Nhà văn của miền sông nước tiếp tục lôi cuốn độc giả bằng những câu chuyện về thân phận con người.
Tập truyện Không ai qua sông gồm 13 truyện ngắn, dẫn độc giả vào những nẻo đường thôn quê của miền sông nước Nam Bộ. Những cái tên truyện ngắn gọn, gợi mở như Vực không đáy, Không ai qua sông, Nút áo, Nhổ quán, Chỉ gió trả lời câu hỏi, Thầm, Đi thật xa mới đến nhà bạn cũ, Tiều tụy vòng quanh, Mưa mây... gói trọn trong đó nhiều xúc cảm: sự tò mò, háo hức, sự lắng đọng và suy tư và đậm nỗi buồn về những thân phận của chị Hai, chị Tám, thằng Sáu...
Bìa sách "Không ai qua sông" của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ
Nếu trong đời sống, nhiều lúc các thân phận nhỏ bé, tầm thường bị khuất lấp, che mờ bởi nhịp điệu xô bồ, vội vã, sự thờ ơ, vô tình thì trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, mỗi con người bé nhỏ đều có một chỗ đứng, một vị trí ngang nhau. Đó là bi kịch của một người mẹ trong Vực không đáy, Không ai qua sông hay một thằng nhỏ không tên, không mẹ sống với cha ruột, 13 tuổi rốn đã bắt đầu thốn đau bởi tiếng còi tàu trong truyện Tiều tụy vòng quanh. Không chỉ gói gọn trong thân phận nhỏ bé tầm thường, nhân vật của chị còn cả cô gái giành huy chương vàng marathon thế giới. "Tôi chạy giỏi như vầy là nhờ mẹ vác đòn gánh rượt đánh tôi hoài".
Đọc truyện của Tư, lòng người ta như mềm ra. Trong từng câu chữ, người đọc có thể cảm được vị chát - đắng, sự suy nghiệm rơi sau nụ cười. Bởi vậy, bất tận như những cánh đồng, miên man những dòng sông, truyện của chị chuyên chở cảm xúc về con người. Những cảm xúc ấy có khi không thể chạm được nhưng luôn hiện hữu như từng cọng vàng của bông lúa miền Tây, từng sợi xanh của cỏ dại, từng ngọn trắng bảng lảng của đám lau sậy ven sông.
"Một cơn gió độc nào đó thổi qua, mang cơn lạnh buốt lên đỉnh đầu. Bà nội nói không có đất thì mình không là cái gì hết. Nhưng khoảnh khắc này, em nhận ra không có tên mình không là gì, không là ai và không còn gì hết". Đó là những lời tự sự của những con người nông dân chân chất trong truyện Đất - tác phẩm khép lại cuốn Không ai qua sông.
(Nguồn: Vnexpress)