Theo tục xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời để báo cáo tình hình hạ giới trong năm qua với Ngọc Hoàng.
Sau khi báo cáo, đến đêm Giao thừa, Táo quân lại trở về trần gian để trông coi việc bếp lửa của mỗi nhà.
Tục tiễn ông Công, ông Táo về trời
Lễ cúng ông Công, ông Táo là phong tục cổ truyền rất quan trọng đối với các gia đình Việt. Ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ thật chu đáo và tươm tất, các gia đình phải sửa soạn bát hương sạch sẽ để làm lễ. Chính vì vậy, lễ “quan soái”, tức tục sửa bát hương thường được các gia đình kết hợp trong cùng ngày lễ tiễn ông Táo.
Cũng như lễ tiễn ông Táo, lễ “quan soái” chỉ được tiến hành duy nhất 1 lần trong năm vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Lễ này được làm trước lễ tiễn ông Công, ông Táo. Mọi người sẽ lau bát hương, giữ lại 3 chân hương đẹp nhất và lau chùi sạch sẽ trước khi cắm lại vào bát hương.
Khi tiến hành lễ “quan soái”, nhà nhà sẽ chuẩn bị bộ lễ cúng ông Công, ông Táo. Tục cúng lễ này nhất thiết phải được tiến hành trước giờ Ngọ vì nếu quá giờ cá đã bay lên chầu trời và việc cúng lễ sẽ không còn linh nghiệm.
Mâm lễ vật cúng ông Táo
Các đồ lễ cúng ông Táo theo tục lệ cần có:
- 1 bộ mũ ông Công 3 cỗ (3 cái): 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ ông có 2 cánh chuồn và mũ bà không có cánh chuồn.
- Y phục (mũ mão), hia và 3 con cá chép sống (thả phóng sinh sau khi cúng ngụ ý “cá hóa long”).
- Lễ mặn gồm: xôi, gà, trầu cau.
- Hương: mỗi bát phải đúng một nén để ứng với câu “Một nén hương thơm thấm đủ cửu trùng”.
Để giản tiện, hiện nay một số gia đình chỉ chọn đồ lễ gồm 1 mũ ông Táo có cánh chuồn tượng trưng, 1 bộ áo và đôi hia bằng giấy. Riêng màu sắc của bộ mũ, áo, hia đều thay đổi tùy theo phong thủy mỗi năm.
Đối với những gia đình có trẻ con, lễ cúng Táo quân còn có thêm một con gà cồ (gà mới tập gáy) luộc để nhờ Táo quân xin Ngọc Hoàng Thượng Đế ban phước cho đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và giàu sinh khí.
Tùy theo mỗi vùng miền, lễ vật cúng Táo quân cũng có những điểm khác biệt. Chẳng hạn, ở miền Bắc lễ cúng ông Táo nhất thiết phải có cá chép sống hoặc có thể thay bằng cá chép giấy. Trong khi đó, ở miền Trung, mọi người thường cúng một con ngựa giấy có yên, cương đầy đủ. Riêng ở miền Nam chỉ cúng mũ, áo và đôi hia giấy. Những đồ lễ này tất cả sẽ được đốt đi để bay theo ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.
Về mâm lễ vật, tùy gia cảnh của mỗi nhà có thể làm mâm lễ mặn với xôi, gà, chân giò luộc, măng kho, thịt kho… hoặc làm mâm lễ chay với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc… Ngoài ra hương, đèn, nến, lọ hoa tươi, mâm ngũ quả tươi… là những lễ vật không thể thiếu.
Như vậy, một mâm cỗ mặn cúng ông Công, ông Táo sẽ thường bao gồm:
Sau khi bày mâm lễ vật, tiến hành thắp hương và khấn vái theo văn khấn. Sau khi hương tàn, tiếp tục thắp thêm một tuần hương và lễ tạ trước khi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để đưa ông Táo về trời.
Mâm lễ vật chủ yếu là lòng thành, vì thế nếu gia đình không có điều kiện, có thể giản lược bớt miễn sao đủ 3 đồ lễ và mỗi bát hương phải đủ một nén.
Văn khấn ông Táo về trời
Bài văn khấn ông Táo về trời thường dùng nhất sẽ theo bản sau:
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
– Phục duy cẩn cáo!
lucbat.vn (st)