Đầu xuân, vào đền, lên chùa đâu chỉ để cầu may mà chính trong không gian chứa đựng tinh thần cội rễ ấy, chúng ta cảm nhận sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng chúng ta đã và đang ứng xử với những di tích văn hóa này ra sao? Không gian tâm linh ấy có bị chính chúng ta biến thành chốn "tạp" không?... Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầu năm cùng nhà văn Nguyên Ngọc.
* Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, theo ông, chúng ta đã ứng xử với các "di sản" tâm linh ra sao?
- Quả thật, nỗi lo lớn bây giờ là dù kinh tế có đang khá lên, nhưng văn hóa đã không khá theo, thậm chí còn sa sút. Đang có hiện tượng cả xã hội lao đi làm kinh tế, nhưng kể cả trong tầng lớp "khá giả" nhất của xã hội cũng rất ít người quan tâm đến văn hóa, quan tâm tới cách ứng xử có văn hóa. Văn hóa trọc phú đang tràn ngập trong xã hội.
Đau lòng nhất là chúng ta làm văn hóa không vì văn hóa. Như cách chúng ta ứng xử với di tích chẳng hạn. Cứ ngôi chùa nào được trùng tu thì ngôi chùa ấy... hỏng. Cách đây mấy năm, tôi có viết bài về chùa Bổ Đà, khi đó còn là ngôi chùa được xây dựng bằng đất cổ rất đẹp, nhiều chuyên gia xây dựng còn chưa lý giải được vì sao những vách tường đất ấy lại có thể bền vững lâu dài đến thế. Lúc viết, tôi đã cố tình giấu tên ngôi chùa để... ít người biết đến, hy vọng du lịch không tàn phá ngôi chùa. Nhưng chỉ năm sau quay lại đã thấy rất nhiều bức tường đất cổ bị phá đi để xây lại tường gạch, hàng quán bán dọc cả lối vào. Hay như chùa Phật Tích rất quý hiếm bởi còn những dấu tích của thời Lý cách đây cả nghìn năm, giờ người ta "quảng bá" là ngôi chùa có tượng Phật rất lớn, đang trong quá trình xây lại, to hơn và rất hiện đại. Đặc trưng của chùa miền Bắc là sự thâm u, trầm tư, yên tĩnh. Kể cả những ngôi chùa nằm giữa phố, bước vào chùa là một không gian khác hẳn, khiến con người ta lắng lại. Nhưng giờ thì đâu đâu cũng thi đua trùng tu, mở rộng chùa. Anh em chúng tôi thường nói với nhau, tốt nhất là cứ để nguyên các di tích đó, đừng trùng tu gì cả.
* Thưa ông, hình thái kiến trúc đền, chùa thì như vậy, nhưng có thể chúng ta vẫn giữ được không gian tâm linh?
- Hình thái kiến trúc đã "hỏng", cách ứng xử trong các không gian tôn nghiêm ấy cũng có quá nhiều chuyện đáng buồn. Đã có lần tôi cùng nhạc sĩ Dương Thụ đến chùa Tháp Bút, thấy tình trạng "hát kinh" có nhạc đệm, giống như trong nhà thờ. Cách tụng kinh Phật chậm rãi, nhấn nhá ê a, không có chút gì giống với nhạc đệm nhà thờ ở phương Tây cả. Tết năm ngoái tôi lên chùa Phật Tích, đi từ ngoài vào tới sân trong toàn thấy mùi... mực nướng!
Kiến trúc đất thó thuần Việt. Cổng vào chùa Bổ Đà
* Nhưng đấy là những người ăn nhờ lộc Phật, chúng ta đang nói đến cách ứng xử của chính chúng ta, những người đi chùa để tìm chút cân bằng, lắng lại giữa cuộc sống xô bồ hiện đại...
- Chùa Tây phương nổi tiếng có những bức tượng La Hán rất giá trị, nhưng khi tôi lên đó thì không thể chụp ảnh tượng được vì khách đến thăm chùa liên tục giắt tiền trên tay những "ông" tượng đó. Nếu muốn đóng góp công đức cho nhà chùa, sao họ không bỏ tiền vào hòm công đức?
Ở Thái Lan người dân lên chùa dùng vàng lá dát lên tượng Phật với ý nghĩa: đem những gì quý giá nhất của con người cúng dường cho đức Phật (Chùa Vàng). Mà trước khi vào tới nơi chiêm ngưỡng cúng dường tượng Phật, ai cũng phải bỏ giầy dép bên ngoài cửa, đi chân trần qua cả một cái sân rộng lớn. Đấy là hành trình tự làm trong sạch mình, tự lắng lại để đến với cõi tâm linh thuần khiết, vô uế tạp. Còn chúng ta, sao lại đem tiền lẻ chỉ dùng đi chợ mua mắm mua cá nhét vào tay các pho tượng Phật? Các cụ nhà ta đã dạy, làm như thế thì "kính chẳng bõ phiền!".
* Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.
Khánh Linh thực hiện
(Nguồn: Vietnamnet)