“Nửa đời của Hạ” (NXB Hội nhà văn, H.2016) là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Đặng Lưu San, một cây bút nữ đã tốt nghiệp cử nhân Luật, hiện công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia. Buổi ra mắt “Nửa đời của Hạ” đã được tổ chức chiều 26-5 tại Hà Nội, với sự có mặt của nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học , nhà báo… và đông đảo bạn đọc yêu mến tác giả Đặng Lưu San.
Tiểu thuyết “Nửa đời của Hạ” xoay quanh nhân vật chính là Lân, một quan chức nhà nước tham vọng, trắng trợn và một người chồng điển hình mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong cơ quan, bên hàng xóm hay những câu chuyện tản mạn báo chí. Anh ta bắt đầu cuộc đời với tấm bằng cử nhân luật, một đám cưới hạnh phúc với cô bạn cùng trường và cũng một tâm lý phổ biến đam mê chức quyền và đàn bà, dù rằng đàn bà trước sau chỉ là một trò giải trí hay một tấm phản lót đường. Ngay cả với người vợ hết lòng hy sinh là Hạ, người mà anh ta dù đã đến với Huyền, Trà, Thương (con gái của Trà), sếp phó và cả hàng trăm người đàn bà khác vẫn kiên quyết không bao giờ rời bỏ thì cũng chỉ là một cái lá chắn vững chắc cho anh ta trước sóng gió cuộc đời. Hạ cũng là một nhân vật đàn bà mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu: Thủy chung, chịu đựng, vị tha, hết lòng vì chồng dù anh ta có phản bội bao nhiêu lần, có lọc lừa phản trắc để tiến thân, có bài bạc đối diện với án tù…
Nhà văn Di Li làm MC ( bìa trái) cùng tác giả
Nhà văn Y Ban chia sẻ: “Dường như tác giả Đặng Lưu San không hề phải vắt óc để nghĩ ra cấu tứ, chị cũng không phải mượn đến nghệ thuật viết tiểu thuyết. Những trang viết của chị như một dòng chảy thao thiết của một con sông cuộc đời, trong sáng và giản dị nhưng bày được ra hết những góc khuất của những con người vẫn khoác lên mình tấm áo của tri thức và quan chức trong xã hội. Vì vậy mà Nửa đời của Hạ khá lôi cuốn người đọc. Đã cầm lên tay chắc khó bỏ xuống khi chưa đọc hết trang cuối cùng.”
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng đồng tình quan điểm trên đây: “Tiểu thuyết của Đặng Lưu San luôn xoáy sâu vào đời sống gia đình hiện đại. Gia đình là “hang ổ” bền vững, là “thành trì” cuối cùng nếu bị tấn công thì dấu hiệu băng hoại của xã hội đã nâng lên cấp báo động cao nhất”
Nhà phê bình Vũ Nho cũng khẳng định: “Chúng ta đã từng có Nghị Quế, Nghị Hách… trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Giông tố của Vũ Trọng Phụng thời thực dân phong kiến; có Chủ tịch tỉnh Trần Sinh trong thời xây dựng CNXH ở Đồng sau bão của Hoàng Minh Tường; bây giờ có Lân và bao nhiêu quan chức nữa? Bạn đọc sẽ ghi nhận sự đóng góp này của Đặng Lưu San.”
TUYÊN HÓA