Thứ sáu, 29/03/2024,


Sâu lắng một tình đời, tình thơ (21/08/2016) 


 

SÂU LẮNG MỘT TÌNH ĐỜI, TÌNH THƠ

CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “ NỤ CƯỜI XUÂN XANH “

Nxb Hội nhà văn của ĐÀO TUYẾT THÀNH LƯU

 

 

NỤ CƯỜI XUÂN XANH là một tuyển tập thơ gồm 112 bài, 140 trang.Theo chủ ý riêng được tác giả biên soạn thành ba phần chính :

Phần I : Ngắm trăng mười sáu khuyết là các bài thơ thể lục bát;

Phần II : Bốn ngày làm thơ là chùm thơ tứ tuyệt

Phần III : Tự khúc tập hợp những sáng tác mới trong hai năm 2015 – 2016 với nhiều thể loại như thơ đường luật, thơ tự do và thơ lục bát v.v…

Nếu để nhận thấy một chủ đề xuyên suốt của tập thơ thì có thể nói ngắn gọn một câu. Đó là : “ Khát khao, sâu lắng một tình đời, tình thơ “.

 

 

 

   Ở cái tuổi xưa nay hiếm, có trình độ Đại học, với một bề dày từng trải 40 năm công tác và 15 năm chuyên sáng tác và hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, với khả năng giao lưu năng động và rộng rãi, văn thơ của Đào Tuyết Thành Lưu là sự chắt lọc của những sự quan sát và xúc cảm về nhân tình thế thái, là sự giao thoa giữa tôi với bạn, giữa bạn với đời, giữa cuộc đời với văn thơ, giữa buồng tim và khối óc của chính mình.

Nói là khát khao bởi vì Thành Lưu

Đã nên sáu tám xuân đời

Vẫn ham muốn những đầy vơi khôn cùng…

 

   Khát khao ở đây là khát khao của sự mê say lao động sáng tạo và cống hiến chứ không phải là ham muốn hưởng thụ. Chính vì vậy mà ông đi rất nhiều, đọc rất nhiều và liên tục viết, nên mới có bề dày những tác phẩm được đăng tải và in ấn đem lại một không gian văn học giàu tính nhân văn cho quê hương. Cái khát khao ở tuổi ” tím chiều “ ấy mới đáng quý làm sao?!

Giọt thương, giọt nhớ, giọt say

Tím chiều còn vấn vương đầy ước mơ.

   Ta bắt gặp Thành Lưu trong mỗi bài thơ với một đầu đề khác nhau nhưng dễ nhận thấy một tiêu điểm được định hình cho mọi sự vật, một khung cảnh một cách rõ ràng. Là đôi mắt soi nhìn vào nó, là hơi thở hòa cùng với nó, là khối óc tư duy về nó và con tim hòa nhịp đập cùng nó. Bài thơ nào cũng chứa chất tâm sự rất sâu sắc của tác giả với chủ thể là người, là cảnh vật  hay sự việc…Nên nói “ sâu lắng một tình đời “ chính là như vậy. Hãy xem :

    Phút giao thừa, khi thoáng nhìn sắc trời rực rỡ của màn pháo hoa, tác giả đã chia sẻ cảm xúc hạnh phúc tràn đầy không chỉ với một người con gái, mà như với tất cả mọi người, không chỉ một phút giây thiêng liêng mà như đong đầy mãi tháng năm :

Em đi hái lộc chùa nào

Đầy trời hoa thắm rơi vào mắt em

    Hay như tác giả đã dành trọn cả một chương trong tuyển tập, dành sự quan sát, tìm hiểu, nhận xét và phác họa nên chân dung của một loạt các bạn thơ. Mỗi người một vẻ. Đó là sự ghi nhận những nét đẹp riêng, những cống hiến riêng của mỗi nhà thơ, là sự yêu mến và quý trọng của ông với bạn hữu. Nếu không “ sâu lắng tình đời, tình thơ “ thì sao có thể viết nên như vậy được?

    Tất cả các bài tứ tuyệt ngắn gọn ấy, đọc đến tên ai cũng như nhìn rõ được cái nét đặc trưng, cái bản ngã, cái tâm , cái tầm và cái tình của họ, một nhà thơ:

Hoa Nhãn

Nhãn lồng hoa nụ nụ xum xuê

Tha thướt vờn bay dáng tóc thề

Mát ngọt trời xuân hương gió nhẹ

Em dốc chiều đông nghiêng mái đê

Tấn Ban

Hoa ban có nở làng Trôi Nội

Hoa trắng sương giăng mái Núi Đoài

Xuân già xin hỏi già không nhỉ

Hương Bưởi chiều qua hát với ai ?

    Đặc biệt Thành Lưu còn rất chăm đọc thơ bạn. “ Đọc rồi hẳn có đôi điều sẻ chia “. Một trong những chia sẻ điển hình, sâu lắng nhất với tác phẩm “Trăng mười sáu khuyết” của Đặng Thị Quế Phượng, tác giả đã điểm các câu từ, bài viết của Quế Phượng để lồng ghép trong một bài thơ nêu lên cảm xúc rung động nhất, tâm huyết nhất của mình với tập thơ :

… “ Hỡi em thắt dải lưng xanh

Có về Sông Hát với anh thì về !“

Để nghe chim hót bờ tre

Để đôi ta lại vai kề bên vai

Để chiều lắng tiếng mưa rơi

Hoe hoe dải nắng hé chồi tơ non


   
   Từ sự tích tụ của quỹ thời gian, từ những trải nghiệm đong đầy trong cuộc sống, Thành Lưu còn chia sẻ với rất nhiều khía cạnh của tư tưởng, văn hóa, lịch sử và xã hội kể cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng với một văn phong nhẹ nhàng, câu từ giản dị nhưng sâu kín và thâm thúy. Khi thì chia sẻ tình cảm của mình với những con người cụ thể như Mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, chia buồn với Nguyễn Chính, khi vợ anh mới qua đời, chia vui với Chử Thu Hằng, Vũ Thiên Kiều và Dung Thị Vân những bông hoa tươi thắm của lucbat.com, chúc thọ và họa thơ chúc thọ bạn. Khi thì nêu cảm xúc về những khía cạnh chung của xã hội: Một thời khó khăn bao cấp, nỗi đau nạn nhân chất độc da cam hay những “cơn mưa vàng 10 tháng 6 “ của đội tuyển Việt Nam, chuyện đạo thơ trơ trẽn trên văn đàn, chuyện về thân phận người phụ nữ

Xuân thì chớm nở hoa xoan

Mười hai bến nước đò sang bến nào ?

hay

Chiều buông táo rụng sân chùa

Để cho gái dở, của chua đi tìm !.

    Một sự sẻ chia sâu sắc nhất được tác giả đặc biệt quan tâm, đó là nhìn về những trang sử oai hùng của dân tộc, những sự hy sinh cao cả của những thế hệ thanh xuân trong chiến tranh giải phóng dân tộc cho đất nước hòa bình, ấm no hạnh phúc : Những chiến binh “ Sát thát “ chống giặc Nguyên Mông, những người lính cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa, hay anh bộ đội Cụ Hồ ngã xuống trên chiến hào Điện Biên Phủ.

 Chiến tranh giờ đã lùi sâu

Sáu mươi năm ấy đất màu lên xanh

Điện Biên xanh ngát hòa bình

Hoa ban cháy đỏ in hình bóng anh

    Dẫu thân xác họ không còn tồn tại, nhưng tình yêu, đất nước, con người Việt Nam ta họ dành trọn cho bao thế hệ mãi sau và họ vẫn còn đó với nụ cười thanh xuân bất tận.

Anh nhìn tôi vẫn nụ cười xuân xanh.   

    Nếu chúng ta biết trân trọng những điều đó, thì không chỉ sống với cảm giác thương tiếc thôi mà cần cống hiến nhiều hơn, làm tốt hơn những việc ta đang làm. Cho nên tác giả có những chính kiến của mình, phê bình xây dựng về một số lĩnh vực chưa thực sự tốt trong xã hội như giáo dục còn nặng về sách vở, bằng thật, bằng giả, hay lấy tuyên truyền là phương châm hành động mà không có những giải pháp cụ thể, hiệu quả , và còn bao nhiêu cái  “lố lăng “,“ ngược đời “ cần được phơi bày ra công luận:

Hôm nay trời nắng chang chang

Có anh mặc váy, có nàng đi hia…

Đêm trăng mà lại thắp đèn

Chiếu chèo nhập nhoạng, trống kèn ù ơ.

Thậm chí có những điều day dứt tự vấn với chính bản thân mình :

Ta ngoảnh nhìn lại ta bảy mươi năm cuộc đời

Bao cái chết để rồi ta không chết

Bao nỗi đau đành nén lại cơn đau

Để tự nhủ mình :

Đường con đi còn bao nỗi truân chuyên

Trời chưa xanh và biển cũng chưa yên

Câu " kết đoàn " vẫn mãi là niềm tin của Bác.

    Vâng đó chính là niềm tin, niềm khát khao hy vọng cuộc sống này sẽ được bình yên, hạnh phúc mà chúng ta luôn mong đợi.

Ba bài thơ “ Người giữ đất nước bình yên “, “ Nụ cười xuân xanh” và “ Tự nói với tuổi bảy mươi” có thể nói là nguồn cảm hứng sâu lắng nhất của tác giả đối với cuộc đời, với tình người, tình thơ mà một trong số đó được đặt tên cho tuyển tập thơ này. Trong đó “ Người giữ đất nước bình yên “ đã vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi thơ 70 năm truyền thống Công an nhân dân do Công An huyện Đan Phượng tổ chức.

Hoàng hôn buông vào đôi mắt tôi

Những nét lặng thầm của người chiến sĩ

Mạnh mẽ , hiền khô mà yêu quý thế

Bởi anh là người giữ đất nước bình yên.

 

    Xuất phát từ cảm xúc mạnh mẽ, tư duy sâu lắng, ngòi bút chỉn chu, ta bắt gặp ở từng bài thơ của Thành Lưu những ý tứ sâu xa, những câu từ được chỉnh trang chau chuốt.Vẫn là những dòng chữ gần gũi dân dã như ca dao, không mới lạ, phá cách như thơ hiện đại nhưng không thể phủ nhận rằng bài thơ nào cũng đạt được hiệu quả truyền cảm và đều có sức sống trong lòng người đọc

Bài “Thương người trong mộng “:

 Thương người trong mộng cô đơn

Chiều buông rơi những giọt buồn đìu hiu

Nhạt nhòa ánh mắt vời theo

Rượu tràn ly hứng đôi điều chơi vơi

Bài : “Mùa xuân hạnh phúc” :

Qua rồi ư mấy mươi năm

Cái thời bao cấp khó khăn, cơ hàn?

Tinh mơ xếp gạch cửa hàng

Nửa đêm mất điện nhóm than, quạt lò

Bài : “Cơn mưa vàng 10/6” :

Tôi muốn gửi  các em niềm tin yêu nhất

Tôi muốn ôm lấy các em rất chặt, rất chặt

Và hôn lên những gương mặt rạng ngời

" Cơn mưa vàng " - trong vắt, Việt Nam ơi !                                                       

Đặc biệt với bài thơ mang tên tập thơ, chỉ với hai câu kết

Thắp nhang rơm rớm ngậm ngùi

Anh nhìn tôi vẫn nụ cười xuân xanh

    Chẳng phải là một cuộc giao lưu giữa hai thế hệ, một đã hy sinh tuổi thanh xuân cống hiến máu xương cho độc lập tự do, một đang hưởng hòa bình hạnh phúc do chính những người đó mang lại. Câu hỏi và câu trả lời đều đã rõ lắm sao?

Thành Lưu, thử sức mình trong rất nhiều thể loại thơ :

Thơ lục bát, với những đề tài rất nhạy cảm, ý tứ sâu sắc, lời thơ trong sáng, mượt mà :

Tóc ơi! Sương gió một đời

Nhuốm bao cay đắng đầy vơi tháng ngày

Thu về thêm chút heo may

Gánh buồn lạnh những hao gầy vóc mai

Thơ tứ tuyệt :

Cứ bảo em là …” ấy “ của tôi

Trời chẳng xe duyên, phận đã rồi

Sao còn cứ bảo “ em là …“ mãi

Hoa gạo bên thềm đỏ giọt rơi.

Thơ Đường luật : bài CÂY LIỄU              

Em buông làn tóc giỡn màn sương

Tha thướt mặt hồ ướm thử gương

Lắc lẻo cành rung khoe dáng điệu

Lao xao lá động gợi yêu thương…

Thơ đồng dao :

Ôi cái giáo dục

Học nhét học nhồi

Mốt tây, mốt Nhật

Khác nào đòn roi

Còn có cả thơ “ bút tre” viết cũng khá dí dỏm :

Bảng lảng chiều hồ Xuân -
Hương bay bay la Đà -
Lạt phai những chiều Than -…

   Ở thể thơ nào cũng đều có dấu ấn của sự tròn trịa, thành đạt, nhưng thơ tự do mới
chính là sở trường của ông. Nguồn thơ cứ tự nhiên tuôn chảy, không gò bó mà đưa ta từ cảm xúc này đến cung bậc khác một cách cuốn hút cho đến một cái kết cứ như muốn đọng mãi trong tâm hồn mà lại muốn cứ đi xa thêm nữa :

Đếm lại từng bước đi trong bảy chục tuổi đời

Sao lắm chông gai sao nhiều uẩn khúc

Như mạng ảo vừa hư vừa thực

Một bài ca, bài ca ta vẫn hát

Trên con đường còn hun hút vời xa.

    Rất ít bài thơ tác giả tả cảnh thiên nhiên một cách tự nhiên, mà dẫu có thì cũng là những hình ảnh nội tâm được nhân cách hóa từ cỏ cây chim muông, hoa lá NHƯ CÂY CAU, CÂY LIỄU, MAI CHIẾU THỦY… đều biến thành “con người“  có đầy đủ yêu - thương – giận – hờn – ghen – ghét :

 

Mai chiếu thủy

Thân cũng nhỏ và lá, cành cũng nhỏ

Mảnh mai thôi, em mặc gió nô đùa

Hoa e ấp náu mình như nhắn nhủ

Tấm lòng trinh…soi bóng nước đong đưa.

 

   Tác giả rât coi trọng chỉnh sửa câu từ, thậm chí có câu sau bốn năm thay sửa tới sáu lần. Cho nên chân thành nhận xét trừ đôi chỗ còn lỗi về kỹ thuật trong thơ tứ tuyệt mà tác giả khó sửa hoặc về in ấn thì tập thơ này cũng rất ít điều khiếm khuyết đáng phê bình.

 

   Dạo quanh một vòng từ “ Giao thừa “ đến “ Xuân hạnh phúc “ tuyển tập thơ NỤ CƯỜI XUÂN XANH  của Đào Tuyết Thành Lưu ta như đã đi qua bốn mùa của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, nối tiếp không ngừng.

Đông  dắt mây về phủ núi xanh

Xuân  vén màn sương nụ nhú cành

Hạ  mở cao trời phơi mây trắng

Thu  rắc tình thơ sắc long lanh

    Con tim ta hòa cùng nhịp đập với tình đời tình thơ chan chứa yêu thương. Và ta biết yêu người, yêu thơ hơn nhiều lắm.

     Xin cảm ơn và đồng hành cùng tác giả !

 

24/5/ 2016

PHAN THẾ LƯU

Cử nhân, Giảng viên văn học

15T – Hòe Nhai Hà Nội

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đào Tuyết Thành Lưu - daotuyetthanh@gmail.com - 01648936366 - Tân hội _ Đan Phượng Hà Nội  (Ngày 25/08/2016 22:52:29)

Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai, đã đăng bài viết này lên trang lucbat.com . Cảm ơn nhà thơ Trang nam Anh, Nguyễn Vĩnh Tuyền đã về dự buổi giao lưu và ra mắt 2 tập thơ của ĐTTL.
Với quý vị trong lucjbat,com chưa về được, xin cho địa chỉ, đttLưu kính gửi tặng sách để cùng chia vui với tác giả.
Trân trọng!
ĐTTL

Các bài khác: