Thứ sáu, 29/03/2024,


Mùa xuân - Bâng khuâng một nỗi nhớ rừng (Tản văn) (26/03/2016) 

 

    Những ngày giáp Tết trời lạnh giá nhưng lại ấm lên bởi không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Các cơ quan công sở đã hoàn thành việc tổng kết công tác cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lo tiền lương tiền thưởng để công nhân về quê ăn Tết. ở các chợ đã bày bán la liệt cành đào, cành quất và các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường Tết không thiếu một thứ gì. Thời gian này cũng vào mùa tuyển quân, đám thanh niên í ới gọi nhau đi khám sức khỏe chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Trong không khí đón xuân nhộn nhịp ấy, tôi dường như không thấy tiếng thời gian đang đếm tuổi mình mà chỉ thấy từ thăm thẳm cõi lòng đang đang hiện ra một miền ký ức.
... Những năm Mẹ nuôi tôi bằng nỗi cơ hàn chạy chợ, cả đời Mẹ chỉ toàn mặc áo vải nâu chát bùn, ăn nhắt hà tiện, chắt bóp từng hào nuôi con. Hôm nào mua được đấu gạo mới nấu cơm ăn với món tép kho tương gừng, nhìn tôi ăn ngon lành, Mẹ bảo: "Sức này mai đi làm hợp tác là cày lở đồng đây". Tôi bảo Mẹ: "Không, con đi bộ đội cơ!"

 


    Thế rồi, năm 18 tuổi vỡ giọng nói ồm ồm, chưa kịp đỡ mẹ việc gì đã lên đường nhập ngũ. Được ở trong một đơn vị được mệnh danh là Quả đấm thép, cái danh hiệu chỉ nghe đã thấy nức lòng ấy đã rèn luyện tôi trở thành người chiến sỹ có nhiều thành tích trong huấn luyện. Đầu năm 1967, Quả đấm thép ấy được tung vào mặt trận. Hơn bốn tháng trời dòng dã trèo đèo vượt suối, đơn vị vào tới Miền Đông Nam bộ mà trong chứng minh thư đi B ngày ấy ghi là đi "Hải Yến, ông cụ". Người ta bảo "một ngày ở chiến trường dài bằng cả một năm"quả không sai. Những ngày ém quân chưa đánh đấm gì, mới buổi sáng, Tiểu đội hò nhau đi lĩnh gạo, dọc đường bị quả pháo của địch bắn vu vơ, một cậu lăn quay ra chết, hôm sau đi hái măng rừng, một đứa bị cây đổ đè chết dí, Tiểu đội không ngày nào không có một hai đứa sốt rét nằm chùm chăn, có đứa sốt ác tính khiêng đi viện nhưng chưa kịp đến nơi đã chút hơi thở cuối cùng. Cái chết của người lính thật cay nghiệt lại vô cùng đơn giản thế! Buồn nhất là vào mùa mưa, sáu tháng trời mưa thối đất nát cỏ, rừng ẩm ướt, quần áo giặt phơi mấy ngày không khô, chân tay như muốn mọc mộng cả lên.
    Thế rồi mưa mãi cũng hết, buổi sáng mùa khô mở ra muôn ánh vàng, bầu trời xanh lên và cao lên. Các đơn vị Công binh đi mở đường chuẩn bị vào chiến dịch, các đơn vị vận tải bằng xe đạp thồ hối hả chở đạn, gạo ra phía trước, các tổ trinh sát pháo binh đi chấm toạ độ bản đồ chuẩn bị cho các phần tử bắn, cán bộ Quân y đi chọn điạ điển để đặt các trạm phẫu thuật tiền phương. Đơn vị tôi được lệnh ăn Tết trước mười ngày. Hậu cần đã chạy vạy để mỗi người có một chiếc bánh trưng, ba lạng thịt lợn hơi, hai lạng đường, một nửa hộp sữa, chúng tôi hối hả nhận quân trang, lĩnh cơ số đạn và lỉnh kỉnh những túi phòng độc, bông băng cá nhân, thuốc lọc nước, mọi người không quên bảo nhau viết tên vào mảnh giấy gấp nhỏ lại cho vào lọ thuốc Biliciline cất trong túi áo ngực để có bề nào cũng còn để lại cái tên. Ngày 26 Tết, đơn vị xuất quân đánh vỗ mặt tụi lính Mỹ thuộc Sư đoàn Anh cả đỏ đang chốt ở Bà Chiêm.
Trận đầu thử lửa rất hồi hộp, anh nào nhát còn đái cả ra quần. Nhưng lúc nổ súng rồi, mùi thuốc đạn làm kích khích nên đánh rất hăng. Thực hiện phương châm ''nắm lấy thắt lưng địch mà đánh'', kết hợp với đặc công trong đánh ra ngoài đánh vào, nên chỉ 30 phút sau cả Đại đội lính Mỹ bị xóa xổ.
    Trong chiến tranh chắng có chiến thắng nào được suôn sẻ ngọt ngào. Lúc được lệnh rút quân, tất cả các ngả đường rút ra đều chìm trong tóa độ của bom đạn Mỹ. Đơn vị thương vong khá nhiều, về đến hậu cứ chỉ còn nửa quân số. Những ngày đơn vị củng cố chờ bổ xung quân, tôi gặp một cô gái đồng hương, tên là Yến Chi công tác ở Đài phát thanh Giải phóng. ở chiến trường tình đồng hương quý nhau như ruột thịt. Yến Chi thấy tôi hay làm thơ, Chi đọc bảo nghe được và bảo tôi chọn số bài đưa cô mang về đài. Mấy ngày sau, đêm nằm nghe buổi tiếng thơ cùa Đài phát thanh Giải phóng có giới thiệu một số bài thơ của tôi qua giọng ngâm của Trang Nhung. Lòng tôi vui đến tột đỉnh, mấy anh em trong đơn vị cùng quê Hà Tây với tôi cũng thấy tự hào vì không ngờ trong cánh lính Hà tây còn có cả nhà thơ nữa. Nhờ Chi mà tôi trở thành nhà thơ chiến sỹ, luôn xuất hiện các bài viết trên báo đài. Có thể nói thực tế chiến đấu với hiện thực trần trụi được viết lên không thông qua những thao tác để tạo ra những văn bản nghệ thuật mà vẫn có hồn. Hôm đi trinh sát thực địa chuẩn bị cho đơn vị bước vào chiến dịch, tôi gặp Yến Chi đang trên đường công tác, Chi khoe tấm ảnh của cô chụp chiếc xe tăng M41 của Mỹ bị quân ta bắn cháy trên đường 13, đang vui chợt cô nói giọng buồn. Bộ đội hy nhiều anh ạ, em có ba anh người làng cũng vừa hy sinh ở trận núi Bà. Tôi và em đứng lặng người, trong ánh sáng nhập nhoạng của hỏa châu giặc bắn lên bầu trời đỏ lòm như màu máu, nhiều cáng thương binh chạy qua trước mặt với thân hình băng bó trắng xóa, thật là cảnh bi hùng trong đêm chiến tranh. Vì vội đi, Yến Chi bảo tôi chuẩn bị tinh thần để trên về công tác ở Cục. Tôi bất ngờ về tin ấy, thì ra thấy tôi có khả năng làm công tác tuyên truyền nên Yến Chi đã bắc cầu để tôi bước chân vào nghề làm báo. Hồi hộp, sung sướng lại rất bịn rịn chia tay nhau, hẹn nay mai cùng sống chung trong một đơn vị.
    Vào đầu chiến dịch, đơn vị tôi đang tiến xuống miền sâu, thì tôi có lệnh quay lại phía sau đi nhận công tác mới. Người quân bưu đưa quyết định xuống là người cùng cơ quan của Yến Chi nên lúc gặp tôi anh ta báo tin, trên đường công tác, Yến Chi vướng mìn Claymo của địch nên cô đã hy sinh, đơn vị vừa tổ chức truy điệu cho cô cách đây ba ngày. Tôi choáng váng đứng nghe tin rồi ôm mặt khóc. Chao ôi! Chiến tranh như mũi kiếm sắc nhọn xuyên qua phận người rất mỏng, đứng trước cái chết người lính cứ trơ như gỗ đá, vậy mà tin Yến Chi hy sinh làm tôi có những phút mềm lòng. Những hy vọng về ở cùng đơn vị với em, tôi đã hẹn với lòng mình phải làm tốt mọi công việc để đền ơn chi ngộ, bởi nhờ em bắc cầu để tôi đén với thơ ca thời chiến vậy mà giờ mất em... Mấy ngày đầu nằm chờ việc của cơ quan, tôi ngao ngán vì mất Chi, có bữa bỏ ăn và chỉ muốn xin trở về đơn vị chiến đấu. Nhưng rồi xác định lại bản thân phải yên tâm để hoàn thành nhiệm vụ....
    Cuộc chiến đã chấm dứt từ bốn chục năm qua. Thời gian đủ độ lùi cho những ai sống nhẹ lòng với quá khứ, chỉ những người lính từng đi qua cuộc chiến mới thấy sự gian lao khốc liệt của nó, bởi vậy mà họ không bao giờ quên. Tôi bị thương rất nặng ở mặt trận TâyNam trong lần đi tác nghiệp. Lần bị thương nặng nề ấy đã chấm dứt công danh sự nghiệp và trở thành thương binh được về an dưỡng dài hạn ở gia đình. Sự thiếu thốn của thời bao cấp, sự hành hạ của vết thương làm tôi khổ sở, cạnh đấy là cánh lính phục viên, cả một thời trai trẻ dấn thân vào lửa đạn, chẳng ai có thời gian để chuẩn bị cho mình. Trở về sau cuộc chiến để nhận cái công thức "3G " nghĩa là vợ già, nhà dột, con dốt, bởi thế người nào người ấy cứ lấm lem như cua bò quanh gốc dạ. Họ bảo nhau phải tự cứu mình ttrước khi trời cứu. Phải chăng phẩm chất đạo đức của người lính cụ Hồ là thế - Trong chiến đấu biết vướt mọi gian nguy để chiến thắng kẻ thù, trong hòa bình biết cách khắc phục khó khăn để vươn lên xóa đói giảm nghèo, sống không lương thì lấy sản phẩm từ khoai lúa, từ chăn nuôi lợn gà làm trợ cấp, cuộc sống từ đấy mà dần dần khá lên. Sống trong thời đại mà các tiện nghi sinh hoạt đang làm nghiêng ngửa cả thế giới mà họ vẫn giản dị tay làm hàm nhai không đua đòi, bon chen trục lợi mà chỉ sống vừa đủ với nhừng gì nhờ bàn tay mình làm ra mà có.
    Thời gian theo năm tháng họ già đi, nhất là những ngày giáp Tết, trong khi mọi người mọi nhà nhộn nhịp sắm Tết, họ cũng lo cho gia đình không nhiều thì ít những thứ để đón xuân. Họ thấy vui vì thấy cuộc sống chung đang đổi thay tươi mới từng ngày, chỉ buồn là đâu đó vẫn còn tồn tại một nỗi đau có tên là vô cảm....



Tháng 12 năm 2015
Khải Hưng
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: