Thứ năm, 02/01/2025,


Hội thảo khoa học về Hoàng Văn Bổn (11/05/2016) 


 

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Hoàng Văn Bổn (2006-2016), sáng 7-5-2016 tại Văn Miếu Trấn Biên TP. Biên Hòa-tỉnh Đồng Nai-đã diễn ra hội thảo khoa học: “Người của miền đất ven sông - Hoàng Văn Bổn” do Hội VHNT Đồng Nai phối hợp với NXB Đồng Nai và TT Văn miếu Trấn Biên tổ chức.

Tham gia hội thảo có TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai; nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai; đại diện Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện một số Hội VHNT khu vực phía Nam; các nhà giáo và nhà nghiên cứu đến từ các trường văn hóa, nghệ thuật, KHXH&NV TP Hồ Chí Minh... cùng gia đình, người thân của nhà văn Hoàng Văn Bổn.

 

Nhà văn Hoàng Văn Bổn

 

    Trong báo cáo đề dẫn, TS Huỳnh Văn Tới cho biết đã có 32 tham luận gửi tới hội thảo. Ông lưu ý: “Nói đến “tiền hiền” của Hội VHNT Đồng Nai, ai cũng nhớ cả một thế hệ vàng. Trong đó, nhà văn Lý Văn Sâm là “người anh cả”, biểu tượng của nhà văn cách mạng, Chủ tịch đầu tiên của Hội VHNT Đồng Nai. Nhưng chính nhà văn Lý Văn Sâm gọi Hoàng Văn Bổn là “người ươm mầm” cho vườn văn của xứ Đồng Nai”. Ông Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh: “Với hơn 50 đầu sách, 21 kịch bản phim gồm một vạn trang viết, trong đó nhiều tác phẩm được giải quốc gia - quốc tế; đời người - đời văn của Hoàng Văn Bổn đã tạo một dấu ấn đĩnh đạc trong kho tàng văn học xứ Đồng Nai”.

Đi sâu hơn vào văn nghiệp Hoàng Văn Bổn, PGS-TS Võ Văn Nhơn đến từ trường đại học KHXH&NV TP.HCM khẳng định: “Hoàng Văn Bổn là một nhà văn tiêu biểu của Đồng Nai nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung. Cả cuộc đời của ông gần như dành hết cho tiểu thuyết. Gần hai mươi tiểu thuyết được ông viết trong suốt đời văn, điều này cho thấy sức sáng tạo dồi dào và niềm say mê thể loại này ở ông. Đóng góp lớn nhất của ông cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đó chính là những tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, khoảng thời gian ông có nhiều trải nghiệm sâu sắc về chiến tranh, trong đó có cả máu của chính người thân của ông”.

Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh An Giang, con rể nhà văn Hoàng Văn Bổn, tâm sự: “Được làm con nhà văn Hoàng Văn Bổn là một diễm phúc lớn lao trong cuộc đời tôi. Trong quan hệ với họ hàng, láng giềng, với vợ, với con, với cháu… ông luôn ôn hòa, chân thành, gần gũi. Khi nhắc đến những bạn bè văn chương, trong giọng nói, cử chỉ, sắc mặt của ông luôn thể hiện sự trân trọng với nụ cười và ánh mắt luôn ấm áp, gần gũi, yêu thương”...

Tổng kết hội thảo, TS Huỳnh Văn Tới nêu ra những việc cần làm ngay sau hội thảo nhằm tôn vinh văn tài Hoàng Văn Bổn, đồng thời phát huy những đóng góp từ văn nghiệp của ông. Hiện nay, TP Biên Hòa đã có con đường mang tên Hoàng Văn Bổn, sẽ có thêm một ngôi trường mang tên ông. Ngoài việc tiếp tục tái bản các tác phẩm văn học của Hoàng Văn Bổn, cần tích cực “số hóa” các tác phẩm điện ảnh của Hoàng Văn Bổn, để lưu giữ và phổ biến rộng rãi hơn…

Nguồn vanvn.net

 


 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: