Thứ tư, 24/04/2024,


"Lạc lối" trong "ma trận" thơ? (20/02/2009) 

Được đánh giá là mang sắc thái mới với phá cách về tư duy, “Ma thuật ngón” của nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn vừa “ẵm” giải thưởng thơ Bách Việt năm 2008 (do Cty sách Bách Việt tổ chức). Anh sinh năm 1967, hiện phụ trách Ban Đại diện báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng.

 

* P.V: Vượt qua các tác giả quen thuộc được vào vòng chung khảo như Đỗ Doãn Phương, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh…, một giải thưởng thơ Bách Việt duy nhất được trao cho Trần Tuấn như sự tưởng thưởng xứng đáng giành cho nỗ lực cách tân thơ ca của anh?

 

- Nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn: Nếu gọi “cách tân”, theo nghĩa đơn giản nhất là làm mới, thì mỗi người làm thơ bắt buộc là những nhà cách tân. Các tác giả bạn vừa nêu, sự làm mới của họ rất rõ ràng, và tôi rất thích lối viết tư duy của họ. Trong đó tôi muốn nhấn mạnh tới một tác giả mà bạn chưa nhắc tới trong nhóm 5 tác giả được vào chung khảo, đó là chàng thi sĩ “dọn” lên “Thức ăn của ngày hôm nay” khi mới 16 tuổi - Đỗ Trí Vương (TPHCM). Tôi ấn tượng chàng trai này từ những bài thơ đầu tiên chào đời được đọc rải rác đây đó. Còn về giải thưởng, tôi nghĩ do “Ma thuật ngón” đã đủ sức thuyết phục Hội đồng thẩm định. Sự tưởng thưởng thực sự với tôi là “Ma thuật ngón” sẽ chinh phục người đọc bằng một không khí riêng biệt của nó, và tôi tự tin điều đó. 

 

* Trong “Ma thuật ngón” có một số dấu hiệu tân hình thức như in đậm, in rời, đóng khung các con chữ. Đây là cách thức anh làm mới thơ của mình hay là sự thử nghiệm trong cách viết để dẫn đến thay đổi trong cách cảm và cách nghĩ về thơ ?

 

- Tôi thực ra không thử nghiệm gì hết, bởi những kỹ thuật như bạn nói người ta đã đi trước xa lắc rồi, với những hậu hiện đại, tân hình thức... Thậm chí, nó cũng đã trở nên thông thường như dấu chấm, dấu phẩy ta vẫn thường dùng. Chưa kể thơ của tôi có người nói vẫn còn đang “mắc kẹt” đâu đó ở (chủ nghĩa) hiện đại (siêu thực, tượng trưng...).

Nhưng nếu đọc kỹ và để ý, bạn sẽ thấy thật khó tách bạch mọi thứ, rằng đâu là kỹ thuật của ý thức, đâu là “kỹ thuật” của... vô thức. Tôi vẫn nói vui là “vô chiêu”, bởi mọi thứ vừa nhòe mờ ẩn hiện, dẫn dụ..., lại vừa hết sức cụ thể mạch lạc và quán chiếu trong ý tưởng. Nhưng nắm bắt được lại không dễ. Đó là cái thú của tôi khi viết, bởi nó thử thách và đánh đố lại chính tôi. Đó mới chính là sự dụng công đầy lý trí và dụng ý thực sự của tôi trong tập thơ này.     

 

* “Ma thuật ngón” có nhiều đổi mới về hình ảnh, tiết tấu, âm thanh và ngôn ngữ. Có ý kiến nhận xét người viết “Ma thuật ngón” cũng có lắm ngón nghề trong thế giới ngôn từ?

 

- Cũng có người đặt ra vấn đề: “Ma thuật ngón hay ma thuật của ngôn ngữ”. Tôi quả rất chú trọng đến ngôn từ khi viết, nhưng không làm “phu chữ” như nhà thơ Lê Đạt. Tôi đến với chữ và chữ đến với tôi cứ “như không”, và tôi thoải mái tiêu xài nó. Tôi luôn suy tư thật lâu, còn khi đặt bút thì câu chữ hiện rất nhanh, viết một mạch và bài thơ hầu như không phải sửa chữa. Nhưng vấn đề là ở chỗ, đó là bầu khí quyển nào, từ trường nào anh tạo ra để “cấy” những con chữ ấy vào. Không có từ trường dị biệt bao bọc từng câu chữ cụ thể ấy thì nó cũng chỉ là kẻ trú ngụ vô hồn. Từ trường nếu chỉ của những đơn vị cảm xúc đơn thuần, như cách cũ khi ta thường bắt đầu viết một bài thơ, thì nó sẽ không tạo ra được tiết tấu, âm thanh, hình ảnh mới như bạn nói. Với mỗi bài thơ, tôi cố tình bày ra một ma trận để đôi khi mình bị nó dẫn dụ, lạc lối.

 

* Nhà thơ hiện đại Paul Verlaine định nghĩa: “Thơ hiện đại phải đạt 2 yêu cầu. Thứ nhất, phải có tính nhạc. Thứ hai, phải vừa mơ hồ vừa chính xác”. Anh đi theo 2 tiêu chí này?

- Đúng là chàng “thi sĩ choáng hơi men” Paul Verlaine đang muốn nói đến chủ nghĩa hiện đại, với chủ nghĩa tượng trưng, ấn tượng. Hai tiêu chí bạn dẫn thực ra với Paul Verlaine cũng chỉ là một, trong đó những câu thơ được dìu đi bởi tính nhạc, để tự thân nó toát lên ý nghĩa chứ ít bị tác động bởi kỹ thuật nào khác. Đọc “Ma thuật ngón”, có thể bạn sẽ thấy phần nào sự “mơ hồ - chính xác” ấy nên dẫn đến sự liên tưởng trên? Nhưng thơ đương đại thì đã bước qua chủ nghĩa hậu hiện đại từ lâu rồi với những phẩm tính khác biệt. Nó đã phủ lên một không khí hoàn toàn khác đối với người viết và cả người đọc. Tôi không nói tôi đã hậu hiện đại hoàn toàn, nhưng thật khó mà định tính được theo kiểu “cái này là gì, cái kia là gì”. Bây giờ, cái mới thực sự luôn là cái “phi - phải” (từ dùng của Nguyễn Hưng Quốc), muốn mới thì phải thế này, phải thế khác ...  

 

* Anh có nói rằng anh “ghét loại thơ đọc là hiểu ngay”. Vậy anh quan niệm như thế nào về thơ?

 

- Tôi cũng đã đọc được rằng, “để viết khác, chúng ta phải đọc lại một cách khác”, trong đó cách nhìn lại là quan trọng nhất. Không có cách nhìn khác, thì mọi thứ giống như chưa bắt đầu. Còn quan niệm về thơ, đó là câu chuyện dài không có kết thúc. Nếu chúng ta cứ cố gắng định tính, định vị, xếp đặt những nguyên tắc cho nó thì theo tôi, thơ sẽ chẳng còn là chính nó nữa.    

 

* Anh nghĩ gì về thơ trẻ hiện nay?

 

- Cứ tạm hiểu rằng “thơ trẻ” như bạn nói chính là thơ cách tân đương đại đi. Tôi nghĩ bây giờ đã là thời của họ, không thể khác, kể cả với những người không còn “trẻ” lắm về tuổi đời. Họ làm thơ dễ dàng như là thở vậy. Hôm qua, tôi vừa nhận được tập thơ mới của nhà thơ Lê Vĩnh Tài gửi tặng, tập “Thơ hỏi thơ” (NXB Thanh Niên), in và phát hành ngay những ngày đầu tiên của năm 2009, trong khi tập “Đêm và những khúc rời của Vũ” của Tài vừa tham gia giải Bách Việt in còn chưa ráo mực. Tập thơ mới nhất này của Tài lại là một sự bứt phá thay đổi dữ dội hơn cả những tập trước. Vậy thì quá vui rồi chứ gì!

 

* Riêng với anh, ngoài việc thường xuyên xuất hiện với các bài báo thì dường như cái tên Trần Tuấn vẫn còn thưa vắng trên văn đàn?

 

- Đúng vậy, nhưng tôi lại không mấy bận tâm về điều đó. 

 

* Xin cảm ơn anh!

 

                                                Hoàng Trần Tú Phương

                                                    (ĐT: 0985009490)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: