Thứ hai, 16/09/2024,


Chuyện đời danh hài: Bảo Chung – Bao Công kỳ cục án (27/02/2009) 

Thấy anh vừa xuất hiện trong bộ trang phục và mặt mũi đen thui của Bao Công kèm theo chiếc kiệu có gắn cây dù bé tí, là khán giả đã cười rần. Và 15 phút sau đó, khán giả bị anh cuốn đi, vừa hài hước, vừa chua cay.

Khoảng năm 1960, có một chú bé 5 tuổi được cha mẹ đưa vô chùa tá túc. Tuổi thơ trôi qua trong cửa thiền nghèo khó nhưng tràn ngập niềm vui vì có mấy chú tiểu khác làm bạn, tha hồ đùa nghịch. Và tuổi thơ êm đềm với lời kinh ngân nga sớm hôm cũng đặt những nét trong trẻo đầu tiên vào tâm hồn của một danh hài...

Đó là Bảo Chung, người từng đoạt 2 huy chương vàng cuộc thi Danh hài TP.HCM năm 1996 và 2000. Gọi anh “danh hài” là có căn cứ đàng hoàng. Nhưng cái vụ làm chú tiểu trong chùa thì... ngạc nhiên hết biết!

 

Chú tiểu ham vui

 

Gương mặt “giang hồ” với hai con mắt to thô lố vậy thì làm sao có thể “tu hành”? Bảo Chung cười tí toét: “Gia đình tui có truyền thống đứa con nào tới 5 tuổi cũng được ba má đem gởi vô chùa tới 10 tuổi mới cho về. Nhưng mấy ông anh của tui ở hổng nổi, chừng 1 - 2 năm là dzọt, chỉ có tui làm đúng “nghĩa vụ”. Tại tui có máu “bụi đời” sẵn rồi, được xa nhà là khoái, vô chùa có cả đống bạn, vui quá trời!”. 

Hóa ra cậu bé Bảo Chung khi ấy đi tu do ham vui chứ hổng có “giác ngộ” chi hết. Nhưng ở chùa cũng có ảnh hưởng tốt, nào ăn chay, tụng kinh nên tính tình cũng hiền lành ra. “Hồi đó tui thích nhất đi tụng kinh đám ma, vì ở chùa ăn cực quá, đi đám lại có nhiều món chay như ăn cỗ, con nít nào hổng ham. Bây giờ thỉnh thoảng trong các tiết mục hài tôi chen vô vài đoạn kinh, khán giả thích quá trời”, anh nói. Dư âm ngày xưa còn lại bấy nhiêu đó...

 

Kép chánh vào vai hề

 

Cậu bé 10 tuổi sau đó trở về gia đình, lại rơi vào một cái nôi khác cũng êm đềm không kém - cái nôi cải lương. Mấy ông anh trong nhà đều biết đàn vọng cổ, nên dạy cho đứa em hát suốt ngày. Thế là 18 tuổi Bảo Chung theo gánh hát luôn, đã từng lên tới kép chánh, kép mùi. Có lẽ con đường nghệ thuật của anh sẽ không rẽ ngang sang nghiệp hài nếu không có một đêm...

Đêm ấy, gánh Bảo Toàn đang hát ở Quy Nhơn với tuồng Lâm Sanh Xuân Nương mà anh hề từ Sài Gòn không ra kịp. Bầu gánh nhờ Bảo Chung thay vai giùm. Đường đường là kép chánh mà bảo phải đóng hề, anh cảm thấy bị xúc phạm. Ông bầu năn nỉ: “Lương kép chánh 15 ngàn đồng/đêm, tôi trả lương anh đêm nay 21 ngàn đồng”. Bảo Chung nghĩ bụng, đóng thì đóng, nhưng ngày mai xin nghỉ, vì giận. Không ngờ, đêm ấy khán giả cười muốn vỡ bụng vì vai thằng Tí của “hề Bảo Chung”. Ông bầu liền năn nỉ anh diễn thêm một đêm nữa. Nể lời, anh lại đóng tiếp. Thế là từ đó anh rẽ luôn sang hài, rời bỏ đoàn tỉnh về “đại bang” Sài Gòn 3, Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang, cặp kè với “sư phụ” Văn Chung danh tiếng như cồn.

Nhưng Bảo Chung thật sự được làng sân khấu nể phục khi anh tham gia cuộc thi Danh hài TP.HCM năm 1996 tại Nhà hát Hòa Bình với tiểu phẩm Bao Công kỳ cục án. Mãi đến bây giờ nhiều người vẫn còn ấn tượng và huy chương vàng trao cho anh thật xứng đáng.

Nhưng ít ai biết, Bảo Chung đã từng khổ sở vì tiểu phẩm này. Khi rời Nhà hát Trần Hữu Trang ra lập nhóm tấu hài riêng, anh đem tiểu phẩm đi duyệt mà không được. Anh phải lặn lội ra Bắc diễn, né xa Sài Gòn. Đêm đầu tiên ở Vinh, khán giả im ru không cười một tiếng. Đêm sau ra Hà Nội, anh lên sân khấu mà run như cầy sấy. Không ngờ, người Hà Nội vỗ tay như pháo. Hóa ra Bảo Chung đã thêm thắt vào đó nhiều bài hát, câu thơ rất duyên dáng, sinh động. Thế là liền một tháng trời, Cung Văn hóa Việt - Xô mời anh diễn suốt.

 

Máu liều lại nổi lên

 

Hăng máu sau thành công của Bao Công kỳ cục án, Bảo Chung làm luôn một loạt tiểu phẩm châm biếm, và anh lại gặp “nạn”. Liên khúc tình xa của anh viết câu chuyện một người anh ra nước ngoài lao động vất vả gửi tiền về mà người em ở Việt Nam lại lấy tiền đó đi hút chích ma túy. Một tờ báo tương lên một câu rằng: “Bảo Chung làm nhục quốc thể”. Nói chung, dư luận khi ấy bảo anh ca ngợi Việt kiều, nói xấu Việt Nam. Bảo Chung đùng đùng lên tiếng tự bảo vệ mình. May mà chuyện cũng qua. Đôi lúc anh buồn, muốn dừng lại; nhưng cái máu liều lại nổi lên, lại tiếp tục viết, diễn và châm biếm. Tiểu phẩm Tiên Sài Gòn chê cười chuyện đường sá ổ gà, dơ bẩn đã giúp anh đoạt tiếp huy chương vàng cuộc thi danh hài năm 2000. Từ đó cứ thấy cái gì trái tai gai mắt là anh lại đem lên sân khấu.

 

    

            Bảo Chung và Vũ Trâm Anh trong album 'Thằng Trớt lập nghiệp'

 

Nhưng Bảo Chung lại xa dần Sài Gòn, gần như đi diễn ở tỉnh và nước ngoài quanh năm. Anh đi Mỹ, Úc, Canada, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Ba Lan, Đức... Còn ở tỉnh, cát-sê anh thuộc hàng rất cao. Anh cười: “Phải nuôi vợ nuôi con chớ. Lương tỉnh một đêm bằng 5 lần lương thành phố”. Tôi trêu anh sao ham con quá - vợ trước có 2 đứa con đã lớn, vợ sau lại có thêm 3 đứa, anh cười khì: “Ông bà mình nói không có của thì có con, vui cửa vui nhà. Tôi theo xưa chị ơi, thích gia đình đông đúc. Vợ tôi hiện giờ – Thụy Uyên cũng đi hát được, vì trước kia là diễn viên. Cả ba đứa con cũng tham gia đóng trong album. Mai mốt chắc lập luôn gánh hát!”. Lúc này “bà xã” Thụy Uyên đang đi hát ở Mỹ, ba đứa con gửi bà ngoại trông giùm, còn anh vừa đi tỉnh về, cũng chuẩn bị xuất ngoại.

Xem ra Bảo Chung rất chăm chút cho gia đình, chí thú làm ăn, khác hẳn vẻ ngoài “giang hồ”. Anh kêu ly cà phê đen, rồi bỏ đó, kêu thêm ly trà đá uống ngon lành. Anh bẽn lẽn: “Làm cho... ra vẻ thôi chứ hổng ghiền!”. Dường như có những nét mâu thuẫn thật lạ trong một con người.

 

Theo Hoàng Kim (Báo Thanh Niên Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: