Thứ bảy, 20/04/2024,


“Tác phẩm phải lăn vào thị trường” (24/02/2009) 

Hạng mục giải phim truyện nhựa Cánh diều vàng 2008 đang tiếp tục gây chú ý bởi số lượng không nhiều phim tham gia và sự áp đảo của các hãng phim tư nhân. Cả thành phần ban giám khảo và thành phần dự thi đều nói giải năm nay rất khó đoán, khó chấm, khó trao!

 

Ông Lê Ngọc Minh (chủ tịch hội đồng giám khảo phim truyện nhựa Cánh diều vàng 2008): Khán giả đông là một yếu tố tham khảo quý!

 

* Thưa ông, số lượng ít ỏi sáu tác phẩm tham gia hạng mục phim truyện nhựa gây ảnh hưởng gì tới công tác chấm và trao giải năm nay?

 

- Theo quy định, chúng tôi vẫn áp dụng khung giải gồm một giải Cánh diều vàng, hai giải Cánh diều bạc, ba giải khuyến khích nhưng không nhất thiết năm nào cũng phải đủ cơ số giải như thế. Ban giám khảo dựa vào tiêu chí giải thưởng “Đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội của tác phẩm” để chọn ra tác phẩm xứng đáng được vinh danh.

 

Nếu các anh ra về không có giải...?

- Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Khi làm phim, tôi trăn trở đến việc bán vé và có lời mà không ôm đồm quá nhiều mục đích. Điều tôi mong nhất vẫn là báo chí ủng hộ phim VN như đã dành với phim nước ngoài.

- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nếu được công nhận, vậy là chúng tôi có thêm một lớp khán giả nữa là thành phần ban giám khảo! Nếu không, điều tôi muốn làm trong năm nay là xây dựng được một mặt bằng khán giả ổn định. Tôi cầm tiền của nhà sản xuất, tôi phải nghĩ đến việc làm ra phim có khán giả xem, ngay cả khi đó là dòng phim “nặng đô” hơn Giải cứu thần chết hay Đẹp từng centimet.

* Cánh diều vàng từng chịu “lời nguyền”: những phim đoạt giải thưởng cao nhất thường là những phim thất bại tại phòng vé. Nhưng năm nay một số phim ra rạp đã trở thành những phim có độ nóng nhất. Yếu tố này gây ảnh hưởng gì tới tiêu chuẩn chấm giải năm nay?

 

- Cá nhân tôi cho đây là một tham khảo rất quý. Cần ghi nhận phim thu hút khán giả là một trong những hiệu quả xã hội mà nó đạt được, đặc biệt trong điều kiện các tác phẩm điện ảnh phải lăn vào thị trường. Ở nhiều nước, người ta gọi điện ảnh là một ngành công nghiệp, thậm chí văn hóa cũng là một ngành công nghiệp. Đã là một ngành công nghiệp thì có sản xuất, quảng bá, sự thắng thua và hướng tới lợi nhuận. Bởi có doanh thu cao mới tích lũy, có điều kiện làm tiếp phim mới.

 

* Dù phim bán được vé, nội dung hấp dẫn khán giả nhưng số lượng phim quá ít đồng nghĩa với lựa chọn cũng bị hạn chế. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?

 

- Với số lượng phim như hiện nay, thậm chí tăng lên 10-20 phim nữa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, còn thiếu hụt nhiều so với thị trường đang bị lấn át bởi nhiều phim ngoại nhập. Hiện nay phim VN mới được chiếu nhiều trong các dịp lễ, tết, chưa có đủ phim để trải đều tại các rạp chiếu tất cả tháng trong năm. Vấn đề chúng tôi phải trăn trở vẫn là làm sao để có nhiều phim VN hơn (đảm bảo về số lượng) và được công chúng đón nhận về chất lượng.

 

* Sự áp đảo của dòng phim tư nhân trước dòng phim nhà nước báo hiệu một xu hướng mới cho điện ảnh sắp tới không, thưa ông?

 

- Ngay sau giải Cánh diều vàng kết thúc ít lâu sẽ có ít nhất bốn bộ phim sản xuất bằng kinh phí nhà nước được xuất xưởng. Phim của hãng phim nhà nước hay của hãng phim tư nhân đều là phim do điện ảnh VN làm ra. Chính sự phong phú này tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong ngành điện ảnh VN.

 

Đạo diễn - NSƯT Đào Bá Sơn (thành viên ban giám khảo phim truyện nhựa Cánh diều vàng 2008): Giải thưởng năm nay khó chấm!

 

* “Hiệu quả xã hội - khán giả tới rạp đông” được cho là một yếu tố đáng lưu ý năm nay, xin hỏi ý kiến của riêng ông là gì?

 

- Tôi nghĩ tính hiệu quả xã hội thì tác phẩm nào cũng có. Tính ấy không đồng nghĩa với việc một phim đông hay vắng khách. Hiện nay, tại TP.HCM lứa tuổi chính đến rạp khoảng từ 17-30 nên không lý gì các nhà làm phim không hướng tới họ, làm phim phù hợp với sở thích của họ. Cũng có phim mang hiệu quả, ý nghĩa xã hội nhưng rơi vào tầm tuổi khán giả khó tính, ít đến rạp, còn các em trẻ không xem nên phim ít khán giả.

 

* Vậy đâu là hướng đi sắp tới cho phim Việt?

 

- Hãy cứ để hai dòng phim nhà nước - tư nhân cùng tồn tại chứ chúng ta đừng cực đoan và bi quan quá. Hãy chấp nhận thực tế một số phim tư nhân đang thu hút được lượng đông bạn trẻ! Có phim đông khách để ta còn nuôi điện ảnh!

 

NGA LINH thực hiện

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

 

  

Lễ trao giải Cánh diều vàng 2008 sẽ diễn ra ngày 1-3 tại Cung văn hóa Lao động Hà Nội, VTV3 truyền hình trực tiếp.

Điểm mới của Cánh diều vàng 2008 là giải cho phim hợp tác với nước ngoài (gồm các phim có số vốn nước ngoài từ 51% trở lên, có biên kịch là người nước ngoài hoặc người Việt nhưng mang quốc tịch nước ngoài), có đạo diễn là người nước ngoài sẽ được xét riêng ở hạng mục này. Đặc biệt, Hội Điện ảnh VN sẽ trình chiếu miễn phí sáu bộ phim tham dự giải lần này (Trăng nơi đáy giếng, Cú và chim se sẻ, Giải cứu thần chết, Ðẹp từng centimet, Huyền thoại bất tử, Chuyện tình xa xứ) từ ngày 23 đến 28-2. Việc trình chiếu này cũng nhằm mục đích lấy ý kiến khán giả cho giải thưởng phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn.

Theo ông Nguyễn Văn Tân - chánh văn phòng Hội Điện ảnh VN, ban giám khảo Cánh diều vàng năm nay gồm chín thành viên: đạo diễn Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân, Đào Bá Sơn, NSND Như Quỳnh, quay phim Lý Thái Dũng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, kỹ sư âm thanh Hoàng Anh, nhà thiết kế Nguyễn Nguyên Vũ và chánh chủ khảo là ông Lê Ngọc Minh - phó cục trưởng Cục Điện ảnh VN.

 

H.N.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: