Thứ ba, 16/04/2024,


ĐỌC “NGẪU HỨNG SÔNG QUÊ”: NỖI NHỚ LÀNG CỦA NGƯỜI CON XA XỨ (11/10/2016) 

  

Bìa sách "Ngẫu hứng sông quê" - NXB Hội Nhà Văn 2016)

Khi đọc tập thơ Ngẫu hứng sông quê của Nguyễn Vĩnh Bảo, tôi muốn bắt đầu từ bài Cô Đơn:


Chia tay không nỡ ra về
Sân ga chiều ấy buồn thê thảm buồn
Tiếng còi tàu vọng xa hơn
Sân ga dồn hết cô đơn vào mình…


            Từ những câu thơ này tôi mường tượng rằng tác giả đã có một cuộc chia tay mà người đi kẻ ở không biết bao giờ mới lại gặp được nhau, cuộc chia ly thời đất nước còn bị chia cắt đôi miền, cuộc tiễn đưa người thân yêu mình vào nơi mịt mù lửa đạn…
            Tôi cũng có khoảnh khắc cô đơn trên sân ga như thế. Ấy là vào một chiều đông 1971, em trai tôi lên tàu vào Nam chiến đấu, tôi đứng lặng trên sân ga, lắng tiếng còi xa dần và tự hỏi: Đến bao giờ mới được gặp lại nhau? Mà liệu có được gặp lại hay đây là cuộc chia tay lần cuối? Đã có nhiều cuộc tiễn đưa như thế ở quê tôi. Buồn thay, khá nhiều lại là cuộc đưa tiễn cuối cùng…


            Tôi nhận lời viết đôi dòng tập thơ đầu tay cho Nguyễn Vĩnh Bảo trước hết là bởi sự rung động chân thành từ những câu thơ trên của anh. Tiếp đó là mối dây tình cảm quê hương thật gần gũi. Hóa ra, khi gọi điện cho tôi, tác giả giới thiệu là người làng Hu Trì, gần làng An Trì của tôi và anh trai tác giả chính là bạn chiến đấu thân thiết của người em mà tôi đã tiễn đưa ở sân ga năm nào …
Lại nữa, lấy tên của một miền đất, nơi có ngôi làng Hu Trì bé nhỏ, có con sông Chanh Dương và quốc lộ 17 vắt qua làm bút danh, Nguyễn Vĩnh Bảo còn muốn gửi nỗi lòng của người con xa về quê hương qua những trang viết của mình. Quá nửa những bài thơ trong tập thơ, hình ảnh quê hương đã được Nguyễn Vĩnh Bảo khắc họa thật đậm đà.
            Tôi không phải là nhà phê bình văn học, chỉ là người sáng tác văn học nên có thể chia sẻ với anh như một bạn đọc. Một bạn đọc có thể đồng điệu với tác giả qua những câu thơ thấm đẫm tình người, tình đất quê.
Xin được dẫn ra những câu thơ ấy:


Nghe trong tiếng đất thì thầm
Hồn quê vẫn ở trong lòng người xa
(Thầm thì đất quê)
Hay:
Bao năm nhớ nhớ thương thương
Vẫn còn in dấu con đường năm xưa
(Tôi mơ về một dòng sông)
Và:
Sông Chanh Dương sao mà da diết
Ngày tôi đi mới tuổi hai ba…


            Vâng, đó là con sông đào nối từ làng Chanh Chử đầu huyện đến làng Trấn Dương cuối huyện chảy ra biển Đông, nối từ cực Tây đến cực Đông của huyện Vĩnh Lại ngày xưa, huyện Vĩnh Bảo ngày nay. Dòng sông ấy chảy qua làng Hu Trì của anh rồi lặng lẽ chảy trong thơ anh những dòng cảm xúc dâng trào. Từ dòng sông ấy, mỗi lần về, những kỷ niệm lại ùa ra.
Khi thì với người con gái:


Về quê vớt bóng trăng vàng
Tìm người con gái lỡ làng năm xưa…
(Về quê)
Khi thì với mái đình làng và bạn bè thuở trẻ chăn trâu:
Từ giã quê mình gói ghém theo
Hành trang tay trắng tủi thân nghèo
Lệ rơi đắng ngắt lòng đau thắt
Đời lỡ chua cay nghĩa nặng đeo
(Tình quê hương)


            Nhưng với anh, kỷ niệm da diết nhất vẫn là người mẹ. Nhiều câu thơ cảm động của tác giả đã xuất hiện trong mảng đề tài này:
Chiều ba mươi Tết đến rồi
Cả nhà đợi mẹ về ngồi đón xuân
(Thương mẹ)


            Ở vùng đồng chua nước mặn như làng anh, làng tôi những người mẹ nghèo tảo tần lo toan việc chợ búa, việc đồng áng đến tận cuối ngày của năm quên cả việc đón xuân, đón Tết là sự thường…Tôi biết mẹ không hề quên mà trong lòng của Người còn rộn rã hương sắc là đằng khác. Bởi lẽ, trong mâm cơm tất niên năm nay, mùa xuân năm nay, các con của mẹ đã về, chúng nó đang có mặt trong cái tổ ấm mà bao năm mẹ hằng chờ đợi, ước ao. Bởi lẽ, mẹ đã từng trải qua tâm trạng trống vắng, buồn khổ sau khi tiễn đứa con ra mặt trận, đứa nhỏ đi mưu sinh ở phương trời nào đó rất xa:


Đêm ngày mong đợi héo hon
Mẹ ngồi nhai miếng trầu mòn tháng năm
(Mẹ tôi)


Những câu thơ về mẹ của Nguyễn Vĩnh Bảo còn nhiều lắm và đó là những câu thơ hay. Có thể dẫn ra câu thơ ấy trong bài Nhớ mẹ:
Bây giờ trầu úa lạnh giàn
Con về nhặt quả cau vàng đem phơi

Để rồi:


Tay run giữ chặt khay trầu
Nghe văng vẳng tiếng mẹ sau tấm hình…


            Tôi tin rằng bất cứ ai đã đọc được những câu thơ về mẹ trên đây của Nguyễn Vĩnh Bảo đều không khỏi ngậm ngùi, rưng lệ. Đó chính là thành công của thơ Nguyễn Vĩnh Bảo nói riêng, của thi ca nói chung…
Tuy nhiên gần một trăm bài thơ mà Nguyễn Vĩnh Bảo gửi cho tôi, không phải bài nào cũng có những câu thơ hay như thế. Trong một tâm sự trong bài Dại khờ, anh thổ lộ:


Thơ len vào giữa đời ta
Men say nhuộm áng trăng tà tặng nhau
Tìm trong ánh mắt đêm thâu
Dại khờ nhặt hạt mưa ngâu cuối mùa


            Đúng như vậy. Làm thơ còn khó hơn việc nhặt hạt mưa ngâu cuối mùa. Nhưng thơ là chất men say của cuộc sống. Phần lớn người viết chỉ để trải lòng mình, viết để tặng nhau, viết để tri ân với người thân, với quê hương, đất nước…Với chất men say ấy, tôi tin người xa quê như Nguyễn Vĩnh Bảo sẽ còn có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ cảm động nữa dâng cho đời.

Hà Nội, ngày 2/5/2016
Thanh Lương

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: