Thứ năm, 09/05/2024,


“Khoảng trống và vì sao” không chấp nhận lối mòn (20/12/2015) 
 
(Lời giới thiệu Tập thơ “Khoảng trống và vì sao” của
Đặng Cương Lăng, Nxb. Hội Nhà văn, 2015)
 
                                                                   Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
                                                                         Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 
 
GIỮA ĐẠI DƯƠNG
 
Và mưa cứ rơi
Và gió cứ thổi
Đảo Ngọc chiều nay
Những chờ cùng đợi.
 
Mênh mông… mênh mông
Chân trời góc bể
Một con thuyền nhỏ
Một cần câu nhỏ.
 
Anh giữa đại dương
Ngồi câu sóng gió…
 
            Tôi dẫn trọn vẹn bài thơ “Giữa đại dương” của nhà thơ Đặng Cương Lăng để mở đầu cho những suy nghĩ của tôi về thơ ông trong tập thơ “Khoảng trống và vì sao”. Tại sao tôi lại lấy bài thơ này làm đại diện cho tập “Khoảng trống và vì sao” thơ ông ? Bởi tôi nhận thấy: trong toàn bộ tập thơ “Khoảng trống và vì sao”, các bài thơ của ông thường được triển khai với một thi pháp thống nhất. Nếu phác thảo một cấu trúc chúng cho các bài thơ trong tập này thì ta có một sơ đồ như sau: Hiện thực (gồm thiên nhiên, con người, sự kiện) + cảm xúc + hình ảnh có tính biểu tượng + khái quát (triết lý) = bài thơ. Nói như vậy là tôi muốn gọi ra một “cơ chế” sáng tác chung, chứ trong mỗi bài thơ của mình, nhà thơ Đặng Cương Lăng đều cố gắng tìm ra một cách nói riêng cho nó.
 
            Ví dụ, bài thơ “Giữa đại dương” bao gồm thiên nhiên cụ thể ở đây là Đảo Ngọc với mưa gió, trời biển. Trong thiên nhiên ấy có con người với cảm xúc chờ đợi, với hình ảnh một con thuyền nhỏ, một cần câu nhỏ giữa biển trời mênh mông đầy tính biểu tượng và rồi đẩy đến khái quát: Anh giữa đại dương/ Ngồi câu sóng gió. Đây là một bài thơ mang lại cho tôi trọn vẹn cái không khí và không gian mà nhà thơ đã nhận thấy và lưu giữ lại. Và khi tôi đang ngồi trong căn phòng nhỏ của mình ở một đô thị ồn ào, tôi bỗng thấy cái không gian mênh mông trong bài thơ của thơ Đặng Cương Lăng ùa đến quanh tôi. Tôi thấy mưa gió, thấy cái cái mênh mông của biển cả, của đất trời và cái mênh mông củachính cuộc đời mà tôi đang ở trong đó như ngồi trên một chiếc thuyền mong manh đầy tiếng gọi và bất trắc. Ngẫm ra, cuộc đời này hầu hết cái mà ta “câu” được lại chính là sóng gió của nó. Hai câu thơ cuối của bài thơ là một trong những khái quát về kiếp người, trong đó có kiếp của một thi sỹ đích thực trước những vô tận của nghệ thuật.
 
            Bài thơ mà tôi chọn như một đại diện cho tập thơ này cũng cho thấy sự thay đổi quan trọng trong hành trình sáng tạo thơ ca của nhà thơ Đặng Cương Lăng mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã đề cập đến trong một bài viết của mình về thơ của nhà thơ Đặng Cương Lăng. Quả thực, mỗi tập thơ của nhà thơ Đặng Cương Lăng là một cuộc kiến tạo một con đường mới trong chặng đường dài sáng tác của ông. Nhà thơ Đặng Cương Lăng có tập “Vượt dốc” đã giành giải thưởng cao trong cuộc vân động viết về ngành giao thông vận tải. Nhưng tập thơ đó đã phá đi cái hạn hẹp của một đề tài. Ông luôn kiếm tìm những mới mẻ từ những điều thân thuộc và luôn kiếm tìm một thông điệp từ những điều bình thường. Con đường chúng ta nhìn thấy và đi trên nó ngày ngày đã hóa thành con đường của kiếp người đầy triết lý nhân sinh. Bởi thế mà Đặng Cương Lăng trở thành một nhà thơ. Và mỗi tập thơ của ông là một cuộc leo dốc thật khó khăn nhưng đầy cảm hứng và ý chí. Chính vậy mà mỗi tập thơ của ông cho thấy ông đã vượt qua một cái dốc dù cao hay thấp. Cuộc đời là trập trùng những cái dốc cho đến khi ta nằm xuống. Sáng tạo nghệ thuật cũng vậy. Bởi thế, sự thách thức đối với một nghệ sỹ là vô cùng lớn và không lúc nào kết thúc.
 
            Để có chạm được vào một vẻ đẹp, một giá trị của nghệ thuật hay của cuộc đời, người ta phải đi qua vô vàn phiền muộn, khổ đau, thất vọng, thách thức. Nhà thơ Đặng Cương Lăng viết: Để có một mùa em/ Qua triệu năm mưa nắng. Đấy là hai câu kết của bài thơ “Mùa em”. Trong tập thơ này, những cái kết của ông là những quyết định vô cùng quan trọng để xác lập toàn bộ bài thơ. Nó giống như chùm quả để người ta xem lại toàn bộ cái cây và thấy được ý nghĩa cùng giá trị của những thứ liên quan như cành cây, lá cây, rễ cây... như những đường dẫn đến với sự xuất hiện của chùm quả kia. Nó cũng giống như ngọn đèn trong ngôi nhà. Chỉ khi ngọn đèn đó bật sáng lên thì mọi đồ đạc trong ngôi nhà đó mới được soi tỏ. Lúc đó người ta mới nhìn lại đồ vật trong ngôi nhà và tìm ra những gì mà chúng chứa đựng. Và tôi nhận ra, nếu không có những cái kết như chiếc bóng đèn trong ngôi nhà hay chùm quả trong vòm cây như thế thì những câu thơ trước đó của bài thơ sẽ không dễ dàng ở lại trong người đọc được. Nhưng có lẽ đó là thủ pháp của nhà thơ Đặng Cương lăng. Và có lẽ nên gọi một cách đơn giản và chính xác hơn: đó là thơ Đặng Cương Lăng.
 
            Nhà thơ Đặng Cương Lăng đã không làm cho những câu thơ trước đó quá ồn ào để át đi cái “tiếng nổ” cuối cùng là những câu kết. Một không gian càng tĩnh lặng thì tiếng nổ phát ra càng lớn. Xin hãy đọc những câu thơ trong bài thơ “Bớt và thêm”. Những câu thơ trước hai câu kết là những câu thơ không có gì ấn tượng, đó chỉ là những câu thơ nói về một hiện tượng rất phổ biến của người Việt Nam hiện nay trong việc xây phần mộ cho người đã mất. Người ta đã phung phí tiền bạc để xây những ngôi mộ cầu kỳ, diêm dúa cho người đã chết. Mà nói đúng hơn là để cho chính những người đang sống khoe mẽ và cho lợi ích của họ. Trong khi đó, họ có thể bớt đi sự phung phí ấy giúp những người đang sống còn nghèo khó, đói rét trong chính gia đình, dòng họ, làng xóm, phố phường của họ. Những câu thơ nói về chuyện đó chỉ là những câu thơ mô tả một hiện thực không hơn không kém. Nhưng hai câu cuối đã làm nên tất cả: Bớt đi một viên gạch xây mồ/ Sẽ thêm nhiều ngôi nhà nương tựa.
 
            Đọc hai câu thơ này xong, thực sự tôi thấy lạnh người. Ý nghĩa về mặt xã hội không có gì đặc biệt, nhưng sự tương phản rất mới lạ và đặc biệt đã làm nên sức mạnh của hai câu thơ. Hai câu thơ này dựng lên một tương phản đặc biệt và đầy ám ảnh: Giữa ngôi mộ và ngôi nhà. Giữa cái chết và sự sống. Giữa Âm và Dương. Giữa một hành động mang tính tâm linh mơ hồ với một hành động mang tính nhân văn cụ thể. Nếu không có những cái kết như thế (những khái quát, những khám phá) thì nhà thơ sẽ bị những câu thơ mang tính mô tả hiện thực và cảm xúc triền miên dẫn đi và không có khả năng dừng lại. Mở đầu một bài thơ thường khó nhưng kết thúc hay khả năng dừng lại của bài thơ khó hơn cả trăm lần. Nếu người đọc chú ý sẽ nhận ra rằng: nhà thơ Đặng Cương Lăng luôn có khả năng kết thúc một bài thơ hay biết cách dừng lại. Hay nói một cách khác ông luôn khám phá ra một điều gì đó từ hiện thực, từ cảm xúc (những câu thơ trước đó).
 
 
 
Nhà thơ Đặng Cương Lăng cùng bạn bè trong buổi giới thiệu Trường ca Biển mặn, ngày 20/12/2015
 
 
 
            Trong bài “Lối mòn”, Nhà thơ Đặng Cương Lăng viết: Tình yêu không chấp nhận lối mòn. Và tôi đã dùng câu thơ Tình yêu không chấp nhận lối mòn làm tựa đề cho bài viết. Quả thực, không một ai có thể nói cho người khác một kinh nghiệm nào cụ thể để đi đến tình yêu. Nếu làm được vậy thì tình yêu sẽ không còn là tình yêu nữa khi nó đánh mất đi sự bí ẩn của nó. Nghệ thuật cũng vậy. Thơ ca càng đúng như vậy. Nhà thơ phải luôn luôn xóa đi cái nhìn của hôm qua trong bài thơ viết hôm nay. Nếu không, nhà thơ sẽ chìm dần váo chính cái mà nhà thơ đã dựng lên. Có một bài thơ mà tôi dừng lại rất lâu và suy ngẫm về nó – bài “Kẽ hở thời gian”. Xin hãy đọc những câu thơ trong bài thơ đó:
 
Mỗi bông hoa
Mỗi tán cây
Mỗi con chim
Chính là kẽ hở
Cho ta ngước nhìn lên…
 
            Đây thực sự là những câu thơ vô cùng bất ngờ đối với tôi. Bông hoa, tán cây, con chim là những đơn vị vật chất. Nó phải là một vật cản đối với những vật ở sau nó, trên nó hay dưới nó. Nghĩa là, nó luôn luôn như một tấm rèm, một bức tường làm khuất những gì nằm trên một góc nhìn với nó. Nhưng trong thơ của nhà thơ Đặng Cương Lăng, nó lại là những kẽ hở hay có thể nói cho dễ hiểu hơn và cũng dễ hình dung hơn là nó lại mở ra những ô cửa cho ta nhìn thấy những gì ở phía sau nó, phía dưới nó và phía trên nó. Phát hiện này thật không đùa. Những câu thơ thật phi lý. Vậy vì sao những thứ đó lại là “kẽ hở” cho chúng ta nhìn lên ??? Với tôi, bông hoa, tán cây, con chim…là những vẻ đẹp. Và khi nhìn vào một vẻ đẹp ta sẽ thấy một không gian vô tận do vẻ đẹp đó tạo ra. Bởi thế mà nó phá đi toàn bộ tính vật chất như một vật cản của nó mà mở ra một biên độ vô tận của trí tưởng tượng và cảm giác. Nhà thơ Đặng Cương Lăng quả thực đã phá đi một lối mòn trong cách nhìn một bông hoa, một tán cây, một con chim hay một thứ gì đó tương tự và mở ra một con đường mới hoàn toàn quyến rũ. Đấy mới chỉ là cách nhìn, cách lý giải ban đầu của tôi về những câu thơ phi lý của ông. Chắc chắn, những người khác khi đọc những câu thơ này sẽ có những cái nhìn đa dạng và phong phú khác.
 
            Một bài thơ khác mà tôi muốn dẫn ra đây như một ví dụ để chứng minh cho suy nghĩ của tôi về thơ của nhà thơ Đặng Cương Lăng. Bài thơ “Một mình
 
MỘT MÌNH
 
Càng đi/ Càng thấu/ Đất/ Trời/ Càng nghe rõ nhịp khóc cười/ Ngoài kia/ Niềm vui/ Cởi mở/ Sẻ chia/   Nỗi buồn gói lại/ Sớm khuya/ Một mình.
 
            Bài thơ này tôi chia thành hai phần. Phần một với những câu: Càng đi/ Càng thấu/ Đất/ Trời/ Càng nghe rõ nhịp khóc cười/ Ngoài kia/ Niềm vui /Cởi mở/ Sẻ chia. Ở phần một, bài thơ không có biến động gì. Nó giống như lời của những người có kinh nghiệm sống vẫn thường nói. Và nếu nói như thế và hơn thế với một bài thơ dài vài ki lô mét thì bài thơ cũng vẫn không tạo ra một sự kiện nào cả cho chính nó. Nhưng phần hai của bài thơ đã làm nên sự kiện của chính nó: Nỗi buồn gói lại/ Sớm khuya/ Một mình. Phần hai của bài thơ không còn nằm trong hành động của sự quan sát đời sống nữa mà nó đã dựng lên một không gian khác. Đó là một không gian chứa đựng một biến động của tâm hồn. Nó cho chúng ta nhìn thấy con người trong nỗi cô đơn và sự suy tưởng. Nó dựng lên chân dung con người với kiếp sống của mình trong đời sống thế gian. Những câu thơ phần hai của bài thơ không dùng đến một phép tu từ nào. Thơ Đặng Cương Lăng không thấy dấu vết của những dị biệt. Đã có một giai đoạn tôi thường sa vào tính dị biệt trong các sáng tác của mình. Nhưng ngay sau đó, tôi đã nhận ra sai lầm của mình và đã rời bỏ. Ví như câu thơ tôi viết: Những ngón tay không móng đang nhổ cỏ. Viết như vậy, quả thực chẳng mang lại một điều gì cả về nghệ thuật và nội dung. Và ở tập “Khoảng trống và vì sao”, nhà thơ Đặng Cương Lăng không sa vào con đường đó. Tất cả với ông thật giản dị. Không dùng chữ cô đơn mà thấy cô đơn. Không dùng chữ dày vò mà thấy dày vò. Không dùng chữ tâm hồn mà thấy một tâm hồn. Nhưng như vậy thì tôi lại muốn nói với nhà thơ Đặng Cương Lặng một điều mà tôi cảm thấy: đó là hình như ông cần phải lùa vào trong những câu thơ của ông một chút sương khói của trí tưởng tượng và sự đột biến của các hình ảnh để làm tăng lên đặc tính và đặc trưng của ngôn ngữ thi ca. Cũng như đôi lúc ông phải làm nhòa đi cái ranh giới giữa những câu nói thường nhật có tính thông tin và những câu nói thường nhật chứa đựng sự mơ hồ của trực giác.
 
            Còn những điều khác nữa mà chúng ta có thể nói đến trong tập thơ “Khoảng trống và vì sao”. Nhưng tôi chỉ chọn một điều để nói đến như tôi đã nói ở trên mà tôi cho đó là điều nổi trội nhất của thơ Đặng Cương Lăng. Và điều đó đã làm lên tập thơ “Khoảng trống và vì sao”.
 
                                                               Hà Đông, 23 tháng 10 năm 2015
                                                                                    N.Q.T
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: