Có thể nhiều người nhớ đến nghệ nhân nổi tiếng của Cổ Đạm mà quên hẳn rằng cách không xa trung tâm Hà Nội là mấy, cũng có những nghệ nhân xuất sắc về ca trù - những người có một tầng sâu về loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ấy là các nghệ nhân của làng Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên - một điểm nhấn văn hoá đặc sắc của đất Hà Tây (cũ), nay đã là Hà Nội. Ca trù của Chanh Thôn mang phong cách riêng từ nghệ thuật phát âm đến cách ngân hơi. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Khiếu ở đây đã cho chúng tôi thưởng thức ca trù theo cách của họ và hiểu những giai điệu tuyệt vời nhất mà có lẽ ngay giữa thủ đô nhộn nhịp rất khó tìm thấy.
* Với một người nhiều năm theo đuổi môn nghệ thuật cổ xưa, cụ có thể nói một chút về loại hình nghệ thuật đặc biệt này ở Chanh Thôn không ạ?
- Chẳng biết từ bao đời, nơi thôn cổ này đã hình thành những phường hát ca trù đi hát khắp nơi kiếm sống. Các đào nương, kép hát của làng thời bấy giờ nổi tiếng đến mức người các nơi khi có việc họ, việc làng đều về Chanh Thôn rước đào về hát. Đến tận ngày nay, dân làng tôi vẫn truyền lại rằng, vào quãng những năm 1920, vua Khải Định đã cho người về tận làng đón 2 đào nương Nguyễn Thị Ước và Vũ Thị Viển vào tận cung đình Huế hát cho vua và các quần thần nghe. Khi ra về các cụ được thưởng nhiều quà, đặc biệt là 3 đôi đũa mun và bức hoành phi "Ca hữu kỳ" hiện vẫn còn để thờ tại nhà thờ dòng họ… Sử làng tôi chép lại rằng: "Vào quãng những năm từ 1937-1944, những người làng như cụ Nguyễn Văn Tỵ đã mở nhà hát ở Yên Bái, Đáp Cầu (Bắc Ninh), Thường Tín và Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Ngạnh mở nhà hát ở Vĩnh Yên và Lạng Sơn, cụ Nguyễn Văn Diệc mở nhà hát ở Thường Tín, cụ Vũ Văn Tần mở nhà hát ở Đỗ Xá… Từ hồi chúng tôi còn rất nhỏ đã theo các cụ ra đình làng ngồi ngắm những nhịp phách đung đưa rất nhịp nhàng.
* Học ca trù ngày trước có khó không ạ?
- Quả thực hát ca trù vô cùng khó, mồm hát, tay gõ phách, tai nghe đàn. Phách phải theo đàn, cái nọ phải theo cái kia, đàn phải theo hát… cứ liên quan đến nhau và phải ăn khớp với nhau, lỗi một nhịp thì hỏng. 12 tuổi tôi đã được cha truyền cho thành thục các ngón nghề ca hát, từ cách lấy hơi, từ các làn điệu như hát mưỡu, hát nói, hát cung bắc, hát gửi thư, bắc phản, huê tình…
* Trong ca trù có phân biệt giữa hát giỏi và hát hay không ạ?
- Bất cứ loại hình nghệ thuật nào thuộc về năng khiếu cũng đều có sự phân biệt ấy. Hát giỏi là anh lĩnh hội được hết các ngón nghề mà thầy dạy nhưng nếu như thiếu cái hay thì anh cũng dễ dàng bị người khác lãng quên. Còn anh hát hay dù khả năng cảm thụ âm nhạc có giới hạn thì cái giọng ấy cất lên cũng dễ làm người ta động lòng và nhắc nhớ. Hát giỏi và hát hay là hai phạm trù riêng biệt nhưng nếu như người nghệ sỹ nào mà được trời phú cho một giọng hát tuyệt vời, lại thêm sự thông minh nhanh nhạy trong cảm thụ thì sớm hay muộn tài năng cũng nở rộ.
* Hát ca trù xưa có gặp khó khăn không ạ?
- Ca trù ngày xưa là đỉnh cao nghệ thuật, mỗi khi nhà nào có lễ lạt hay ăn mừng gì đó lại mời mấy ca nương về hát. Chỉ thời gian chiến tranh mọi thứ mới bị chững lại. Ngày xưa, ở làng có nhiều phường hát, trẻ con hầu như ai cũng biết đàn biết hát. Hồi ấy khách nghe hát hầu hết là những người lắm tiền nên dù mang tiếng là thân phận đào, kép nhưng chúng tôi kiếm tiền dễ lắm. Nếu biết tích luỹ thì đi hát vài tháng có thể mua được cả mẫu ruộng. Sau năm 1945, đất nước chiến tranh, ly tán, cả dân tộc tập trung vào nhiệm vụ giải phóng đất nước nên việc hát hò chìm vào quên lãng, đã thế đào hát lại bị mang tiếng xấu nên người Chanh Thôn cũng chẳng ai muốn nhắc tới nghiệp cầm ca của mình nữa.
* Tại sao lại mang tiếng xấu ạ?
- Có một thời chúng ta hiểu chưa đúng về ca trù nên nó đã bị lãng quên. Đầu tiên ca trù hát ở trong cung, là nữ ca cho các vị hoàng hậu nghe, sau đó được sử dụng trong các nghi thức như tiếp khách nước ngoài, tiếp đến các quan lại thấy hay mới đem về hát ở tư dinh (hát cửa quyền). Khi được dân gian tiếp nhận thì người ta có lối hát ở đình gọi là hát cửa đình. Đến đầu thế kỷ 20, ca trù đi vào biểu diễn ở một địa điểm cố định gọi là hát ca quán và danh từ "cô đầu", "cô đào", "ả đào" xuất phát cũng từ đó. Trong "cô đầu" cũng có hai loại đào đó là "đào hát" và "đào ngủ". Đã là đào hát thì không đi ngủ với khách, đó là luật khá khắt khe của ca trù nhưng có một thời đã lầm tưởng là đào hát thì cũng đi ngủ nên hát cô đầu bị mang tiếng oan suốt cả một thời gian dài.
* Cách biểu diễn ca trù ngày nay và ngày xưa có gì khác nhau không thưa cụ?
- Cơ bản là giống với thời kỳ đầu của ca trù. Tối 30 Tết các cụ già trong làng có ra đây làm lễ thánh, tế giao thừa. Ngày xưa các cụ cũng làm thế nhưng rồi chiến tranh xảy ra, các loại hình nghệ thuật đều bị lãng quên, thi thoảng có người hát ca trù nhưng không làm lễ. Nay muốn khôi phục lại loại hình văn hóa này thì mình phải làm đúng các nghi lễ của các cụ xưa. Ở Chanh Thôn đã đi vào nề nếp được vài ba năm rồi. Tính ra thì thời nay ca trù gặp nhiều khó khăn hơn vì chỉ thi thoảng có đoàn khách nào đó về và muốn thưởng thức ca trù đúng như thuở sơ khai thì chúng tôi mới tập trung mọi người trong câu lạc bộ và biểu diễn như trên sân khấu thực sự.
* Ở Chanh Thôn hiện giờ có một câu lạc bộ ca trù được nhiều bạn trẻ hưởng ứng phải không ạ?
- Cuối năm 2007, UBND xã Văn Nhân đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Trung tâm trao đổi giáo dục Việt Nam thành lập quỹ để khôi phục, truyền dạy môn nghệ thuật này. Chỉ trong vài tháng, một lớp ca trù do tôi và nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn và nghệ nhân Vũ Văn Khoái (đàn) dạy đã được mở ngay tại nhà thờ tổ ca trù làng với thành phần tham gia đa phần là thanh thiếu niên. Lớp học đông dần với các ca nương gồm cả lão, ấu tới 4 thế hệ khiến nhà thờ tổ nghề ca kĩ không đủ chỗ, phải chuyển ra đình. Hàng tuần, chúng tôi dạy đủ các tối thứ 4-5-6-7 nhưng gần đây sợ ảnh hưởng đến học hành của các cháu nên chỉ tổ chức mỗi tối thứ 7 ở đình làng cổ kính gần 200 năm tuổi. Điều ngạc nhiên nhất là lớp truyền nghề ca trù của chúng tôi có khá nhiều cháu gái mới khoảng 8-9 tuổi nhưng tiếng phách đã thành thục, đã nhuyễn mấy khúc huê tình.
Từ khi CLB ca trù được khôi phục, mọi người trong làng rất vui, hào hứng tập hát vì không muốn vốn cổ bị thất truyền. Nhiều người nói đùa rằng, nhờ CLB ca trù của chúng tôi mà cái nghề mộc nặng nhọc của làng dường như bớt căng thẳng, mọi người sống gần gũi, yêu thương nhau hơn. CLB trở thành nơi sinh hoạt tập thể của các cụ và chỗ chơi của các cháu. CLB cũng trở thành nơi giáo dục văn hoá tinh thần cho thanh, thiếu niên, mọi hoạt động vui chơi của thanh thiếu niên đều bị hút vào CLB và không có bất kỳ trường hợp nào chơi bời lêu lổng, nghiện hút. 11 tháng giêng năm nay (Kỷ Sửu), người làng Chanh Thôn đã có một lễ giỗ ông tổ nghề ca trù làng hết sức hoành tráng, có thi hát ca trù, thi múa bài bông giữa các xóm. Mạch ngầm văn hoá dân tộc sau thời gian tưởng chừng gián đoạn nhưng nay vẫn âm thầm chảy.
(Theo KTĐT)