Chủ nhật, 22/12/2024,


Những người dự Hội nghị Viết văn trẻ lần cuối cùng (*) (30/09/2016) 

 

    Càng gần đến ngày khai mạc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, trên các trang báo báo càng xuất hiện thêm nhiều gương mặt đại biểu tham dự sự kiện văn chương này. Những tác giả trẻ nhưng không hề xa lạ với người đọc bởi trong một thập niên vừa qua họ đã khẳng định được tên tuổi, tạo lập được hướng đi bằng ngòi bút của mình. Trong số đó, điều mà người viết thấy thú vị nhất là một số đại biểu có tuổi đời lớn nhất ở hội nghị lần này, đó những người viết văn trẻ + 1, bởi họ đã 36 tuổi (so với độ tuổi trước đây quy định dưới 35 tuổi), lớp những người sinh năm 1980.

   Đó là những cái tên như: Nguyễn Phong Việt (TP Hồ Chí Minh), Lục Mạnh Cường (Hà Giang), Lưu Tử Anh (Lào Cai), Vũ Văn Song Toàn (Thanh Hóa), Kiều Duy Khánh (Sơn La), Nông Quốc Lập (Cao Bằng), Bùi Việt Phương (Hòa Bình)… Trong số đó, có những người đã bước vào sự nghiệp văn chương rất sớm như Kiều Duy Khánh, Lục Mạnh Cường, có những tên tuổi gây được sự chú ý như Nguyễn Phong Việt, Vũ Văn Song Toàn, Lưu Tử Anh… Điểm chung có thể nhận thấy ở những cây bút thế hệ 8x sự trầm lắng của những cây bút sinh của một thế hệ lớn lên trong một bối cảnh xã hội đặc biệt: sự chuyển giao của nền kinh tế xã hội, sự thay đổi trong quan niệm sống và sự xáo trộn của bảng giá trị.


                             

                                           Các nhà văn trẻ (ảnh tuoitrethudo)


   Nếu như các cây bút sinh vào thập niên 70 của thế hệ trước (thường được gọi là thế hệ 7x) được nếm trải cuộc sống trong những cuối của kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam; các cây bút thế hệ 9x có cảm nhận sâu sắc về thời kì đất nước đổi mới với những chiều sâu nội tâm thì những người đầu tiên của thệ hệ 8x này vẫn còn những lưu luyến với những gì xưa cũ. Ta vẫn nhận ra một giọng điệu quen thuộc:

Chúng ta thương những ngày ít gió và nhiều mây
những ngày chỉ nói với nhau bằng ánh mắt
những ngày chỉ cần tựa vai đã thấy lòng thanh thản
những ngày mà nỗi cô đơn cũng cần như hạt muối mặn
nêm vào những bình yên…
(Đi qua thương nhớ - Nguyễn Phong Việt)

  Có lúc, sự sâu lắng đó được thể hiện bằng những câu văn trữ tình, có thể nhận ra ở đó những dấu ấn, những điểm chung trong cảm quan của một thế hệ:
“Dấu chờ mãi mà không thấy Ghều về. Ngoài kia, sương rơi đã ướt đẫm đám cỏ ngoài sân chuồng vịt, ướt sũng tảng đá cạnh chuồng trâu. Tiếng sáo từ xa vẳng lại. Dấu mở cửa bước ra sân. Đêm tối mịt mùng. Con trai, con gái người Dao không sợ đêm tối. Đôi chân như có mắt. Lời Páo Dung như ánh đèn dẫn đường cho họ tìm gặp nhau. Qua mùa xuân năm trước, những người bạn gái của Dấu đã đi lấy chồng hết. Mùa xuân năm nay, là mùa yêu của Ghều và những người con gái tầm tuổi ấy. Dấu ngồi xuống tựa lưng vào cửa. Có thật là Dấu đã già không? Nếu Dấu vẫn ở nhà Dòng chắc mùa xuân này Dấu cũng ngồi tựa cửa đợi Dòng về. Có những người con trai chẳng bao giờ biết yêu vợ. Có những người con gái một đời ngồi đợi cửa và chờ trời sáng, chờ bước chân chồng như con chó ngồi giữ cổng nhà và đợi bước chân của chủ. Có tiếng bước chân lạo xạo trên con đường đá nhỏ. Hai người. Bước chân dừng trước cổng. Có tiếng thì thầm và tiếng cười khúc khích. Có mùi thơm của một loài hoa nở về đêm. Dấu đứng dậy và khẽ khàng quay vào nhà, lén đưa tay lau một giọt sương vừa bám lên mi mắt.” - (Trăng trên Khau Luông - Lục Mạnh Cường).

   Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Phong Việt không mới cũng như văn học viết về đề tài miền núi đã từng có một nhân vật Mỵ được Tô Hoài xây dựng rất thành công. Tuy nhiên, không chỉ có những ngày ‘ít gió nhiều mây”, “chỉ nói với nhau bằng ánh mắt” lại có cả những khi “chỉ cần tựa vai đã thấy lòng thanh thản”, “nỗi cô đơn cũng cần như hạt muối mặn nêm vào những bình yên…” của Nguyễn Phong Việt là sự nhận thức mới. Tâm thế của con người hôm nay đã khác, cũng như một cô Dấu không ủy mị, cam chịu nhưng vẫn không đánh mất vẻ đẹp nội tâm ở của người miền núi.

   Những tác giả trẻ sinh năm 1980 ở khắp mọi miền đất nước, đây là lần cuối cùng họ đến với Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Trong tương lai gần, sẽ có những cây bút dấn thân mạnh mẽ hơn để trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người sẽ tiếp tục kiếm tìm và biết đâu có một ai đó sẽ lặng lẽ gác lại những trang viết của mình. Những chúng ta có quyền hi vọng vào sự bứt phá từ vốn sống, từ đam mê của họ với văn chương để khẳng định tên tuổi của một lớp người viết văn trẻ khá đặc biệt này.
Phương Mai
----------------------
(*) Theo quy định hiện hành về đối tượng tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc
                                                      Nguồn vanhocquenha

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: