Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà văn Tạ Duy Anh: Nghĩ về nghề (21/03/2016) 


Một nhà văn, sau khi danh tiếng lừng lẫy, sau khi tỏa sáng như mặt trăng mặt trời trên văn đàn, tự dưng có lúc chán chường thốt lên: “Mình viết văn để làm gì nhỉ?” Bọn đàn em nghe được, hoặc không hiểu (hiểu làm sao được cơ chứ!) hoặc dè bỉu: “Lão già điên mẹ nó rồi. Khối người đang nhoi nhóp, đánh vật với chữ nghĩa với hy vọng được một phần như lão”.

 



Nhà văn Tạ Duy Anh



BAO GIỜ ĐẾN ĐƯỢC VÔ DANH



   Một nhà văn, sau khi danh tiếng lừng lẫy, sau khi tỏa sáng như mặt trăng mặt trời trên văn đàn, tự dưng có lúc chán chường thốt lên: “Mình viết văn để làm gì nhỉ?” Bọn đàn em nghe được, hoặc không hiểu (hiểu làm sao được cơ chứ!) hoặc dè bỉu: “Lão già điên mẹ nó rồi. Khối người đang nhoi nhóp, đánh vật với chữ nghĩa với hy vọng được một phần như lão”.
   Viết văn, làm thơ để cầu danh. Thì đã hẳn. Mua danh ba vạn (đồng, đôla, chỉ, cây). Táng gia bại sản vì danh. Đói cơm rách áo vì danh. Vục mặt xuống vì danh. Nhà tan, cửa nát, vợ con khốn nạn vì danh. Một nhà thơ, bạn tôi viết thơ tặng vợ thế này:
Vợ ơi ta bảo vợ này
Năm in ba tập thì mày ăn xin.

  Một năm tự in ba tập thơ thì ăn xin, với khối người, là cái chắc! Giả dụ làm được thế thì ba tập thơ đem lại cái gì? Tặng được ba trăm thằng bạn “khinh thơ người khác hơn mẻ”. Cầu cạnh, quỵ lụy xin được một vài ô bằng bao diêm trên báo. Đầu này từ nhà in ra thì đầu kia bắt đầu lên máy nghiền. Cái còn lại là một ảo tưởng to lớn về tài năng, danh vọng, danh hão. Danh hão cũng là danh. Không có tí danh thì chết khó nhắm mắt. Chả thế mà sinh ra bao nhiêu kẻ cuồng danh, cuồng chữ, mài nhân cách để làm mực viết tên mình.
Ấy thế mà có danh, như bậc văn hào trên kia, lại chẳng coi danh ra gì, tự làm giảm giá tài năng, lao động của mình? Thật là trái lẽ quá đi mất. Hiểu thế nào được. Chỉ là một cách ông ta làm mẽ, cũng là cầu thêm danh đó thôi.
    Kẻ phàm tục này cũng đã từng a dua nghĩ như vậy. Nhưng rồi có ngay vấn đề cứ phải nghĩ tiếp: Phàm những đại gia, những thiên tài văn chương đều ký danh vào những đứa con tinh thần của mình. Chỉ chúng mới có cơ hội bất tử. Ngay bây giờ có hàng triệu người không biết Nguyễn Du, Nam Cao... là ai. Nhưng Truyện Kiều với Kiều, Hoạn Thư, Tú Bà, Từ Hải... và Chí Phèo thì họ nhớ như đinh đóng cột. Xa một chút, cả địa lý lẫn thời gian, là Thủy Hử, Tam Quốc, Đông Chu liệt quốc, Hồng Lâu Mộng... Cứ thử nhắc lần lượt tên của người sinh ra chúng: Thi Nại Am, La Quán Trung, Phùng Mộng Long, Tào Tuyết Cần xem, sẽ có đa số người thuộc làu các tác phẩm trên không mảy may thấy những cái tên ấy có liên hệ gì với nhau. Tương tự như thế với hàng trăm tác giả - và kiệt tác của họ - ở phương Tây tên người còn rắc rối gấp bội. Nhớ được tác phẩm thì kẻ sinh ra nó thuộc hạng “hữu thực vô danh”. Chỉ nhớ tên tác giả mà không biết đến tác phẩm thì anh ta thuộc loại "hữu danh vô thực". Muốn thiên hạ nhớ tên nào có khó gì. Viết bậy viết bạ để cho người ta chửi; đến đâu cũng cướp diễn đàn gào vào tai người khác; hết cách thì “đốt đền”; vuốt râu hùm...
  Nhưng để đến được vô danh, để có thể “im lặng như sấm” mới là khó. Một điều chắc chắn là nó không bắt đầu từ sự ồn ào theo kiểu quảng cáo tiếp thị.
Cứ nghĩ mà kinh!



CÒN VÀ MẤT



   Có tới cả năm trời tôi chỉ cứ loanh quanh bởi câu hỏi: Viết nữa hay không viết nữa? Không viết hay là viết? Viết hay thôi? Thôi hay viết?... Cứ thế tôi chỉ làm mỗi một việc cầm bút lên lại đặt xuống. Đặt xuống lại cầm lên vẫn cái bút ấy. Cầm lên ngắm nghía chán lại đặt xuống, đúng cái chỗ ấy... đến nỗi có lần bắt gặp, vợ tôi tỏ ra thông cảm bảo: “Không viết thì đứng lên, việc gì cứ phải ngồi như tù tội vậy?”. Thế là tôi đứng lên để cuối cùng lại ngồi xuống. Ngồi xuống chán lại đứng lên. Đứng lâu lâu lại ngồi, vẫn cái chỗ ấy. Từ đúng chỗ ấy lại đứng lên.
   Viết thì khổ, không viết còn khổ hơn. Nhưng viết ra liệu có ai đọc. Có người, sách in chưa ráo mực, đã chẳng còn ai biết. Có người chưa hết hoan hỉ sau khi kính cẩn tặng bạn bè, ông nọ bà kia để rồi vài hôm đã thấy sách của mình ở quầy bán giấy vụn. Có người lần nào đặt bút cũng hy vọng cuốn này phải biết, phải biết. Nhưng kể cả nhờ hàng trăm cuộc rượu, người tung, kẻ hứng cuối cùng sách của anh ta chỉ tốt ở chỗ dùng để tự vệ!... Một hôm bèn cùng vợ, chọn ngày trời trong, trăng thanh, gió mát như quạt hầu, dọn rượu ra đầu hiên rồi cứ thế uống say bí tỉ. Rượu vào thấy vợ đẹp như tiên, lời tuôn ra như ném bạc xuống mâm vàng, mới hỏi:
- Mình thấy văn chương của tớ thế nào?
- Lạy giời! Em mà đọc một câu em chết.
- Thế cả ngần ấy cuốn sách tôi viết...?
- Nhưng mà nếu em không đọc thì có phải vì thế mà em kém yêu mình đâu. Chẳng qua cứ nghĩ mình sinh ra làm người là phải bôi bôi, xóa xóa, mặt rách như bị cũ, lưng còng như đeo gông...nên em để mặc mình. Chứ nhìn mình những lúc ấy em hãi lắm. Em lạy mình đừng có lôi kéo em vào những trò vô bổ ấy.
- Trời ơi... Vậy thì tôi viết cho ai đây.
Vợ rót thêm rượu, cười ngặt nghẽo:
- Các ông viết thì các ông khắc đọc.
Hôm đó tôi say rượu, nhìn vợ cứ tưởng người dưng nhưng chưa bao giờ tình nàng nồng nàn đến thế. Sáng hôm sau tỉnh dậy tưởng chuyện hôm qua chỉ là chiêm bao, tưởng từ kiếp trước. Nhìn ra thấy vợ đang chăm chú đọc sách của chồng, bèn kiễng chân nhón gót lại gần thì thấy nàng đang đọc tập ghi chép. Máu lộn ngược lên mặt, tôi bèn quát:
- Cô tư tình với ai, khai mau!
Nàng quay lại, rồi cứ thế vít cổ tôi hôn tới tấp:
- Hay lắm! Có thế chứ! Em không ngờ đấy...
- Cô lảm nhảm cái gì?
- Thế không phải do mình viết ư?
- Cái gì? - Tôi lật lật cuốn vở - Cô lấy ở đâu cái của nợ này.
- Đang nhóm bếp thì vớ được. Tưởng chồng mình có tư tình với cô nào... hóa ra... văn chương lắm.
   Đúng là cuốn vở tôi viết, bị bỏ đi từ lâu. Thoạt đầu xếp để vào một chỗ, rồi quên mất, tưởng giấy loại mới ném vào sọt. May có vợ ít chữ mà không mất. Thế là cái định vứt đi thì còn. Rõ ràng do mình cực khổ viết ra mà cứ như may vớ được. Cả đống gom lại, bọc giấy bóng cứng, giữ khư khư mà ngay vợ cũng không muốn đọc. Cũng là do mình bóp đầu nặn trán mới có mà cứ tưởng của nợ án ngữ ở nhà mình. Rồi cũng tĩnh tâm lại để tự bảo mình: Cái gì còn ắt còn, ném đi, giầy xéo lên, kể cả đem đi... vệ sinh cũng không mất.    Ngược lại, có đem xếp ngay ngắn lên bàn thờ, cũng chỉ tốn hương khói mà thôi.
Văn chương là thế. Nghệ thuật là thế. Tất cả đều thế.
Lại cặm cụi viết. Thây kệ!



NGẮN VÀ DÀI



   Mặc dù cả tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc... truyện ngắn đều được giải thích một cách không cần bàn cãi là một truyện viết ngắn nhưng người ta vẫn có chỗ để thắc mắc: Ngắn đến mức nào để được coi là ngắn? Chưa đầy trăm chữ là ngắn nhưng cả vạn chữ cũng vẫn là ngắn. Rồi từ đó nổ ra một cuộc cãi vã: Viết ngắn khó hay viết dài khó? Người không viết được dài thì bảo: “Viết được ngắn mới là cao thủ”. Người không viết được ngắn thì bảo viết ngắn không thể hay, không thể lớn và do đó không thể nhớ được. Rằng tâm lý người An Nam quen với diễn giải hơn là khái quát? Kết quả là anh nọ đố anh kia làm cái không phải sở trường của mình.
   Như để tìm một vị trí an toàn, những cây bút trẻ đồng loạt cho ra đời loại truyện ngắn một nghìn chữ, hay còn gọi là truyện ba trang (đánh máy). Loại truyện này, về dung lượng thì “yên tâm đi” là truyện ngắn trăm phần trăm. Trừ một vài tác giả chứng tỏ được trong cái sự ngắn đó nhịp điệu sống, tốc độ tư duy, hành động... hiện đại, còn lại đa số có nội dung nghèo nàn, tình tiết mùi mẫn, vấn đề quanh quẩn (chuyện tình mới lớn, tình tay ba, tay tư, tình bến xe, ký túc xá, tình dưới bóng tre, chuyện gia đình tan vỡ v.v... và v.v...). Tuy chỉ ba trang nhưng đọc phải, thấy mệt hơn là đi cày! Nhưng mà xuất xứ của cái giới hạn ba trang một ngàn chữ này mới đáng lạ. Truy ra thì thấy nó là quy định của một loạt tờ báo, nơi các tác giả này được chào mời, trước hết vì nó an toàn như nước chanh vậy. Để được in, tiêu chí hàng đầu là phải không quá một ngàn chữ (có nơi Hán hóa là ký tự cho thêm phần bác học?). Quá một ngàn chữ, khỏi phải đọc, cứ việc quẳng đi! (Hình như Sê Khốp viết ngắn cũng vì lý do này). Thế là cái giầy quyết định kích cỡ của cái bàn chân. Và khi các ba trang ấy gộp lại thành tập, nó cũng được các cao niên ban cho một cái bao diêm trên báo khen xinh xắn về hình thức thế là hoàn tất sự nghiệp! Bởi vì vấn đề chỉ là ngắn hay dài mà ba trang một ngàn chữ thì chắc chắn ngắn rồi!
Khi tôi thở than điều này với một độc giả thì anh cũng chẳng biết làm gì hơn là thở dài.
- Tôi chẳng biết các ông quan niệm thế nào là ngắn, thế nào là dài chứ người đọc thì đơn giản lắm: Cả một cuốn sách 500 trang lại ngắn chuyện hơn một cái truyện mini thì chúng tôi gọi nó là càng dài càng ngắn! Trong khi đó một đoản thiên tiểu thuyết vài ngàn chữ có khi lại dài chuyện hơn cả một truyện dài thì chúng tôi gọi nó là càng ngắn càng dài! Với chúng tôi không có truyện ngắn, truyện dài mà chỉ có ngắn chuyện hay dài chuyện mà thôi.
- Hay lắm! - Tôi reo lên. Nhưng ngay sau đó tôi thấy ngay mình hớ: “Làm thế nào để diễn đạt sự dài, ngắn của anh bạn tôi bây giờ?”.

Nguồn  vanvn.vn
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: