Thứ năm, 28/03/2024,


Khát vọng sống để yêu (26/06/2008) 

Con gái của hai người lính

với Khát vọng sống để yêu 

 

Mới gặp thoáng qua, không ai nghĩ rằng cô gái xinh xắn, luôn hồn nhiên và yêu đời ấy lại đang mang trong mình nhiều thứ bệnh quái ác, khiến cô phải sống suốt đời với chiếc máy lọc máu nhân tạo và thường trú ở bệnh viện. Cô có tới hai người lính làm cha: Một người đã sinh ra cô, là liệt sĩ; còn một người là thương binh, đã nuôi dưỡng cô nên người và chăm sóc cô trong bệnh viện gần hai mươi năm nay... Ước mơ của cô thật giản dị: được sống để yêu như một người bình thường.

 

Con gái của hai người lính

Cô gái ấy có cái tên rất đẹp: Nguyễn Hồng Công. Quê Công ở Lạng Giang (Bắc Giang). Cô sinh ra mà không biết mặt cha. Ông là một người lính dũng cảm, đã hy sinh trong một cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, khi cô mới tròn ba tháng tuổi. Thiếu vắng trụ cột, nên gia đình cô rất khó khăn.

Rồi mẹ Công đi bước nữa. Người cha thứ hai của Công là ông Đinh Văn Kỳ, một cựu chiến binh đảo Cồn Cỏ, từng trực tiếp đánh hơn trăm trận với không quân Mỹ và cùng đơn vị bắn rơi hàng trăm máy bay giặc. Ông đã được đơn vị đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng ông Kỳ đã không may mắn, vì hồ sơ thất lạc, chuyện phong anh hùng không thành, rồi người vợ cũ lại mất sớm, để lại con trai nhỏ... Những mảnh đời cô quạnh, khát khao tình cảm đã gặp nhau, ông Kỳ đã trở thành người cha thực sự của cô bé Công từ đó.

Lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và người cha thứ hai, Công tựa như bông hoa xinh đẹp, rạng rỡ và được bạn bè phong làm “Hoa hậu xóm Núi”. Cô học khá giỏi, thông minh và nhanh nhẹn, ăn nói lại có duyên nên được mọi người rất quý mến. Mấy năm Phổ thông Trung học, cô đều được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn, đựơc tiếng là người có tài tổ chức phong trào. Công rất có năng khiếu học ngoại ngữ, nên mơ ước sau này sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch, hay một công việc gì đó để có cơ hội đi thật nhiều nơi quen biết thật nhiều người. Ai cũng nghĩ một tương lai sáng sủa đang đợi cô bé Công ở phía trước...

Nhưng tất cả đã phải gác lại, đảo lộn, khi các bác sĩ phát hiện ra Công bị suy thận giai đoạn cuối. Công tâm sự: Hồi đó cô chẳng thiết học hành, phấn đấu gì nữa, chỉ biết khóc hết nước mắt trong nỗi tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết cho thật nhanh.

Còn bây giờ, người ta vẫn nghe tiếng Công cười giòn tan, nhưng ánh mắt đượm vẻ ưu tư: “Nhiều lúc em cũng chán đời định bỏ bệnh viện để về. Nhưng như thế thì hèn quá, bởi cha thứ hai vẫn dạy em là: Con nhà lính thì dù thế nào cũng phải kiên cường mà sống!”.

 

 Cuộc chiến vô vọng với bệnh tật

  Mới đó, mà Công trở thành một trong những “công dân” của xóm chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai được hơn 10 năm rồi. Hơn 10 năm qua, mỗi tuần cô phải 3 lần đến bệnh viện lọc máu, mỗi lần kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Không chỉ có vậy, loại bệnh mà Công mắc phải được xem là “bệnh của nhà giầu” vì việc điều trị hết sức tốn kém.

Những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế được chạy thận miễn phí, còn người không có bảo hiểm phải trả 400.000 đồng cho mỗi lần lọc máu. Nhưng đó là chưa kể tiền thuốc, người nhiều tiền dùng thuốc tốt, người ít tiền chỉ dám dùng những loại thuốc cần thiết. Như Công còn may mắn vì có bảo hiểm y tế của con liệt sỹ, song vẫn phải mất tiền mua thuốc điều trị riêng, tằn tiện hết cỡ cũng mất trung bình mỗi ngày mỗi ngày 30.000 đồng tiền thuốc. Mỗi tháng cô phải trả 450.000 đồng cho một gian phòng cấp bốn ọp ẹp. Chưa kể những chi phí cho vô số nhu cầu sinh hoạt lặt vặt khác.

Kể với tôi những chuyện trên, Công cười buồn và mắt ngấn lệ:

- Em cũng muốn đỡ đần gia đình lắm chứ. Lúc đầu, em đã thử đi bán bánh mỳ để kiếm thêm tiền, nhưng vì thể trạng yếu, lại khó thở mỗi khi vào chỗ đông người, nên đành phải bỏ cuộc. Rồi có thời gian em nhận trông giúp người bệnh trong viện để có thêm thu nhập. Nhưng người bệnh thì còn đó, mà nhiều bận chính em lại lăn ra ngất xỉu, phải khênh đi cấp cứu...

 Là một cô gái hay cười tươi, xinh xắn lại có duyên, nên có nhiều chàng để mắt tới Công. Nhưng bệnh của cô tốt nhất là không nên nghĩ đến chuyện lập gia đình và có con. Công thổ lộ rằng có rất nhiều người muốn đến với cô. Nhưng cứ nghĩ đến khi họ biết rõ sự thật về bệnh tình của mình và kết cục sau đó cô thà cự tuyệt ngay từ đầu còn đỡ đau xót hơn. Tuy nhiên, có một chàng cảnh sát giao thông, sau một lần chặn xe máy phạt Công vì không có mũ bảo hiểm và đi quá tốc độ, đã 'phải lòng' cô. Dẫu biết mười mươi rằng Công bị bệnh, vẫn không chịu từ bỏ, dù cô liên tục đòi chia tay vì cảm thấy chuyện của họ sẽ chẳng đi đến đâu.

Công buồn rầu bảo:

- Đấy là em nói cứng thế thôi, chứ nếu chia tay với anh ấy thật em sẽ bị “sốc” mà ốm mất. Hiện nay anh vẫn giấu gia đình, nhưng trước sau gì họ cũng biết. Dù vẫn biết là sớm muộn thì anh ấy cũng phải đi lấy người con gái khác. Lắm lúc em chỉ mong được ghép thận xong, để hét lên một câu: 'Ta sống rồi!' Sau đó chết cũng không hối tiếc.

Cũng do hoàn cảnh đặc biệt mà Công đã bất ngờ xuất hiện trong một chương trình truyền hình, trở thành “nhân vật nổi tiếng” của “Xóm chạy thận”. Thật cảm động, khi lần lượt Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã đến tận bệnh viện thăm Công; rồi anh Đoàn Văn Thái, Bí thư Trung ương đoàn đã về tận quê để động viên cô...

Nhưng đó chỉ là những giây phút “thăng hoa” ngắn ngủi với Công. Cô tâm sự: “Chính nỗi đau và sự vô vọng kéo dài đã làm em chai sạn đi”. Cô hay ăn nói tưng tửng, bất cần đời, khiến cho người khác phát hoảng. Nhưng thực ra cô đang run rẩy, sợ hãi và hy vọng vào một phép lạ huyền nhiệm nào đó. Cô đang phải chiến đấu với chính bản thân mình, để đứng giữa đời và không ngừng nuôi hy vọng, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi.

Và điều này nữa: Dẫu biết rằng rất khó, thậm chí là không bao giờ có ngày đó trong đời, nhưng Công vẫn mơ đến một ngày cô được hạnh phúc bước lên xe hoa... vì thế, cô đã tự đi chụp rất nhiều ảnh cưới, với màu váy áo màu trắng trinh bạch. Hễ dành dụm được đồng nào, là cô lại háo hức tìm đến tiệm ảnh cưới... Rồi Công treo tất cả những bức ảnh ấy trên tường, để ở đầu giường và say mê ngắm chúng hàng giờ không chán.

Tôi gặp Công trong một chiều cuối đông lạnh tê tái, trong căn nhà trọ cấp 4 trống tuyềnh toàng. Nơi đó, chỉ có những tấm ảnh cưới không có thật, nhưng chúng lại đem đến hơi ấm, truyền cho cô sức mạnh, để tiếp tục sống và tiếp tục hy vọng về những điều tốt đẹp nhất có thật trên cuộc đời này.

 

Viết tự truyện không chỉ cho riêng mình

Thỉnh thoảng, Công vẫn nhắn tin cho tôi từ số máy di động 0986877937. Cô phàn nàn chuyện mỗi lần ở phòng trọ bị kẻ gian viếng thăm là 'một mất mười ngờ'; cô kể với tôi chuyện mình vừa phải cấp cứu súyt chết trong bệnh viện vì sự thiếu trách nhiệm và vô cảm của một y tá trực. Có lần cô còn thú nhận: 'Thực ra, bây giờ em mềm yếu và dễ rơi nước mắt lắm không như hồi xưa. Em đang ngồi trên xe búyt đông người và đang khóc đây này. Hình như anh ấy sắp rời bỏ em thật rồi. Chẳng biết rồi em sẽ sống ra sao?'...

 Một lần, bất ngờ Công nhắn tin cho tôi: “Liệu em có thể viết văn được không nhỉ?”. “Tại sao không! – Tôi nhắn lại cho cô - Em thử viết tự truyện đi. Hãy viết tất cả những chuyện buồn vui của em”.

Khoảng một tháng sau, tôi bất ngờ nhận được từ Công tập bản thảo viết tay, dày vài chục trang khổ giấy học trò. Cô đề nghị tôi đọc góp ý để sẽ viết tiếp. Tôi càng bất ngờ hơn khi đọc những dòng tự truyện của cô. Thì ra, ẩn giấu đằng sau những trang giấy học trò ấy, là cả một tâm hồn trong sáng, lãng mạn, với khát vọng mãnh liệt về cuộc sống và tình yêu.

Tôi nói với Công:

- Em là người có khả năng viết văn đó, không phải ai cũng có năng khiếu này đâu. Nhưng chừng này thì chưa đủ cho một cuốn sách. Hãy mạnh dạn viết tiếp đi.

Mấy tuần sau, Công đi xe ôm, chuyển đến văn phòng cho tôi một tập bản thảo nữa. Tôi mừng quá, xem ngay, nhưng hòan tòan thất vọng: Đó là một xếp giấy lộn xộn, bị gạch xóa, thêm bớt nhiều chỗ, không xếp đặt theo trình tự nào cả, nên không thể đọc được hết nội dung... Tôi buột miệng:

- Thế này mà cũng gọi là bản thảo tác phẩm ư? Đây là mớ giấy lộn chứ!

Công xịu mặt, rơm rớm nước mắt:

- Em đã cố hết sức rồi. Không ngờ viết lại khó đến vậy. Có lẽ, em không có khả năng đâu...

- Xin lỗi. Thực ra, ý của anh là em phải sắp xếp lại, đánh số trang và khâu chúng vào với nhau như cuốn sách ấy.

Rồi tôi lấy ra một trang viết của Công, khẳng định rằng văn cô viết như thế là hay, rằng cô viết rất có hồn. Thậm chí tôi còn đọc cho Công nghe một đoạn tự truyện của cô và khen rất được.

Mắt Công sáng lên:

- Thế thì em sẽ viết tiếp nhé?

- Phải viết chứ! Em nên nghĩ rằng không chỉ viết cho riêng mình, mà còn viết hộ cả cho những người bệnh cùng cảnh như em nữa. Nếu em cần giúp gì, mà anh có thể, thì cứ nói, đừng ngại.

Ngần ngừ một chút, rồi Công bảo:

- Em thiếu thốn nhiều lắm. Nhưng chẳng muốn làm phiền ai. Riêng chuyện viết lách này, giá như có một chiếc... máy tính cũ, để thay máy chữ thì hay quá.

Mấy hôm sau, nhờ một người bạn, tôi đã mượn được cho Công một chiếc máy tính cũ và mang đến phòng trọ. Khỏi phải nói, cô mừng rỡ đến mức nào. Chỉ biết rằng sau đó Công đã say sưa, hăm hở đến quên ăn, quên ngủ bên chiếc máy tính ấy...

Không ai có thể kể lại thật hơn, sinh động hơn về cuộc sống, nỗi buồn, niềm vui và mơ ước của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bằng chính những người trong cuộc như Công.

Khi tôi viết những dòng này, cũng là thời gian Nguyễn Hồng Công đang dành tâm huyết viết những trang cuối cùng cuốn tự truyện của cô, để Nhà xuất bản Công an Nhân dân kịp ấn hành trước tháng 7 năm 2007.

Liệu Nguyễn Hồng Công có trở thành một nhà văn đích thực hay không? Với cô, có lẽ điều ấy không quan trọng bằng việc đã chứng minh được rằng: mình vẫn đang sống và có ích cho cuộc đời này!

Có thể nói không quá rằng: cuốn sách mà bạn đọc đang có trên tay đã được viết ra từ vô vàn những nỗi buồn, sự đau đớn và cả sự tuyệt vọng của một cô gái trẻ. Đồng thời, nó cũng được viết ra từ niềm hy vọng mỏng manh về những điều tốt đẹp nhất trên đời; từ khát vọng về cuộc sống và tình yêu mà tạo hóa đã ban cho mọi người trên thế gian này.

Và như thế, không chỉ có những người đang buồn chán, thất vọng vì bệnh tật đọc cuốn sách này, để lấy lại niềm tin; không chỉ có thân nhân của những người bệnh nên đọc, để hiểu biết và cảm thông; mà tất cả những ai có tấm lòng đang sống trên cõi đời này đều nên đọc, để nhìn lại mình và hiểu thêm chính mình.

                                                              Hà Nội, tháng 5-2007

                                                               ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: