Thực hiện kế hoạch của Hội Nhà văn Việt Nam và của báo Văn nghệ về tổng kết thực tiễn văn học qua 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào đời sống, báo Văn nghệ tổ chức buổi “Tọa đàm văn học 30 năm Đổi Mới” vào hồi 8h30 ngày 08-4-2016, tại báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội).
Tọa đàm văn học 30 năm Đổi Mới (ảnh: Hữu Đố)
Buổi tọa đàm có mặt các nhà văn, nhà thơ từ Ban chấp hành Hội Nhà văn, từ các Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn; các nhà nghiên cứu, nhà lý luận và phê bình văn học từ Viện Văn học Việt Nam và Đại học KHXH&NV Hà Nội và một số nhà văn cộng tác viên của Văn nghệ.
“Tọa đàm văn học 30 năm Đổi Mới” đánh dấu việc tuần báo Văn nghệ mở chuyên đề diễn đàn báo chí về văn học ba mươi năm đổi mới, mời gọi sự tham gia rộng khắp của mọi người viết văn bằng tiếng Việt, của mọi người Việt Nam mến mộ, quan tâm đến văn học nước nhà. Nhằm mục tiêu làm rõ và khẳng định các thành tựu, vấn đề đặt ra và triển vọng của văn học nước nhà qua ba mươi năm đồng hành tích cực trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của xã hội, đất nước.
Tọa đàm tập trung vào các chủ chính:
- Về những động lực đổi mới trong văn học: Các cơ sở có tính lý luận và các cơ sở thực tế đã khơi lên trào lưu văn học đổi mới, tạo ra những biến chuyển về định hướng mở rộng và phát triển trong quá trình văn học ba mươi năm vừa qua.
- Về tính kế thừa: Như một dòng chảy liên tục của văn học Việt Nam hiện đại, văn học trong thời kỳ đổi mới đã kế thừa những sáng tạo đặc thù từ truyền thống và văn học cách mạng.
- Về giai đoạn khởi đầu của sự đổi mới trong văn học: Những thành tựu ban đầu của trào lưu văn học đổi mới đã được phát triển và biến chuyển trong những năm sau đó, cho đến nay.
- Về một thành tựu nổi bật của văn học trong đổi mới: Những đổi mới phương diện thi pháp ở các thể loại văn học, cũng như sự kế tục có phát triển thi pháp truyền thống.
- Về sự phát triển của ngôn ngữ văn học trong bối cảnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa của xã hội-đất nước: Biến đổi đa diện, đa thanh trong hình ảnh và giọng điệu.
- Về tác động của văn học với hình thành nhân cách con người thời đổi mới nhìn từ góc độ hình thành các lớp nhân vật của văn học trong trào lưu đổi mới.
- Về mối quan hệ giữa (sự phát triển) truyền thông đa phương tiện với sự đổi mới tư duy sáng tạo và đặc thù của lao động nhà văn.
- Về sự biến chuyển của người đọc thời đổi mới: các thực tế mới trong tiếp nhận văn học.
Những nội dung thảo luận tại buổi tọa đàm, bằng tham luận văn bản và bằng ý kiến trực tiếp trên diễn đàn, sẽ được tuần báo Văn nghệ chuyển tải trọn vẹn và phù hợp, lần lượt trên bản in và trên trang thông tin điện tử của Văn nghệ, trong khuôn khổ chuyên đề tổng kết ba mươi năm đổi mới văn học trong suốt năm 2016.
Nguồn vanvn.net