Thứ sáu, 20/09/2024,


Một ánh thơ quý hiếm - Nguyễn Tuyết Mai (10/05/2016) 


   Nguyễn Tuyết Mai đến với công việc làm thơ nhọc nhằn mà cao quý này, mới được ba năm nay. Sau tập thơ chững chạc đầu tay Ơi, Sakura (Nhà xuất bản Văn học – 2014), thì bây giờ "Anh là mùa thu Nhật Bản" là tập thơ thứ hai của chị được trình làng. Nguyễn Tuyết Mai là người con gái của vùng Đất Tổ Hùng Vương, làm dâu và định cư tại Nhật Bản gần hai chục năm qua. Chị đến với công việc làm thơ bằng năng khiếu của một đứa con gái nhà nòi văn chương. Cha của chị là nhà giáo, nhà văn Nguyễn Anh Đào.

  Trên thi đàn nước nhà có thêm được một người phụ nữ làm thơ tâm huyết – Đó là điều đáng quý. Nguyễn Tuyết Mai sống và làm việc tại Nhật Bản, rồi làm thơ phản ánh hiện thực sinh động của Đất nuớc Mặt trời mọc. Điều này lại càng quý thêm gấp bội. Trong làng thơ Việt Nam hiện nay, Nguyễn Tuyết Mai là người thứ hai sử dụng bút pháp Giao thoa văn hoá để làm thơ (Triệu Lam Châu là người đầu tiên dùng bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga trong công việc làm thơ, với những tập thi phẩm đã công bố: Ngọn lửa rừng – Thầm hát trên đồi – Ba vỉa hồn ngầm…). Song Nguyễn Tuyết Mai lại là người đầu tiên của nền thi ca Việt Nam hiện đại, sử dụng bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật trong công việc làm thơ của mình.

   Điều này quả thật là đặc biệt và thuộc loại hết sức quý hiếm.

   Vậy bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật là gì? Đó là bút pháp sử dụng những giá trị tinh tuý nhất của nền văn hoá Việt và văn hoá Nhật, để làm nên tác phẩm mới vừa mang hồn cốt Nhật Bản, lại vừa mang hồn cốt Việt Nam!

   Bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật trong thơ Nguyễn Tuyết Mai, được thể hiện trên những bình diện sau đây:

   Một là: Thơ chị phản ánh những nét văn hoá lâu đời của Nhật Bản, bằng một tâm hồn Việt Nam đằm thắm, tinh tế và rất giàu bản sắc độc đáo. Bài thơ Đầu xuân đi tắm tiên là một thí dụ điển hình của bình diện này.

   Ở các vùng đồng bằng, thành phố, thị xã, thị trấn của nước ta không hề có truyền thống tắm tiên. Song việc tắm tiên ở Nhật Bản là công việc thường ngày của họ, đã có từ lâu đời.

 

                                   Đầu xuân đi tắm tiên
                                  Đường rừng dài triền miên
                                  Suối tiên người tấp nập
                                  Em ngượng ngùng e ấp…

 

   Việc tắm tiên ở chỗ đông người, đối với  phụ nữ Nhật Bản, nào có xa lạ gì đâu. Bởi vì họ đã quen từ thuở thiếu thời. Và có lẽ vì vậy mà họ bạo dạn hẳn lên… Song đối với các cô gái Việt Nam đã quen tắm ở nơi kín đáo một mình  xưa nay – thì việc tắm tiên ở nơi đông người tại xứ Nhật – quả thật là hết sức ngượng ngùng và… e ấp khôn cùng…Và bạn đọc Nhật Bản đọc vào bài thơ này của Nguyễn Tuyết Mai, hẳn cũng sẽ thấy rất thú vị bởi hình ảnh e ấp, ngượng ngùng của cô gái Việt Nam ở nơi tắm tiên  tại nước họ.Còn độc giả Việt Nam lại thấy thú vị thêm ở khía cạnh: Việc tắm tiên được gợi lên bằng hình tượng thơ sinh động, mà họ chưa từng thấy bao giờ…

    Vậy là nhờ bút pháp Giao thoa văn hoá Việt - Nhật, mà bài thơ mang tính quốc tế và dễ dàng đi vào lòng độc giả hai nước…

   Hai là: Thơ Nguyễn Tuyết Mai phản ánh hiện thực cuộc sống và cảnh quan thiên nhiên rực rỡ, tráng lệ, ẩn tàng bao điều quyến rũ của Nhật Bản – bằng một cái nhìn rất tinh tế, rất giàu nữ tính và nhạy cảm của riêng mình… Điều này thể hiện rõ nhất trong hai bài thơ điển hình:  Bồng bềnh tháng năm – Chớm màu trầm tư.

    Cứ mỗi dịp tháng năm trở về với đất nước Japan (Nhật Bản), thì tất cả đất trời và lòng người đều được choàng lên một vầng hoa tử đằng bạt ngàn đầy xao động, với màu tím hồng,  tím phớt trắng bồng bềnh trong nắng mật gió ngời – làm mê hoặc và say đắm mọi tâm hồn ở xứ sở này.

   Ở Việt Nam quê mình không hề có những vầng hoa tử đằng mê ly ấy. Do đó khi tháng năm lại về với “Ngút ngàn tử đằng như những áng mây trôi” trên  đất nước Japan, nơi Nguyễn Tuyết Mai đang sống, thì lòng chị bỗng nhiên trào lên một niềm cảm xúc ngạt ngào thơm tự lòng mình, thật tự nhiên, giống như hái một bông hoa ngàn mà trời ban đến trong tầm tay. Nhẹ nhàng sảng khoái và rất đỗi tinh khôi:

 

Tháng năm Japan hiền hoà như con gái
Trong trẻo, mát lành, mời gọi duyên xinh
Đêm tháng năm ấm tình muốn hái
Dạo suối mơ thương nhớ bồng bềnh...

 

Một khổ thơ giàu cảm xúc thanh tao và rất giàu nữ tính. Trong con mắt của tác giả lúc này Tháng Năm Japan là một thực thể đầy quyến rũ. Đó là một cảm thức về thời gian rất độc đáo. Tháng Năm ở đây có thể hiểu nôm na: Là đất trời cỏ cây của thiên nhiên lồng lộng được choàng lên bởi vầng hoa tử đằng bồng bềnh – Là bao nỗi xốn xang trong lòng muốn cất lên bao lời âu yếm của  một tâm hồn trong trẻo, đắm say… Là những nụ cười sáng như ánh ngời của nắng ban mai tinh khiết – Là tất cả Lượng Trời ban cho Tháng Năm của xứ sở này – Là toàn bộ tổng thể Văn Hoá Tháng Năm Japan…Tất cả những điều kỳ diệu ấy đẹp như một bông hoa bình dị…để cho Nguyễn Tuyết Mai và cả chúng ta nữa… Đêm tháng năm ấm tình muốn hái…. Để mà…Dạo suối mơ thương nhớ bồng bềnh…

Đọc khổ thơ trên ta thấy hiện lên một tâm hồn trong trẻo thuần khiết của một cô thiếu nữ long lanh sáng như pha lê. Có cảm tưởng, nhìn vào đâu cô cũng muốn hát lên cho những dự cảm dẫu bồng bềnh mà rất mênh mang đang đợi mình phía trước, với một nụ cười như thắp sáng cả đất trời… Tâm hồn cô thơm như một làn hương bất chợt đến với ta vào một buổi sớm ban mai ngây ngất nồng say…

Lại nghĩ: Giờ đây Nguyễn Tuyết Mai đã bước vào tuổi 47, đã là người mẹ của hai đứa con đã lớn. Vậy mà tại sao chị lại làm được những vần thơ “Thiếu nữ” bồng bềnh, tinh khôi và say đắm ấy. Phải rồi, cái chất thiếu nữ, bồng bềnh, say đắm kia – Nguyễn Tuyết Mai nhẹ nhàng hái lên từ kỷ niệm ấu thơ ở quê nhà Việt Nam, hái lên từ một nền tảng văn hoá bốn ngàn năm bên Đầm Miêng – Sông Lô của vùng Đất Tổ Hùng Vương đấy.Và cái chất thấm đẫm văn hoá Việt Nam ấy – nay lại toả sáng bồng bềnh dưới những vòm hoa tử đằng vời vợi mênh mang của đất nước Japan xa xăm.

Nghĩ vậy mà chúng ta thấy bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật đã đi tới chiều sâu của vấn đề rồi đó.

Bài thơ Chớm màu trầm tư của Nguyễn Tuyết Mai lại mang đến cho chúng ta một cảm thức thời gian độc đáo khác nữa, thật thú vị. Đọc vào khổ thơ mở đầu, ta như bị chính phục ngay, mà không hiểu vì sao nữa.

 

Thiên nhiên khẽ tặng ta một cảm giác chuyển mùa

Như cô bé Japan đôi mắt tròn ngơ ngác
Vụt thành thiếu nữ tự lúc nào chẳng biết
Chiếc áo choàng loáng sáng ánh thu mơ…

 

 

   

    Bài thơ phản ánh một tâm trạng đầy cảm xúc vào lúc chuyển mùa của đất trời (Trường hợp này là chuyển từ mùa hạ sang thu ở Nhật Bản). Cái cảm giác ngỡ ngàng thật nồng hậu, thấy mình bỗng vụt thành thiếu nữ từ lúc nào không hay - Mới tuần qua ta còn xưng mày tao với lũ bạn trai của thuở nào – vậy mà hôm nay sao lòng mình xôn xao thẹn thùng làm vậy?  Mái tóc xưa nay ta biếng chải là thế. Nhưng sao giờ đây ta cứ muốn chải cho mượt mà như ánh thu dịu dàng đang nhè nhẹ bay về trên những tán cây phong chớm ánh vàng kia…Và nhiều nữa, nhiều nữa… làm sao mà nói nổi thành lời…Bởi vì ta cũng chính là Cô bé Japan đôi mắt tròn ngơ ngác đấy thôi… Tác giả hoá thân thành cô bé Japan cũng chính là hoá thân vào nền văn hoá Nhật Bản rồi đó.

   Thiên nhiên khẽ tặng ta một cảm giác chuyển mùa…Đây là một câu thơ bình dị, ngỡ như giản đơn, như một câu nói thường ngày. Song để làm được câu thơ ấy, không hề đơn giản chút nào đâu nhé. Nó có được là nhờ kết quả của một quá trình lâu dài quan sát và trải nghiệm… Bao năm lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm sự chuyển mùa… đã từng diễn ra hồi xưa ở quê nhà Việt Nam và ở Nhật Bản bao năm qua… Nguyễn Tuyết Mai mới bật ra được những vần thơ Giao thoa ngầm nao lòng đến vậy.

    Bài thơ như một lời tạ ơn Bà mẹ thiên nhiên kỳ vĩ đã tặng chúng ta một cảm giác chuyển mùa huyền diệu…Bà mẹ thiên nhiên ở đây chính là Mùa thu Nhật Bản lồng lộng ánh vàng… Một tâm hồn của một thiếu nữ bồng bềnh tinh khiết của Việt Nam, như chợt bừng lên long lanh giữa mùa thu lồng lộng ánh vàng của Nhật Bản xa xăm…Nghĩ vậy mà lòng ta thấy xao động biết bao…

    Ba là: Thơ Nguyễn Tuyết Mai biểu hiện cái nao nức, sôi trào, thắm thiết và nồng say cuả tình yêu đôi lứa trong khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, kỳ vĩ, khoáng đạt, rực rỡ sắc màu và nền văn hoá thẳm sâu thâm trầm của Nhật Bản – bằng một cái nhìn ngỡ ngàng, choáng ngợp, giàu cảm xúc của một cô gái Việt Nam mảnh mai hồn hậu, giàu bản lĩnh, dám đi đến tận cùng của vườn yêu trong cõi thần tiên chứa chan huyền ảo long lanh…

    Tác phẩm tiêu biểu của bình diện này là bài thơ Anh là mùa thu Nhật Bản. Mùa thu Nhật Bản mênh mang và lồng lộng ánh vàng của bao cánh rừng phong bạt ngàn…trong tâm hồn của Nguyễn Tuyết Mai, như thể là một Đấng hoàn mỹ, toàn bích, quyến rũ vô biên và có một uy lực siêu phàm… Do đó hễ cứ nghĩ người mà mình yêu thương, như thể là một hạt sáng của Mùa thu siêu phàm toàn bích ấy, là lòng nàng lại bỗng trào lên niềm hạnh phúc mê đắm đến nghẹn lời:

 

Có phải anh là mùa thu duyên
Trút lá vàng xuống vườn em mềm mại
Quyến rũ, liêu trai khiến lòng xao xuyến mãi
Hồn đê mê như lạc cõi thần tiên…

 

    Làm sao cưỡng lại nổi uy lực quyến rũ siêu phàm của mùa thu Japan? Rồi nàng choáng ngợp, bàng hoàng và hổn hển tự hỏi lòng mình… Có phải?...

   Phụ nữ Việt Nam coi người mình yêu thương là hoàn mỹ nhất, hoàn mỹ như Mùa thu Nhật Bản trong bài thơ này của Nguyễn Tuyết Mai vậy. Sự tôn thờ người mình yêu thương của bao người phụ nữ Việt Nam đã ngấm vào lòng tác giả từ thuở thiếu thời – để rồi bây giờ như một ngọn lửa sáng soi cho chị bùng phát lên một tứ thơ đằm thắm say nồng đến thế giữa mùa thu Japan mênh mang …

   Nghĩ vậy mà ta thấy bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật đã ghi thêm được một bàn thắng nữa rồi…

   Cứ theo mạch cảm xúc ấy mà đi tiếp nhé, hỡi bạn đọc thân mến của tôi ơi!

 

Mặc cho Fujisan tuyết phủ trắng triền miên
Thì bên em Kyushu nắng vẫn ấm nồng nàn
Kìa lá phong khắc vào anh bạt ngàn sắc đỏ
Nhuộm sẫm tim em run rẩy chốn thư phòng….

 

   Đúng là một khổ thơ như hát lên cái thắm thiết, phóng khoáng, nồng say của tình yêu đôi lứa giữa khung cảnh tráng lệ của mùa thu Japan. Thế rồi không hiểu sao, trong lòng tôi lại ngân lên một một nét nhạc của bài hát trữ tình Tình ca Tây Bắc (Thơ Cầm Giang. Nhạc Bùi Đức Hạnh) của thuở nào:

 

Em là dòng sông Mã
Anh là núi Mường Hung
Cho thuyền em ngược dòng
Gió đưa em về núi…

 

   Và từ thời xưa ở Việt Nam ta đã từng có những cuộc hát giao duyên bên này là nữ, bên kia  là nam. Lời hát kết nối bao nỗi niềm phập phồng nồng nàn như lửa cháy. Hay trên núi rừng Việt Bắc, những cuộc hát lượn sli ven đồi, bên nam bên nữ… lời ca nhờ gió núi và hương ngàn gửi tâm tình đến bên nhau…

   Liên hệ sâu xa như thế - để chúng ta thấy: Một vỉa ngầm của những cuộc hát giao duyên ở Việt Nam, mà Nguyễn Tuyết Mai đã từng thấm thía – nay lại bùng phát rực rỡ và huy hoàng bên ngọn núi hùng vĩ Phú Sĩ (Fujisan) của xứ sở Japan mờ xa mà gần gũi.

 

Mặc cho Fujisan tuyết phủ trắng triền miên
Thì bên em Kyushu nắng vẫn ấm nồng nàn
Kìa lá phong khắc vào anh bạt ngàn sắc đỏ
Nhuộm sẫm tim em run rẩy chốn thư phòng….

 

   Khổ thơ trên đây của Nguyễn Tuyết Mai là một cuộc giao duyên (Anh và Em) bằng nội tâm như thể không lời mà chứa chan biết mấy…

   Vậy là một lần nữa bút pháp Giao thoa văn hoá Việt – Nhật như thể cầm tay Nguyễn Tuyết Mai và dẫn chị đi đến những miền đất lạ, ảo huyền và kỳ vĩ nhất của đất nước, tình người và nền văn hoá Japan ngàn năm bí ẩn mà quyến rũ vô cùng…

    Bạn đọc thân mến!

   Trên tay chúng ta là tập thơ Anh là mùa thu Nhật Bản không phải là không nặng ký. Chúng ta vui mừng và trân trọng thành quả lao động thi ca nghiêm túc và tâm huyết của Nguyễn Tuyết Mai và xin chân thành chúc chị sẽ gặt  hái được những mùa bội thu mới trong công việc làm thơ của mình.

 

Tuy Hoà, cuối tháng 6 năm 2015
Nhà thơ, dịch giả, nhạc sĩ Triệu Lam Châu
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
ĐT:  0983 825502

Triệu Lam Châu.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn thị kim hoa - Hoado201187@gmail.com - 0971400362 - Mầm non quỳnh lôi   (Ngày 11/05/2016 16:10:33)

Lời thơ giản dị một mạc nhưng chân thành và tha thiết đến nao lòng

Các bài khác: