Mỗi năm Hà Nội có đến vài Hội sách như: Hội sách mùa xuân, mùa thu, ngày sách Việt Nam, hội chợ sách cũ… Mới đây nhất, vào đầu tháng 9 Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức Hội sách mùa thu và chỉ chưa đầy một tháng sau đó, Hội sách Hà Nội lại được tiếp tục diễn ra. Có thể nhiều người lo ngại việc các Hội sách diễn ra khá liền nhau như thế liệu còn khiến độc giả hào hứng tham dự và đủ tiền để mua sách không?.
Thế nhưng lo ngại này đã không xảy ra. Đến hẹn lại lên, vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô, Hoàng Thành Thăng Long lại mở Hội sách và đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan và mua sách. Không chỉ có độc giả trẻ mà độc giả trung niên và độc giả cao tuổi đã hiện diện trong Hội sách Hà Nội 2016.
Sách tại Hội chợ cũng rất đa dạng, từ sách trong nước đến sách nước ngoài, từ sách của tác giả nổi tiếng, đến sách đầu tay của người cầm bút, sách hàn lâm, sách giải trí… đều được hiện diện trong các gian hàng của Hội sách. Số người đến tham quan đúng theo nghĩa – tức là không mua sách ít hơn số người mua sách và có nhu cầu mua sách thực sự.
Độc giả nhí say sưa đọc sách. Ảnh: Hà Anh.
Chỉ qua một Hội sách chưa thể cân đong đo đếm chính xác nhu cầu về sách của độc giả nói chung nhưng chỉ trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội thì việc độc giả hào hứng đến với sách là một điểm sáng đáng ghi nhận.
Theo báo cáo chưa đầy đủ từ Ban tổ chức Hội sách Hà Nội, doanh thu của toàn Hội Sách năm 2016 đạt trên 7 tỷ đồng, tăng gần 20% so với doanh thu của Hội Sách 2015
Đa dạng các cuộc giao lưu
Trong vòng 5 ngày diễn ra Hội sách Hà Nội đã có tổng cộng hơn 20 cuộc giao lưu, ra mắt sách được các đơn vị xuất bản tổ chức.
Đáng chú ý các cuộc giao lưu khá đa dạng từ việc tổ chức bài bản, trịnh trọng trong nhà hội thảo, còn có không ít đơn vị làm sách tổ chức ngoài trời, tổ chức ở ngay khuôn khổ gian hàng sách của mình. Những tác giả từng được cho là “ăn khách” từ phương Nam như Hamlet Trương cũng đã hiện diện tại Hội sách Hà Nội. Khi Hamlet Trương mở đầu buổi ra mắt sách bằng một ca khúc đã khiến Hội sách mang một không khí vui tươi, độc giả trẻ thủ đô cũng khá hào hứng đón nhận chứ không đến mức thờ ơ.
Các cuộc giao lưu đã khiến cho độc giả có thêm cơ hội được trao đổi hay chỉ đơn giản là nhìn thấy tác giả - người vẫn thầm lặng sáng tác sau mỗi trang sách mà với nhiều người từ lâu quen tên mà chưa biết mặt.
Hamlet Trương lần đầu giao lưu ra mắt sách tại Hội sách Hà Nội. Ảnh: Hà Anh
Ngoài những cuộc giao lưu đã được lên lịch theo chương trình thì Hội sách Hà Nội còn là dịp thương thảo những hợp tác về sách giữa các tác giả với các nhà xuất bản trong và ngoài nước. Ban tổ chức cho biết, chỉ trong 3 ngày 6/10 đến 8/10/2016, đã diễn ra 25 cuộc gặp gỡ trao đổi về giao dịch bản quyền giữa các nhà xuất bản, công ty sách trong nước và các nhà xuất bản nước ngoài với khoảng 90 đầu sách được đặt mua bản quyền và đang tiếp tục được giao dịch; thực hiện ký kết 06 hợp đồng bản quyền tại Hội Sách.
Đối mặt với sách và những trào lưu… rớt giá!
Sách tô màu dành cho người lớn – một trào lưu sách từ nước ngoài từng được du nhập vào Việt Nam và tạo nên cơn sốt cách đây chưa lâu đã dường như bị thoái trào. Bằng chứng là trong gian hàng của Nhã Nam mặc dù có vị trí rất đẹp, hiện diện ngay mặt tiền ở Hội sách với những tấm biển giảm giá chỉ còn 15-20 nghìn cho một cuốn với giá bìa trên dưới 60 nghìn, tức là mỗi cuốn sách chỉ được bán với giá bằng 1/3- 1/4 giá bìa nhưng ngày cuối của Hội sách số lượng thể loại sách này vẫn còn rất nhiều.
Mặc dù kết thúc Hội sách, Ban tổ chức công bố 10 đầu sách bán chạy nhất trong đó có dòng sách tô màu dành cho người lớn. Tuy nhiên với cụm từ “sách tô màu các loại” được hiểu là nhiều đầu sách trong một dòng sách chứ không phải 10 đầu sách bán chạy. Và giả sử tách biệt từng đầu sách riêng của dòng sách tô màu này thì rất có thể kết quả đã khác.
Sách tô màu dành cho người lớn chỉ 15.000 - 20.000 tại Hội sách Hà Nội. Ảnh: Hà Anh
Không chỉ sách tô màu dành cho người lớn bị giảm giá sâu mà còn khá nhiều cuốn sách của các nhà văn trong nước cũng bị giảm giá từ 30-50% khiến không ít nhà văn chạnh lòng, xót xa và đặt ra câu hỏi liệu dòng văn học mình đang theo đuổi không còn hấp dẫn với độc giả?.
Tuy nhiên đại diện một nhà xuất bản cho biết, thực ra mức giảm giá sâu như vậy là do chính sách ưu đãi của Hội sách để khuyến khích mọi người đến Hội sách mua sách. Còn qua Hội sách, việc giảm giá sách ở các nhà sách chỉ duy trì ở mức 10%.
Tại Hội sách Hà Nội năm nay, được biết có khá nhiều dòng sách mới cũng được một số nhà xuất bản mua bản quyền và khai thác tại Việt Nam. Và điều này có thể sẽ tạo nên những cơn sốt một hoặc vài dòng sách nào đó trong tương lai, nhưng cũng không loại trừ đó chỉ là một cơn sốt mang tính trào lưu, rồi cũng lại rơi vào thoái trào. Tất nhiên, nếu không thử nghiệm, không mạnh dạn thì độc giả Việt Nam sẽ lạc hậu và không có cơ hội tiếp cận với những dòng sách mới trên thế giới. Có lẽ đây là điều mà các nhà xuất bản phải chấp nhận và lường trước trong cuộc chiến giữa sách và độc giả.
Hà Anh