Thời gian gần đây, làng văn Việt Nam có nhiều những cuốn sách thu hút được chú ý của người đọc, sách hay vẫn lọt vào “đôi mắt xanh” của khán giả. Gạt sang một bên những cuốn sách có chất lượng, được xuất bản với số lượng bản in lớn, thì có một thực trạng đang nổi lên là việc được in sách không đồng nghĩa với chất lượng, tầm vóc của tác giả.
Trong thời đại công nghệ và kết nối mạng xã hội thì tin sách, dư luận sách đang đóng một vai trò rất quan trọng. Người ta có thể rỉ tai nhau về một cuốn sách hay, cùng háo hức gặp gỡ khích lệ một nhà văn với tập bản thảo có chất lượng nào đó sớm ra mắt. Bởi thế, chẳng cần đợi tới khi Tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến (Nxb Phụ nữ); Đàn bà đẹp của Đỗ Bích Thúy (Nxb Văn học); Miền hoang của Sương Nguyệt Minh (Nxb Trẻ)… ra mắt người đọc, ngay khi vừa được in xong, các tác phẩm này đã được đón nhận bằng sự ngưỡng vọng, trân trọng những đóng góp của nhà văn. Một lễ ra mắt long trọng cho những tác phẩm đó là phần thưởng xứng đáng, nói cách khác, đó là lễ mừng công cho một thành công trong nghệ thuật.
Thế nhưng có một nghịch lý là dường như, sự thành công của các cuốn sách (ở sự lao động nghệ thuật âm thầm của các nhà văn tài năng) lại không được nhiều tác giả có sáng tác nhàng nhàng chú ý tới. Thay vì học hỏi, coi đó là bài học cho mình, họ lại bắt chước, mượn danh những lễ ra mắt để đánh bóng cho tập sách của mình. Đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Họ được gì sau những sự kiện ấy? Những người tới tham dự vì hiếu kì hay nể nang? Đơn giản, đó có thể là sự nâng đỡ, thông qua những mối quan hệ phi học thuật, vì một chút lợi ích có đi có lại… Nhưng điều đáng nói ở đây chính là chất lượng tác phẩm thì lại luôn bị né tránh.
Với một người viết có tự trọng, tất cả mọi suy nghĩ, quan niệm, chính kiến đều gửi gắm vào trang viết. Sự đón nhận của người đọc dẫu âm thầm phía sau lưng họ hay tung hô bằng những bài viết, sự khen ngợi bằng những lời truyền khẩu sẽ là phần thưởng đáng giá nhất. Sống trong thời đại PR văn học được sùng bái, một bộ phận nhà văn mạnh dạn hơn trong cách tiếp cận người đọc, xu thế đó hẳn cũng không có gì lạ. Nhưng trong các cuộc ra mắt ấy thiếu đi những tiếng nói thẳng thắn, những quan điểm tiếp nhận nghiêm túc và đa chiều. Dường như, tồn tại một lối mòn trong suy nghĩ của chúng ta lễ ra mắt là những lời nói thuận chiều, bất luận nội dung tác phẩm.
Từ những buổi lễ ra mắt ấy mà những cuốn sách có chất lượng khiêm tốn đã tạo ra những hệ lụy khó tránh khỏi. Người viết bài này đã từng nhận được ba cái giấy mời đến dự ra mắt sách trong một ngày chủ nhật. Không chỉ có khán phòng, hội trường được trang hoàng lộng lẫy mà còn cả những bữa tiệc thịnh soạn. Thế rồi không thiếu những đại ngôn, tráng ngữ được sử dụng để nói về tác giả. Rồi báo chí, chuyện xét giải thưởng ở địa phương sẽ ứng xử thế nào với những trường hợp như thế? Với những bạn đọc không có chính kiến thì khi tiếp nhận tác phẩm, sự long trọng đó luôn đồng nghĩa với cái gọi là: tác phẩm có danh tiếng.
Với một cây bút có sự cầu thị, sau khi tác phẩm được công bố, điều mà anh ta mong mỏi nhất phải là những góc nhìn khác nhau, những gợi ý, phản biện về cách thể hiện của mình. Tác phẩm nghệ thuật không phải là một sản phẩm công nghệ với sự rạch ròi của ưu điểm, nhược điểm. Nhưng, người viết cũng cần được đánh giá đúng mức độ của những gì mình đề cập tới, sự rung cảm, đồng điệu từ những nhà phê bình và người đọc. Dường như, thói quen, lối nghĩ mòn của các buổi ra mắt sách chưa được cảnh tỉnh thực sự.
Thay vì chỉ nên áp dụng với những tác phẩm nổi tiếng, chúng ta nên có những cuộc trò chuyện, cùng ngồi lại với nhau về những gì một cuốn sách đã đạt tới, hướng đi tiếp theo của người viết. Phải chăng, có những hoạt động hữu ích như thế, hoạt động sáng tác văn học mới có thêm những sáng tác có chất lượng.
Sách luôn là món quà ý nghĩa với bạn đọc bởi chính những nhận thức mới mẻ của người viết. Nhưng rồi, chính người viết ra những trang sách ấy lại có được sự thức tỉnh mới từ những bạn đọc của mình. Bởi thế, chỉ khi nào, sự đón nhận ấy là tiếng lòng thành thật chúng ta mới mong có được những bước tiến mới của văn chương. Đọc, suy ngẫm và cảm nhận, thay vì phải khen, phải tung hô bằng những mĩ từ không thật lòng, cũng như “phải” nghe những lời “có cánh” giả dối dường như đang là vấn nạn của rất nhiều người trong số chúng ta.
Lâm Việt