Thứ năm, 02/01/2025,


Bút Tre thời hiện đại và 100 món quà cho con (30/05/2016) 

 

      Nguyễn Huy Hoàng được ví như Bút Tre thời nay và vừa hoàn thiện 100 bài thơ kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

     Từ lâu Nguyễn Huy Hoàng đã là một “hot facebooker” bởi những bài thơ ngẫu hứng chuyện thế thời với ngôn ngữ mộc mạc, dí dỏm, dung tải nhiều thông điệp xã hội ý nghĩa. Những bài thơ của anh vừa được tập hợp thành món Quà cho con.

   Quà cho con gồm 100 bài thơ tương ứng với 100 kĩ năng sống thiết yếu dành cho độc giả lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng. Quà cho con cũng là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam.

 

100 bài thơ- 100 kỹ năng sống được xem như món Quà cho con trẻ làm hành trang vào cuộc đời

 

     100 bài thơ- 100 kĩ năng sống không nói chuyện cao xa mà hết sức thiết thân, bổ ích, trang bị tấm áo giáp của kĩ năng để con trẻ làm chủ cuộc đời. “Vần thơ mộc mạc nôm na/ Gom kĩ năng sống làm Quà cho con”- đúng như lời đề tựa của tác giả.

     Với hình thức “thơ bút tre” mộc mạc, dí dỏm, dễ hiểu dễ nhớ, Quà cho con được tác giả viết với mục đích rất rõ ràng. Đó là: trẻ em đọc để rèn luyện nhân cách; người lớn đọc để nuôi dạy con em tốt hơn. Từ đó “lối sống đẹp và những điều tử tế trong xã hội sẽ được bùng lên, lan tỏa thành một trào lưu sống đẹp, góp phần vì đất nước Việt Nam giàu đẹp, nhân ái”.

    Chính vì thế, 100 bài thơ- 100 bài học được tác giả chú tâm lựa chọn, nhằm giáo dục con trẻ toàn diện về nhân cách. Từ những bài học nhỏ như cách ngồi, cách ăn uống, cách bắt tay, cách dùng điện thoại ở nơi công cộng, tác phong ở nơi tôn nghiêm, chăm sóc ngoại hình; đến những bài học về giá trị sống như lòng tự trọng, lòng hiếu thảo, biết im lặng đúng lúc, biết giữ lời hứa, lòng dũng cảm, quan tâm chia sẻ, chấp nhận sự khác biệt, yêu quê hương đất nước, lợi ích của công tác tình nguyện…

    Điều đặc biệt và khác biệt của sách là tác giả không né tránh những vấn đề mặt trái của xã hội để con trẻ có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về cuộc sống, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

      Sách truyện thiếu nhi truyền thống thường ru trẻ trong giấc mơ cổ tích êm đềm, lí tưởng hóa cuộc sống bằng các câu chuyện có hậu, cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu. Do đó trẻ dễ trở thành những chú gà công nghiệp khi bước vào đời, hoặc nảy sinh tâm lý tiêu cực khi phải đối diện với điều không mong muốn. Với cuốn sách Quà cho con, tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã dám làm điều ngược lại truyền thống, dám “nói thẳng, nói thật” với con trẻ về cuộc đời luôn bất công và nhiều trắc trở.

    Tác giả viết về một cuộc sống muôn hình vạn trạng như thế này: “Đôi khi không rõ thiệt hơn/ Có người đang khỏe gặp cơn hiểm nghèo/ Đang vui gặp hạn gieo neo/ Đang giàu phá sản thành nghèo tay không/ Cuộc đời cũng như dòng sông/ Nơi thì thẳng tắp nơi vòng quanh co/ Nơi làm bến đỗ con đò/ Nơi hun hút xoáy, sóng to, nước đầy” (Không phân biệt đối xử)

    Hoặc khẳng định cuộc sống rất nhiều người xấu và cái xấu: “Thế gian nhiều kẻ hám tiền/ Vì tiền hại cả mẹ hiền cha yêu/ Vì tiền làm giả nói điêu/ Vì tiền bất chấp mọi điều xấu xa” (Tiền chỉ là phương tiện); hay “Có quýt lại muốn có cam/ Con người luôn sẵn cái tham trong lòng” (Kiềm chế lòng tham); và “Xã hội có kẻ đầu bò/ Ngang nhiên cướp giật bày trò hại ta/ Thế nên khi ra khỏi nhà/ Học cách ứng phó để mà phòng thân”…

    Có những điều được mặc định như là giá trị truyền thống cũng được tác giả Nguyễn Huy Hoàng lật lại, nói thật để trẻ sẵn sàng đối mặt: “Đừng bao giờ mong đợi/ Người khác yêu thương mình/ Mà hãy tự tôn vinh/ Trân trọng mình trước đã”, “Dù có quan hệ rộng/ Có rất nhiều bạn bè/ Nhưng lúc bị ngã xe/ Chỉ mình con đau đớn”; hay “Khi đời lắm kẻ dối gian/ Thì ta cần phải khôn ngoan với đời/ Chớ có mà vội tin người/ Nhất là ai đó buông lời ngọt ngon”, “Thế gian lắm kẻ dối lừa/ Cái gì chưa rõ thì chưa tin dùng”.

     Rõ ràng tác giả nói thẳng nói thật không phải để dọa trẻ, mà để trẻ chấp nhận những tồn tại đó như lẽ đương nhiên bằng thái độ sống tích cực, nhân ái; để trẻ tránh bỡ ngỡ khi phải đương đầu với thử thách của cuộc sống thật; để trẻ đón nhận những khó khăn một cách chủ động, tự tin, dám  mạnh dạn vượt qua và vươn lên. Như trong bài “Chịu đựng và hi sinh” đã viết: “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể thủ đô tắc đường”.

    Đọc cuốn sách này, con trẻ sẽ không chỉ học được những kĩ năng ăn - nói  - gói - mở, mà quan trọng hơn, chúng sẽ biết nhiều điều về cuộc sống, hiểu được rằng sẽ chẳng có bà tiên hay ông bụt nào hiện ra để giúp chúng khi chúng khóc, chỉ có duy nhất một cách là phải kiên cường chịu đựng chờ giông bão đi qua: “Chịu khổ để luyện kiên cường/ Hi sinh để thấm tình thương vơi đầy/ Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang”; hoặc phải nắm bắt được cơ hội đến với mình chứ không thụ động chờ phép màu: “Cơ hội ở khắp mọi nơi/ Đừng ngồi đợi nó tự rơi vào đầu/ Mà phải “cuốc bẫm, cày sâu”/ Giao lưu học hỏi để câu nó về”.

 

Nguyễn Huy Hoàng được ví như Bút Tre thời hiện đại trên mạng Facebook

 

    Cũng có những bài thơ khuyến khích trẻ trong công việc, không phân biệt Việc nhỏ - Việc lớn: "Việc nhỏ nếu cứ bỏ qua/ Sau làm việc lớn khó mà thành công/ Đừng nên suy nghĩ viển vông/ Chỉ làm việc lớn, nhỏ không xứng tầm/ Việc gì cũng phải chú tâm/ Tập trung cao độ đừng ngâm ngợi nhiều/Việc nhỏ càng tốt bao nhiêu/ Càng thêm cảm hứng làm điều lớn lao".

   Những vần thơ đề cập thẳng vấn đề, chân thật, mộc mạc đó đúng như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận xét: “Có bài làm cho bạn giật mình vì sự chân thành, có bài cho bạn thêm động lực, ý chí và truyền sức mạnh tiến lên. Có những tình huống khó, chưa biết cách ứng xử thế nào, đọc Quà cho con có thể giúp bạn giải quyết dễ dàng hơn”.

    Giáo sư Văn Như Cương nhận xét về cuốn sách: “Tôi rất tâm đắc khi đọc cuốn Quà cho con… Bằng những câu thơ giản dị nhưng thấm thía, tôi hi vọng rằng Quà cho con sẽ có măt trong nhiều cặp sách học trò và trong tủ sách gia đình. Điều đó chỉ có lợi cho tâm hồn con trẻ chúng ta”.

    Ngày 25/5, tác giả ra mắt sách tại Thư viện Hà Nội- 47 Bà Triệu.

    Được biết, Nhà sách Tân Việt đã chi vài trăm triệu mua bản quyền cuốn sách này. Con số này chỉ đứng sau giá chuyển nhượng tác quyền của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh- một tác giả với những cuốn sách bestseller của Việt Nam./.

 

Nguồn vanhocquenha.net

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: