Thứ sáu, 19/04/2024,


Họa sĩ Nam Sơn - Người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (23/02/2009) 

Họa sỹ Nam Sơn, tên gọi đầy đủ là Nguyễn Nam Sơn, tên thật Nguyễn Vạn Thọ, sinh ngày 15/2/1890, mất ngày 26/1/1973 (tức 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý). Quê: huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc (xưa là huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Yên) là người có công lớn với mĩ thuật Việt Nam: Đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

 

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình dòng dõi gia thế; Họa sĩ Nam Sơn là con trai duy nhất của nhà nho Nguyễn Văn Khang (1871-1894). Thuở nhỏ Nam Sơn được các nhà nho Phạm Như Bình, Nguyễn Sĩ Đức dạy chữ, dạy vẽ và dẫn đi thăm các đình- đền- chùa với sự giảng dạy cặn kẽ về văn hoá và đạo lý, do đó sớm có lòng say mê nghệ thuật dân tộc. Cụ lại chịu khó tìm đọc sách, tranh của Trung Quốc và Nhật Bản để tìm hiểu hội hoạ phương Đông. Năm 10 tuổi, Nam Sơn bắt đầu học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học. Sau khi tốt nghiệp tại trường Bưởi cụ vào làm việc tai Sở Tài chính Đông Dương Trong thời gian này Nam Sơn thường vẽ tranh minh hoạ sách giáo khoa và báo chí. Năm 1923, cụ sang Pháp tu nghiệp tại Trường Mỹ thuật quốc gia và trường Nghệ thuật trang trí quốc gia (Paris).

Nam Sơn là một trong số hoạ sĩ lớp đầu tiên của nền hội họa đương đại Việt Nam. Cụ đã cùng họa sĩ V. Tardieu người Pháp, đồng sáng lập Trường Mỹ thuaật Đông Dương và trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Cụ là người Việt Nam đầu tiên được giao quản lý trường với cương vị là Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường đầu tiên đào tạo họa sĩ cho 3 nước Đông Dương. Nhiều người Việt nam đã thành danh như: Lê Phổ, Công Văn Trung, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm...

 

Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Sơn:

- Năm 1923 cụ đã tham gia Đấu xảo Hà Nội với bốn bức tranh là: Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ Tĩnh vật.

- Bức tranh Chợ Gạo bên sông Hồng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên (đến nay vẫn là duy nhất) được Nhà nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp

- Bức Chân dung mẹ tôi là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải Quốc tế về sơn dầu, huy chương bạc Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Paris 1932.

- Cò trắng và Cá vàng, tranh khắc gỗ 7 màu, bằng khen Rôma 1932Ý.

- Bức Chân dung nhà Nho, tranh sơn dầu, 1923; là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Hội họa Việt Nam.

- Chân dung cụ Sùng ấm Tường, tranh phấn tiên pastel, 1927 đây là bức tranh tiên phong của hội họa Việt Nam trong lĩnh vực này;

- Về chợ, tranh lụa, 1927.

- Thiếu nữ nông thôn' (tranh lụa) được Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua năm 1935.

 

Ngôi nhà của Danh họa Nam Sơn ở khi còn sống do chính cụ tự thiết kế, hiện vẫn được con cháu giữ gìn nguyên vẹn tại số 68 Nguyễn Du - Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tác phẩm của cụ. Hàng năm, vào ngày giỗ họa sỹ Nam Sơn, các Họa sĩ lão làng hội họa Việt Nam vẫn thường đến để thắp hương tưởng nhớ người họa sỹ tài danh của nền mỹ thuật tạo hình Việt Nam: Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973).

Tôi là người may mắn được gặp Cụ Nam Sơn qua anh Văn Thái và Văn Len là hai người làm nghề “Truyền thần” nổi tiếng nhất Hà Nội.

Ấn tượng sâu sắc của tôi về cụ là hình ảnh một thày giáo, một nhà nho, một trí thức, một nhà văn hóa Hà Nội gốc: Cụ cao sang mà giản dị; Nghệ sỹ lớn mà vô cùng bình dân, dễ gần gụi. Dáng cụ ung dung tự tại, giầu có mà thanh bạch, vững vàng như Thái sơn.

Ngôi nhà của cụ Nam Sơn ở 68 Nguyễn Du, tôi được ông bố vợ kể là cả thế đất nơi tọa lạc cũng như dáng kiểu được xếp vào loại nhà đẹp nhất Hà Nội thời ấy, hơn cả ngôi biệt thự của bác sỹ Phùng Ngọc Tuệ ở phố Phan Bội Châu. Ngày bé, tôi sống ở xóm Hạ Hồi, thường rủ nhau qua phố Liên Trì “kều” trộm ổi la đà trĩu quả bên cầu trang cuốn nổi trong vườn sau nhà cụ.

 

Ảnh trong bài: Họa sĩ Nam Sơn - Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh (0,40 x 0,55) 

Vẽ dựa theo ảnh chân dung Nam Sơn của nhà nhiếp ảnh Nguyệt Diệu. 

 

Theo Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

                                                                                          

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: