(Nguồn: Báo Lao Động)