Truyện ngắn của Nguyễn Chinh
Mặt trời vừa lên, ánh nắng len qua các nhánh lá chiếu xuống đường tạo thành những vệt sáng trải dài đẹp mắt. Minh Luân cỡi trên chiếc Honda, phía sau yên xe ràng chiếc thang xếp bằng nhôm và một thùng sơn cũ bên trong đựng cọ, con lăn cùng vài dụng cụ của thợ sơn. Gã vừa chạy xe rẽ vào con đường nhỏ rợp bóng cây vừa dáo dác tìm số nhà.
Ngôi biệt thự nằm ở ngã ba cuối con đường, bờ rào trồng một dãy dây leo bông màu hồng nhạt, đang nở rộ những chùm hoa xinh xắn vươn lên chào đón anh ban mai. Hoa Hồng Tường Vi.
Minh Luân nhìn số nhà lẩm bẩm: “Đúng nhà này rồi”. Gã dừng xe lại đậu sát cạnh bờ tường, bấm chuông.
Chưa thấy ai ra mở cửa, Minh Luân nhón chân nhìn qua hàng rào. Một khoảnh vườn nhỏ trước cửa nhà trồng cỏ và những bụi hoa nở vàng hai bên lối đi. Có tiếng phụ nữ vọng ra:
-Ai đó?
Nhìn thấy có người lấp ló ngoài hàng rào, phụ nữ ấy nói tiếp:
-Xin ông chờ một chút để tôi ra mở cửa!
Lát sau có tiếng khóa khua lách cách, cánh cửa sắt mở ra, một phụ nữ trạc lục tuần, dáng cao gầy, vẻ mặt phúc hậu. Bà nhìn chiếc xe chở thang và dụng cụ sơn rồi hỏi:
-Phải ông là thợ đến sơn nhà?
-Vâng! Có người giới thiệu tôi đến sơn lại tường và cửa nhà của bà!
-Dạ! Tôi có nhờ người bạn tìm giúp thợ sơn, mời ông vào.
Minh Luân dắt xe vào trong sân. Bà chủ nhà nhìn gã tỏ vẻ ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Ông này trông không giống thợ sơn chút nào cả! Tóc đuôi ngựa cột sau gáy, hàng râu mép lốm đốm bạc được tỉa đều trên môi, khuôn mặt tuy hơi ốm nhưng nhìn có vẻ nghệ sĩ”. Bà vội hỏi:
-Xin lỗi, ai giới thiệu ông đến ạ?
-Bà Hải Đường giới thiệu tôi đến.
Kiều Trang đã được nghe Hải Đường nói qua về gã thợ sơn này rồi, nên yên tâm không hỏi thêm nữa. Bà dẫn Minh Luân vào xem qua bên trong:
-Nhờ ông sơn lại tất cả tường và cửa của căn nhà. Giá cả thế nào ạ?
-Bà có cần cạo tường cũ ra và bả mastic lại không?
-Không cần đâu! Chỉ chà giấy nhám cho sạch rồi sơn mới lên thôi!
-Nếu vậy cũng đơn giản. Chỗ quen biết với bà Hải Đường, tôi tính theo ngày công, mỗi ngày bốn trăm ngàn, còn vật liệu mua tính riêng.
-Dạ được! Ông cứ làm. Hải Đường giới thiệu thì tôi tin tưởng rồi! Tôi muốn sơn cửa màu trắng mờ, còn tường màu cream như cũ. Khi nào ông bắt đầu làm, để tôi ứng trước ít tiền mua sơn nhé!
-Cảm ơn bà, xin bà tạm ứng năm triệu để tôi mua vật liệu. Khi nào cần thêm tôi sẽ nói sau! Chiều nay tôi đến làm. Bà cho tôi gởi thang và thùng dụng cụ này lại.
Minh Luân cầm tiền tạm ứng, cảm ơn rồi dắt xe ra cổng. Gã ngoái nhìn hàng rào hoa Hồng Tường Vi một lát rồi nổ máy chạy đi! Tường Vi đẹp kiêu sa, tuy mang họ của loài hoa Hồng vương giả, những lại lặng lẽ nép bên bờ rào, như một thôn nữ khiêm tốn tỏa sắc hương đồng nội. Kiều Trang nhìn theo chiếc xe từ từ chạy xa dần, bà đóng cánh cổng sắt lại đi vào nhà.
Đầu giờ chiều, Minh Luân chở mấy thùng sơn đến. Gã chỉ có một mình nhưng làm việc rất chu đáo, dọn dẹp đồ đạc trong phòng qua một góc rồi bắt đầu cạo tường cũ chà giấy nhám hai vách tường đã dọn trống. Sau khi sơn xong gã dời đồ đạc qua chỗ đã làm xong, tiếp tục cạo sơn hai vách còn lại. Bà chủ thỉnh thoảng ra ngồi xem gã làm việc, mỗi buổi làm bà đều pha sẵn cho gã ly café và bình trà đá. Minh Luân sơn rất khéo, không để sơn rớt xuống nền nhà nhiều, chỗ nào vừa rớt sơn xuống, gã liền dùng miếng vải lau sạch ngay!
Qua vài ngày làm việc, chủ và khách trò chuyện có vẻ thân thiện hơn lúc đầu, không còn e dè nữa! Minh Luân vừa làm việc vừa hút thuốc. Bỗng Kiều Trang bước vào, gã vội vàng dụi tắt điếu thuốc. Bà chủ thấy vậy nói:
-Không sao đâu! Ông cứ hút thuốc tự nhiên, thỉnh thoảng buồn buồn tôi cũng hút thuốc nên quen mùi khói rồi!
Nói rồi bà lấy trong túi áo ra một gói Craven A mời Minh Luân:
-Mời ông hút thuốc. Hồi xưa tôi thích hút thuốc Con Mèo gói nhỏ mười điếu không đầu lọc, nhưng bây giờ ít thấy bán nên dùng tạm loại này.
-Ồ! Đúng gu của tôi rồi! Hồi xưa tôi cũng thích hút thuốc lá Con Mèo không đầu lọc, nhưng có phần bọc ngoài màu vàng, tôi thường trở ngược và châm lửa hút từ phần đầu màu vàng ấy!
***
Sơn xong phòng khách và nhà bếp, hôm sau Kiều Trang chỉ cho gã sơn phòng đọc sách. Minh Luân nhìn thư phòng trầm trồ bắt chuyện:
-Ồ bà chủ có phòng đọc sách đẹp quá! Có cả tranh sơn dầu nữa! Bà có bức chân dung vẽ đẹp và giống bà lắm.
-Tranh này Hải Đường vẽ tặng tôi cách nay khoảng mười năm!
Bỗng chợt nhớ ra điều gì, Kiều Trang hỏi:
-À! Mà ông là bạn với Hải Đường ra sao?
-Tôi là bạn học cùng lớp với Hải Đường hồi nhỏ.
-Hóa ra ông cũng là họa sĩ à?
-Vâng! Chúng tôi học chung lớp ở trường mỹ thuật. Sau khi ra trường, Hải Đường tiếp tục nghề vẽ, còn tôi sau lần triển lãm tranh đầu tiên chung với các bạn học đồng khóa, tôi không bán được bức tranh nào, đem về tặng bạn bè hết. Sau này vì hoàn cảnh gia đình tôi đã chuyển sang làm nghề khác!
Kiều Trang ngạc nhiên:
-Nhưng sao ông lại chọn nghề thợ sơn?
Minh Luân nhúng cọ vào thùng sơn rồi đưa lên mỉm cười:
-Thì thợ sơn với họa sĩ cũng dùng cọ có khác gì nhau?
Kiều Trang định hỏi thêm nữa, nhưng nhìn ánh mắt gã đượm nét buồn giấu trong nụ cười miễn cưỡng, bà lặng lẽ lấy bao thuốc lá mời gã hút. Minh Luân rút ra một điếu, gã châm lửa rít một hơi dài, ngửa mặt nhả khói lên thành những vòng tròn bay bay theo gió ra ngoài cửa sổ…
Hôm sau, khi Minh Luân đến làm việc, hai người lại trò chuyện tiếp. Kiều Trang thích tranh nên cũng hiểu biết nhiều về hội họa, bà kể:
-Hồi nhỏ tôi rất thích vẽ, thường theo xem Hải Đường vẽ trong những buổi thực tập ngoài trời cùng bạn học.
-Ồ! Nếu hồi xưa bà có đi theo Hải Đường học vẽ ngoại cảnh, chắc bà đã gặp tôi rồi, nhưng lâu quá nên không nhớ ra!
-Có lẽ đã hơn bốn mươi năm nên tôi không nhớ rõ nữa, nhưng tôi có quen một người bạn trong lớp vẽ của Hải Đường, sau khi tốt nghiệp, người ấy đã tặng tôi một bức sơn dầu.
Nói đến đây, Kiều Trang bỗng dừng lại, gương mặt đăm chiêu, buồn bã như đang cố nhớ điều gì trong quá khứ. Ngập ngừng một lát, bà kể tiếp:
-Hôm người ấy hỏi địa chỉ để đem tranh đến tặng tôi, vừa đem tranh vào nhà xong, chúng tôi chưa kịp nói chuyện bỗng ba tôi đi làm về. Tôi vội giới thiệu với ba: “Thưa ba đây là bạn con”. Ba nhìn người ấy và bức tranh, bỗng cau mày bực bội: “Sao con lắm bạn thế?”. Tôi ngỡ ngàng chưa biết giải thích ra sao, ba tôi đã hậm hực đi lên lầu. Người ấy không nói gì chỉ chào tôi rồi vội vã bỏ về. Sau đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa!
Nghe Kiều Trang kể đến đây, gã thợ sơn lắp bắp:
-Có phải bà tên là Kiều Trang? Và bức tranh đó vẽ cảnh một con đường rực vàng màu nắng chiều?
-Vâng đúng rồi! Sao ông biết?
Kiều Trang nhìn trân trân gã thợ sơn! Gương mặt này bây giờ tuy trông nghệ sĩ nhưng rất khắc khổ, khác với Minh Luân ngày xưa rất nhiều, nên bà không thể nhận ra được! Ngày đó Minh Luân không để râu và có đôi mắt rất đẹp, giống mắt của tài tử Alain Delon, chàng diễn viên đẹp trai của nền điện ảnh Pháp.
-Ông là tác giả bức tranh ấy phải không? Là Minh Luân?
-Vâng! Tôi chính là Minh Luân.
Quá khứ hiện về trong ký ức hai người. Ngày ấy Kiều Trang là cô nữ sinh mười bảy, còn Minh Luân hai mươi. Kiều Trang sống với cha mẹ trong căn biệt thự tọa lạc ở gần khu trung tâm Saigon, có con đường trồng toàn cây cao su ở hai bên lề, tới mùa thay lá, trổ màu vàng rất đẹp. Đứng ở đầu ngã tư nhìn về phía cuối con đường, cả một thảm lá thu rơi đầy dưới đất, bên trên là hai hàng cây với những chiếc lá vàng đang lất phất bay theo gió. Phong cảnh tuyệt vời ngày xưa ấy chính là đề tài cho bức tranh “Chiều Nắng” của chàng sinh viên mỹ thuật đã vẽ và đem tặng cho cô bạn nhỏ xinh xắn Kiều Trang.
Hồi ức đã làm rơi lệ người đàn bà luống tuổi hôm nay, khi bỗng dưng gặp lại tác giả bức tranh xưa mà bà vẫn lưu giữ hơn bốn chục năm ròng! Ngày ấy Kiều Trang và Minh Luân chỉ mới quen nhau qua sự gặp gỡ với Hải Đường, vì thấy Kiều Trang thích bức tranh vẽ phong cảnh con đường nơi có ngôi biệt thự của gia đình, nên Minh Luân mới đem đến tặng bức tranh này. Với dự tính sẽ kết bạn thân thiết với nhau hơn, nhưng khi gặp thái độ của cha Kiều Trang tỏ vẻ không bằng lòng cho con gái quen với Minh Luân. Tự ái nổi lên, chàng trai trẻ đã bỏ đi, không bao giờ đến gặp Kiều Trang nữa.
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua với biết bao thay đổi. Giờ đây hai người bạn cũ gặp lại nhau. Kiều Trang mời Minh Luân lên lầu trên, mở cửa căn phòng ngủ của bà và chỉ tay lên bức vách ngay đầu giường:
-Bức tranh ngày xưa ông tặng tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm.
Minh Luân đứng yên lặng ngắm bức tranh. Họa phẩm này là một con đường trồng toàn cây cao su hai bên lề đang vào mùa thay lá. Màu nắng và màu của những chiếc lá úa đan xen nhau như gợi nhớ về mùa thu vàng trong tranh của họa sĩ thiên tài Levitan. Gã nhìn và tưởng tượng ra những kỷ niệm năm xưa, rực sáng rồi dần dần mờ tối đi như một buổi hoàng hôn vừa tắt nắng…
-Thế gia đình bà bây giờ ra sao?
-Cha mẹ và hai người chị của tôi định cư bên Pháp. Chỉ có mình tôi ở trong ngôi biệt thự này của ông bà để lại. Tôi sống một mình sau khi chia tay với chồng vì không hợp nhau, còn cuộc sống của ông bây giờ thế nào?
-Tôi không có gia đình! Nhưng hoàn cảnh của tôi thì khác, tôi là con một, phải lo chăm sóc cha mẹ già yếu. Cho đến ngày cha mẹ quy tiên thì tôi cũng thành ông lão quá tuổi hoa giáp rồi, vợ con chi nữa cho cực thân?
Minh Luân vừa nói vừa cười. Kiều Trang cũng cười theo:
-Gặp lại ông tôi vui lắm! Sau này thỉnh thoảng rảnh ông cứ đến đây uống café hút thuốc và trò chuyện với tôi nhé! À! Ông còn độc thân sao tôi lại gọi là ông?
-Bà cứ gọi tôi là anh cũng được!
-Dạ! Như ngày xưa anh nhỉ?
-Ừ! Như ngày xưa.
-Mời anh xuống nhà để em pha café mình vừa uống vừa trò chuyện.
-Cảm ơn em!
Cả hai xuống nhà dưới. Minh Luân ra phòng khách ngồi hút thuốc, nhìn vẩn vơ ra cửa sổ, ngắm những cây hoa trong vườn nhà.
Kiều Trang từ dưới bếp pha hai tách café bưng lên. Bà ngồi xuống ghế rút một điếu thuốc lá gắn lên môi, Minh Luân vừa bật lửa mồi thuốc cho Kiều Trang vừa hỏi:
-Sao em lại hút thuốc lá?
-Thiên hạ thường nói: “Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu!”. Em không biết uống bia rượu nên mượn thuốc lá để giải sầu. Vả lại trong nhà có mùi khói thuốc cũng tạo cho ta chút cảm giác ấm áp.
-Còn anh khi buồn vừa hút thuốc lá vừa nhậu! Người xưa có câu: “Nhất túy giải thiên sầu”. Để mai mốt anh sẽ tập cho em nhậu nhé!
Cả hai cùng bật cười lớn! Những tiếng cười sảng khoái đầu tiên phát ra trong căn biệt thự từ lâu đượm màu ảm đạm này! Hai người vui vẻ trò chuyện. Cùng kể cho nhau nghe những thăng trầm của cuộc đời…
Chiều tối, Minh Luân sơn xong căn phòng ngủ, gã chào bà chủ nhà rồi dắt xe ra về, lòng rộn lên một niềm vui khó tả!
***
Nhưng niềm vui ấy bùng lên không được bao lâu bỗng vụt tắt! Minh Luân chợt nghĩ lại thân phận mình, từ chàng họa sĩ đang tuổi thanh xuân đến gã thợ sơn già cô đơn, cuộc sống có khác gì nhau? Trong khi Kiều Trang là một tiểu thư khuê các đối với gã vẫn là hai thái cực. Mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhiều chênh lệch trong mặc cảm tự ti ấy, Minh Luân không dám kết bạn ngang hàng với Kiều Trang. Sự thực bây giờ Minh Luân đang là gã thợ sơn đi làm thuê cho bà chủ nhà giàu có!
Hôm sau, Minh Luân không đến sơn nhà cho Kiều Trang. Gã ra quán cóc đầu đường ngồi nhậu tới lúc say xỉn mới chịu về nhà. Liên tiếp mấy ngày, gã tiêu sạch số tiền còn dư do Kiều Trang tạm ứng để mua sơn.
Tỉnh cơn say, gã dắt xe ra đường chạy đến nhà Kiều Trang, nhưng không dám bấm chuông gọi. Gã chỉ dựng xe cạnh vách tường rào rồi ngồi bên lề đường, thong thả châm thuốc hút. Hết điếu này gã lại mồi tiếp điếu khác, hết thuốc, gã thẫn thờ nhìn hai đầu ngón tay ám vàng nhựa thuốc lá. Lát sau, gã đứng dậy lấy xe chạy về nhà.
Sáng hôm sau gã lại đến trước cổng nhà Kiều Trang, ngồi hút thuốc, xong lại đi về. Ngày nào cũng vậy, giống như chiếc máy hát bị nhảy dĩa, cứ lập đi lập lại điệp khúc của một bài tình ca dang dở!
Mỗi lần Minh Luân đến ngồi hút thuốc bên lề đường trước cửa nhà, Kiều Trang đều biết, nhưng bà không ra, chỉ đứng trong hàng rao nhìn gã cho đến khi gã bỏ về, bà lại thở dài đi vào nhà!
Rồi cả tuần lễ trôi qua không thấy gã đến, Kiều Trang gọi điện thoại cho Hải Đường kể rõ sự tình và nhờ bạn tìm gã hỏi thăm! Hải Đường gọi gã không bắt máy, tìm đến nhà trọ thì được biết gã đã trả nhà đi thuê chỗ ở khác rồi! Kiều Trang buồn lắm, bà tưởng có thể tìm chút niềm vui với người bạn năm xưa lâu ngày gặp lại. Căn nhà chỗ mới chỗ cũ vì sơn phết còn dở dang. Dở dang như cuộc đời người đàn bà dang dở…
Ba tháng sau, Minh Luân chợt xuất hiện, gã vẫn ngồi đúng chỗ cũ lấy gói Craven A ra châm một điếu. Hút hết gói thuốc, gã từ từ rút mẩu giấy bạc bên trong gói thuốc, lật mặt sau lên, lấy bút hí hoáy viết lên đó. Viết xong, gã lẩm nhẩm đọc, lát sau gã vò tờ giấy vứt xuống đất, bỏ về.
Minh Luân không hề biết, mọi cử chỉ của gã, Kiều Trang đứng trong sân nhìn ra thấy hết. Khi chiếc Honda rẽ khuất cuối ngã tư, Kiều Trang vội mở cửa đi ra, cúi nhặt mẩu giấy gã vừa vo viên vứt lại. Bà vào nhà mở ra xem, trên tờ giấy ghi bốn câu thơ:
Đôi lúc tưởng em là bao Craven A
Ta đốt đời vàng hai ngón tay tê
Hay em là chiếc gạt tàn thuốc lá?
Để ta gạt vào tất cả đam mê!
Kiều Trang đọc xong bật khóc nức nở: “Minh Luân ơi! Có lẽ nào cuối đời chúng ta lại gặp nhau trong tình cảnh éo le thế này?” Bà hối tiếc tại sao sau ba tháng chờ đợi, lúc gã đến ngồi hàng giờ hút thuốc, bà không mở cửa ra gặp gã? Bây giờ gã bỏ đi rồi! Bao giờ còn gặp lại?
Hôm sau, mặt trời vừa lên, Minh Luân xuất hiện. Gã dựng xe cạnh hàng rào, ngồi xuống lề đường lấy trong túi áo ra gói thuốc, rút một điếu gắn lên môi, tay kia cho vào túi quần tìm hộp quẹt. Tìm mãi không thấy hộp quẹt, gã cứ ngậm điếu thuốc lá, ngơ ngẩn nhìn ra đường, im lặng một lúc khá lâu…
Bỗng có bàn tay từ phía sau lưng đặt lên vai gã, một giọng nói thật trầm ấm, nhẹ như khói thuốc, nho nhỏ cất lên:
-Em có lửa đây! Anh còn thuốc cho xin một điếu?
N.C