Mùa Hạ cuối của đời học sinh, phượng cháy lên nỗi nhớ, ngày mai mỗi đứa về một miền quê khác nhau, làm sao để sau này có thể tụ họp đông đủ cả lớp đây? Nắng hạ đã chan khắp mọi nẻo đường. Nắng tràn lên dãy bằng lăng giục những nụ hoa tim tím chớm nở. Nắng cũng tràn lên những nhành phượng thắp màu đỏ khắp sân trường. Vậy là một mùa hạ nữa sắp đến. Một lớp học trò nữa sắp tạm biệt thời áo trắng.
Qua tuổi học trò từ lâu nhưng mỗi khi hạ sang, tôi vẫn thấy nôn nao trong lòng. Ký ức về mùa hạ cuối của tuổi học sinh lại ùa vềThời gian trôi qua kẽ tay, đưa mùa hạ cuối chợt về ngẩn ngơ chẳng cho ai kịp giữ. Tuổi học trò trôi đi trên từng trang lưu bút, mùa phượng cuối ùa về cho ai tiếc những tà áo dài trắng bay… Thời gian vội vã trôi chẳng giữ cho ai, và cũng chẳng đợi ai. Chỉ kịp trao cho nhau những nụ cười nuối tiếc…Một ánh nhìn bảng lảng buồn nơi cuối hành lang heo gió, mai xa rồi khoảng kí ức này biết cất vào đâu? Những cái ôm siết chặt vai nhau, tiếng khóc nấc lên những hẹn ước về một chân trời mới… Một thời áo trắng trong veo và tinh khôi đến thế …Bước thời gian chầm chậm ám bụi trên những bức tường rêu phong, cánh cửa gỗ nguệch ngoạc những hồn nhiên của một thời bảng đen và giấy trắng… Bằng lăng tím dấu buồn e ấp, phượng hồng buồn che nắng đứng ngẩn ngơ…Tôi nhớ mãi, hôm ấy đến lớp, cả lũ luyện đề thi tốt nghiệp, đại học. Và cũng vào khoảng thời gian đó, những cuốn lưu bút tuổi xanh bắt đầu chuyền tay nhau. Năm cuối cấp mà, sắp chia tay nhau rồi, lưu luyến lắm! Cuốn lưu bút ngày đó coi như báu vật để lưu giữ lại khoảnh khắc thân thương của bạn bè. Mỗi đứa trong lớp đều chuẩn bị cho mình một cuốn sổ dày dặn. Người cẩn thận, cầu kỳ chọn cuốn sổ có mã khóa, bìa cứng và giấy thơm màu mè. Người đơn giản hơn thì mua một cuốn dạng sổ tay. Công đoạn chuẩn bị trang đầu lưu bút cũng kỳ công không kém. Đó là dòng “tự bạch”; “lý lịch trích ngang, trích chéo”. Tất tần tật các thông tin được “khổ chủ” liệt kê vào trang đầu. Nhưng không đơn giản là những nét chữ bình thường mà phải là nét chữ “rồng bay phượng múa…Cơn mưa cuối chiều chở nhớ và thương, những vòng xe quay đều rồi cuộn những tháng năm hóa thành kỉ niệm. Trong một ngày tôi nhận được chục cuốn lưu bút. Về nhà dấm dúi bàn học viết từng đứa một. Vừa viết vừa lo sốt vó bố mẹ biết chuyện lơ là học tập. 12 năm đèn sách, kỳ thi trước mắt quan trọng thật đấy. Nhưng bạn bè thì … sắp chia xa. Thế là tạm gác việc học qua một bên. Tối chong đèn đến khuya học…bù. Thời lưu bút ấy dường như dần xa. Bây giờ những bạn thế hệ học trò thời @ chẳng mấy ai viết lưu bút bằng những quyển sổ như xưa nữa. Cả lớp có một page (trang) riêng trên mạng xã hội. Mọi thứ như ảnh hay dòng tâm sự gì cứ “up” lên trên đó. Lưu bút thời đại công nghệ cũng đầy tính… công nghệ. Còn tôi, mỗi lần ngồi lật lại từng trang “lưu bút ngày xanh” của những năm tháng cũ, lòng nhẹ bỗng, lâng lâng bởi tôi nhận ra rằng: dù cuộc sống có thay đổi đến thế nào đi nữa thì dưới những mái trường, trong tâm hồn học trò, tình bạn bè vẫn tinh khôi như lũ chim sẻ lích chích dưới nắng vàng. Một lần nữa bỏ lại sau lưng những dòng lưu bút học trò. Hãy tha lỗi cho những vụng về và nông nổi của tuổi học trò. Mái trường xưa - nơi tâm hồn ta lớn lên theo lời giảng của thầy của cô, và nơi ấy tâm hồn ta khẽ xao xuyến với những rung động đầu đời: Tình yêu tuổi học trò, tình yêu cháy bỏng nhưng không thốt được nên lời, cứ thế đưa nó vào kỷ niệm, vào dĩ vãng đầy mộng mơ... Một tà áo dài trắng thướt tha lướt qua đủ làm ai ngẩn ngơ. Một ánh mắt trìu mến thoáng qua đã đủ làm má ai ửng đỏ... tuổi học trò đẹp đẽ, hồn nhiên trong trắng và thơ ngây quá!
Tôi chợt nhớ ai đó viết: “Bởi giếng quá trong nên giếng nhìn thấy đáy/ Bởi mắt quá trong nên mắt nói thật nhiều”. Viết lưu bút cho bạn, đọc những dòng bạn viết cho mình và cho những bạn bè khác mới thấy bao nỗi niềm bâng khuâng. Tôi rớt nước mắt khi đọc dòng tâm sự của một người bạn trước kia khá thân. Vì một hiểu lầm và cái “tôi” quá lớn, chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau. Nhưng lời cuối trang lưu bút tôi với bạn mới chợt nhận ra cả hai đã để vuột trôi những phút giây bên nhau quý giá để giờ tiếc nuối ngỡ ngàng. Ai còn nhớ đến ai? Ai còn nhớ góc sân trường, hàng ghế đá này? Ngày mai, sẽ chẳng còn có dịp gặp lại đầy đủ các thành viên của lớp, sẽ chẳng bao giờ có lại cái không khí của những buổi đến trường…Có tiếng ve suốt một thời không ai hay? Trong mỗi chúng mình chỉ còn lại mùa lưu bút học trò. Và Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời.
Minh Nguyệt- Ngọc Mai