Thứ năm, 25/04/2024,


Chất Tây Nguyên trong điêu khắc Đàm Đăng Lại (23/02/2009) 

Triển lãm điêu khắc của Đàm Đăng Lại, nhà điêu khắc Việt Nam hiện đang sinh sống tại Nhật Bản, mang tên “Lại 1” với 13 tác phẩm mang đậm dấu ấn Tây Nguyên đã gây ấn tượng đối với người yêu nghệ thuật Hà Nội trong dịp khai trương cuối tuần qua.

 

Thoạt nhìn Đàm Đăng Lại, ban đầu không ai nghĩ anh là một nhà điêu khắc, hay có làm bất cứ một công việc nào có dính dáng tới nghệ thuật. Với dáng người gầy nhỏ, khuôn mặt hiền khô, trông Lại trẻ hơn nhiều so với tuổi, và giống một cậu sinh viên hơn.

 

Triển lãm bao gồm 13 tác phẩm, trong đó có một mầm cây, một cây và 11 “mây”. “Mây” ở đây là những tác phẩm sắt được trang trí theo mô típ hình dích dắc đặc trưng của Tây Nguyên. “Mầm cây” của Lại được thể hiện theo cách đặc biệt, cả về hình dáng và chất liệu: tác phẩm gồm một khối hình trứng, bằng đá hoa cương và đồng, ngăn cách bởi một đường gân mica màu xanh, bên trên gắn hình cành cây bằng đồng. Đàm Đăng Lại cho biết, ý tưởng của anh là khi người xem chạm vào, “mầm cây” sẽ đung đưa, chuyển động, như vậy tác phẩm sẽ có cả sự tham gia của người xem, tượng trưng cho sự tương tác giữa con người và thiên nhiên. Anh giải thích, khi con người có ý thức, thiên nhiên sẽ chuyển động. Tác phẩm “cây” được làm bằng gỗ, màu xanh, với những đường thắt, vặn, được tác giả giải thích là thể hiện sự chuyển động trong không gian, như sự lớn mạnh của thiên nhiên. Đáng chú ý nhất trong triển lãm là 11 tác phẩm bằng sắt cắt và sơn đỏ treo chung quanh tường, đôi lúc tác giả và cả người xem khẽ khua tấm sắt, tiếng mảnh kim loại dội vào tường khiến người ta liên tưởng đến tiếng cồng từ đại ngàn. Đàm Đăng Lại cho biết, những tác phẩm này được lấy cảm hứng từ điêu khắc cổ Bắc Bộ và những mô-típ trang trí quen thuộc trên trang phục và kiến trúc Tây Nguyên, những hình trang trí từ thời Đông Sơn...

 

     

                         Tác phẩm "Mầm Cây"

 

Đây mới là lần thứ hai Đàm Đăng Lại mở triển lãm cá nhân ở Hà Nội, nhưng ở Nhật Bản, nơi anh định cư cùng người vợ Nhật và cậu con trai nhỏ 2 tuổi, anh đã có tới 8 triển lãm cá nhân liên tục từ năm 2003 tới nay. Bên cạnh đó, anh cũng là gương mặt quen thuộc của hàng chục triển lãm thường niên ở Nhật Bản. Chỉ riêng trong năm 2008, ngoài hai triển lãm “River” ở Otaru và “One world” ở Sapporo, Đàm Đăng Lại đã tham gia tới bảy triển lãm khác ở Sapporo, Oita và Hokkaido. Thống kê lại, anh có tám triển lãm cá nhân và 18 triển lãm nhóm ở cả Việt Nam và Nhật Bản từ năm 1998 đến nay, một sức sáng tạo rạng rỡ.

 

Lấy nguồn cảm hứng từ mỹ thuật truyền thống, nhưng Đàm Đăng Lại lại có những cách thể hiện rất hiện đại. Màu sắc Tây Nguyên đã theo vào nhiều tác phẩm video art, performance art của anh. Từ màu đỏ rạng ngời đầy sức sống, cho đến những bức tượng nhà mồ, hay đơn giản hơn là những thân cây thẳng tắp cao vút của đại ngàn, đều đã hiện diện trong các cuộc trưng bày hoặc trình diễn của Đàm Đăng Lại.

 

Lại kể: “Nhiều người Nhật sau khi xem các tác phẩm của tôi, đã tìm gặp tôi để chia sẻ cảm xúc về màu đỏ trên những tác phẩm ấy. Họ rất thích thú với màu đỏ đặc biệt này. Tôi đã giải thích với họ, đó là màu đất đỏ bazan là màu sơn son trên gỗ của quê hương tôi”. Sinh ra tại vùng đất trung du Thanh Sơn, Phú Thọ, nhưng phần lớn tuổi thơ của Đàm Đăng Lại lại thuộc về đại ngàn Tây Nguyên. Anh theo cha mẹ lên Gia Lai sinh sống từ năm 3,4 tuổi, đến năm 18 tuổi ra Huế học Đại học. Quãng thời gian dài gắn bó với cao nguyên đất đỏ đã để lại trong anh nhiều cảm xúc, và những cảm xúc đó ẩn hiện trong rất nhiều tác phẩm điêu khắc sau này của Đàm Đăng Lại. Anh chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với màu đỏ của Tây Nguyên, màu đỏ khoẻ khoắn và đầy sức sống, màu của mặt trời. Tôi đã thể hiện màu đỏ đó trên rất nhiều tác phẩm của mình. Tôi cũng thích các hoạ tiết điêu khắc trên tượng nhà mồ, trên các bậc thang nhà sàn. Đó chính là những nguồn cảm hứng đặc biệt cho các tác phẩm điêu khắc của tôi”.

 

Các tác phẩm điêu khắc của Đàm Đăng Lại được nhiều người rất thích, không ít người trong số đó từng ngỏ ý muốn được sở hữu một vài thứ, nhưng Lại đều không đồng ý bán. Anh cho biết: “Tôi vẽ tranh để kiếm sống, còn điêu khắc chỉ để dành riêng cho việc thể hiện các ý tưởng của mình. Cũng có nhiều người hỏi tôi sao không làm điêu khắc ứng dụng, tôi đều trả lời rằng đó chưa phải là lựa chọn của tôi, ít nhất cho đến bây giờ”.

 

Thời gian học nghệ thuật ở Đại học Huế, Đàm Đăng Lại đã gặp cô gái Nhật Watanabe Hiroko sang Huế thực tập. Mối duyên lành giữa chàng trai gốc Bắc và cô gái Nhật đã đơm hoa kết trái. Năm 2002, hai vợ chồng sang Nhật sinh sống. Đôi lần Lại có về Việt Nam tham gia một số triển lãm. Cho đến năm 2005, Đàm Đăng Lại về Việt Nam và thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “1-2-3-4-5” tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Tại đây anh đã gặp hoạ sĩ Lê Thiết Cương, người tích cực giúp đỡ anh xây dựng triển lãm cá nhân lần thứ 2 này tại 39 Lý Quốc Sư.

 

Nhận xét về các tác phẩm của Đàm Đăng Lại, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Sinh ra ở đất tổ Phú Thọ, sống ở Tây Nguyên, học đại học ở Huế và sinh sống ở Nhật Bản, Đàm Đăng Lại đã lấy được tất cả tinh tuý từ bốn vùng văn hoá ấy và ghép lại trong các tác phẩm của mình. Trong các tác phẩm của Lại, tôi thấy có một tinh thần Nhật rất rõ nét, nhưng không thể tách bạch ra được đâu là Nhật, đâu là Tây Nguyên, Huế hay Phú Thọ trong đó…”

 

Với Đàm Đăng Lại, điêu khắc chỉ đơn giản là “chơi”, là nơi để thể hiện các ý tưởng thú vị của mình, nhưng đối với điêu khắc, Đàm Đăng Lại lại là người khơi mở một con đường mới, một phong cách mới, rất hiện đại mà vẫn đậm chất truyền thống.

 

Theo TUYẾT LOAN (Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  lê văn giàu - thuthuhamster93@gmail.com - 01685202323 - 95/1 ấp so 1 ke sách thành phố sóc trăng  (Ngày 04/12/2015 22:40:30)

Cảm ơn anh đàm đăng lại đã tạo ra những tác phẩm được xem là vĩ đại, e cảm ơn anh đã cho em học hỏi nhiều về môn nghệ thuật này, cảm ơn anh đã đem niềm vinh hạnh về cho đất nước việt nam,chúc anh luôn thành công.

Các bài khác: