1.
'Hạt thóc cựa mình thành những hạt thơ'. Câu thơ của Hồ Huy Sơn bám vào trong trí nhớ. Một vệt rêu tưởng đã quên, bỗng ngày kia thức dậy trong nắng chiều hiu hắt. Thơ cũng vậy. Nào khác gì một vệt rêu. Tưởng quên. Nhưng rồi có lúc người ta lại nhớ. Nhớ, bởi trong ngược xuôi của đời sống ta bất chợt chạm lại một ký ức xưa, một hình bóng mới. Thơ ư? Tôi nghĩ, có lúc Sơn cũng hỏi thế. Anh bảo 'Còn duyên, tôi còn viết'. Tưởng nhẹ nhàng như không. Nhưng thật ra không dễ. Nếu hết duyên thì sao? Đã bước vào thơ, cuộc rút lui không dễ dàng. Như một sự ám ảnh, làm sao có thể quên? Trong tập thơ Ngày lạ, tôi đã gặp một nỗi ám ảnh không cùng của Sơn. Làm sao có thể chối bỏ 'Những câu thơ đi ra từ năm đầu ngón tay thon mềm của em'? Làm sao có thể quên 'Con chuồn ngô cõng nắng đi về phía cánh đồng thơ dại'? Dù muốn dù không, Sơn à, những câu thơ ấy đã tham dự vào trong một phần đời sống.
2.
Thế giới của thơ rộng lớn như gì? Như trái đất này. Thế nhưng nó cũng nhỏ bé vô cùng, chỉ là một hạt bụi. Tôi nghĩ, làm thơ là lúc anh đi vào thế giới ấy. Tâm hồn anh là một cõi riêng, một thế giới để anh khám phá đấy thôi. Cõi riêng ấy có tên gọi là Cõi Thơ. Sơn kêu lên:'Tôi loay hoay trong thế giới chưa đầy mười mét'. Cái thế giới ấy là một căn phòng nhỏ và hẹp, nhưng nhìn qua lăng kính của tâm tưởng thì nó lại mở ra một thế giới khác.
3.
Với tập thơ đầu tay của Hồ Huy Sơn, tôi đã nghe ngoài kia gió đã gọimột mùa đang về. Vì thế, Sơn còn phải ra đi. Đi đến với thơ, sau Ngày lạ này. Tôi tin ở Sơn về sự bền lòng. Mà những ai đến với thơ, làm sao có thể đến với thơ nếu không có sự bền lòng. Nghĩ cho cùng đó cũng là một cách gọi khác về Thơ đấy thôi.
Lê Minh Quốc