Thứ sáu, 29/03/2024,


Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu bất ngờ “tái xuất” văn đàn (19/10/2016) 

 

   Sau một thời gian “đi vắng”, tác giả “Bóng đè” đã “tái xuất” bằng tiểu thuyết “Lam Vỹ”. Sự kiện ra mắt tác phẩm và giao lưu với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu do Công ty Nhã Nam tổ chức diễn ra sáng ngày 15/10/2016 tại Hà Nội. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Nguyễn Trương Quý là các diễn giả cùng tham gia sự kiện.

   Rờn rợn, mê hoặc, “Lam Vỹ” là cuốn tiểu thuyết viết về bóng tối. Từ cô gái phù thủy pha tiên nữ yếu đuối và bản năng, nuôi trong hố thẳm hun hút tâm hồn loài chim thiêng Lam Vỹ thân xanh mào hồng cánh tím, để nghe chúng nghênh cổ hát bài ca chết chóc. Từ những người đàn ông, hiện thân quyền lực của tầng tầng lớp lớp quá khứ, nhưng chính họ cũng bị quá khứ nghiền nát. Từ những căn phòng khép kín, những hành lang thăm thẳm, những bãi tha ma, dòng sông đêm, loài chim đêm, những hốc mắt tăm tối, những nghĩ suy mù lòa, những cái chết… Thì ra, bóng tối, chứ không phải ánh sáng, mới là màu sắc chủ đạo của cõi nhân gian.

 

                        


 
 Các nhà văn Nguyễn Trương Quý, Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Xuân Nguyên giao lưu cùng độc giả trong buổi ra mắt tiểu thuyết "Lam Vỹ"

   

 

    Tại buổi giao lưu, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu chia sẻ về lịch sử ra đời của “Lam Vỹ”, đây là tác phẩm thứ ba mà chị đã hoàn thành, nhưng là cuốn sách thứ hai được ấn hành, ra mắt bạn đọc.

   Nhà văn Phạm Ngọc Tiến gặp ở “Lam Vỹ” vẫn là một Đỗ Hoàng Diệu tác giả của “Bóng đè”, vẫn là tâm thức sáng tạo ấy, vẫn là bút pháp của vô thức khó lẫn ấy. “Quá nhiều vấn đề trong cuốn sách tưởng chỉ là những quẫy đạp đi tìm hạnh phúc của một người phụ nữ thông qua những cuộc tình. Nhân vật được tạo dựng sống động và khác thường. Không gian ảo vọng cả thực tại lẫn tưởng tượng đưa người đọc cùng nhân vật xoay chuyển trong những trục ngang dọc không còn giới hạn thời gian, không gian, đạo đức, luân lý... Văn học là vậy, cái lớn nhất đọng lại chính là nỗi buồn. Một nỗi buồn đủ lớn để phôi thai, để sinh hạ muôn vàn trạng thái khác ngõ hầu duy trì sự sống của mọi cuộc đời” - nhà văn Phạm Ngọc Tiến phát biểu.

   Đồng tình, chia sẻ với cách đọc của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên tập viên Diệu Thủy nhận xét: “Lam Vỹ” vẫn tiếp tục lối viết ma mị của “Bóng đè”. Đỗ Hoàng Diệu là người có khả năng viết rất hay về bóng tối, có khả năng thuyết phục người đọc về tính chất quyến rũ của bóng tối. Từ bóng tối có thể soi rọi, khám phá, nhận diện chiều sâu của quá khứ, của văn hóa, của tâm hồn con người.

   Nhà văn Nguyễn Trương Quý lại đọc thấy một “Lam Vỹ” bộn bề, đa thanh hơn “Bóng đè”, một “Lam Vỹ” sinh động, tươi tắn, chứ không phải chỉ có nỗi buồn và bóng tối.

  Nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho rằng, chất nhà văn, phẩm tính chuyên nghiệp là bản mệnh của Đỗ Hoàng Diệu. “Có những nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhưng khi chuyển sang viết tiểu thuyết thì thất bại. Tác giả truyện ngắn “Bóng đè” đã viết và cho ra mắt bạn đọc một cuốn tiểu thuyết thành công” - nhà thơ, dịch giả nói.

   Khép lại buổi giao lưu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chúc mừng nhà văn Đỗ Hoàng Diệu đã có một cuộc “tái xuất” ấn tượng, thuyết phục, bởi cái “bóng” của tác phẩm thành công thường “đè” lên người viết, gây tạo áp lực rất lớn đối với họ, nhưng Đỗ Hoàng Diệu đã thoát ra được cái “bóng đè” đó, đã vượt lên được chính mình để cho ra đời tiểu thuyết “Lam Vỹ”, một cuốn sách hứa hẹn tạo hiệu ứng dư luận tích cực.

 

Hoàng Hoàng Phố

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: