Thứ sáu, 29/03/2024,


Giáo sư sinh ra từ làng (24/01/2016) 

    Tôi biết Giáo sư- Tiến sĩ Trần Ngọc Vương từ thuở nhỏ. Tôi cùng anh lớn lên ở làng quê Minh Lệ và chơi thân với các bạn bè cùng trang lứa. Ngay hồi học cấp 1 anh đã là thần tượng của lũ trẻ chăn bò chúng tôi. Ngày ấy đội sản xuất phân công cho mỗi gia đình nuôi một con bò. Mỗi vụ gia đình nuôi bò được tính 100 công. Khi năm hết tết đến Ban quản trị hợp tác xã tổ chức đánh giá, xếp loại bình chọn trâu bò béo cho bà con xã viên.

 


GS.TS Trần Ngọc Vương trong dịp về thăm làng

 

   Hồi đó Trần Ngọc Vương có các bộ sách “Tam quốc diễn nghĩa” và “Đông Chu liệt quốc”. Với trí nhớ tuyệt vời, tài hùng biện, diễn thuyết của anh đã chinh phục lũ con nít chúng tôi ngay từ thuở thiếu thời. Mỗi buổi, đứa nào cũng phải nhổ một nắm cỏ cho bò anh ăn mới được nghe anh kể chuyện. Chúng tôi thường vào bìa làng ngồi dưới bóng cây nhìn ra cánh đồng và thay nhau đi đuổi bò không được để ăn lúa hợp tác xã. Có những người lớn hơn anh một vài tuổi cũng đi đuổi bò cho anh để được nghe đọc truyện Tam quốc.

 

   Nhà nghèo, quanh năm cả gia đình anh bám lấy hợp tác xã để làm công điểm nhưng không đủ ăn. Ngày ấy mỗi ngày công chỉ được vài lạng thóc nên chủ nhật anh thường theo cha vào rừng lấy củ nâu về bán. (Củ nâu dùng để nhuộm lưới và quần áo). Có khi mẹ anh vằm nhỏ củ nâu ra luộc lên đổ cho hết nước chát đi để ăn. Bụi nâu nào nằm giữa rừng xanh núi đỏ hàng chục năm sau ông cụ đều nhớ cả. Có khi ông đi xa hàng chục cây số, vào tận Cà Ròong, (Phong Nha Kẻ Bàng) để hái gánh về.

 

   Năm 1968, làng Minh Lệ trở thành cái túi lửa. Mỗi người dân quê tôi tay cày tay súng, ông Trần Quých bố anh Vương bị bom bi Mỹ giết chết giữa cánh đồng Lòi. Mẹ anh lại bị bệnh ốm liệt giường nên khó khăn càng chồng chất, đè nặng lên đôi vai của mấy chị em. Mùa mưa, ban đêm anh đi thả trúm mang lươn về cho mẹ nấu cháo. Không biết vì buồn hay vì sợ ma mà anh vừa đi vừa lẩm bẩm đọc truyện Kiều một mình. Anh thuộc làu truyện Kiều. Nghe anh đọc, chúng tôi biết chỗ anh thả trúm nhưng không ai nỡ lấy của anh.

 

   Nhà bữa rau bữa cháo mà cả năm chị em ai cũng học giỏi. (Cả năm chị em đều tốt nghiệp đại học sư phạm). Học đến cấp 3, tiếng tăm Trần Ngọc Vương đã nổi cả một vùng. Anh không những giỏi về các môn học xã hội mà còn rất giỏi toán. Rất nhiều bài toán anh có cách giải khác thông minh, ngắn gọn hơn thầy. Tốt nghiệp lớp 10, anh thi vào đại học Tổng hợp văn Hà Nội. Bài thi đại học của anh được chọn in vào tuyển tập những bài văn hay. Năm 1976, luận văn tốt nghiệp đại học: “Sự thống nhất giữa các mâu thuẫn trong tư tưởng sáng tác của Tản Đà” được in trong “Tuyển tập Văn học Việt Nam” và anh được giữ lại trường. Năm 1994, anh được sang Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ và đến năm 2013 anh được phong hàm Giáo sư. Anh có những công trình nghiên cứu sâu sắc và quy mô về Văn học Việt Nam trung cổ và cận đại cũng như văn hóa phương Đông. Những tác phẩm nổi tiếng của anh như: “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”; “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam”; “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lí luận và lịch sử; “Thực thể Việt nhìn từ tọa độ chữ”…vv. Anh còn có hơn bốn chục đầu sách chuyên khảo và sách tham khảo được các nhà xuất bản hàng đầu in và phát hành. Anh tham gia giảng dạy đại học và sau Đại học ở các nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Là trưởng đoàn của Việt Nam dự hội thảo về Trần Nhân Tông ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Hiện nay anh đang Chủ nhiệm bộ môn Văn học trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội. Anh có hàng trăm bài báo được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

 

   Sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh đã viết hàng loạt bài phản đối. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết (đăng ngày 19/6/2015) anh khẳng định từ lâu Trung Quốc đã có ý đồ bành trướng về mọi phía: “Lịch sử Trung Quốc là lịch sử của người Hán tộc tự bành trướng, tự trưởng thành, tự mở rộng và sau đó là hỗ trợ vào sự góp công góp sức vào, sự kết tủa lịch sử của các tộc người cao nguyên và thảo nguyên hoặc tộc người vùng sơn cước. Tóm lại là các tộc người lục địa, chứ không hề là các tộc người lên từ biển…”. Chính vì thế trong lịch sử chưa có một văn bản nào nói Hoàng Sa, Trường Sa từng là của Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Người đô thị (Số 14, đăng ngày 28 tháng 5 năm 2014) anh nói: “Tập Cận Bình đi xuống hạm đội Nam Hải và đứng trên hạm đội này công bố về khát vọng thực hiện giấc mộng Trung Hoa, cái khát vọng trở thành đế chế biển muộn màng từ kinh nghiệm cay đắng không theo được với các đế chế biển trước đây. Trung Quốc bây giờ cảm thấy mình đủ nội lực, cảm thấy mình cần phải trở thành như vậy: một đế chế biển. Thậm chí giờ tham vọng lớn hơn, đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ chẳng hạn. Rõ ràng cái cách đặt vấn đề vẫn là một thứ chủ nghĩa nước lớn, coi tất cả các nước khác chỉ là “gia vị” trên bàn đàm phán…”.

 

   Về thăm quê hương, anh thường tổ chức nhiều cuộc nói chuyện thời sự với bà con và lãnh đạo địa phương. Anh gợi ý nên trùng tu sửa chữa lại những công trình di sản, bảo tồn văn hóa làng xã. Chính nền văn hóa của cha ông là cái gốc lâu bền, phát huy được sức mạnh ngàn đời của dân tộc. Ta đánh thắng được giặc ngoại xâm chính là nhờ vào nền văn hiến bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

 

    Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có quyền bay ở bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) bất chấp kháng nghị của Việt Nam mà không cần thông báo trước cho phía Việt Nam. Họ đã thiết lập đường bay cố định vào lãnh hải Việt Nam. Đất nước ta cần có những “luật sư” tài giỏi, những nhà nghiên cứu uyên bác xuất sắc, những nhà văn hóa thông tuệ như Giáo sư- Tiến sĩ Trần Ngọc Vương trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Bài&ảnh: Hoàng Minh Đức

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: