Thứ năm, 02/01/2025,


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã quyết định sự thành công của việc truyền bá và phát triển Chữ quốc ngữ của Việt Nam qua phong trào “Bình dân học vụ" (15/01/2016) 


Trong 2 ngày 12 và 13/1/2016, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”; với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đến từ mọi miền đất nước…

Với tư cách là một người nhiều năm làm báo và xuất bản sách chuyên nghiệp, Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã trình bày một bài tham luận quan trọng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã quyết định thành công việc truyền bá và phát triển Chữ quốc ngữ của Việt Nam qua phong trào “Bình dân học vụ”.

Lục Bát Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận nêu trên...

 

 

         Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học "Bình Định với Chữ quốc ngữ".

Chúng ta đều biết đã có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 400 năm ở Việt Nam. Để CQN có được vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam như hiện nay, là nhờ rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quyết sách của người đứng đầu Chính quyền Nhà nước.

Trước hết, chúng tôi cho rằng khái niệm Chữ quốc ngữ (CQN) là cách gọi theo thói quen, cần phải được nhận thức lại cho rõ: Các nhà truyền giáo Phương Tây không sáng tạo ra CQN mà họ chỉ sáng tạo ra một loại “Chữ tiếng Việt được phiên âm bằng cách mẫu tự La tinh hóa”. Trải qua rất nhiều thăng trầm và phát triển của lịch sử, nay đã trở thành Quốc ngữ của Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra là vậy thời điểm nào loại chữ này chính thức được công nhận là Quốc ngữ?

Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy: Từ khi hình thành cho đến một thời gian dài hàng trăm năm sau đó, CQN chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo. (Tương tự như Hoa ngữ và Nhật ngữ đã được các Giáo sĩ La tinh hóa từ thế kỷ 16, trước cả Việt Nam, nhưng vẫn không thể trở thành “quốc ngữ” của các nước này). Cho tới khi người Pháp xâm lược Việt Nam, với quy định buộc phải sử dụng CQN trong công văn, từ đó loại hình chữ viết này mới được quan tâm. Tại Nam Kỳ, người ta bắt đầu đã bãi bỏ Hán học và mở trường dạy chữ Pháp và CQN. Từ năm 1882, nhà cầm quyền đã bắt buộc người dân phải dùng CQN trong mọi công văn giấy tờ hành chính.

Một số dấu mốc quan trọng, đáng ghi nhận trong lịch sử CQN:

1- Năm 1917, người đứng đầu triều Nguyễn là vua Khải Định ra lệnh tất cả các trường học bãi bỏ chữ Hán.

2- 15 năm sau đó, vào năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng CQN thay cho chữ Hán.

3- Năm 1938, Hội truyền bá CQN ra đời. Nhờ Hội này sự phổ biến CQN bắt đầu đến với quần chúng…

Ngược dòng lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đã có nhiều loại chữ viết từng được coi là Quốc ngữ một thời (chúng tôi xin nhấn mạnh chữ “từng được coi”). Đó là chữ Nôm và chữ Hán. Thậm chí, theo công trình nghiên cứu "Chữ Việt cổ" của Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã khẳng định: Trước khi người Hán xâm lược và đô hộ nước ta cả ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta đã có Chữ Việt cổ (còn gọi là chữ Khoa Đẩu) viết như hình con nòng nọc, vờn như ngọn lửa, phát triển rực rỡ thời Hùng Vương… (Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này khi điều kiện cho phép - ĐVH).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: Một thứ chữ chỉ thật sự trở thành Quốc ngữ, khi chúng thỏa mãn 2 điều kiện cần và đủ:

1- Được chính quyền Nhà nước công nhân và sử dụng trong các văn bản hành chính;

2- Được đại đa số quần chúng nhân dân sử dụng rộng rãi và thường xuyên như lời ăn tiếng nói hàng ngày;

Trong khi các số liệu thống kê về thời điểm đó, đều cho thấy một sự thật rõ ràng là: Dù đã cố gắng hết mức, nhưng sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, cho tới trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, vẫn có đến 95% dân số Việt Nam không biết chữ! Cụ thể là, cứ trong 100 người dân thì chỉ có 2 người lớn biết chữ và 3 trẻ em đang đi học. Dù các số liệu thống kê không cho biết cụ thể tỷ lệ 5% người dân Việt Nam biết chữ thời đó là chữ Nho, chữ Nôm, chữ Pháp hay CQN? Nhưng chắc chắn đó là những người thuộc nhà giàu, quan lại, công chức của chính quyền và con em họ. Còn lại 95% dân số mù chữ và không được đi học. Số người mù chữ này chủ yếu là người lao động chân tay, là công nhân, thợ thuyền, là nông dân ở các làng mạc, thôn xóm; đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và miền núi. Họ là những người “bình dân”, thành phần đông nhất trong xã hội lúc bấy giờ.

Nói cách khác, trước tháng 9 năm 1945, sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhưng CQN chưa thật sự trở thành quốc ngữ, mới chỉ là một tên gọi và bước đầu đã được sử dụng trong văn bản của Nhà nước, chứ chưa được thực tế đời sống nhân dân Việt Nam công nhận. Trong bối cảnh ấy, việc xóa mù chữ, và dạy loại chữ viết nào cho 95% dân số của quốc gia, hoàn toàn phụ thuộc vào Chính quyền Nhà nước và người đứng đầu của Chính phủ mới quyết định.

Sau ngày 2 tháng 9 tháng 1945, Chính phủ lâm thời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dù phải đối mặt với quá nhiều khó khăn: Hàng triệu người chết vì nghèo đói và giặc dã bủa vây tứ phía. Nghĩa là, người ta đang phải tìm mọi cách để tồn tại, vì sự sống chết và tính mạng của chính bản thân!

Chúng ta hãy tự đặt mình vào cương vị và trọng trách của Chủ tịch nước thời đó để suy nghĩ và hành xử xem phải làm gì? Việc gì cần làm trước và việc gì nên làm sau? Ai cũng cho rằng: Trước hết là lo cho dân không chết đói, sau nữa là đối phó với thù trong giặc ngoài…

Trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng khó khăn “nước sôi lửa bỏng” ấy, rõ ràng việc đánh giặc để cứu nhà, cứu nước phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng rất ít người nhận ra GIẶC ở đây không chỉ là những kẻ ngoại xâm mang súng đạn chết chóc đến, mà còn có hai thứ còn nguy hiểm hơn, đó là ĐÓI và DỐT.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ nòng cốt của Khóa học Hồ Chí Minh, khởi đầu cho phong trào Bình dân học vụ năm 1945. (Ảnh tư liệu).

Bởi thế, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt GIẶC DỐT, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai, chỉ sau GIẶC ĐÓI và trên cả GIẶC NGOẠI XÂM trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Đó là một quyết định sáng suốt, nhưng vô cùng khó khăn, bởi chưa có tiền lệ trên thế giới. Người nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu… Dốt là dại, dại thì hèn… cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới"!

Ngày 8 tháng 9 năm 1945, một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ban hành 03 Sắc lệnh vô cùng quan trọng về Giáo dục:

1- Sắc lệnh số 17: Thành lập Nha Bình dân học vụ trực thuộc Bộ Giáo dục với nhiệm vụ phụ trách việc chống nạn mù chữ;

2- Sắc lệnh số 19: Yêu cầu thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có lớp học ít nhất có 30 người theo học;

3- Sắc lệnh số 20: Cưỡng bức học CQN không mất tiền. Hạn 1 năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền.

 

​ Ngay sau khi thành lập, Nha BDHV đã liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các vùng miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "Khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội. Trực tiếp Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các Bộ, Ngành đã có mặt tham dự và chỉ đạo. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ trên cả nước.

Với trách nhiệm và uy tín của người đứng đầu quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước tích cực ủng hộ cho những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Người nói: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phong trào “Diệt giặc dốt” nhanh chóng được triển khai. Các lớp BDHV mở ra ở khắp mọi nơi với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân. Kế hoạch đặt ra là: Trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam phải biết CQN!

 Một đội ngũ đông đảo giáo viên và cán bộ BDHV tình nguyện tham gia phong trào. Họ công tác trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng và quyết tâm cao, họ đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hy sinh phấn đấu để mở mang tri thức cho đồng bào, xây dựng một nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc.

Hồ Chủ tịch đã đánh giá rất cao những cống hiến to lớn đó, Người viết thư cho anh chị em giáo viên bình dân học vụ: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. Tôi mong rằng, trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang: đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết.”.

Người nhấn mạnh: “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”. Bởi thế nên “Xóa nạn mù chữ là bước khởi đầu của sự nghiệp nâng cao dân trí, để giúp mỗi người dân không chỉ biết đọc, biết viết, tiến đến phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Thời đó, giáo viên BDHV thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em. Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Phong trào BDHV đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu. Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp. Học viên là những em bé, những cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú. Các đội Nhi đồng cứu vong khua trống ếch cổ động người dân đi học.

 

 

 Nhân dân tổ chức diễu hành trên đường phố Hà Nội, cổ vũ cho phong trào Bình dân học vụ năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là cánh cửa, tấm phản dựng lên, bức tường nhà, vách đá, lưng trâu; phấn là gạch non, đất sét, than củi, sắn khô; lá chuối, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác.

Nhằm khuyến khích việc học CQN, tại các nơi nhiều người qua lại, như các ngõ xóm, điếm canh, cổng đình, cổng làng, người ta treo nong, nia, mẹt, phên cốt, trên viết các chữ cái bằng vôi để ai đi qua cũng có dịp nhẩm, ôn các chữ đã học. Người dân đã tự nghĩ ra nhiều sáng kiến theo kiểu “ngăn sống cấm chợ” để kiểm tra việc học CQN của nhau: Tại một số chợ quê, người ta còn dựng “Cổng mù” để khuyến khích người biết đọc CQN. Nếu người nào đọc được chữ thì tự hào đi qua cổng chính, còn không đọc được thì phải đi qua “Cổng mù” cho người khác cười chê... Thậm chí, còn phân công nhau đứng ở đầu làng, bến đò, nơi đông người qua lại… dựng cổng gác và viết vài chữ, ai đọc được chữ thì mới cho đi qua.

Tháng 12 năm 1946, khi cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Theo chủ trương kháng chiến, BDHV cũng phải ấn định kế hoạch làm việc mới, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận. Những lớp học kháng chiến đã ra đời và hoạt động rất hiệu quả.

Tại các vùng còn bị địch tạm chiếm, các lớp học BDHV được tổ chức khác so với vùng tự do, thường là những lớp học tư gia, không có bàn ghế, bảng, phấn. Thầy trò ngồi xung quanh cái phản hay chiếu, mỗi người có một ống tre để đựng sách. Ở ngoài có tự vệ canh gác, hễ có báo động thì sách vở cuộn bỏ vào ống tre đem giấu ở ngoài bờ tre rồi thầy trò quay ra làm như trong một xưởng thủ công nghiệp nhỏ. Cứ như vậy, BDHV vẫn giữ được ở nhiều vùng bị địch tạm chiếm, mạnh nhất là Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…

 Trong suốt những năm kháng chiến, Hồ Chủ tịch luôn theo dõi tổng kết thành tích của công tác BDHV. Người quan tâm, tìm hiểu, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân, từ trẻ đến già trong việc học chữ. Chuyện kể rằng: Tháng 2 năm 1947, trong chuyến đi thị sát Thanh Hoá trở về qua đồn điền Chi Nê (Ninh Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm từng gia đình nông dân. Trong lúc hỏi chuyện, Người đặc biệt quan tâm đến việc học hành của các cháu nhỏ, Người vui vẻ khen ngợi những em nhỏ biết chữ, với những em còn chưa biết chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải học ngay và Người cho gọi một số thanh niên địa phương đến, trao trách nhiệm dạy học cho các em rồi hẹn khi nào Người quay lại thì ai nấy đều phải biết chữ. Khi biết các cụ phụ lão xã Nam Liên, huyện Nam Đàn - Nghệ Tĩnh đã có nhiều thành tích trong công tác diệt dốt, Hồ Chủ tịch đã gửi thư hoan nghênh các cụ kịp thời. Biết tin cụ Nguyễn Ban, năm đó 77 tuổi, xã An Tường, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã học xong chữ quốc ngữ, Người viết thư khen ngợi có đoạn: “Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng với bốn chữ “lão đương ích tráng”. Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Các anh chị em bình dân học vụ có thể tự hào rằng mình đã có công với dân tộc”.

Để động viên phong trào BDHV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên gửi thư khen các địa phương trong nước có thành tích tốt trong công tác bình dân học vụ. Trong những bức thư ấy, Người không quên nhắc nhở các giáo viên, cán bộ chớ nên tự mãn với kết quả đạt được mà phải luôn cố gắng hơn nữa, bởi vì công tác bình dân học vụ là một phong trào rộng rãi phức tạp mà lại phải tự lực cánh sinh là chính, học viên gồm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, khả năng tiếp thu cũng khác nhau nên đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, chịu khó, không được quan liêu mệnh lệnh. Người đề nghị khi đồng bào đã biết chữ thì phải có sách báo phù hợp với trình độ của đồng bào để họ xem, nếu không sẽ bị “mù lại”, cũng như phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của nhân dân

Tháng 7 năm 1948, tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về BDHV, nhờ sự hy sinh cố gắng của nam nữ giáo viên đã có kết quả rất tốt đẹp. Bây giờ số đồng bào đã biết đọc, biết viết thì chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông cho đồng bào”. Người cũng phân tích thêm rằng: Muốn giải thoát nạn mù chữ cho số đông nhân dân mà đại đa số là nông dân, thì phong trào BDHV phải đi sát quần chúng, cán bộ BDHV phải bàn bạc với quần chúng, áp dụng những phương pháp thích hợp với sinh hoạt của quần chúng, phải dựa vào quần chúng để đẩy phong trào lên

Kết quả là: Nhờ tất cả những biện pháp nêu trên, chỉ trong thời gian rất ngắn một năm, từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 8 năm 1946, trong hoàn cảnh cả nước phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và khẩn trương gấp rút chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống Pháp, phong trào BDHV đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học BDHV. Sau 3 năm, vào cuối năm 1948, đã có 6 triệu người Việt Nam biết chữ.

Đến năm 1955, khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại và cũng là 10 năm phong trào BDHV, ước tính đã có khoảng trên 10 triệu người Việt Nam thoát nạn mù chữ. Đây là những con số rất lớn và vô cùng ý nghĩa, vì dân số cả nước ta những năm 1945 - 1950 chỉ khoảng trên 20 triệu người. Trong khi phong trào BDHV lại chỉ diễn ra chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Còn ở miền Nam, ngay sau khi BDHV thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm, vì hoàn cảnh khó khăn nên phong trào BDHV ở đây không được duy trì đều đặn, mạnh mẽ như ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

 

 

Hình ảnh bà con nông dân tham gia một lớp học của phong trào Bình dân học vụ... (Ảnh tư liệu).

Nói tóm lại: BDHV và xoá mù chữ là một chủ trương sáng suốt mà Đảng và Hồ Chủ tịch đề ra ngay từ ngày đầu lập quốc. Nhưng quan trọng hơn, BDHV không chỉ xóa nạn mù chữ trong nhân dân, mà còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước độc lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào có thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà, cùng với nhiều yếu tố khác làm nên sức mạnh đưa dân tộc ta bước qua hai cuộc trường chinh kháng chiến".

BDHV đã để lại cho nền giáo dục nước nhà nhiều bài học quý báu. Phong trào phát triển rộng khắp, có sức sống lâu bền cả trong suốt thời kỳ kháng chiến vì được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". BDHV do Chính phủ lãnh đạo nhưng cách tổ chức và hoạt động của phải dựa vào sức của nhân dân để phát triển. Nếu dân không đồng lòng, thì có bao nhiêu tiền, bao nhiêu mệnh lệnh cũng không thực hiện được.

Trở lại với vấn đề truyền bá và phát triển CQN, sau 70 năm nhìn lại phong trào BDHV, chúng ta có thể khẳng định rằng: BDHV đã có ảnh hưởng cực kỳ to lớn và quan trọng tới CQN. Từ chỗ cả nước có tới 95% người mù chữ, thì giờ đây, có thể nói con số đó đã đổi ngược lại: Hơn 95% người dân biết chữ; trong đó, nhiều người có trình độ văn hóa cao và biết cả ngoại ngữ!

Bởi vậy, có thể coi giai đoạn 1945 – 1954 là thời kỳ “bùng nổ”, quyết định sự thành công của việc truyền bá và phát triển CQN của Việt Nam!

Đến đây, chúng ta hãy thử đặt một số giả thiết và tự trả lời:

1- Nếu cách đây hơn 70 năm không có phong trào BDHV? Thì chắc chắn những người lao động bình dân nghèo khổ ở Việt Nam, không thể có cơ hội “xóa mù” thuận tiện và nhanh chóng đến như vậy! Và CQN vẫn không được thực tế đời sống nhân dân thừa nhận!

2- Nếu người chỉ đạo ra những Sắc lệnh về BDHV năm 1945 không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn thời gian đó không ai có đủ uy tín cá nhân để vận động quần chúng hưởng ứng một cách sâu rộng, tự giác và trở thành phong trào trên cả nước hiệu quả như thế!

3- Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không chọn CQN cho BDHV mà chọn thứ chữ khác (điều này, một người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ có quyền và hoàn toàn có thể xảy ra!) thì CQN sẽ không được Chính quyền Cách mạng từ khi còn lâm thời (tháng 9 năm 1945) tới khi chính thức (tháng 1 năm 1946) thừa nhận là chính thống và không có cơ hội phát triển nhanh chóng đến người dân. Chắc chắn CQN cũng không có địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam và thế giới như hôm nay!

Bởi vậy, có thể nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lao vô cùng to lớn với CQN. Người không chỉ là “cha đẻ” ra phong trào BDHV, mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của việc truyền bá và phát triển CQN ở Việt Nam như hiện nay!

 

                            Hà Nội – Quy Nhơn, tháng 1 năm 2016

Đặng Vương Hưng
            
                          


Tài liệu tham khảo:

1- Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, phông Bộ Giáo dục;

2- Các trích dẫn (chữ ngả trong bài) được lấy từ “Hồ Chí Minh toàn tập”, do NXB CTQG ấn hành, năm 1995;

3- Một số bài viết của các nhà nghiên cứu đã công khai trên báo chí và mạng internet.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 0946068002 - 23/23 Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 15/01/2016 16:39:03)

Bài viết đáng ghi nhận. Bác Hồ và TW cho đướng lối chung, còn việc thực hiện phải có chỉ đạo giỏi. Xu hướng tất yếu chữ QN sẽ phổ cập, chỉ còn vấn đề nhanh chậm. Không có lí do gì ta trì hoãn áp dụng chữ QN. Các nhà thờ đang dùng nó để truyền đạo. nếu ta không chủ trương áp dụng QN thì trong cộng đồng Công giáo vẫn hình thành môi trường cho QN và nếu vẫn giữ chữ Nho, chữ Pháp làm chữ viết chính đi nữa thì QN trong nhà thờ sẽ vẫn đồng hành với thời đại mới. Khi đó CM sẽ thiệt hại hoặc gặp nhiều khó khăn thực hiện chính sách giáo dục và nâng cao dân trí.
Hiện nay tiếng Việt, chữ Việt đang có một phần sa sút, kém trong sáng hơn, dân ta viết sai chính tả không còn lạ gì nữa. Chưa có chủ trương nào phạt tiền [ như Bác yêu cầu phạt tiền vì khônghọc QN] vì viết sai chính tả trong văn bản lưu hành, văn bằng, bảng hiệu... Quĩ phát sẽ sung công cho công việc giữ gìn và nâng cao sự trongs náng của QN.

Các bài khác: