Thứ bảy, 20/04/2024,


“Cuối con đường đầy bóng tối là ánh sáng…” (17/02/2009) 

“Căn bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp không cho tôi bước ra khỏi ngôi nhà của mình, nhưng nó không ngăn được tôi đi ra thế giới bằng khát khao, quyết tâm từ trái tim và khối óc...”- đó là những dòng tự sự của cô gái mê dịch thuật trong cuốn tự truyện của mình. Tròn 20 năm, không thể đi lại bình thường trên chính đôi chân của mình, nhưng với nỗ lực vượt lên số phận và năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt đã giúp Nguyễn Bích Lan gắng gỏi đi được những chặng đường rất xa.

 

 

Chiến thắng số phận

 

Từng học chuyên văn, nhưng Nguyễn Bích Lan (Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) phải nằm hai năm trong bệnh viện để chữa trị vì căn bệnh quái ác ở tuổi mới lớn. Không thể khỏi, ra viện, dù bệnh đã thuyên giảm nhiều nhưng đôi chân cô ngày càng yếu đi, sức khỏe sa sút. Cô không thể vào THPT. Mọi mơ ước tưởng như sụp đổ.

 

Tuổi 14, phải nằm bẹp giường, mỗi lần nghe em trai học tiếng Anh, Lan cũng nhẩm đọc theo, rồi muốn được cùng học. Lúc đầu tự mày mò đọc, viết theo những cấu trúc có sẵn trong sách giáo khoa, chỗ nào khó hiểu Lan lại mang sách hỏi em. Không lâu sau, Lan đã nắm được nhiều cấu trúc về mẫu câu và tự viết được những từ mới học trong sách giáo khoa. Thấy con gái mê ngoại ngữ nên ba mẹ cô đã mua cho chiếc cassette để học cách đọc, phát âm và nghe các băng hội thoại do người bản xứ phát âm.

 

Ba năm, không qua một lớp học nào, không phải nhờ sự dạy bảo của một ai, Lan đã tự hoàn thành chương trình tiếng Anh phổ thông dành cho học sinh. Nhớ lại những ngày tháng quanh quẩn trong phòng một mình, tự học và tự đọc tiếng Anh, Lan tự hào: “Tôi vẫn tin rằng cuối con đường đầy bóng tối là ánh sáng”.

 

Sinh năm 1976, thời con gái của Lan lặng lẽ trôi đi trong căn phòng nhỏ, vật lộn với bệnh tật và lao vào học và dịch. Từ chỗ chỉ nhìn cuộc đời qua ô cửa sổ nhỏ bé, đến giờ, Lan đã có hàng chục, hàng trăm người bạn quốc tế thông qua Internet.

 

Lan chia sẻ: “Họ- những người bạn quốc tế cho tôi học được tinh thần chia sẻ hiểu biết, sự cởi mở và tình yêu văn chương, sự vươn lên, chiến thắng số phận”…

“Nghiền” xong chương trình tiếng Anh cho học sinh phổ thông, Lan lại một mình xoay xở với những chồng giáo trình ngoại ngữ dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh do một người quen mua trên Hà Nội gửi về. Với kế hoạch học tập chi tiết tự vạch ra suốt bốn năm, Lan đã hoàn thành chương trình tiếng Anh và các giáo trình bắt buộc khác đối với một sinh viên đại học ngoại ngữ. Kể từ đó cô mở lớp dạy ngoại ngữ cho trẻ trong làng, 3 năm có trên 200 học trò theo học. Đầu năm 2002, căn bệnh cũ tái phát, phải đi cấp cứu buộc Lan phải thôi ước mơ làm cô giáo. Nhiều học trò của Lan giờ đã trưởng thành, một số đã trở thành giáo viên ngoại ngữ như cô giáo mình ngày nào.

 

Không an phận, cuối năm 2002, Lan đã trở lại với đam mê văn chương qua việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài.

Những lần online, trao đổi trực tuyến với nhiều nhà văn nước ngoài, Lan đã tìm được sự đồng cảm của bạn bè. Đó chính là nguồn để Lan có được bản quyền của nhiều tác phẩm văn học nước ngoài. Bản dịch đầu tay là cuốn tiểu thuyết “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” của một tác giả người Australia. Dịch hơn 200 trang chỉ trong vòng 1 tháng đã hoàn thành. Đầu năm 2003, những cuốn sách đầu tiên đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành và bán hết...

 

                    

 

7 năm miệt mài dịch sách, đến bây giờ Lan đã có tới 14 đầu sách trong đó có 12 cuốn tiểu thuyết. Lan cũng là soạn giả của 2 cuốn sách được nhiều độc giả tìm đọc: Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới, Thần đồng thế kỷ 20. Ngoài ra, Lan còn là cộng tác viên cho một số tạp chí văn học. “Nguyễn Bích Lan là một dịch giả xuất sắc. Một cô bé tật nguyền với nỗ lực phi thường đã trở thành người am hiểu ngoại ngữ, văn hoá và có khả năng dịch được nhiều sách như vậy thật đáng khâm phục” - Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn - Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận xét.

 

Bích Lan chia sẻ: “Có những cụm từ dịch ra vẫn chưa thấy sát nghĩa, tôi phải hỏi nhiều người, mất đến gần một tháng mới quyết định chọn được từ dịch. Công việc dịch rất vất vả. Có khi bị “tắc” lại ở một tình huống, phải suy nghĩ nhiều ngày mới đi đến sự lựa chọn ưng ý. Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy khiến tôi thấy say mê công việc bởi vì cảm giác vượt qua được khó khăn luôn thúc đẩy tinh thần. Dịch mỗi cuốn tiểu thuyết,  tôi lại được sống với những nhân vật mới, không gian mới, những nét văn hóa mới. Những điều đó cũng làm nên niềm vui của công việc này. Càng làm càng mê, mỗi lần dịch xong được một đoạn, tôi lại cảm thấy thoải mái và thú vị. Tôi thấy thế giới rộng mở hơn trong những lần tâm tình cùng đồng nghiệp trên Internet”.

 

Nối vòng tay nhân ái...

 

2 năm trước, Nhà xuất bản Phụ nữ đã cho ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách văn học“Vũ điệu trái tim” (Dance with your heart) của tác giả Shirley Cheng, do dịch giả Nguyễn Thị Bích Lan dịch sang tiếng Việt. Nội dung bản dịch chưa nói đến nhưng câu chuyện về tác giả và dịch giả về nỗ lực vượt qua số phận bằng đam mê và trí tuệ để vươn tới thành công đã khiến không ít người cảm phục.

 

Những tác phẩm chính mà Bích Lan đã dịch, biên soạn được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành 5 năm qua: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh; Không có chỗ cho tình yêu; Hứa yêu; Lẻ loi; Từ sông Nile đến sông Jordan; Tro tàn Angela; Vũ điệu trái tim; Những người phụ nữ thay đổi thế giới; Thần đồng thế kỷ 20.

Tuy ở Việt Nam, Shirley Cheng chưa được biết đến nhiều, nhưng sự xuất hiện lần đầu tiên một cuốn sách của tác giả trẻ được coi là một trong những “thần đồng văn học Mỹ” đã gây được sự chú ý của nhiều bạn đọc. Họ là những người đã chung tay để đưa ấn phẩm này đến tay bạn đọc Việt Nam, đồng thời nêu một tấm gương sáng về sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để học tập và vươn tới sự thành công.

 

Sinh năm 1983 tại New York trong một gia đình người Mỹ gốc Hoa, cô bé Shirley đã không may bị mắc bệnh viêm khớp dạng tiến triển nặng. Vì vậy, ngay từ những năm tháng ấu thơ Shirley đã phải điều trị thường xuyên ở nhiều bệnh viện khác nhau và phụ thuộc vào chiếc xe đẩy. Lan tâm sự: “Khi nói chuyện với Shirley Cheng, tôi thật sự cảm phục trước tài năng và nghị lực của cô ấy. Đó là người bạn đã chia sẻ với tôi rất nhiều kinh nghiệm vượt khó trong cuộc sống”.

 

     

 

Và Shirley đã coi đề nghị của Lan về việc dịch cuốn “Vũ điệu trái tim” sang tiếng Việt như một “vinh dự” đối với mình, vì “không có ai phù hợp hơn thế” để làm việc đó! Có thể nói, Lan là người Việt Nam đầu tiên thực sự cảm nhận một cách đầy đủ những thông điệp mà Shirley muốn gửi gắm tới độc giả qua cuốn “Vũ điệu trái tim” và Shirley là người đã hiểu hơn ai hết điều này.

 

            Chia tay chúng tôi, Lan bộc bạch: “Ai cũng mơ ước có một mái ấm gia đình của riêng mình nhưng không phải ai cũng đạt được mơ ước ấy. Với tôi, quan trọng nhất là sống tốt nhất trong điều kiện của mình. Tôi được cả gia đình mình yêu thương và chăm sóc. Mỗi ngày với tôi thật quý giá. Hiện tôi đã tìm được một con đường cho mình và sẽ yên tâm đi trên con đường ấy. Chỉ mong giữ được sức khỏe như hiện tại để làm việc lâu dài và chia sẻ những niềm vui với người thân, bạn bè và động viên tinh thần những người khuyết tật đã và đang phải đối mặt với những khó khăn”.

 

Nguyễn Quang Thành

(Nguồn: giadinh.net.vn)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: