Thứ bảy, 20/04/2024,


Một buổi lễ trang trọng, xúc động và tự hào (15/02/2009) 

 

Ngày Valentin năm nay tôi nhận được một món quà đặc biệt: Một người bạn mang tới nhà tôi hai giấy mời dự buổi lễ phát động “Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những Kỷ Vật Kháng Chiến”. Buổi lễ được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội; được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 suốt 2 tiếng đồng hồ.

 

    

 

Thời tiết rất đẹp, khi chúng tôi tới, cả Nhà Hát Lớn sáng rực đèn và lộng lẫy cờ hoa. Chúng tôi đã gặp ở đây hàng trăm vị tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp - những con người mà tên tuổi đã trở thành huyền thoại trong lịch sử của dân tộc ta: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Trần Văn Trà, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Đức Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội, bà Hà Thị Khiết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;  ông Trần Văn Phác, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa; Trung tướng Anh Hùng Không quân Trần Hanh; Anh hùng  Phi công Vũ trụ Phạm Tuân; Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng; Trung tướng Phùng Khắc Đăng; Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Phó đô đốc Hải quân Nguyễn Xuân Tình, Thiếu tướng Anh hùng Lê Mã Lương; GS. Đinh Xuân Lâm, nhà văn Chu Lai... và rất nhiều các tướng lĩnh quân đội, các cựu chiến binh, đại diện các Quân, Binh chủng của Quân đội, đại diện các tầng lớp nhân dân, các gia đình có công với cách mạng...

 

       

 

Tôi ngắm nhìn mái tóc bạc của các vị tướng già đã dạn dày chinh chiến, ngắm những tấm huân chương huy chương lấp lánh trên các bộ quân phục, lại nhìn sang những gương mặt non tơ của các người lính trẻ, lòng rộn lên bao cảm xúc. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta đã được viết nên và sẽ được gìn gữ bởi những con người này đây, những con người bình dị, khi đất nước lâm nguy họ đã đứng lên cầm súng, nối tiếp cha ông, đem máu xương bảo vệ đất nước mình.

Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua

 

Chiến tranh đã qua hơn ba mươi năm, bao người con ưu tú của dân tộc đã không thể trở về với cha mẹ, quê hương. Họ đã nằm lại đâu đó trên mảnh đất đau thương mà anh dũng này, nhiều người còn rất trẻ, chưa từng biết đến một nụ hôn. Di vật của các anh để lại cho cuộc đời là những thứ tưởng chừng như rất bình dị; một lá thư, một chiếc lược, một bức ảnh mờ nét thời gian, một tấm áo thấm đẫm mồ hôi của những ngày hành quân...; nhưng giá trị tinh thần của nó rất lớn. Sống trong hòa bình hôm nay, không ai được phép lãng quên quá khứ và truyền thống anh hùng của dân tộc. Mỗi kỷ vật kháng chiến đều là một câu chuyện xúc động, thiêng liêng, gắn liền với một sự kiện, nhân vật của lịch sử chống ngoại xâm. Giúp các kỷ vật xuất hiện và lên tiếng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Mỗi câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ với con cháu đều là món quà tặng vô giá cho mai sau, góp phần cho thế hệ trẻ sống tốt hơn, đẹp hơn.

 

    

 

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã đi nhiều nơi, gặp nhiều nhân chứng lịch sử, và đã nảy ra ý tưởng sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Tháng 11 năm 2004, khi anh chính thức nêu ý tưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Cho tới nay, trong tay anh đã có khoảng 30 cuốn nhật ký, khoảng 20 ngàn bức thư thời chiến. Những tư liệu này sẽ tiếp tục được chọn lọc, in trong bộ sách tư liệu chiến tranh nhiều tập, mà tập thứ nhất 'Những kỷ vật kháng chiến' hôm nay tôi đã được cầm trên tay. Trước đó, cuốn nhật ký 'Mãi mãi tuổi hai mươi' của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu, đã tạo nên sự kiện chấn động dư luận và sự xúc động sâu sắc với mọi tầng lớp nhân dân.
 

Buổi lễ diễn ra hết sức xúc động, trong tiếng quân nhạc hùng tráng, qua những điệu múa, lời ca của đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và qua màn ảnh nhỏ trên sân khấu, cuộc chiến tranh yêu nước của chúng ta được tái hiện, có mất mát, đau thương nhưng đẹp đẽ, hào hùng. Khi trên màn ảnh hiện lên cảnh thành cổ Quảng Trị, tiếng hò trên dòng sông Thạch Hãn vang lên:


Hò ơ......
Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Quanh tôi, có những tiếng nức nở cố nén. Ôi, chiến tranh! Bao nhiêu người đã mãi mãi tuổi hai mươi để cho đất nước của chúng ta “Giũ bùn đứng dậy sáng lòa', để cho tuổi hai mươi ngày hôm nay có ngày Lễ Tình Nhân trong hoa hồng và sô-cô-la.

 

Tan buổi lễ, tôi ra về mà lòng trào lên một niềm xúc cảm, một niềm biết ơn với các thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu cho đất nước và cho thế hệ hôm nay được hưởng những giờ phút yên bình, như ngày lễ Valentine của năm 2009 này.

 

Bài và ảnh: Thu Hằng

Điện thoại: 01663332171

Email: nguoibinhthuong1957@yahoo.com

 


    

Theo thông tin từ Ban Tổ chức: Thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn của Nhà nước, Quân đội trong các năm 2009-2010, nhằm tôn vinh những người Việt Nam kể cả những người nước ngoài, có những công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam, cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu 'Những kỷ vật kháng chiến' đã và đang được tiến hành bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, được vận động từ các doanh nghiệp và các nhà tài trơ trong và ngoài nước.

 

Các kỷ vật cần được sưu tầm cụ thể như sau:
       - Sổ tay ghi chép, văn bản viết tay của các vị lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ.
       - Thư từ được gửi từ chiến trường về hậu phương và ngược lại.
       - Nhật ký chiến trường và nhật ký hậu phương.
       - Tranh, ảnh, ký họa được sáng tác, chụp trong thời chiến tranh.
       - Di vật của các liệt sĩ, những người đã mất và của các cựu chiến binh.
       - Kỉ vật của những người tham gia kháng chiến bị địch bắt và tù đày.
       - Những vật dụng, đồ dùng cá nhân và những kỉ vật kháng chiến khác...

Những kỉ vật này, ngoài việc được giới thiệu trên báo chí và trên website Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến, được truy cập theo 2 địa chỉ:  www.suutamvagioithieu.vn, - www.kyvatkhangchien.vn, còn được Nhà xuất bản CAND tuyển chọn in thành bộ sách nhiều tập.
           Mọi liên hệ xin được thông tin tới các số máy thường trực của Ban Tổ chức cuộc vận động: 0913210678 - 0913210520.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: