Thứ hai, 29/04/2024,


Đất võ trời văn (17/02/2009) 

 

     Ngày nay, người ta thường dùng các mỹ từ trìu mến gọi các địa phương trong nước, theo sự nổi tiếng của phong cảnh, danh nhân, nghề nghiệp, tóm lại là những đặc trưng lịch sử văn hóa của xứ sở đó. Bình Định cũng được ưu ái gọi bằng nhiều tên lúc gắn với biển cả hoặc núi non, lúc gắn với phong trào nông dân Tây Sơn, lúc gắn với phong trào thơ mới, lúc gắn với nghệ thuật hát bội… Nhưng tên gọi phổ biến mà nhiều người dễ nhận biết là 'miền đất võ'.

     Đó là sự xác tín của bốn phương và niềm tự hào của người Bình Định, khái quát những thành tựu huy hoàng qua hơn năm trăm năm đấu tranh và xây dựng. Khái niệm 'miền đất võ' dung chứa một truyền thống đặc sắc là truyền thống thượng võ đúc kết qua nhiều thế hệ mà lịch sử xứ sở này đã minh chứng, như một định mệnh của văn hóa. Dưới triều Lê Thánh Tông, đất Bình Định được sáp nhập vào Đại Việt, trở thành vùng phiên trấn, phên giậu của Tổ quốc ở phương Nam. Ngoài người bản địa (Chăm, Bana, H'rê), những cư dân Việt đầu tiên đến Bình Định là từ các nguồn: quan lại do triều đình bổ nhiệm, dân khai hoang xiêu tán từ miền ngoài vào, các tội nhân lưu đày viễn châu…Vùng đất mới thâu nhận đủ mặt anh hào tứ chiếng, ngoài các luồng di cư có tổ chức hoặc tự phát, còn có cả việc buôn lậu gia nô, trẻ con bị bắt cóc… Bình Định thời ấy nổi tiếng vừa là vùng ruộng rẫy mới mẻ phong nhiêu vừa là chốn hang hùm miệng sấu, việc đặt cược số phận trên con thuyền đến nơi xa xứ vừa có sức hấp dẫn của đất hứa, vừa có ý nghĩa vĩnh quyết chốn cố quận. Trong cuộc mưu sinh, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và sự phức tạp của một xã hội chưa định hình, võ nghệ dân gian được phát huy cao độ: võ của người bản địa, võ của bốn phương lưu dân, võ của người nước ngoài (võ Tàu do bộ phận cư dân Trung Hoa trốn tránh Mãn Thanh di cư sang).

     Hoàn cảnh lịch sử và địa lý đã đặt trên vai Bình Định một sứ mệnh riêng trong số mệnh chung của đất nước thời trung cận đại. Trải qua nhiều thế kỷ, người Bình Định không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và đã có một sự nghiệp võ thuật độc đáo. Tinh hoa của võ thuật Bình Định được phát huy cao độ và đạt huân công trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nên thường được gọi là võ Tây Sơn, ngày nay gọi chung là võ Bình Định.

     Trong dân gian Bình Định cũng như trong các võ đường nổi tiếng, còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về võ kinh, võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và võ nhạc, phần thực hành cũng như văn bản truyền qua các đời. Võ cổ truyền Bình Định mỗi thời kỳ đều có sự thăng hoa gắn liền với tên tuổi trở thành niềm tự hào: giai đoạn trước Tây Sơn có Chàng Lía, Trương Đức Thường, giai đoạn chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa nông dân có Trương Văn Hiến (thầy giáo Hiến), Đinh Văn Nhưng (ông Chảng, nhân vật của thành ngữ 'Chảng ngang thiên'). Thời Tây Sơn, ngoài ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, có các tướng lĩnh Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Văn Long… Người ta đã dùng các mỹ danh để tôn vinh những nhân vật thời đại: Tây Sơn Tam Kiệt, Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, Tây Sơn Lục Kỳ Sĩ, Tây Sơn Tứ Danh Sư.

     Thời chống Pháp, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ đều là những đại danh trong làng võ Bình Định. Võ nhân Bình Định thời Nguyễn như Phạm Văn Lý, Võ Văn Trừ, Lê Đại Cang, Lê Đình Lý… đều vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Các gia đình võ thuật nổi tiếng truyền qua nhiều thế hệ có các võ sư: Hồ Triêm, Lê Thị Quỳnh Hà, Hương mục Ngạt (Nguyễn Ngạt), Khiển Phạm, Bảy Lụt, Hương kiểm Mỹ (Đinh Hề), Lâm Hữu Phong, Hương kiểm Lài (Lâm Đình Thọ), Hồ Ngạnh, Khách Bút, Hương lễ Nghè, Bầu Đê, Dư Đành, bà Tám Cảng, bà Sáu Sanh v.v…

     Sự phát sinh, phát triển của võ cổ truyền Bình Định là một tất yếu khách quan, từ sự định dạng và nâng cao mang bản sắc đặc trưng một vùng đất đóng góp vào sứ mệnh lịch sử của quốc gia, dân tộc. Võ Bình Định hình thành từ dân gian, trong lao động sản xuất, tự vệ, chống chọi với thú dữ, trộm cắp, và tiến đến thành sức mạnh chống cường hào ác bá, nuôi dưỡng truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý nhân nghĩa thủy chung, sức mạnh đóng góp vào giải phóng giai cấp và việc quật cường đánh đuổi ngoại xâm. Về võ kinh, giai đoạn trước có cuốn Hổ trướng khu cơ, giai đoạn sau có cuốn Tây Sơn binh pháp, biên soạn có sự tham chước Binh ngô tôn pháp và Binh thư yếu lược. Về võ lý, võ Bình Định vận dụng học thuyết âm dương, sáng tạo các thế võ dựa vào thao tác lao động (trèo đèo lội suối, canh tác trên đá sỏi, săn bắt vây đuổi…) và tính năng của các loài động vật (thế võ 'Hùng kê quyền' mô phỏng từ đòn gà chọi của Nguyễn Lữ, bài roi Thái Sơn cấu tạo từ động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hoặc các bài quyền long, xà, hầu, phụng, kê quyền). Về võ thuật, có các môn quyền thuật cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền, các môn binh khí (côn tức roi, thương, đại đao, giáo, mác, trường kiếm, chỉa ba, dao, rựa, búa, lê, mã tấu, cung, đoản kiếm v.v…). Về võ y, các bài thuốc gia truyền trong làng võ gồm thuốc nam, thuốc bắc, các bài thuốc địa phương kết hợp với việc ứng dụng các bài thuốc trong và ngoài nước và các phương thức day, nắn, bóp, bấm huyệt, châm cứu… đã làm phong phú đa dạng danh mục y học cổ truyền. Về võ nhạc có trống trận Tây Sơn mười sáu chiếc (phía trước mười hai, phía sau bốn) dùng để luyện tập võ thuật và điều binh khiển trận. Ngoài trống, còn có tù và, mõ làng, mõ trâu, chiêng, phèng la… là những nhạc cụ thông dụng trợ giúp cho võ bị Tây Sơn. Đặc biệt môn kỳ võ dùng cờ làm binh khí với cán tre đực và lá cờ dệt bằng sợi thao càn hết sức bền chắc.

Ai về Bình Định mà coi....


     Võ Bình Định, như trên đã nói, đã kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã minh chứng sự có mặt cấp thiết và bền bỉ của mình từ sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước, địa phương, làng xóm đến dòng tộc, gia đình, cá nhân. Võ Bình Định từ chốn dân gian đã được bác học hóa và bên cạnh việc thi văn còn có thi võ để tuyển chọn hiền tài giúp rập cho triều đình, quốc gia. Võ Bình Định đã gắn liền với sự nghiệp huân công của các anh hùng hào kiệt, đã hòa quyện với cuộc sống người Bình Định trong lao động sản xuất, sinh hoạt hội hè, bằng hữu giao bôi thù tạc… Nhưng về mặt bản chất võ kinh võ đạo, hàng bao thế hệ đã xác tín và minh chứng cho truyền thống thượng võ, đặt lên hàng thượng lễ mục đích nhân văn cao cả. Trước khi gia nhập làng võ, võ sinh tương lai được truyền thụ thuần thục tâm pháp, ngoài việc xem xét tướng mạo, cử chỉ, lời nói, nhân thân, lai lịch… còn phải được thử thách về đạo đức tư cách, sức chịu đựng, lòng kiên trì và tinh thần nhân ái, hướng thượng. Khôn nguôi gìn giữ bản thân luôn trong sáng, thuần khiết, chuyên cần luyện tập với lòng trung thành với môn phái, với Tổ nghiệp, khiêm cung thực hiện chính đạo, đó là kinh nhật tụng của người học võ.

     Chính Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị hoàng đế anh minh, nhà quân sự thiên tài đã xác lập nền võ học của quê nhà để trở thành những giá trị văn hóa lưu danh thiên cổ. Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn cũng chứng minh sự nghiệp văn trị đặc sắc hòa quyện trong huân nghiệp lẫy lừng của võ công, dệt cho nền trời quê hương dải mây gấm truyền thống với dòng chữ châu ngọc mà ngày nay người ta dịch nôm na là 'trong văn có võ trong võ có văn', hoặc 'thuyền võ bến văn', hoặc bao trùm hơn là 'đất võ trời văn'.

     Điều đó dường như xác lập trong hành trang của những người đi mở đất tận những thế kỷ xa vời, được đúc kết và thăng hoa trong một thiên tài và phạm vi điều phối của thiên tài với thời đại, từ đó tỏa sáng và dư ba đến hậu thế. Trong việc phân chia giai đoạn văn hóa Việt Nam, thời đại Quang Trung đã trở thành một dấu mốc. Tương ứng như vậy là các giai đoạn phát triển của văn hóa Bình Định. Là bậc minh quân ròng ròng mồ hôi trí tuệ, Quang Trung - Nguyễn Huệ được danh sĩ Ngô Thì Nhậm mô tả trong Bang giao hảo thoại: 'Quang Trung là người vốn tính ham học, dẫu trong can qua bận rộn cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận ý tứ rành mạch, khơi mở được nhiều điều mà sách vở ngày xưa chưa từng biết'. 


     Cuộc cách mạng về ngôn ngữ, lập Viện Sùng Chính để dịch các tác phẩm Nho học ra quốc âm, đưa chữ Nôm vào địa vị chính thống, sử dụng trong các văn bản Nhà nước, đã tích cực góp phần vào sự phát triển của tiếng Việt: 'Chỉ có đến triều đại Tây Sơn, với những người 'áo vải cờ đào' gắn bó với nhân dân lao động, có nhiều ý chí quyết thắng sự xâm lược về chính trị, về văn hóa của kẻ thù, đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng thâm căn cố đế của Trung Quốc, tiếng Việt lần đầu tiên mới được đưa lên vị trí xứng đáng'. (Tiếng Việt trên đường phát triển - Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Văn Tư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội). Bản lĩnh văn hóa Quang Trung - Nguyễn Huệ thể hiện ở các góc độ khác nhau, từ thành tựu của sự nghiệp giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, việc nội trị, ngoại giao, phát triển văn hóa, giáo dục, kinh tế nông thương, đến phẩm chất lãnh tụ như lòng trọng đãi hiền sĩ, sự thủy chung tình nghĩa với các văn thần võ tướng, khôn khéo linh hoạt trước kẻ thù…


     Thực ra, để xác lập một định mệnh của văn hóa, 'miền đất võ' qua nhiều thế hệ đã chứng tỏ được vai trò trung tâm, hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa. 'Với đức khiêm nhường truyền thống học được ở người xưa, chúng ta không muốn tự nhận quê hương Bình Định là đất tụ nhân tụ thủy, là địa linh nhân kiệt như nhiều người vẫn nói. Những điều tốt đẹp này, chúng ta muốn giành cho các nhà khoa học uyên thâm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa, chắc chắn là sẽ khách quan hơn. Nhưng tự thâm tâm, chúng ta thực hết lòng biết ơn quê hương Nghệ An với họ Hồ đã đưa đến Tây Sơn người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Chúng ta biết ơn Hà Tĩnh với duyên kỳ ngộ cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong, hai phía đèo Ngang một mối tơ hồng đã cho chúng ta nhà thơ say đắm nhất giữa các nhà thơ - Xuân Diệu. Chúng ta biết ơn đất Quảng Bình đã tặng quê hương ta một Hàn Mặc Tử với số phận cùng cực bi thảm, song trong cuộc đời ngắn ngủi của mình đã kịp để lại những dòng thơ thần cảm cao vời. Chúng ta biết ơn đất Quảng Trị đã đưa đến dưới chân thành Bình Định cũ một Chế Lan Viên xuất hiện với tập Điêu Tàn năm mười sáu tuổi như một niềm kinh dị, và sau này bao giờ cũng mang lại cho thơ những tìm tòi không mệt mỏi, những sáng tạo mới mẻ, hiện đại nhất trong bút pháp'.

     Trong hành trang văn hóa dân gian của mình, dấu ấn 'miền đất võ' được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến hội lễ (như lễ hội đổ giàn An Thái chẳng hạn), từ âm nhạc đến vũ đạo… Tưởng cũng nên không quên võ thuật xứ sở này được vận dụng khá nhuần nhuyễn cho một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là hát bội. Chính những gương mặt nhân vật được thể hiện trên sân khấu tuồng như Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương v.v… đã ít nhiều chuyển tải dòng máu của cốt cách, tâm hồn và võ thuật Bình Định.

 

Nét đẹp Bình Định


     Chân dung Bình Định qua ca dao, tục ngữ, phần nào đã thể hiện các chiều kích tâm hồn, tính cách của 'đất võ trời văn':

 

Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại có cù lao Xanh
Có Cân, có Cỏ, có Gành
Trời mây bốn mặt, có mình ở trong

 

     Miền núi non biển giã che chở cho những con người trên có trời, dưới có đất, giữa có ta! Những con người ấy mang một khí khái lúc sa cơ:

 

Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than

 

     Một khi dấn thân cho nghĩa lớn, họ cũng không vì thế mà công thần, bon chen danh lợi thời hậu chiến, chỉ nghĩ đến quê nhà đau đáu:

 

Mặc ai khanh tướng công hầu
Qua cầu cho hết binh đao qua về
Qua về qua gỡ bùa mê
Trọn lời em bậu hẹn thề cháo rau

 

     Ấy vậy cho nên phụ nữ Bình Định luôn là nguồn nội lực cho các anh hùng và thi nhân:

 

Một mai nước lớn đò trôi
Cây khô lá rụng bậu ngồi chờ ai
Bậu ngồi chờ kẻ có tài
Chờ người nhu sĩ nào ai chờ mình

 

     Với tình cảm ưu ái lay động đến non sông đất nước:

 

Chàng ơi đưa gói thiếp mang
Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không

 

     Người con trai đất võ mang cốt cách bộc trực, thật thà, có thể thiếu ít nhiều văn hoa để thêm ít nhiều mặn nồng chân chất. Kiểu như:

 

Có dở cũng ở đất thành
Phèng la có bể, cái vành cũng leng keng

 

     Bài ca rách áo là bài ca tiêu biểu cho khí chất này:

 

Chiều chiều vịt lội bàu sen
Để anh lên xuống cho quen với nàng
Áo anh sứt sổ bùng sàng
Cậy ai mua vải vá quàng về khâu
Kim đồng kim sắt kim thau
Ai mua chỉ tàu vá áo mau xong
Vá rồi anh sẽ trả công
Mai mốt có chồng anh giúp cho nghe
Giúp cho giạ đỗ giạ mè
Một cân tiêu sọ một ghè nghệ khô
Giúp cho cái ấm cái ô
Cái siêu sắc thuốc cái bồ đựng than
Giúp cho một mụ nuôi nàng
No ngày khẳm tháng thì chàng viếng thăm

 

     Anh con trai trong bài ca quả là 'nói thẳng, nói mạnh' đến mức cả gan. Nếu trong bài ca cổ điển tài hoa 'Hôm qua tát nước đầu đình - Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…' đầy những đẩy đưa nhưng chỉ tới mức các lễ vật dẫn cưới, thì anh con trai đất võ đã đẩy đưa thẳng tiến đến kỳ nở nhụy khai hoa! Hơi 'chém to kho mặn' kiểu 'nói cho lắm cũng hổng bằng nước mắm chấm dưa cải - nói cho phải cũng hổng bằng dưa cải chấm nước mắm'.

     Dù thế nào, kiểu lập ngôn ấy cũng phản ánh khí chất của một vùng đất từng là nơi đầu sóng ngọn gió, từng 'cày bằng lửa, trồng bằng dao' (chữ của Lê Quý Đôn), giấy má là sa thạch. Dưới những ngọn phong đăng, sản vật của quê hương, họ đã chép đời mình lên vách núi, những vách núi Bình Định thường chồm ra khơi, đón ánh mặt trời đầu tiên nhưng cũng đón đầu tiên những sấm sét bão tố. Của lịch sử trung cận đại. Và những nhân vật lịch sử quê hương đã được tạo hình trong ngôn ngữ dân gian trìu mến. Với Chàng Lía:

 

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

 

     Với Võ sư Đinh Văn Chảng:

 

Bùng binh chi tướng
Uýng cướng chi quan
Bộn bàng chi chức
Chảng chảng ngang thiên

 

     Với Nhà Tây Sơn:

 

Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già

Ơn vua Thái Đức chí tình
Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui

Cây me cũ bến trầu xưa
Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Cá đua sông trước thì đua
Sông sau có miếu thờ vua xin đừng

Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình

 

     Với Mai Xuân Thưởng:

 

Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang

 

 

     Và đất võ còn để đời trong các truyền thuyết về phong trào nông dân Tây Sơn, các giai thoại làng võ phong phú. Ở đó, nổi bật lên các vùng đất nổi tiếng: 'Trai An Thái, gái An Vinh', 'Roi Thuận Truyền, quyền An Thái'. Các mẩu chuyện chống Pháp diệt Mỹ cũng như tỉ thí trên võ đài theo thách đố của võ sĩ trong đội quân chư hầu Nam Triều Tiên và võ sĩ Bình Định cũng đầy ấn tượng, thể hiện khí phách của miền đất võ Bình Định vừa dùng sức mạnh vừa đầy mưu trí, kiên quyết dạy cho kẻ thù một bài học.

     Có thể nói, lịch sử võ thuật Bình Định song song với lịch sử Bình Định đã in đậm trong văn hóa dân gian miền đất võ, đến mức nói về Bình Định là cả nước nghĩ ngay đến hình tượng:

 

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

 

     Người Bình Định có một hội lễ gọi là lễ hội đổ giàn An Thái, thực chất là một festival tràn đầy tinh thần thượng võ. Chế Lan Viên tâm sự: 'Chả lẽ lại nói là những kiểu kiến trúc đặc biệt nhà lá mái cửa bàn khoa Bình Định hay cái vòng quay kiên trì triền miên của các xe nước ngoài Quảng Ngãi đã cho tôi sự chịu khó trong thơ? Nhưng quả là những đêm hát bội ở An Vinh, các cuộc đổ giàn ở An Thái làm cho tôi yêu chất hùng tráng - sau này ta gọi là sử thi hay là gì nhỉ? Rồi đây các bạn cũng nên tổ chức lại trò đổ giàn, đó chả là Olympic của ta đấy sao? Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy và dưới đất là hàng chục võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân, Hoài Nhơn vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc 'tỉ thí lôi đài' dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ là vô địch năm này. Chất hùng ca trong thơ làm sao không dính líu, cái dây hồng trong thơ làm sao không dính líu với các cuộc đổ giàn thượng võ này? Blake đã nói khá đúng: 'Văn hóa đi bằng lối thẳng, còn nghệ thuật thì đi các lối ngoằn ngoèo'. Trong Điêu Tàn có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi tìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ thờ Phật của cha tôi và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy'. (Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở VHTT Nghĩa Bình 1988).

     Cái lý và cái tình để đất này là nơi lập thân của Đào Duy Từ thế kỷ XVI, hay một nhà họ Nguyễn thôn Vân Sơn thế kỷ XIX có năm thi sĩ, một Đào Tấn ông quan nghệ sĩ - người đã viết những câu thơ mênh mông xa rộng, cánh bằng vạn dặm, hoặc là mối lương duyên của ông đồ Nghệ với cô hàng nước mắm Gò Bồi sinh ra Xuân Diệu 'hoàng tử của thơ tình', hoặc một nhóm thơ hội ngộ bạn bè trở thành hiện tượng văn học Bàn Thành Tứ Hữu với những tên tuổi vang dội trong nền thơ dân tộc đều có liên quan sâu xa đến truyền thống và sự va đập, hội ngộ giữa các nền văn hóa. Bốn dòng sông thơ mãnh liệt đã phát nguyên từ những chân trời và có một cuộc hợp lưu đầy thi vị trong tình bằng hữu chan chứa khiến mọi người đồng cảm ví với tứ linh: Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn) và Phụng (Chế Lan Viên). Mạch đập của vùng quê thượng võ có những lý lẽ riêng, bí ẩn và tự tin xác lập cho mình sự mặn mà bén duyên với thi sĩ, với thơ ca.

     Nguồn mạch ấy, trong cơn oằn mình của lịch sử và văn hóa đã tạo nên các anh hùng và thi nhân, kết tụ của khí phách và kết tụ của sự mẫn cảm. Lấy ví dụ ở hai danh sĩ bản địa là Nguyễn Trọng Trì và Hồ Sĩ Tạo, chúng ta bắt gặp ở mức độ nào đó sự khúc xạ của thời thế đã tạo nên ánh hào quang trong nhân cách kẻ sĩ Bình Định, từ chốn công đường màn thêu trướng vóc sẵn sàng bước ra xả thân dưới cờ nghĩa.

     Nguồn mạch ấy, theo cách nói của Chế Lan Viên, 'đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn'.

     Hơn năm trăm năm của bốn ngàn năm, tiếp quản hồng cầu Hồng Lạc, dòng máu 'miền đất võ' ròng ròng là dòng máu Việt ở miền Trung Tổ quốc, tài trí, vun bồi, văn hoa và kiến tạo. Vẫn là truyền thống Việt đại nghĩa chí nhân, người Bình Định đã đóng góp một cách quyết liệt phong vận của vùng đất phiên trấn, phên giậu xưa, vùng đất từng là kinh đô năm thế kỷ của các triều đại Chăm-pa, lại là kinh đô của hoàng đế Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. Ở đó, trong lịch sử, có một mặt trận nông dân rộng rãi, khắp hang cùng ngõ hẻm, với những thời điểm bất kỳ là bộc phát cuộc đấu tranh: chống bọn cường hào xâm chiếm đất, chống thói nhũng nhiễu ức hiếp người dân thấp cổ bé miệng của bọn lý hương, chống địa chủ thu tô cao và cho vay nặng lãi… Kế hoạch học tập trui rèn võ nghệ đã có hiệu quả trong các cuộc đấu tranh trên, ở những thời điểm mà xã hội còn chìm trong tăm tối. Không chịu sống quỳ, ngẩng cao đầu mà đi tới, âm thầm dồn nén, khi có điều kiện là bùng nổ, nhiều khi hiệu ứng liên hoàn dẫn đến xốc dậy hàng loạt năng lượng tiềm ẩn của hàng loạt con người, đó phải chăng là một trong những phẩm chất của truyền thống thượng võ hun đúc từ lâu đời mà người Bình Định đã hàm chứa sẵn trong tính cách?

Tác giả Nguyễn Thanh Mừng

 

-----------

Lucbat.com sưu tầm

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: