Thứ năm, 28/03/2024,


Chú ý thẩm mỹ của thi sĩ (Nguyễn Thanh Tâm) (26/07/2016) 

 

            Chú ý thẩm mỹ trở thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành kinh nghiệm thẩm mỹ của chủ thể. Một điều cần phải ý thức ngay ở đây đó là, thi sĩ, với phẩm chất riêng của mình, dường như mọi dữ kiện của đời sống, lịch sử, hiện tại và những dự cảm về tương lai,… đều có thể được thu vào trong phạm vi chú ý của họ.

            Một đề tài lớn, tạo thành chú ý thẩm mỹ có tính truyền thống trong thơ Việt Nam đó là Tổ quốc. Trong tâm thức con người Việt Nam nói chung và thi sĩ hôm nay nói riêng, sự quan tâm đến vấn đề Tổ quốc được định nghĩa là tình yêu, sự gắn bó, bảo vệ bất chấp máu xương. Đất nước, Tổ quốc là lãnh thổ, văn hóa, văn hiến, là trầm tích của ngàn năm gây dựng, đắp bồi bởi nhân dân lao động: Đất nước này là đất nước của nhân dân/ Đất nước của ca dao, thần thoại (“Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm); Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời” (“Những người đi tới biển” - Thanh Thảo).

            Chú ý thẩm mỹ của thi sĩ đương đại có những nét khác biệt với các giai đoạn trước. Trong hình dung mang tính đối sánh, chú ý thẩm mỹ của thi sĩ thời Thơ mới (1932-1945) hướng vào bên trong, khai thác thế giới nội cảm của cái tôi, nhiều khi khác biệt giữa cá nhân với cộng đồng. Nói cách khác, thi sĩ Thơ mới đi tìm mình. Trong khi đó, thi sĩ đương đại vừa tìm mình vừa đi tìm người khác, vừa khám phá hành trình trở lại thế giới của cái tôi cá thể vừa hướng sự chú ý của mình đến thế giới, nhân loại. Kết quả của quá trình tìm mình, thi sĩ thấy con người cá nhân sinh động, phong phú, luôn phải nép sau cái ta suốt lịch sử mỹ học trung đại. Quá trình tìm mình và tìm kiếm người khác của thi sĩ đương đại vừa thấy con người cá nhân (vốn cũng không trùng khớp với con người cá nhân Thơ mới) vừa thấy được những hình thái sinh động của sự sống từ thế giới bên ngoài. Một vấn đề nảy sinh từ đây: Cái tôi Thơ mới luôn cảm thấy cô đơn-bởi nó chỉ thấy nó (Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta - Xuân Diệu). Trong khi, cái tôi bản thể trong thơ đương đại lại mang cảm trạng cô độc-thấy mình, thấy người khác, nhưng luôn bị mặc cảm chia cắt, ngăn trở, chối bỏ - đóng kín như là một trạng thái khách quan hoặc xuất phát từ chính hạn chế của con người đương đại khi chưa kịp trang bị khả năng thích nghi. Khủng khiếp hơn, con người đương đại thấy cô độc khi đối diện bản thân, thấy xa lạ với chính mình. Thi sĩ là người nhạy cảm, hơn ai hết, họ thấy rõ những cô độc của đời sống: Tôi bước vào thành phố/ Vết sẹo dìu tôi đi” (“Tôi bước vào thành phố” - Hữu Thỉnh); Chuông điện thoại vẫn vang lên bền bỉ/ Tôi nhấc ống nghe/ Và từ đầu dây bên kia ở nơi nào xa lắc/ Tôi lại nghe chính giọng nói của mình (“Tiếng gọi” - Nguyễn Quang Thiều).

             

 

            Chú ý thẩm mỹ trong đời sống tinh thần của thi sĩ đương đại diễn ra ở một phạm vi rộng lớn, sâu xa hơn. Đó là toàn bộ các chiều kích của sự tri nhận, cảm biết, hữu hình và vô hình, tự nhiên và xã hội.

            Chú ý thẩm mỹ của nhà thơ hôm nay vừa mang đặc tính tự nhiên, vừa mang đặc tính văn hóa, không biệt lập với các giá trị phổ quát của cộng đồng, dân tộc, thời đại. Các nhà thơ có thiên hướng chú ý đến những khía cạnh của đời sống vốn bị khuất lấp, chưa được chú ý trong thơ ca các giai đoạn trước. Điều này cũng là một tất yếu trong những điều kiện cho phép của lịch sử xã hội. Cũng cần nói thêm, sự thay đổi của chú ý thẩm mỹ cũng có nguồn gốc từ chính sự thay đổi của lớp công chúng mới, thị hiếu mới, quan niệm mới về nghệ thuật, về cái đẹp. Người đọc sẽ nhận ra, trong thơ hôm nay những biểu hiện muôn hình sắc của đời sống, của không gian mở, đa hệ thống. Cùng với những đối tượng vốn được xem là mỹ (đẹp), thơ nói chung và văn học, nghệ thuật hôm nay chú ý cả đến cái xấu, cái ác, cái tục, cái bất toàn, bề sau, mặt trái, thiểu số… Cái nhìn đa chiều đã đem đến những hình dung khác về di sản của quá khứ, kiến tạo những thực tại mới khác với quy ước, khác với những gì có thể đã quen thân.

            Chú ý thẩm mỹ là giai đoạn khởi đầu cho quá trình hình thành thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Nhà thơ hôm nay có xu hướng chú ý vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống cá nhân, bản thể, những vấn đề có tính phổ quát của nhân loại, giống loài, giới tính, dân tộc tính, những hiện diện mang giá trị nhân văn hoặc phản nhân văn, những sự kiện tự nhiên, xã hội, chính trị, văn hóa có khả năng tác động đến con người trong tư cách là một cá thể sống tự nhiên và xã hội. Với phạm vi chú ý như thế, con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng đã sống nhiều hơn từng phút giây hiện hữu của mình.

 

TS NGUYỄN THANH TÂM
(theo báo QĐND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: