Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, đạo diễn Minh Nguyệt đánh dấu sự trở lại sân khấu bằng tác phẩm “Cánh đồng bất tận” đã chính thức ra mắt khán giả, trên sân khấu Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Trước sự trở lại này, đạo diễn Minh Nguyệt có cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP về “Cánh đồng bất tận”, về tình yêu sân khấu…
- PV: Chị từng tâm sự: “Chuyển thể một tác phẩm văn học có khi còn khó hơn việc viết hẳn một kịch bản sân khấu mới”, vậy điều gì đã thôi thúc chị chuyển thể và đưa “Cánh đồng bất tận” lên sàn diễn?
- Đạo diễn Minh Nguyệt: Khi đọc Cánh đồng bất tận (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư, tôi lại bị cảm giác ngợp thở và tê điếng như cách đây 30 năm được đọc Đỉnh gió hú của nhà văn Emily Bronte. Tình yêu và lòng thù hận của con người cứ quyện chặt lấy nhau và đẩy đến tận cùng đỉnh điểm... Những hình ảnh trên sân khấu bỗng xuất hiện trong đầu, thôi thúc tôi lao vào một thử thách mới...
Khó khăn nhất vẫn là việc tìm diễn viên để chuyển tải cái hồn những nhân vật có ngóc ngách tâm lý quá phức tạp như Út Vũ - người đàn ông hận đời, xa lánh loài người; Sương - cô gái điếm rất đời nhưng cũng trong veo, biết tận cùng với con người, với cuộc sống; Nương, Điền - những đứa trẻ tâm sinh lý không bình thường trầm uất bởi những cảnh đổ vỡ đau lòng của cha mẹ.
Cuộc sống của ba cha con lênh đênh trên sông nước một cách hoang dã, mông muội được thay đổi, bị xáo trộn một cách dữ dội bởi sự xuất hiện của cô gái điếm. Tất cả những điều đó gộp lại sẽ là yếu tố góp phần tạo nên một vở diễn hay và lạ... Tôi quyết định thai nghén, nuôi dưỡng và đưa CĐBT lên sàn diễn.
- Với tác phẩm văn học, CĐBT tạo dấu ấn trong lòng độc giả và mang lại giải thưởng cao cho nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, khi đưa lên sàn diễn, chị có bị áp lực bởi những thành công này?
- Khi quyết định đưa CĐBT lên sàn diễn tôi bị rất nhiều áp lực bởi tác phẩm đã từng tạo dấu ấn trong lòng độc giả. Tôi lo lắng liệu mình có chủ quan làm thấp đi một tác phẩm văn học từng gây nhiều tiếng vang như thế, nhưng lỡ “mê” đành phải “liều”.
Khi gởi kịch bản đến tác giả Nguyễn Ngọc Tư tôi hoàn toàn được ủng hộ. Tôi được những diễn viên mà mình nhắn tới sẽ đảm nhiệm vai chính nhận lời, tôi thở phào nhẹ nhõm và bước đầu bớt đi áp lực.
- Đưa CĐBT lên sân khấu, chị đặc biệt quan tâm đến điều gì?
- Tôi đặc biệt quan tâm đến tình yêu thương giữa con người và con người, và khát vọng được làm một con người bình thường để yêu thương và được yêu thương tưởng chừng đơn giản nhất nhưng thật ra không đơn giản chút nào.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn gửi đến một thông điệp: cuộc sống phải được phát triển một cách tự nhiên dù có bị đàn áp, có bị ức chế thì sự phát triển đó vẫn là một chân lý tình yêu thương giữa người và người vẫn luôn tồn tại.
- Trong tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư, cái kết là một sự gieo mầm, đặt niềm tin vào tương lai cuộc sống, còn tác phẩm sân khấu của chị thế nào?
- Ở sân khấu, tôi thường thích những cái kết lửng để khán giả tham gia sáng tạo cùng suy ngẫm tự tìm cái kết cho nhân vật mà mình đồng cảm. Nhưng riêng CĐBT tôi lại đắn đo suy nghĩ và mạnh dạn đề nghị tác giả cho tôi được có một cái kết khác.
Tôi tin khán giả sẽ thở phào nhẹ nhõm khi bước chân ra khỏi khán phòng vì họ thấy những nhân vật họ yêu thương được giải quyết một cách công bằng, vì tôi muốn hạnh phúc sẽ luôn đến với bất cứ những ai biết hết lòng với cuộc sống, với con người.
Trên sàn tập 'Cánh đoồng bất tận'
- Gần đây, sân khấu TPHCM thưa vắng những vở diễn chính kịch, phần nhiều các vở diễn đi theo hướng hài kịch để hút khách, chị lại quyết định đầu tư làm CĐBT. Phải chăng, chị đang muốn tìm lại khán giả của một thời mà chị từng thành công với vở “Tiếng chim vườn ngọc lan” cách nay hơn chục năm?
- Mỗi khi ngồi một mình tôi hay nhớ về khoảng thời gian đã qua. Lúc đó chính kịch đang là thời hoàng kim với rất nhiều vở diễn, vai diễn ấn tượng để những người làm nghề như chúng tôi náo nức bước vào thánh đường sân khấu đắm mình trong những cảm xúc dâng trào. Khán giả cũng vậy, họ không tiếc thời gian, họ trân trọng chia sẻ những cảm xúc khiến những người làm nghề như chúng tôi vô cùng cảm động.
Tôi nghĩ, tôi là người may mắn đã có một CĐBT được thực hiện bởi một tập thể say mê và giỏi nghề, có lẽ đây cũng là một cơ duyên giúp tôi mạnh mẽ quay về sau 10 năm luôn khắc khoải bởi một giấc mơ sân khấu.
- Chị có tin vở diễn CĐBT của mình sẽ lại tiếp nối thành công như tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư?
- Tôi không kỳ vọng mình sẽ đón nhận tiếp nối sự thành công như tác phẩm văn học, nhưng tôi tin tác phẩm sân khấu sẽ ít nhiều “thấm đẫm và ngân dài” đối với những khán giả mộ điệu bởi kết quả của quá trình lao động nghệ thuật miệt mài và đầy nỗ lực của một tập thể trong vở diễn CĐBT.
- Sau vở CĐBT, đánh dấu sự trở lại sân khấu, chị sẽ đầu tư thực hiện tiếp những vở diễn mới?
- Đó là khao khát sau 10 năm im lặng, mãi đến ngày giờ này, tôi tin chắc một điều tất cả đều có cơ duyên… Dù vở CĐBT đã được thai nghén và sinh ra trong một thời điểm quá khắc nghiệt về mặt diễn viên và cũng không kém phần “bầm dập” để vở diễn được ra mắt khán giả, nhưng sau khi được hội đồng phúc khảo thông qua, chúng tôi đã nhìn nhau và nói trong nước mắt lẫn nụ cười “hãy cố gắng làm tiếp vở khác”.
Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì tôi vẫn kỳ vọng Trái tim kiêu hãnh, Thiên thần không cánh, Bút máu sẽ lần lượt được dàn dựng bởi ê-kíp làm việc trong vở CĐBT. Chúng tôi rất mong sự đón nhận của công chúng.
Theo VÂN AN (Báo SGGP)