THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY HỘI LỤC BÁT BÍNH THÂN – 2016
Ngày hội Lục Bát Bính Thân – 2016 do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với website Lục Bát Việt Nam, Tạp chí Hữu Nghị, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Tạp chí điện tử Viettimes, Công ty Quảng cáo Báo chí Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức và bảo trợ thông tin. Với mục đích thông qua các hoạt động văn hóa liên quan đến thể thơ truyền thống 6/8 trong “Ngày Lục Bát” (mùng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm) nhằm nhắc nhớ mọi người ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa Di sản Văn hóa của cha ông từ ngàn đời. Đồng thời, cùng nhau tuyên truyền vận động để Thơ Lục Bát sẽ sớm được công nhận là “Quốc thi” và Di sản Văn hóa Phi vật thể!
Giao lưu Thơ Lục Bát tại Cafe Lục Bát tối 5/9/2016, nhân Ngày hội Lục Bát Bính Thân và mừng sinh nhật lần thứ 9 website Lục Bát Việt Nam
Ngày hội Lục Bát năm nay có sự tham gia của các Câu lạc bộ và người yêu thơ Lục Bát đến từ nhiều vùng miền trên cả nước: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ… Các chương trình được tổ chức và thực hiện tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào đúng ngày 6/8 năm Bính Thân, tức ngày 6/9/2016. Trước đó, đã diễn ra “Đêm giao lưu Thơ 6/8” nhân kỷ niệm lần 9 của webste Lục Bát Việt Nam, tại Café Lục Bát (40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội).
Về kết quả cuộc thi sáng tác thơ Lục Bát “Tổ quốc vào Đạo pháp” năm Bính Thân – 2016:
Hội đồng Chung khảo Cuộc thi Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” năm Bính Thân – 2016 gồm các thành viên: Nhà thơ Vương Trọng, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Nhà thơ Lê Đình Cánh, Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà thơ Trương Nam Hương (TP. Hồ Chí Minh). Bằng phương pháp chấm độc lập của từng thành viên, căn cứ cộng điểm xếp hạng Vàng và Bạc của các tác giả, sau khi phân tích điểm mạnh yếu trong các chùm thơ dự thi đã được Sơ khảo đề cử… Hội đồng Chung khảo Cuộc thi Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” năm Bính Thân – 2016 đã thống nhất xếp giải (thứ tự tính theo số điểm) như sau:
A- LỤC BÁT TRĂNG VÀNG
1- Tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh 1991)
Địa chỉ: Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng
Chùm thơ 2 bài: Bà nội; Làng.
2- Tác giả Nguyễn Ngân
Địa chỉ: 82 đường Trương Quyền, khu phố 4, phường 1, TP. Tây Ninh
Chùm thơ 2 bài: Cung trầm gửi Cần Thơ; Bà Nà.
3- Tác giả Nguyễn Thị Thúy Ngoan
Địa chỉ: 116/261 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng
Chùm thơ 2 bài: Em tôi; Khoảng cách.
B- LỤC BÁT TRĂNG BẠC
1- Tác giả Trần Kế Hoàn
Địa chỉ: Tây Côi Sơn, thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Chùm thơ 2 bài: Viếng bạn; Ru mẹ.
2- Tác giả Vũ Xuân Hồng
Địa chỉ: Phòng khám Đa khoa khu vực Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh
Chùm thơ 2 bài: Trở về; Tháng Ba.
3- Tác giả Huy Trụ
Địa chỉ: 17 Hạc Thành, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá
Chùm thơ 2 bài: Mẹ ru… tháng Bẩy; Trường Sa, không xa.
4- Tác giả Nguyễn Văn Đôn
Địa chỉ: Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh
Chùm thơ 2 bài: Nghe đêm; Đêm nghe tiếng mối bổ mòn lá khô.
5- Tác giả Hoàng Việt Tài
Địa chỉ: 167 phố Thống Nhất, Thị trấn Tiên Yên, Quảng Ninh
Chùm thơ 2 bài: Mùa hoa lan; Thân cò.
6- Tác giả Trần Huy Minh Phương
TP. Hồ Chí Minh
Chùm thơ 2 bài: Mưa trượt; Phiến mơ trắng.
Về Tập thơ “Lộc phát Bính Thân – 2016” cùng việc vận động tôn vinh Thơ Lục Bát là “Quốc thi” và Văn hóa phi vật thể
Đây là tập thơ Lục Bát tự chọn thứ 8 gắn với tên của 12 con giáp, do Nhà xuất bản CAND cấp phép ấn hành. Với gần 300 bài thơ của gần 200 tác giả, cuốn sách này là một sự cố gắng rất lớn của nhóm Tổng hợp và biên soạn, do Nhà thơ Trương Nam Chi chủ biên. Bởi trong một năm qua, cùng với sự phát triển và tiện ích của mạng xã hội, trong đó có facebook, số tác giả tham gia cộng tác với lucbat.vn ít nhiều đã bị ảnh hưởng và chia sẻ. Một số cây bút Lục Bát đã dành thời gian nhiều hơn cho sân chơi của mạng xã hội khác. Tuy nhiên, người yêu thơ Lục Bát thì không bao giờ hết, như dòng chảy văn hóa Việt là vô tận và trường tồn cùng dân tộc.
Những Tác giả góp mặt trong tập sách này đã và đang cố gắng vận động tổ chức kỷ niệm Ngày Lục Bát như một cách xây dựng thương hiệu cho Thơ và Văn hóa Tâm linh. Thương hiệu ấy rất xứng đáng được tôn vinh, được thường xuyên duy trì, bảo tồn, xây dựng và phát triển mãi mãi; khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể Thơ Lục Bát, luôn được coi là hồn thiêng, là tinh túy của dân tộc Việt Nam.
Ngày Lục Bát được tổ chức vào “Mùa Phát Lộc” hàng năm, sẽ cộng hưởng như một điểm nhấn, để nhắc nhở mọi người ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa Di sản Văn hóa của cha ông từ ngàn đời. Đây thực sự là một nhịp cầu nối giữa Truyền thống với Hiện tại, giữa Quá khứ với Tương lai; góp phần làm cho thế hệ trẻ hôm nay thêm nhớ tới công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống của quê hương đất nước mình…
Dự kiến, Ngày Hội Lục Bát Đinh Dậu – 2017 sẽ tổ chức Liên hoan Hát thơ Lục Bát qua các làn điệu dân ca ba miền và trình diễn “Người đẹp yếm đào”… góp phần tích cực vào việc tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc…
Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam; của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; của các cơ quan truyền thông và báo chí; của các trang Website, Blog Văn hóa và cộng đồng mạng xã hội; của các tác giả và những người yêu thơ gần xa… Mỗi người chúng ta hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, tùy theo khả năng, để một ngày không xa, Thơ Lục Bát sẽ là Quốc Thi và tiến tới Thơ Lục Bát sẽ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể!
BAN TỔ CHỨC
____
Ghi chú: Tính đến hết ngày 1/9 đã có hơn 40 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham gia sự kiện trên. Đề nghị các anh chị khi đến tham gia Ngày hội gặp bộ phận tiếp đón báo chí để nhận tài liệu.
Bùi Thị Báu - baubt.ktdg@thanhhoa.edu.vn - 0912560864 - Đô thị Bình minh, P Đông Hương, TP Thanh Hóa
(Ngày 06/09/2016 21:45:32)
Lục bát, nhịp thở giống nòi |