Đọc tập thơ đầu tay của tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân ( nguyên sỹ quan quân đội ,bút danh Cỏ Dại) cho thấy tác giả là người đam mê thơ ca đến không tưởng từ nhỏ.Nhưng khi trưởng thành chị lại theo nghiệp nhà binh. Những tháng năm trong quân ngũ , do áp lực nhiệm vụ quân đội, thơ với chị ở giai đoạn này chỉ là lối đánh du kích, là thứ gạo ăn đong, là gia vị cho ngot cuộc đời binh nghiệp.
Thơ thực sự đến với chị chỉ từ khi chị hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang người lính trở về cuộc sống đời thường. Từ đây chị dành tâm huyết trí tuệ cho niềm đam mê thuở ban đầu là THƠ CA!
Chị tập trung xới xáo mảnh đất màu mỡ trong vườn thơ. Chị gieo trồng những hạt mầm chị đã ấp ủ nuôi dưỡng từ thời bắt đầu khoác áo lính nên những mầm cây thơ sớm đủ sức đội đất vươn lên!
Vườn thơ mang tên NGUYỄN THỊ THANH XUÂN nay đã nở những bông hoa đầu mùa ban tặng cho chị để chi ban tặng lại cho đời Tuy chưa phải là những bông lan, bông huệ , bông cúc, bông hồng …nhưng nó vẫn đủ hương vương lên áo người qua vườn thơ chị.
Đọc TRĂNG VỠ ta có cảm giác như đang ngồi đối diện trò chuyện với người phụ nữ một thời măc áo lính giấu kín những ''bí mật ''của người đàn bà đã phải tự mình lặng lẽ vượt qua ''bể tình - biển ải '' đi về phía mặt trời dựa vào cõi văn chương để trở về mở ra sự dịu dàng nữ tính đầy khao khát mãnh liệt :YÊU ! yêu đến cháy hết mình. Cho dù phải trải qua dông bão chông gai nhưng chị vẫn phăng phăng bước lên tiến về phía trước.
Đành rằng xóa sao được vết đau đời / hằn trong tâm kham nhung lời xót xa / duyên tình chìm nổi cánh hoa / rụng rơi gió thổi bạc qua kiếp người / đắng cay níu buộc chơi vơi / phù du một kiếp khóc cuoi chiêm bao (bài Kiếp phù du trang 9 )
Đó là kiếp mệnh đa đoan thân phận đàn bà .Đó là sự đòi hỏi quyền vêu quyền hạnh phúc muôn đời người đàn bà luôn luôn đòi hỏi để tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình không chịu hệ lụy vào số mệnh. Có thể lấy tình yêu của mình để cảm hóa tất cả những gì dối trá lừa lọc tráo trở xảy ra trong tình yêu.
Bởi tình yêu của nữ nhà thơ này cháy bỏng và nồng nàn quá.
“ Nhớ anh dạ cứ nôn nao / tình thương nỗi nhớ cồn cào tâm can)
“Trách trăng sao quá lu mờ / thương hoài giấc mộng ngẩn ngơ cõi lòng”
Đoc TRĂNG VỠ tôi có cảm giác nhận ra giữa con người thực nhà thơ và thơ chị như không đồng nhất, chị nguyên là một sỹ quan quân đội cương trực cứng cỏi. Vậy mà thơ chị có chút gì ủy mị đắng đót, phải chăng ? nhiều khi chị tỏ ra sự lệ thuộc vào tình yêu của mình. Chị chưa vượt qua đươc tố chất vốn có như mọi người đàn bà khác.
“Giật mình tỉnh giấc mơ rồi / thoảng đâu gió gọi rối bời chiêm bao / câu thơ nghen đắng lệ trào / bờ môi mặn chát lạc vào cõi mơ”
(Giấc mơ chưa tròn)
Đó là nỗi khốn khổ truyền đời của tình yêu, ai cũng hiểu và biết rằng:cay đắng nghiệt ngã: nhưng vẫn mải mê đi tìm nó. Khi đã tìm thấy tự trói mình vào lai muốn sở hữu cả khoảng trời riêng biệt. Đôi khi ta nhận thấy những người đàn bà tận dụng giây phút ấy , tự cho mình nổi loạn, muốn bất phá ra khỏi nỗi ấm ức vì cuộc sống ngột ngạt nhưng rồi lại trở về đúng thiên chức của mình, nhà thơ nữ này cũng không ngoại lệ.
“Cả đời dành dụm cho con / mong sao con mẹ chăm ngoan thảo hiền”
(Sinh nhật con yêu ! (trang 46 )
“Khi buồn thả chiếc lá trôi / ngẩn ngơ theo gió anh ơi nơi nào? (bài Chiều trang 12 )
Cuộc sống có muôn mặt ngay cả gia đình có lúc khiến ta mệt mỏi nhưng nó vẫn là nơi bến trú bình yên che chở cho ta trong mọi bão dông.
Nguyễn Thị Thanh Xuân chị đã ý thức được điều này, chị đã đi được đến tận cùng lý trí khiến người đàn bà thực trong con người nhà thơ tự nhủ lòng: Thà được yêu dẫu có khổ đau/còn hơn sống lầm lũi không được yêu. Đêm về say cõi hư không / bỗng đâu chợt tỉnh giấc nồng tuột tay (Bài Đêm trang 33 )
Từ giấc mơ đêm tuột khỏi tay tác giả cảm thấy mình như con chim bị bắn trượt một lần. Phải chăng lẽ đó? Chị viết nên bài thơ TRĂNG VỠ rồi chị lại lấy bài thơ vẻn vẹn có hai cặp lục bát làm tiêu đề chủ đạo nội dung xuyên suốt toàn tập thơ đầu tay này.
“Đêm nay ai quá vô tình / để trăng ngã dưới ao đình sũng đêm / ngậm ngùi vớt ánh trăng lên / vỡ loang từng mảnh lòng em trĩu sầu (Trăng vỡ trang 13)
TRĂNG VỠ là tập thơ trình làng của Nguyễn Thị Thanh Xuân. Chị đã cho người đọc cảm xúc được những tình cảm, những hy vọng và những ước mơ giầu giọng điệu ngân vang, mở rộng những ý nghĩ mới và luôn luôn vươn về phía trước .Bằng những bước đi bạo trực của lòng đam mê với trí tưởng tượng khỏe khoắn chị biết bắt được những gì lỗ tai không nghe thấy, con mắt không nhìn thấy.
Nhà thơ Song Vũ Hoàng Phương