Thứ ba, 23/04/2024,


Nếu Hội Nhà văn kiểm tra Hội viên bằng... thơ Lục Bát? (28/06/2008) 

     'Bây giờ, nếu Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một cuộc kiểm tra năng lực thơ cuả các Hội viên chuyên ngành thơ bằng cách mở một cuộc thi Lục Bát: Hội ra đề, mỗi hội viên thơ làm một bài Lục Bát khoảng 100 câu... Tôi dám chắc rất nhiều người phải trả lại thẻ hội viên(!) Không tin? Hội cứ mở một cuộc tỷ thí, giưã thanh thiên bạch nhật, giưã sân đình làng Văn, có thần dân cả nước và quốc tế chứng kiến, chắc là cuộc tỷ thí ấy sẽ vang động khắp năm châu, và người đoạt giải, xứng đáng được khắc bia đặt trong Văn Miếu'.

     Đó là ý kiến của tác giả Bùi Công Thuấn. Ý kiến này cũng như bài viết dưới đây chưa hẳn đã được tất cả bạn đọc tán đồng, nhưng rất đáng để cho những người yêu Lục Bát phải suy ngẫm. Chúng tôi xin trích đăng bài viết này từ phongdiep.net, đầu để là của lucbat.com đặt.

 

    1. Lời vui, mạo muội xin thưa …

    Báo điện tử Tổ Quốc từng mở ra cuộc bình chọn 99 bài thơ Lục Bát hay cuả thế kỷ XX. Theo nhà thơ Nguyễn Duy, đây là bước tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật, mà việc tôn vinh giá trị thơ Lục Bát  là bước đầu tiên. Đó là một việc làm đáng khuyến khích trong thời điểm trì trệ cuả thơ ca Việt hiện nay. Vì trong thế giới thi ca tiếng Việt, Lục Bát là một cõi trời mênh mông mà không hẳn nhà thơ nào cũng có thể vươn tới. Tôi viết những dòng này bằng cảm nhận chủ quan cuả một người đọc yêu quý thơ ca dân tộc mình.

     Đối với người Việt Nam, làm những câu vần Lục Bát, dễ như thở không khí. Chẳng hạn: “Hôm nay mùng tám tháng ba/ Chị em phụ nữ đi ra đi vào..”. Trong những dịp vui cộng đồng, những dịp họp mặt, ta thường gặp “nhà thơ dân gian“ ứng khẩu ngay một bài Lục Bát rồi đọc to lên, mọi người tán thưởng, vỗ tay rôm rốp. Có người còn vận Lục Bát vào những câu hò như “a li hò lờ “  sôi nổi , ấn tượng. Không khí cuộc vui trở nên hấp dẫn hơn cả đại hội nhạc Rock.

     Vậy mà khi đi tìm những bài Lục Bát hay, tôi phát hiện ra nhiều nhà thơ, kể cả những nhà thơ nổi tiếng, đã không thể để đời được bài Lục Bát hay nào trong sự nghiệp  thơ cuả mình. Họ có thử bút, nhưng chỉ làm được những bài “thường thường bậc trung “, chẳng để lại ấn tượng gì, có khi còn thua ca dao bình dân

     Xin lỗi các nhà thơ, kẻ viết bài này chỉ nói vui thôi, không dám hoài nghi gì về tài năng thơ và sự đóng góp văn chương cuả các vị đâu. Bởi vì chỉ cần làm được một bài thơ hay, không cứ gì Lục Bát, nhà thơ Việt nam  đã có đóng góp cho sự nghiệp văn chương cuả  dân tộc rồi. Chuà Hương cuả Nguyễn Nhược Pháp, Ông Đồ cuả Vũ Đình Liên, Cuộc Chia Ly Màu Đỏ cuả Nguyễn Mỹ  là những thí dụ.

 

     2. Lục Bát thương kẻ tài hoa …

     Đọc ca dao, đọc truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh), đọc những bài ca vè, và thơ Lục bát cuả những bậc tài danh, ta nhận ra những khả năng đặc biệt cuả thể thơ này. Lục Bát có thể miêu tả mọi cảnh ngộ, mọi sinh hoạt, mọi diễn biến đời sống  bằng những lời gần gũi tâm sự, những lời thiết tha cồn cào tâm can hay những tiếng sắt tiếng vàng binh đao Hán –Sở chiến trường. Lục Bát có thể nói những điều sâu kín trong tâm hồn bằng ngôn ngữ tinh tế, trang trọng cảm động, ngôn ngữ châu ngọc lấp lánh, ngôn ngữ làm thơm tho cả không gian. Lục Bát cũng có thể nói bông đuà mọi chuyện trên đời bằng những lời Nôm na, những lời quàng xiên, những lời thô tục, những lời bốc mùi không ngửi được. Sau khi thất thân với Mã Giám Sinh, Kiều bị Tú Bà xỉ mắng thậm tệ. Ngôn ngữ Lục Bát cuả Nguyễn Du đọc nghe nổi da gà.                                   

Cớ sao chịu trót một bề

Gái tơ mà đã ngưá nghề sớm sao

     Nguyễn Du tóm tắt cả truyện Kiều chỉ trong một câu mở và một câu kết truyện Kiều với ý nghiã tư tưởng sâu xa           

Trăm năm trong cõi người ta…

Mua vui cũng được một và trống canh “

      Bùi Giáng đuà nghịch với ngôn từ. Ông chắp những từ nối (loại hư từ) thường dùng trong văn chính luận để  dựng nên một đoạn Lục Bát giàu ý nghiã tư tưởng

Nếu và nhưng vẫn ắt rằng
Tuy nhiên thế nọ thường hằng thế kia
Và nhưng tuy dẫu là chia
Lìa cha biệt mẹ bốc tia sinh tồn

                         (Tuy nhiên)

     Ca dao có nhiều cách diễn tả chân chất nhưng  thú vị bất ngờ. Một tâm trạng yêu.

Gió sao gió mát sau lưng

Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này

                          (ca dao )

Một nỗi buồn thương man mác:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

                          (ca dao )

     Một tình cảnh vất vả, khó xử cuả người phụ nữ nông dân, lúc dậy sớm chuẩn bị cho một ngày lao động

Đang khi cơm lưả đang nồng

Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem

                

Bây giờ cơm chín, lợn im

Con thôi đòi bú, tòm tem thì tòm

                                (ca dao )

     Lục Bát thật dễ làm, nhưng làm được một bài Lục Bát hay thật không đơn giản. Đọc thơ Lục Bát, ta dễ gặp cảm giác này: câu chữ trau chuốt, vần gieo rất chỉnh, âm điệu du dương, nhưng bài thơ cứ trôi tuột đi, ta cố tìm lấy chút gì để nhớ, nhưng đành phụ lòng tác giả mà ngậm ngùi lắc đầu. Có khi ta thấy người viết vất vả quá sức trong từng con chữ,  như đánh vật với bằng – trắc, với  vần gieo; bị dẫn vào chỗ sơn cùng thuỷ tận để tìm từ ; luẩn quẩn mãi không sao làm mới được vần điệu. Câu chữ trúc trắc, gò bó, gượng gạo đến khổ sở. Làm dăm bảy câu Lục bát còn dễ, làm đến vài chục câu đã khó, nhưng để viết được vài trăm câu hay vài ngàn câu Lục bát (Truyện Kiều 3.254 câu; Thiên Nam Ngữ Lục 8.136 câu) thật khó mà tưởng tượng được sự vất vả cuả nhà thơ lớn như thế nào. Người phải vắt kiệt sức lực,vỡ oà  tim óc, dốc hết vốn liếng, cày cuốc rũ người trên cánh đồng chữ nghiã, lục mót từ ngữ, nghiêng ngưả vần gieo, biến tấu nhạc điệu, phối khí bút pháp, gia giảm khẩu vị, lại phải hoá thân bay lên cõi mênh mông cuả tình ý nhân gian và cõi vô cùng cuả tâm linh  ngời ngời ánh sáng (Nguyễn Du từng được coi là người có con mắt nhìn sáu cõi thế gian, tấm lòng thấu suốt nghìn đời). Chưa một thể thơ nào đòi hỏi quyết liệt tài năng, sức lực và tâm huyết nhà thơ đến thế. Không có tài không thể làm được Lục Bát hay.

     Lục Bát là thể thơ cuả những nhà thơ tài hoa, những nhà thơ sống mãi với dân tộc. Cái hay cuả Lục Bát là ở tình ý, lời, kiểu tư duy  và ở chính sự tài hoa cuả cá tính sáng tạo. Đành rằng, ở thể loại nào, thơ cũng đòi những yếu tố âý, song ở Lục Bát thì tình ý phaỉ đi liền với nhau và sự tài hoa là yếu tố quyết định làm nên đặc sắc Lục Bát. Lục bát cuả Nguyễn Bính hội tụ được những yếu tố ấy. Ngày nay, Lỡ Bước Sang Ngang, Cô Hàng Xóm... vẫn làm rung cảm mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Thú thực, mỗi lần đọc Lỡ Bước Sang Ngang tôi không sao cầm lòng được.Tâm hồn mình cứ rưng rưng. Sự xúc động  như tự thâm sâu cuả hồn quê, cuả hồn người, cuả bản thể Việt. Sự xúc động có chiều sâu nhân văn, chiều sâu văn hoá, và cả chiều sâu tâm thức Việt. Bài thơ Đan Áo Cho Chồng cuả T.T.Kh cũng có cái tình như thế nhưng không có được sự tài hoa. Bài Gửi T.T.Kh cuả Thâm Tâm chỉ có ý, rất ít tình và nghèo nàn sự tài hoa. Nói đến tình ýtài hoa, thì Nguyễn Bính đã để lại những dấu ấn không thể nhoà trong thơ. Ông mở ra một con đường Lục bát Nguyễn Bính cho nhiều người đi sau.

     Lục Bát đương đại, ý có thể sâu, nhưng tình thì rất nhạt và thật hiếm có  phong cách tài hoa. Những bài như: Tâm Sự Nàng Thuý Vân cuả Trương Nam Hương, Nỗi Niềm Thị Nở cuả Quang Huy và Lời Ru Con Cuả Người Yêu Cũ cuả Phạm Ngà, có những nét mới mẻ sáng tạo, tình ý khá hay, nhưng vẫn có chỗ ngượng nghịu thô vụng.

     Vô tình, tôi nhặt được ba bài Lục Bát cùng thể hiện những nỗi niềm, những tâm sự, những số phận phụ nữ. Trương Nam Hương làm người đọc giật mình (chữ cuả Nguyễn Du), vì bấy lâu nay ta đã bỏ quên mất Thuý Vân. Nguyễn Du đã quá chú ý đến Kiều mà hy sinh Thuý Vân, chẳng lẽ người đọc lại vô tình với nàng? Nguyễn Du miêu tả Thuý Vân là người phúc hậu, nàng được hưởng trọn vẹn hạnh phúc, suốt đời vô tư. Người đọc cũng lầm tưởng như thế. Trái lại , Trương Nam Hương hé mở số phận bi đát cuả Thuý Vân và lên tiếng nói cho nàng. Tiếng kêu thương ấy dường như vang mãi trong vô vọng! Thị Nở cũng là một số phận như vậy. Một con người dở hơi. Dở hơi là vô tư, là không biết nghĩ, không biết buồn và không có nhu cầu sống hạnh phúc? Nhưng Thị là một con người, hơn nưã là một  phụ nữ, Thị có quyền sống và khát khao hạnh phúc như mọi người. Tiếc thay,Thị đã bị vùi dập chẳng khác gì Chí Phèo. Quang Huy đã viết được những câu rất hay về Thị, tiếp sức với Nam Cao, trả lại cho Thị chút phận người. Ở bài Lời Ru Con Cuả Người yêu Cũ, Phạm Ngà vẽ nên những hình ảnh đẹp mơ hồ về người phụ nữ, về người chồng chiến đấu, về tương lai con trẻ và cái tình riêng cuả nhân vật trữ tình. Những tưởng ngòi bút Phạm Ngà sẽ đưa người đọc đi mãi vào thế giới lãng mạn cuả tâm hồn, ở đó, mọi giá trị cuộc sống bị vượt qua chỉ còn lại cuộc tình cuả “cái tôi “. Nhưng kết thúc bài thơ là một câu thật bất ngờ, tuyệt hay về tình ý, sáng lên tiếng nói lương tri. Đó là cái đẹp cần phải có. Câu thơ có sức làm bừng tỉnh người đọc, về cái tôi và cuộc sống xung quanh. Xung quanh ta có bao nhiêu người sống đẹp, ta không thể ích kỷ nhỏ nhoi…

Để lòng mãi mãi thiết tha

Để cho ai đó vượt qua chính mình

                

     3. Lục Bát thế kỷ XX có gì mới ?

     Đoạn Trường Tân Thanh (truyện Kiều) là đỉnh thi sơn, là ngôi đền thiêng Lục Bát Việt Nam đầu thế kỷ 19. Thế giới ấy, ngôi đền ấy là nghệ thuật, là tâm thức và là tiếng nói Việt. Nguyễn Du với Lục Bát trở thành biểu tượng thành tựu nghệ thuật cuả dân tộc Việt, trở thành niềm tự hào cuả một dân tộc giàu lòng nhân ái, vượt lên mọi thăng trầm cuả lịch sử bằng vẻ đẹp nhân văn sáng trong như ngọc quý.

     Thế kỷ XX là thế kỷ cuả bao nhiêu trào lưu phương Tây tràn vào Việt Nam mà nhiều nhà thơ Việt Nam đánh mất mình trong đấy. Bùi Giáng khẳng định: “Chúng ta quen thói ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ“ (Thi Ca Tư tưởng) .

     May thay, Lục Bát Việt Nam vẫn là một cõi trời mênh mông mà những nhà thơ tài hoa Việt Nam tiếp tục toả sáng những sắc màu rực rỡ, mới mẻ, truyền thống và hiện đại .

     Đầu thế kỷ XX phải kể đến Tản Đà. Ông có những bài Phong Dao thật đặc sắc. Những bài ấy dùng tình ý và ngôn ngữ ca dao để nói những cảm thức mới. Ngòi bút Tản Đà nhuần nhuyễn và tinh tế, lãng mạn và tài hoa đáng kinh ngạc. Tản Đà đã mở ra cách  sử dụng chất liệu ca dao để làm thơ Lục Bát mà sau này nhiều nhà thơ kế tục.                              

     Thề Non Nước là một thành công khác về Lục Bát cuả Tản Đà. Bài thơ vưà có khí vị cổ điển vưà mở ra chân trời lãng mạn cho thi ca giai đọan sau. Thơ Lục Bát cuả những nhà thơ Lãng Mạn (19301945) mới mẻ ở “cái tôi“ cuả nhà thơ Tiểu Tư Sản. Ngôn ngữ thơ trau chuốt, đạt đến sự tinh tế hiếm có trong nghệ thuật diễn tả những rung cảm lãng mạn cuả tâm hồn (Ngậm Ngùi – Huy Cận). Lục Bát Lãng Mạn có chất giọng riêng. Cho đến nay Lục Bát Lãng Mạn vẫn giữ nguyên cái hay mặc dù  đã qua trên nưả thế kỷ . Ta có thể nhặt ra nhiều hạt châu ngọc như Ngậm Ngùi (Huy Cận), Thơ Sầu Rụng ( Lưu Trọng Lư ) ; Luỹ Tre Xanh, Rằm Tháng Giêng (Hồ Dzếnh), Huế Đa Tình (Bích Khê), Bến Hàn Giang (Hàn Mặc Tử), Đan Áo Cho Chồng (T.T.Kh), Gửi T.T.Kh (Thâm Tâm) ...Trong bầu trời Lục Bát Lãng Mạn, Nguyễn Bính là một nhà thơ  rất mực tài hoa. Chân Quê, Lỡ Bước Sang Ngang,Tương Tư, Người Hàng Xóm… làm xúc động bao nhiêu tâm hồn người đọc . 

     Giai đọạn kháng chiến chống Pháp. Lục Bát phát triển theo một hướng khác. Văn hoá văn nghệ phục vụ công nông binh. Lục Bát gần với kể chuyện, rất ít chất thơ. Chẳng hạn, Kể Chuyện Vũ Lăng (Anh Thơ); Tình Tháp Mười (Bảo Định Giang)... Thời này, đa số các nhà thơ làm thơ tự do, rồi chen vào câu Lục bát. Bài Ca Vỡ Đất, Bao Giờ Trở Lại (Hoàng Trung Thông); Bầm ơi; Sáng Tháng Năm (Tố Hữu) .

     Lục Bát cuả Tố Hữu giai đoạn này (tập thơ Việt Bắc) và cả giai đoạn sau (tập Gió Lộng; Ra Trận; Máu và Hoa, Nước Non Ngàn Dặm) có nét chung này: Tố Hữu sử dụng ngôn ngữ biểu cảm cuả ca dao, ông đưa vào thơ hình ảnh quần chúng, nói cái giọng quần chúng, nói cái tình kháng chiến, tình công dân. Cái tôi chuyển hoá thành cái ta,  thơ ông hướng về quần chúng mà kêu gọi, động viên, chia xẻ. Trong thơ, Tố Hữu hay gọi “ơi“. Lối viết này rất nhiều nhà thơ đi sau ông bắt chước, thậm chí ảnh hưởng đến tư duy cuả cả giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc.

Bầm ơi có rét không bầm

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

                                       ( Tố Hữu - Bầm ơi)

Thành phố ơi ! cám ơn nhiều

Cho tôi hiểu suốt hai chiều tâm tư

                                   ( Hoài Anh – Bài Thơ Tình Thành Phố )

Tôi về xứ Huế mưa sa

Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa

                                    ( Nguyễn Duy – Nhớ Bạn )

Anh là thực đấy anh ơi

Trong em sáng một mặt trời thương yêu

                                  ( Phan Thị Thanh Nhàn – Không Đề )

Xoá nhoà ảo tích, em ơi

Chỉ còn đọng lại mảnh trời lá xanh

                          ( Bửu Khánh Hồ - Lá Nõn )

     Những bài Lục Bát thực sự thành công cuả Tố Hữu không nhiều. Việt Bắc vận dụng được lối giao duyên cuả ca dao, Kính gửi cụ Nguyễn Du đặc sắc ở nghệ thuật đối thoại với Nguyễn Du về những vấn đề Tố Như gửi gắm trong thơ. Mẹ Suốt phát triển thể cuả ca dao, có phong vị lãng mạn và hơi thơ anh hùng ca. Luy Lâu là cảm thức lịch sử về hai bà Trưng, có  hơi thơ anh hùng ca . Lục Bát Tố Hữu gần với Ca hơn là Thơ  và có nét riêng. Nội dung rao truyền Cách Mạng,  tình cảm  Cách Mạng, tình công dân. Chất liệu là  hiện thực cách mạng. Tính hiện đại , tính chính trị, tính quần chúng  là phẩm chất chính cuả Lục Bát Tố Hữu (cũng là cuả thơ Tố Hữu). Nói cho đúng, Tố Hữu chỉ dùng Lục Bát như một phương tiện chuyển đạt nội dung chính trị, dùng Lục Bát để nói với  quần chúng công nông binh, nói tiếng nói công nông binh, bởi vì Lục bát hoà thanh dễ lọt tai , dễ nhớ, dễ thuộc. Ông không sáng tác những bài thơ Lục Bát nghệ thuật. Tuy vậy, những bài Lục Bát cuả Tố Hữu có những đóng góp nhất định vào sự phát triển cuả thơ Lục Bát .                                  

      Lục bát những năm trước và sau 1975 phát triển theo hai hướng: tiếp tục khai thác chất liệu ca dao, thể hiện những tình tự dân tộc theo hướng Nguyễn Bính, hoặc phản ánh đời sống, hướng về quần chúng, nói tiếng quần chúng, nói tình ý công dân, theo hướng  cuả Tố Hữu.                                 

      Lục bát cuả Hoàng Cầm (Gọi Đôi, Giả Vờ) tuy tình ý không nồng nàn như Nguyễn Bính song có được những tứ thơ lạ, cùng với nét tài hoa vốn có trong thơ cuả ông. Trần Mai Ninh là một khuôn mặt thơ mạnh mẽ , gân guốc và rất lạ. Thơ Lục Bát cuả ông cũng có được nét ấy (Lời Nương Theo Lòng Nắng Gió, Chờ Lưả, Nhịp Muôn Đời(1) Có người ca ngợi Lục bát Đồng Đức Bốn . Thực ra Đồng Đức Bốn đi con đường Nguyễn Bính đã vạch ra (bài Hoa Dong Riềng, Nhà Quê; Chờ Đợi Tháng Ba…). Nhưng Đồng Đức Bốn không có cái tài hoa cuả Nguyễn Bính, mà có cái sức cuả một anh lực điền, cố sức cày sâu cuốc bẫm, cũng nhặt được hạt rơi hạt rụng.

      Ở miền Nam, Phạm Thiên Thư tiếp bước Nguyễn Du bằng Lục bát sang trọng, ngôn ngữ trong veo. Lục Bát cuả Phạm Thiên Thư đạt tới sự hoà điệu cuả tiếng Việt giản dị, tính tư tưởng cuả Thiền và chất trí tuệ cổ điển phương Đông .Hồn thơ Phạm Thiên Thư thật tinh khôi:

Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

(Phạm Thiên Thư – Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)

      Bùi Giáng làm mới Lục bát bằng chữ nghiã trùng trùng điệp điệp, bằng sự đan cài từ Hán Việt và thuần Việt, bằng tài hoa rất mực trong những lời cợt đuà như con trẻ, nói chuyện không đâu mà thành tư tưởng. Thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng. Kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhà thơ khác ở miền Nam đương thời:

Chào em? có lẽ chẳng nên
Nói gì nữa cả? giữa đêm tối mò!
Chào em tính mệnh so đo?
Chào em tính thể tò mò tuyết vân?
Ấy xa xôi ? ấy gũi gần ?
Từ từ tự hỏi, tần ngần em sẽ thấy ra
Đi về trong cõi người ta
Người là người lạ  ta là quá quen ?
Anh từ thể dục dưỡng điên
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ

                          (Bùi Giáng - Chào Em )

      Du Tử Lê thử nghiệm cách tân Lục Bát, bằng cách dùng nhịp lẻ, nhịp chỏi,  ngắt câu, xuống hàng, dùng dấu phẩy (,), dấu gạch nghiêng (slash). Du Tử Lê cũng có những bài Lục Bát thành công như Chân Dung, Cõi Tôi, song với lối cách tân ấy, Du Tử Lê đã băm nát nhịp thơ, làm bầm dập Thi thể, Lục Bát  thành ngọng nghịu quá đỗi:

thắp thêm nến. Gọi vai về
dấu môi Bồ Tát, lá, lìa Austin
biển lần theo chân Quán Âm
ngón tay tràng hạt, nhang, đèn, phố, lu
tóc thơm ngực, múi khuya, mù
trái vun ấn tượng; nẫu lìa, biệt đen.
thắp thêm nến. Giới định, thiền
giải oan chuông, mõ; xóa kinh điển, người
gửi thêm đời, muộn, chút tôi
rớt trên lục tự; rũ ngoài tam quan.
thắp thêm nến. Nhiễu tâm phiền
gió, thâm, tím ngọn, cây tiền thân, mưa.
                         (Khúc Tháng Hai, Chín Sáu – Du Tử Lê )

      Lục Bát hay là ở nhịp điệu tự nhiên như hơi thở, như lời nói. Nhạc cuả Lục Bát là nhạc cuả tiếng Việt đa thanh mượt mà, với rất nhiều từ láy, từ ghép. Nhạc cuả Lục Bát là nhạc cuả tâm hồn Việt, bình dị nhưng cao vời. Nhạc cuả Lục bát là nhạc cuả hình tượng, không phải nhạc cuả kỹ thuật dấu phẩy (,). Xin thử lắng nghe câu thơ Kiều:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm

                             (Nguyễn Du)

      Giai điệu vút lên, liền mạch, bay bổng, xa thẳm trời xanh muôn trùng, không thể là nhịp chỏi, nhịp lẻ. Nhạc thơ ấy không thể dùng dấu phẩy mà ngắt ra. Bởi  nếu chặt khúc câu thơ, cánh hồng sẽ gẫy và con chim hồng tuyệt vời ấy sẽ rơi xuống đất, chết cùng với Lục bát. Cũng vậy con mắt đăm đăm là con mắt nhìn mãi về xa xăm, làm sao cắt khúc được sự dõi theo không cùng ấy cuả tâm thức?

      Có những cách làm mới Lục Bát bằng thơ ngắt dòng, thơ bậc thang. Nhưng đó chỉ là mới cái dáng vẻ câu thơ, không tạo ra được cái mới nghệ thuật cho Lục Bát.

      Những nhà thơ trẻ như Nguyễn Việt Chiến (Tiếng Trăng, Cát Đợi..), Nguyễn Thế Hoàng Linh (Bến Khẩu Vị, Chuyển Hoa,Tinh Mơ..) có  chạm đến Lục Bát, nhưng hồn thơ chưa định hình.

 

      4.Ai đã đặt chân vào đền thiêng Lục bát ?

      Người ngồi trong đền phải là nhà thơ mà Lục bát là sự chọn lưạ cho sự nghiệp cuả mình, phải có được nhiều bài Lục bát hay, phải có những đóng góp làm phát triển Lục Bát. Và nhất là phải viết được những trường ca Lục Bát có giá trị. Chính trường ca Lục Bát khẳng định tài năng cuả nhà thơ. Những nhà thơ chỉ tạt ngang hoặc chợt rẽ vào Lục Bát, vốn sống và vốn từ nghèo nàn, sẽ chết yểu  trên đường  tìm vần, sẽ chẳng đủ tình, đủ ý, đủ hơi sức sáng tạo trên con đường càng đi càng dẫn đến tuyệt lộ.

Nguyễn Du là người giữ đền, không phải là người xây đền, vì trước Nguyễn Du, Thiên Nam Ngữ Lục đã là một toà nhà  đồ sộ (8.136 câu Lục Bát). Nguyễn Du làm cho Lục Bát trở thành đền thiêng cuả thi ca dân tộc .

      Tiếp theo, Nguyễn Bính là người bước chân vào đền và ngồi chiếu trên, vì ông có riêng một góc trời Lục Bát không bị Nguyễn Du che lấp. Tất nhiên Lục Bát Nguyễn Bính không thể sánh được với Lục Bát Đoạn Trường Tân Thanh.

      Tố Hữu ngồi ở một chiếu khác, Lục Bát  Tố Hữu chuyên chở được đời sống hiện đại , đời sống dân tộc trong kháng chiến (Việt Bắc, Nước Non Ngàn Dặm, Mẹ Suốt) .Điều mà Nguyễn Du đã không làm được trong thời đại cuả ông. Lục bát Nguyễn Du không chuyên chở được những biến đổi bể dâu thời Lê-Trịnh - Gia Long, không  ghi lại được những trang hào hùng cuả dân tộc khi Nguyễn Huệ phá tan quân Thanh 1789.

      Người ngồi ngang hàng với Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư. Ông  đã viết 20.000 câu Lục Bát. Đoạn Trường Vô Thanh cuả ông dài hơn truyện Kiều cuả Nguyễn Du 20 câu. Đưa Em Tìm động Hoa Vàng là một trong những Lục bát tình hiện đại tuyệt hay. Phạm Thiên Thư sáng tác bằng vô thức, cõi vô thức đã đạt tới bước đại ngộ cuả Thiền.

      Bùi Giáng là người phá đền và xây mới bằng những câu Lục Bát nghịch ngợm tài hoa, như không thể nghịch ngợm tài hoa hơn. Còn ai nưã đã bước vào đền, xin bạn đọc bổ khuyết cho…

      Lục Bát là cõi trời mênh mông cuả thi ca dân tộc. Thế kỷ XXI ai sẽ là người  bước vào ngôi đền thiêng ấy? ai sẽ khai mở được những lối đi mới vào đền? Tôi chưa thấy được bóng dáng nhà thơ trẻ nào hôm nay chuẩn bị cho hành trình bay vào cõi trời mênh mông ấy./.

                                                                                     BÙI CÔNG THUẤN

 

                                                                                                                   

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: