Thứ sáu, 19/04/2024,


Mai Lâm- một người “lạ” của văn chương (27/03/2016) 

  Tình cờ viết văn bằng những ghi chép, cảm nhận dung dị, hồn nhiên và xếp vào thể loại tản văn. Nhưng tản văn của Mai Lâm lại như viết chân dung, lại như truyện ngắn...
Viết văn nhờ Facebook
   Mai Lâm là một cái tên còn khá mới trong văn chương. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Mai Lâm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại định cư ở liên bang Đức từ năm 1987. Ông được biết đến nhiều hơn trong vai trò một nhạc sĩ với các album được phát hành rộng rãi tại Việt Nam như Hà Nội mùa thu sớm, Từ xa Hà Nội... được ca sĩ Mỹ Linh thể hiện.
Mặc dù được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà có nhiều người hoạt động lĩnh vực nghệ thuật nhưng viết văn không phải sự thúc giục mà như một cuộc “chơi” của người tự nhận mình là “lười” và “không phải nhà văn”.
Ngay từ bé Mai Lâm đã thích đọc sách và bị “ăn đòn” khá nhiều vì cái tội mê đọc sách. Do đó tác giả Từ xa Hà Nội rất biết ơn những cuốn sách. Và không ngờ sau này chính bản thân mình lại có thể viết dễ dàng những cuốn sách. Tuy nhiên, như một nghệ sĩ đến với văn chương như một cuộc dạo chơi, ông không quá kỳ vọng cuốn sách của mình sẽ làm được cái gì to tát, nếu được độc giả đón nhận và tìm thấy một phần chính mình trong đó thì đã khiến ông vui và cảm thấy được chia sẻ.

 



Tác giả Mai Lâm trong buổi ra mắt sách

 


    Hành trình đến với văn chương của Mai Lâm là nhờ facebook. “Nếu không có facebook thì tôi đã không có những cuốn sách như thế này” - tác giả thành thật bày tỏ. Khi những chia sẻ nho nhỏ của tôi được viết ra và đưa lên mạng, bạn bè vào đọc và có khuyên tôi tập hợp in thành sách. Lời đề nghị này ban đầu khiến tác giả rất ngần ngại. Nhưng rồi cũng tập hợp và in thành sách.
Rồi thật bất ngờ, trong 3 năm liền Mai Lâm in 3 cuốn tản văn, khiến có người phải thốt lên: Sao cứ ra sách liên tục thế. Tác giả phân trần: “Xin thưa rằng, cuốn đầu vì bạn bè giục mà viết. Cuốn hai vì mẹ hiền ngóng đợi mà viết. Còn cuốn này (tức Chỉ còn tuyết trắng, Mai Lâm Từ xa Hà Nội 3) vì đã quen tay lại không biết làm gì trong lúc chờ ngày về Hà Nội, bèn đem những kỷ niệm ở quê nhà, những vui buồn nơi đất khách ra nhẩn nha mà biên lại. Vậy cuốn này là vì mình mà viết, theo kiểu một chuyến đi thú vị ở ngay trên đường đi chứ không chỉ ở nơi đích đến.
   Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Văn Thọ người cũng nhiều năm sinh sống ở Đức, lại là một trong những người khích lệ Mai Lâm viết văn và in thành sách. Có thể với nhiều người cầm bút, dù là bạn bè nhưng không phải ai cũng được những nhà văn “đã có nghề” in thành sách như trường hợp của Mai Lâm. “Nên ra sách để cho vết loang rộng hơn. Văn chương của Mai Lâm là thứ văn blog, cận thực tế, thật thà dễ nghe...”.
   Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim tỏ ra khá ngạc nhiên khi đọc văn Mai Lâm cứ nghĩ ông là một người “chịu chơi” và biết cách chơi đúng chất người Hà Nội xưa nhưng khi gặp ông lại thấy ông hiền khô, chẳng giống văn tí nào cả.
Xuất hiện sau nhưng phát sáng một cách kỳ lạ
    Đánh giá về những cuốn sách của Mai Lâm, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Tác phẩm của Mai Lâm đóng góp cho dòng chảy văn học di dân, xuất hiện sau nhưng phát sáng một cách kỳ lạ!”.
Tác giả của Quyên nói thêm: Có rất nhiều người ở Đức viết về Hà Nội nhưng họ không viết như Mai Lâm. Hà Nội với Mai Lâm là những kí ức trong trẻo, Hà Nội như người yêu day dứt của mình.
   Nhà văn Di Li, người đọc những tản văn của Mai Lâm từ khi còn là bản thảo thì cho rằng: Hà Nội của Mai Lâm là yêu thương và yêu thương là thứ gì đó rất bình thường.
   Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì đánh giá cao tên gọi “Từ xa Hà Nội” của Mai Lâm. Ông cho rằng chỉ với “Từ xa Hà Nội” tác giả đã gói cả không gian và thời gian. Mai Lâm là một người có cái để kể và có cái để viết.
Một tranh cãi nho nhỏ về tản văn của Mai Lâm cũng được một số nhà văn đặt ra trong buổi giới thiệu sách. Có ý kiến cho rằng có tác phẩm Mai Lâm gọi là tản văn chưa chính xác mà như một truyện ngắn.

 



Bìa sách


   Nhà văn Di Li cũng cho rằng ngay trong tác phẩm mới nhất Chỉ còn tuyết trắng của Mai Lâm thì “Quỳnh hoa” được coi là truyện ngắn hơn là tản văn. Thậm chí nhà văn Di Li còn khuyên Mai Lâm “cất đi” để khi nào tập hợp và in thành tập truyện ngắn, nhưng Mai Lâm vẫn “cố thủ” coi đó là... tản văn!.
   Còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì đánh giá rất cao thể loại tản văn, chứ không phải thứ hạng thấp bé hay... cận văn học. Tác giả của Tàn đen đốm đỏ cho rằng tản văn là một thứ ma túy nhưng đồng thời tản văn là thứ văn chơi, nhưng đồng thời là truyện ngắn, là tiểu thuyết và Mai Lâm đã làm được điều đó. Tản văn của Mai Lâm rất đáng đọc, những trang viết về Hà Nội là vì Hà Nội, vì một người Hà Nội và vì tất cả, nếu ai không phải người Hà Nội đọc tản văn của Mai Lâm cũng thấy thích. Bản thân nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng luôn khao khát viết tản văn. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến tiết lộ thêm là ông sắp về hưu và sẽ dành nhiều thời gian để viết tản văn.
Tản văn của Mai Lâm không chỉ như truyện ngắn mà còn như thể loại viết chân dung. Tuy nhiên điểm khác của Mai Lâm là ông không dựng chân dung người nổi tiếng mà viết về những người rất bình dị ở xung quanh ông, bạn bè ông. Nhưng qua ngòi bút của Mai Lâm, chân dung của họ hiện lên số phận, nước mắt mà còn hiện lên “bức tranh toàn cảnh của cuộc sống người Việt tại Hải ngoại qua rất nhiều mảnh ghép của thể loại tản văn”.
    Có lẽ, từ những đánh giá này, thể loại tản văn dường như đang mở rộng biên độ và sẽ gây chú ý cho giới lý luận phê bình. Đồng thời những quan niệm mặc định về thể loại tản văn trong công chúng bấy lâu nay sẽ được xem xét lại chăng?


Nguồn: vanhocquenha.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: